Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12848/BTC-CST
V/v thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp.

Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2015

 

Kính gửi:

- Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục hải quan các địa phương.

Bộ Tài chính nhận được các công văn của một số cơ quan thuế, cơ quan hải quan, doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Tại khoản 1 Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; khoản 1 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế; và khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn, dịch vụ có quy định “máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CPkhoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC có quy định về máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như sau:

“Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gồm: máy cày; máy bừa; máy phay; máy rạch hàng; máy bạt gốc; thiết bị san phẳng đồng ruộng; máy gieo hạt; máy cấy; máy trồng mía; hệ thống máy sản xuất mạ thảm; máy xới, máy vun luống, máy vãi, rắc phân, bón phân; máy, bình phun thuốc bảo vệ thực vật; máy thu hoạch lúa, ngô, mía, cà phê, bông; máy thu hoạch củ, quả, rễ; máy đốn chè, máy hái chè; máy tuốt đập lúa; máy bóc bẹ tẽ hạt ngô; máy tẽ ngô; máy đập đậu tương; máy bóc vỏ lạc; xát vỏ cà phê; máy, thiết bị sơ chế cà phê, thóc ướt; máy sấy nông sản (lúa, ngô, cà phê, tiêu, điều...), thủy sản; máy thu gom, bốc mía, lúa, rơm rạ trên đồng; máy ấp, nở trứng gia cầm; máy thu hoạch cỏ, máy đóng kiện rơm, cỏ; máy vắt sữa và các loại máy chuyên dùng khác”.

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP có quy định: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các loại máy chuyên dùng khác dùng cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Khoản này”.

Ngày 27/4/2015 Bộ Tài chính đã có công văn số 5634/BTC-CST xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa được định danh cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CPkhoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC.

Sau khi nghiên cứu ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 4247/BNN-TC ngày 01/6/2015, qua rà soát hồ sơ các loại máy móc, thiết bị do cơ quan thuế, cơ quan hải quan, doanh nghiệp gửi đến, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm:

- Máy, thiết bị cung cấp thức ăn, nước uống, thu gom trứng, dọn vệ sinh; máy móc, thiết bị chăm sóc gia súc, gia cầm; máy móc, thiết bị phục vụ thụ tinh nhân tạo gia súc, gia cầm; máy phân tích chất lượng sữa; máy đóng gói nguyên liệu thức ăn thô xanh; máy móc, thiết bị xử lý chất thải chăn nuôi, cải tạo môi trường chăn nuôi.

- Máy quạt nước; máy sục khí; máy tự động cho cá, tôm ăn sử dụng trong nuôi trồng thủy sản;

- Máy gặt đập liên hợp;

- Dàn xới;

- Máy kéo cầm tay;

- Máy thu hoạch rau hoạt động bằng điện, máy phân loại hoa hoạt động bằng điện;

- Máy phân loại nhân hạt điều;

- Thiết bị sưởi ấm, làm mát cho gia súc, gia cầm;

- Máy móc, thiết bị sản xuất thức ăn chăn nuôi, silo chứa cám, hệ thống tải nguyên liệu và các phụ tùng thay thế là các máy, thiết bị (nghiền, trộn, máy ép viên, silo chứa, hệ thống băng tải) sử dụng chế biến thức ăn gia súc, gia cầm;

- Máy nông ngư cơ (đầu máy động cơ nổ) sử dụng trong sản xuất nông nghiệp như: làm động lực cho bơm nước, tưới, tiêu; phun thuốc bảo vệ thực vật;

- Máy vò chè;

- Máy xát trắng; máy bóc vỏ lúa; máy tách thóc; máy đánh bóng gạo; máy đánh bóng cà phê; sàng tạp chất gạo; cối trắng; sàng đá; trống tách hạt lép; máy tách trấu; phin lọc bụi; cân tự động; định lượng; trống phân hạt; sàng đảo; sàng cám; van xả kín; sàng trấu; trống trộn; lò đốt trấu; máy sấy tầng sôi; máy bóc vỏ mè; dây chuyền bóc vỏ lúa ra gạo; các thiết bị sử dụng cho hệ thống máy sấy, máy xay xát lúa, gạo;

- Khay gieo mạ;

2. Đối với linh kiện đồng bộ nhập khẩu để lắp ráp máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp:

Việc phân loại linh kiện nhập khẩu đồng bộ để lắp rắp máy, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được căn cứ vào Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 của Bộ Tài chính, Chú giải chi tiết HS, Chú giải bổ sung AHTN, các quy tắc phân loại hàng hóa và Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu.

Theo quy tắc 2a tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 của Bộ Tài chính thì: “Một mặt hàng được phân loại vào một nhóm hàng thì mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện cũng thuộc nhóm đó, nếu đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đó khi đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện. Cũng phân loại như vậy đối với hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện (hoặc được phân loại vào dạng hàng hóa đã hoàn chỉnh hay hoàn thiện theo nội dung Quy tắc này), nhưng chưa lắp ráp hoặc tháo rời”.

Căn cứ quy tắc nêu trên, trường hợp linh kiện nhập khẩu được xác định là linh kiện đồng bộ để lắp ráp máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và được áp cùng một mã HS với máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì linh kiện đồng bộ này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Ví dụ:

- Linh kiện đồng bộ nhập khẩu để lắp ráp máy gặt đập liên hợp có mã HS 84335100 gồm các bộ phận chính sau: khung gầm; động cơ; bộ phận truyền động; buồng đập lúa; bộ phận thu gom lúa; bộ phận điều khiển; guồng gặt lúa; bánh xích lăn bằng cao su; các nắp đậy thân máy, mái che, ghế điều khiển, hộp dụng cụ theo máy. Tất cả các linh kiện này được dùng để lắp ráp thành máy gặt đập liên hợp hoàn chỉnh để gặt lúa và đập lúa. Các linh kiện đồng bộ này được thiết kế riêng chỉ lắp ráp máy gặt đập liên hợp sử dụng trong nông nghiệp và không thể sử dụng cho mục đích khác, nên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

- Linh kiện đồng bộ nhập khẩu để lắp ráp máy xới có mã HS 84322900 gồm các bộ phận chính như sau: Trục quay dàn xới, tay nâng, thanh đỡ, nắp đậy trục quay, chốt gài, tấm che hai bên, giá đỡ, lưỡi xới đất. Tất cả các linh kiện này được dùng để lắp ráp thành dàn xới đất chỉ chuyên dùng cho nông nghiệp để làm đất và các linh kiện này được thiết kế riêng chỉ lắp ráp dàn xới và không thể sử dụng cho mục đích khác, nên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

- Đối với linh kiện, thiết bị nhập khẩu để lắp ráp bình phun thuốc trừ sâu (bao gồm thiết bị phun thuốc trừ sâu, củ hút, cần, bộ pittông, đầu bát sen, đầu ra thuốc sâu, tẩu, tay nắm, lá gió, tay đẩy, khóa, van khóa, quai đeo), nếu theo quy tắc 2a tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC không phải là linh kiện, thiết bị đồng bộ với bình phun thuốc trừ sâu nên không được áp mã HS giống với bình phun thuốc trừ sâu, thì linh kiện, thiết bị nhập khẩu này không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

3. Đối với các vướng mắc phát sinh khác về máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa được liệt kê trong danh mục máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đã được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC và điểm 1 công văn này, đề nghị gửi vướng mắc đến Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính để được hướng dẫn thực hiện.

Bộ Tài chính thông báo để cơ quan thuế, cơ quan hải quan, doanh nghiệp biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Bộ NN&PTNT;
- Công ty TNHH Kubota Việt Nam;
- Công ty TNHH Thương mại Đức Thịnh;
- Công ty TNHH Bùi Văn Ngọ;
- Công ty TNHH TM Quỳnh An;
- Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam;
- Công ty TNHH BMC;
- TCT; Vụ PC; TCHQ;
- Lưu: VT, Vụ CST(CST2).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 12848/BTC-CST năm 2015 về thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 12848/BTC-CST
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/09/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản