Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CTr-UBND

Tuyên Quang, ngày 15 tháng 02 năm 2023

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2023

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022

I. Kết quả đạt được

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh môi trường đầu tư có chuyển biến tích cực: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục tăng, năm 2021 tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 02 bậc so với năm 2020; Chỉ số hiệu quả hành chính công PAPI của tỉnh năm 2021 đạt 43,4 điểm xếp thứ 20/63 tỉnh thành phố. Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động. Tổ chức Chương trình “Cà phê doanh nhân” và Công bố chỉ số (DDCI) tỉnh Tuyên Quang năm 2021; Hội nghị Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tuyên Quang năm 2021 đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp và đề xuất giải pháp nâng cao Chỉ số (PCI) của tỉnh Tuyên Quang năm 2022. Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh cấp huyện và các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (DDCI) và công bố chỉ số (DDCI) năm 2022.

Năm 2022, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 2.741 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lên 391 dự án với tổng số vốn trên 54.560 tỷ đồng. Lũy kế 02 năm 2021 và năm 2022, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại tỉnh với số vốn đăng ký trên 30.600 tỷ đồng đạt trên 60% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều nhà đầu tư uy tín như Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Flamingo,… nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư triển khai dự án tại tỉnh như: Dự án Làng văn hóa du lịch tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; Dự án nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu tại khu công nghiệp Long Bình An; Dự án du lịch lâm viên hồ Hoa Lũng của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang; Nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Sân golf của Vingroup; Nhà máy may công nghệ cao Tuyên Quang LGG 3 tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên của Công ty cổ phần Tổng công ty may Tuyên Quang LGG,...

Hỗ trợ các công ty, tập đoàn tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh để triển khai thực hiện đầu tư như: Tập đoàn Sun Group; Công ty Chung Hank F&C; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát; Công ty Cổ phần hàng không Vietjet; Công ty KIDO Hàn Quốc; Công ty ATCREATION (Hàn Quốc); Công ty TNHH The Hyaku Jushi Bank của Nhật Bản; Tập đoàn EREX; Công ty JPE Engineering Corporation, Nhật Bản; Công ty TNHH Tập đoàn Á Châu ASIA GROUP;...

Kết nối, tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc cũng như đón tiếp đoàn công tác của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức1 gặp gỡ, làm việc với các cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Cung cấp thông tin, tài liệu của tỉnh gửi Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đoàn khách nước ngoài, đoàn khách quốc tế để quảng bá, giới thiệu về tỉnh. Tổ chức/tham gia2 giới thiệu, quảng bá sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Tham dự Hội nghị, Hội thảo của các Bộ, ban, ngành tổ chức3 nhằm giới thiệu, quảng bá thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xúc tiến hợp tác đầu tư từ các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện làm cơ sở để thu hút nhà đầu tư. Tiếp tục thực hiện Đề án thu hút đầu tư trên địa tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021, 2022, định hướng đến năm 2025 của tỉnh Tuyên Quang; Tổng hợp danh mục dự án mời gọi đầu tư và dự án trọng điểm mời gọi đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2021-2025; Biên soạn tài liệu, ấn phẩm, các clip giới thiệu về hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh bằng nhiều thứ tiếng như: Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc,... để phục vụ công tác đối ngoại và xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên Trang thông tin điện tử Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang (tiếng Anh, tiếng Việt) với 200 tin, bài với hơn 400.000 lượt truy cập (trong tổng số 1.933.050 lượt).

II. Hạn chế, khó khăn, vướng mắc

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ, hạ tầng thiết yếu gắn với khu, cụm công nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của tỉnh, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu huy động nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch chưa triển khai được theo kế hoạch; chưa thu hút được dự án FDI quy mô lớn, công nghệ hiện đại.

Danh mục thu hút, mời gọi đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu đầu vào cụ thể, chi tiết để cung cấp cho các nhà đầu tư có quan tâm.

III. Nguyên nhân

Do ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung dẫn đến tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, xung đột Nga - Ucraina tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến lạm phát, suy giảm thương mại, đầu tư; điều kiện kinh tế - xã hội, vị trí địa lý và nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn.

Hạ tầng giao thông của tỉnh còn chưa đồng bộ, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế bất cập....

Thiếu quỹ đất sạch đón nhà đầu tư, hầu hết các dự án phải chờ giải quyết giải phóng mặt bằng. Quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai. Vì vậy, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Phần thứ hai

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2023

I. Quan điểm, định hướng, mục tiêu

1. Quan điểm

Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản hướng dẫn của Trung ương, nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII để chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình.

Tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài theo hướng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, chọn lọc, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Quan điểm thu hút đầu tư trong thời gian tới như sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh; kịp thời giải quyết khó khăn đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án.

Hai là, tập trung thu hút mời gọi nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút dự án sản xuất kinh doanh; lựa chọn, thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh.

Ba là, quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên thu hút các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt, dự án thu gom xử lý nước thải, rác thải đô thị, rác thải trong khu công nghiệp; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích gắn phát triển chăn nuôi với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Bốn là, ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực có thế mạnh, lĩnh vực có nhiều dư địa để phát triển như: Sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ, thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.

Năm là, thu hút nhà đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm, phát triển các dịch vụ lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch sinh thái, khu du lịch quốc gia đặc biệt Tân Trào, khu du lịch sinh thái Na Hang, khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm…

2. Định hướng

Khai thác tiềm năng, nguồn lực; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt tập trung chỉ đạo xây dựng các hạ tầng quan trọng phục vụ thu hút đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, đô thị động lực, hạ tầng công nghệ thông tin, như: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hạ tầng Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa vào các lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo gắn với đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Tập trung vào các đối tác có năng lực tài chính lớn, có kinh nghiệm: Các tập đoàn, tổng công ty; các công ty có hệ thống kinh doanh trên cả nước; các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... Đối tác trọng tâm theo quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nhà đầu tư đến từ các nước có nền kinh tế phát triển, các nước sở hữu công nghệ thuộc nhóm G7 bao gồm: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh; các nước có nền kinh tế mới nổi như: Ấn Độ, Nga, Brazil,...

Xây dựng kế hoạch công tác xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực, tập trung vào những sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị hàng hóa có lợi thế, có tiềm năng đầu tư thành vùng hàng hóa tập trung của tỉnh như chuỗi giá trị cây công nghiệp cam, chè, mía, dược liệu, cây lâm nghiệp,… Các sản phẩm du lịch lịch sử sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, các dự án công nghiệp chế biến sâu, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật,...

Tăng cường tính liên kết, kết nối với các địa phương lân cận, đặc biệt với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và Vùng Đồng bằng sông Hồng để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đổi mới, sáng tạo, có tính lan tỏa và giá trị gia tăng lớn.

3. Mục tiêu thu hút vốn đầu tư

Để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh. Phấn đấu trong năm 2023, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2022.

II. Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023

1. Nghiên cứu tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành liên quan để kịp thời cập nhật các xu hướng đầu tư trên toàn thế giới, các định hướng của Trung ương; phối hợp với các đại diện xúc tiến đầu tư tại các nước để nắm bắt các định hướng chính sách của nước sở tại và các Tập đoàn lớn.

Nghiên cứu về tình hình dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI. Tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác đầu tư và ngoại giao kinh tế để tìm kiếm cơ hội hợp tác, quảng bá nhằm xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút mở rộng các nguồn vốn và quy mô dự án của nhà đầu tư.

Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư

Gắn kết hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch và các hoạt động đối ngoại của tỉnh, các chương trình văn hóa qua đó quảng bá hình ảnh tốt đẹp về đất và con người Tuyên Quang nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đảm bảo kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với xúc tiến thương mại và du lịch.

Tham dự các sự kiện hội nghị, hội thảo, hội chợ,… liên quan đến đầu tư trong nước và quốc tế hoặc tổ chức các chương trình kết nối đầu tư tại nước ngoài. Tiếp cận, làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để giới thiệu, quảng bá, kêu gọi xúc tiến đầu tư bằng hình thức làm việc trực tiếp, trực tuyến, gửi thư mời, tài liệu, quà tặng,…

Phối hợp xây dựng chuyên mục Xúc tiến đầu tư trên chương trình của các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương. Phối hợp với các cơ quan báo chí của các Bộ, ngành Trung ương làm phóng sự, các chuyên đề nhằm quảng bá hình ảnh, cơ chế chính sách và môi trường đầu tư tại tỉnh Tuyên Quang.

Cập nhật, cung cấp đầy đủ thông tin về đầu tư và chủ động giới thiệu tiềm năng, cơ hội, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của tỉnh trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Xúc tiến đầu tư (www.ipc.tuyenquang.gov.vn), Dulichtuyenquang.gov.vn; lehoithanhtuyen.com; santmdttuyenquang.gov.vn và trang thông tin điện tử của tỉnh (www.tuyenquang.gov.vn). Liên kết website xúc tiến đầu tư của tỉnh với Website của Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan.

Thông qua Đại sứ quán, Tham tán của Việt Nam ở nước ngoài để tuyên truyền quảng bá và kêu gọi đầu tư. Gửi tài liệu, ấn phẩm của tỉnh tới các hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư, các Hội chợ thương mại trong và ngoài nước. Trong đó, tập trung vào các đơn vị như: Đại sứ quán Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản; Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV); Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO); Tổng Hội thương gia Đài Loan tại Việt Nam; Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc; Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI); Tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA); Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham); Phòng Thương mại Mỹ (Amcham).

3. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư (Tập trung đề xuất chương trình XTĐT tại chỗ, nhất là hỗ trợ các dự án đầu tư)

Chú trọng thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; trọng tâm là tư vấn, đào tạo, kết nối doanh nghiệp, cung cấp thông tin, định hướng và hỗ trợ doanh nhân. Củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phát huy vai trò của hợp tác xã trong việc thực hiện các dịch vụ sản xuất, tiêu thụ nông lâm sản cho nông dân.

Thường xuyên có mối liên hệ với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế nhằm thu hút đầu tư vào địa phương và hỗ trợ các doanh nghiệp của địa phương tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài.

Thực hiện đổi mới các hình thức xúc tiến đầu tư, kết hợp xúc tiến đầu tư trực tuyến và xúc tiến đầu tư ngoại tuyến. Chú trọng xúc tiến đầu tư “tại chỗ” thông qua việc duy trì tổ chức đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ và nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.

4. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư

Phát triển dịch vụ công trực tuyến, nâng cấp hệ thống thông tin và số hóa các cơ sở dữ liệu về các quy hoạch; môi trường đầu tư, hạ tầng kỹ thuật; quy định pháp luật, chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp; thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, cơ sở dữ liệu chuyên sâu về các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Khả năng cung ứng lao động,... nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư, lập và triển khai dự án đầu tư. Đẩy mạnh số hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư bằng nhiều thứ tiếng. Đảm bảo hệ thống phòng họp trực tuyến đáp ứng yêu cầu kĩ thuật để phục vụ công tác trao đổi, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình thu hút đầu tư.

5. Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư

Tổng hợp, xây dựng, cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa thông tin của danh mục dự án đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu, lĩnh vực đầu tư của từng quốc gia hay đối tác đầu tư, bao gồm dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực: sản xuất nông, lâm nghiệp; Du lịch và các ngành dịch vụ; Công nghiệp; đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội.

Công khai danh mục dự án mời gọi đầu tư, các dự án đã được thực hiện, các dự án đã có chủ đầu tư, dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư,… trên trang thông tin điện tử Xúc tiến đầu tư của tỉnh.

6. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư

Tổng hợp, xây dựng và thường xuyên cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa thông tin của bộ tài liệu xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn từng thời điểm cũng như nhu cầu, lĩnh vực đầu tư của các đối tác ưu tiên thu hút đầu tư, bao gồm: Tờ gấp “Tuyên Quang - Tiềm năng và cơ hội đầu tư”, thông tin chi tiết về Danh mục các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư, các clip giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang theo chuyên đề, lĩnh vực, với các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về tua, tuyến, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch, cẩm nang du lịch; sách ảnh các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh;… Chuẩn bị quà tặng, đồ lưu niệm mang tính đặc trưng của tỉnh Tuyên Quang.

Cập nhật nội dung, nâng cao chất lượng hình ảnh, thông tin tờ gấp “Tuyên Quang - Tiềm năng và cơ hội đầu tư” song ngữ. Tập trung xây dựng các sản phẩm thông tin đối ngoại, xúc tiến đầu tư khác (đặc san, bản tin đối ngoại, bản tin xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, các tin bài, phóng sự, video clip) bằng nhiều ngôn ngữ (tiếng Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc,...) để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Tuyên Quang, tiềm năng kinh tế, cơ hội hợp tác, đầu tư của tỉnh.

Công bố công khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất dành cho nhà đầu tư phát triển; Tiếp tục tạo quỹ đất cho các dự án ưu tiên theo kế hoạch.

7. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về: Kỹ năng xúc tiến đầu tư, tư vấn đầu tư, quản trị Website, thuyết trình dự án, thiết kế tài liệu quảng bá xúc tiến đầu tư, hệ thống hóa, số hóa các thông tin phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư.

Tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư tích cực và tăng cường tham gia giao ban, các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ do các Bộ, ngành liên quan tổ chức để đồng thời tăng cường hợp tác, mở rộng kết nối.

8. Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư

Tập trung thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Học tập kinh nghiệm của các địa phương có hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, thành công. Phối hợp với các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc triển khai các chương trình hợp tác, hội chợ thương mại, du lịch để tạo liên kết vùng, ngành, lĩnh vực. Tổ chức các Hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu quảng bá, kêu gọi xúc tiến các dự án đầu tư vào tỉnh.

Triển khai thực hiện hiệu quả hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang và thành phố trong cả nước, như: thành phố Hà Nội, tỉnh An Giang, tỉnh Vĩnh Phúc,…

Phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Bắc Trung Bộ như: Saigontourist, Vietravel, Vietrantour, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội... để xây dựng các chương trình du lịch tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan các di tích lịch sử, công trình văn hóa, lễ hội tâm linh; tuyên truyền, quảng bá du lịch qua bản đồ du lịch liên vùng Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của du lịch Tuyên Quang, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.

Tiếp tục kết nối để thiết lập quan hệ hợp tác với tỉnh Oita (Nhật Bản); duy trì các hoạt động giao lưu, hợp tác với đối tác truyền thống (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào; thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) trên các lĩnh vực mà hai bên đang triển khai hiệu quả, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như du lịch cộng đồng, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục đào tạo; ... tích cực tìm hiểu, kết nối mở rộng quan hệ hợp tác với địa phương các nước trong khối ASEAN, một số nước Châu Âu,...

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trung tâm Xúc tiến đầu tư

Chủ trì tổng hợp, xây dựng dự án mời gọi đầu tư theo thứ tự ưu tiên của tỉnh và tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2023.

Phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu, xây dựng kế hoạch tham dự các Hội nghị, hội thảo trực tuyến về xúc tiến đầu tư, liên hệ mật thiết với Bộ Ngoại giao, các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam để giới thiệu, quảng bá, vận động, xúc tiến đầu tư.

Đầu mối, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác xúc tiến đầu tư. Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023. Tổng hợp, đề xuất để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Tham mưu, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công theo quy định, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư.

3. Sở Ngoại vụ

Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và các cơ quan đơn vị liên quan tham mưu tổ chức và tham gia các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư tại nước ngoài gắn với các hoạt động ngoại giao kinh tế.

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh mời, đón tiếp và cho phép các cơ quan, tổ chức, địa phương, nhà đầu tư nước ngoài vào khảo sát, thăm, làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu cơ hội hợp tác, mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

4. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư theo đúng phân cấp về quản lý ngân sách và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

5. Công an tỉnh

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh trong việc thẩm định chặt chẽ, đánh giá khách quan, toàn diện những vấn đề, tác động liên quan để tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt, cấp phép hoặc không cấp phép các dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, khảo sát, thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh Tuyên Quang.

6. Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, nước ngoài. Chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp tỉnh, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

7. Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh

Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và các cơ quan liên quan: Xây dựng dự án mời gọi đầu tư của các khu du lịch vào danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh; xây dựng các dự án phát triển du lịch; xây dựng các tua, tuyến du lịch của các khu, điểm du lịch của tỉnh.

8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang

Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên các phương tiện thông tin truyền thông để thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, thực hiện đầu tư vào tỉnh.

9. Các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động của từng ngành chủ động xây dựng, đề xuất các dự án mời gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh.

Phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện đầu tư dự án và thu hút lao động cho các doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan trong Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023.

Phụ lục gửi kèm: Biểu tổng hợp dự kiến Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023.

 


Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND huyện, thành phố;
- CVP và các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Tuấn

 



1 Gồm: Chương trình làm việc với Lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh; Bộ Ngoại giao; Đoàn trưởng các đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; Làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ Việt Nam tại một số nước Châu Âu nhiệm kỳ 2020-2023; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại An; Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn du lịch Việt Nam; Công ty Cổ phần tập đoàn Hòa Phát. Làm việc với Liên Chi hội doanh nhân Quốc tế và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông sản, hoa quả xuất khẩu; Báo Diễn đàn doanh nghiệp để quảng bá môi trường đầu tư tại tỉnh; Làm việc với Ban Đối ngoại và kiều bào - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội ẩm thực Nhật - Việt.

2 Tham gia gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại: Không gian Văn hóa “Chợ phiên” Việt Bắc trong khuôn khổ tuần văn hóa du lịch Việt Bắc tại Hà Nội; Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại; Tổ chức Chương trình khảo sát và tọa đàm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2022, Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2022 và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất năm 2022 tại Tuyên Quang; Hội chợ Thương mại - Du lịch Ninh Bình năm 2022; Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022.

3 Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh tham gia Đoàn công tác của Chủ tịch nước thăm chính thức Liên Bang Nga, Liên Bang Thụy Sỹ; Làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc; Tham dự “Hội thảo kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản”. Chuẩn bị nội dung, tài liệu phục vụ Đoàn công tác của tỉnh tham dự “Hội thảo đầu tư Kanagawa” tại Hà Nội; Chương trình triển lãm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương tại Chương trình SEARP của OECD năm 2022 tại Hà Nội.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình 03/CTr-UBND xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang năm 2023

  • Số hiệu: 03/CTr-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/02/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản