Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-HĐBT

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HẠ SĨ QUAN VÀ BINH SĨ XUẤT NGŨ

Năm 1981, thi hành Chỉ thị số 113-TTg ngày 14 tháng 5 năm 1981 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách đối với quân nhân đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ trở về, các ngành, các địa phương đã chấp hành các chính sách đối với quân nhân được xuất ngũ tốt hơn các năm trước.

Năm 1982, thi hành quyết nghị của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá 7, kỳ họp thứ 2 về việc cho những hạ sĩ quan và binh sĩ nhập ngũ trước tháng 12 năm 1981, được lần lượt xuất ngũ từ nay đến hết năm 1984 theo thứ tự thời gian nhập ngũ nên số lượng xuất ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ sẽ càng lớn, Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị các ngành, các địa phương phải bảo đảm thực hiện tốt những mặt công tác dưới đây.

I. BỘ QUỐC PHÒNG CHỈ ĐẠO CÁC CẤP TRONG QUÂN ĐỘI:

1. Làm tốt công tác chính trị, công tác tư tưởng để mọi quân nhân xuất ngũ nhận thức được trách nhiệm của mình là xuất ngũ để tiếp tục phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam và sẵn sàng trở lại quân đội thường trực khi có lệnh động viên của Nhà nước, khi về địa phương, về cơ sở cũ phát huy dược tác dụng tích cực trong mọi nhiệm vụ.

2. Công bố công khai và giải quyết thoả đáng các quyền lợi cho mọi quân nhân xuất ngũ.

3. Hướng dẫn và giải quyết đầy đủ, đúng thủ tục về hồ sơ, giấy tờ cho từng người.

4. Thông báo thời gian xuất ngũ cho địa phương, đơn vị cơ sở và bản thân quân nhân được xuất ngũ biết trước một tháng.

5. Hiệp đồng chặt chẽ với các ngành, các địa phương để các ngành, các địa phương có kế hoạch đón tiếp và giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ.

II. UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP, CÁC ĐOÀN THỂ, THỦ TRƯỞNG CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP CÓ QUÂN NHÂN ĐƯỢC XUẤT NGŨ CÓ TRÁCH NHIỆM:

1. Tổ chức đón tiếp chu đáo những quân nhân được xuất ngũ trở về địa phương, đơn vị.

2. Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có con em là quân nhân xuất ngũ, đặc biệt có kế hoạch giúp đỡ những gia đình neo đơn hoặc có khó khăn về đời sống.

3. Tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ nhanh chóng ổn định đời sống nhất là ở các thành phố, thị xã như đăng ký hộ khẩu, tem phiếu lương thực, thực phẩm, công việc làm...

4. Những nơi có chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, lấy người đi học, đi lao động ở các nước xã hội chủ nghĩa phải ưu tiên tuyển chọn quân nhân đã được xuất ngũ.

5. Tổ chức cho quân nhân xuất ngũ đăng ký vào ngạch dự bị đầy đủ và kịp thời theo thời hạn quy định của Luật nghĩa vụ quân sự.

III. BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP, TỔNG CỤC DẠY NGHỀ, BỘ LAO ĐỘNG, UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC CÓ TRÁCH NHIỆM:

1. Khi xem xét công tác tuyển sinh vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, các trường công nhân kỹ thuật, khi phân bố chỉ tiêu đi học công nhân kỹ thuật và lao động ở các nước xã hội chủ nghĩa, cần có ưu tiên thích đáng đối với quân nhân xuất ngũ.

2. Tiếp nhận và quyết định kịp thời việc học tập cho những quân nhân xuất ngũ mà trước đây đã trúng tuyển vào các trường hoặc là học sinh đang học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề.

IV. BAN TỔ CHỨC CỦA CHÍNH PHỦ CÓ TRÁCH NHIỆM:

Chỉ đạo các ngành, các cơ quan, cơ sở sắp xếp bố trí công tác cho những quân nhân xuất ngũ mà trước đây là học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp của các trường chuyên nghiệp, là cán bộ, công nhân, nhân viên của các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở của Nhà nước.

V. BỘ NỘI THƯƠNG, BỘ LƯỢNG THỰC, BỘ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM VÀ CÁC NGÀNH CÓ LIÊN QUAN Ở trung ương và địa phương, cố gắng bảo đảm các yêu cầu của quân đội về việc giải quyết quyền lợi cho quân nhân xuất ngũ.

VI. BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Chỉ đạo tổng cục đường sắt, các sở, ty giao thông vận tải có kế hoạch bảo đảm vận chuyển quân nhân xuất ngũ đi trên các tuyến đường theo đề nghị của bộ quốc phòng và ưu tiên bán vé xe, vé tàu cho quân nhân xuất ngũ khi đi lẻ trở về địa phương về cơ sở cũ.

Năm 1982 là năm đầu tiên thi hành Luật nghĩa vụ quân sự mới cho nên việc bảo đảm thi hành chính sách đối với quân nhân hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ trở về có ý nghĩa chính trị rộng rãi trong nhân dân. Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, các ngành, các đoàn thể, các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau có kế hoạch triển khai cụ thể đến cơ sở, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện và báo cáo bằng văn bản về Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 33-HĐBT năm 1982 thực hiện chính sách đối với hạ sĩ quan và binh sĩ xuất ngũ do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 33-HĐBT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/03/1982
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: 15/03/1982
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 17/03/1982
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản