Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2004/CT-UB

Mỹ Tho, ngày 28 tháng 12 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Trong thời gian qua, với những nỗ lực của các cấp, các ngành cùng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể công tác phòng chống mại dâm bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng; nhiều tụ điểm hoạt động mại dâm được khám phá, ý thức về công tác phòng chống mại dâm trong cán bộ, công chức và nhân dân được nâng lên; phong trào phát hiện, lên án, tố giác các tệ nạn xã hội đã được đông đảo quần chúng ở khu dân cư tham gia hưởng ứng...

Tuy nhiên, công tác phòng chống mại dâm còn có những mặt hạn chế, trước hết là do một số cơ quan chức năng, các cấp chính quyền buông lỏng trong quản lý, thiếu sự chỉ đạo, kiểm tra và xử lý kiên quyết, kịp thời đối với các hành vi vi phạm nên có lúc, có nơi tệ nạn mại dâm còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự quyết tâm cao của các ngành, các cấp và toàn xã hội để tham gia phòng chống có hiệu quả hơn.

Thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và tăng cường công tác phòng chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

1- Tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ, công chức và nhân dân thông suốt Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến công tác phòng, chống mại dâm. Qua đó, làm cho mọi người thấy rõ tác hại của tệ nạn mại dâm không những chỉ ảnh hưởng đến truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, trật tự an toàn xã hội, sức khoẻ của nhân dân mà còn là con đường dẫn đến các căn bệnh xã hội, đặc biệt là đại dịch HIV/AIDS và các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia phòng, chống mại dâm của mọi cá nhân, gia đình; động viên, khuyến khích việc phát hiện, tố giác, đấu tranh với tệ nạn mại dâm. Các ngành chức năng kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

2- Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, biên soạn nội dung tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ và nhân dân về phòng, chống tệ nạn mại dâm, phòng ngừa lây, nhiễm HIV/AIDS. về hình thức, cần tập trung tuyên truyền lưu động, nói chuyện chuyên đề, in ấn phát hành tài liệu cho các cơ quan, đơn vị và các cụm dân cư, dựng pa nô, treo băng rôn, áp phích ở các khu vực công cộng. Báo Áp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình và các Đài truyền thanh trong tỉnh phải dành chương mục để đăng bài, phát thanh hàng tuần với các thể loại đa dạng, tuyên truyền tác hại của việc lây nhiễm HIV/AIDS thông qua con đường mại dâm. Phổ biến gương người tốt, việc tốt về phòng, chống mại dâm để khuyến khích mọi người tham gia ngăn ngừa các tệ nạn này.

3- Công an tỉnh, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Thương mại - Du lịch tăng cường công tác kiểm tra, quản lý địa bàn, đối tượng, tổ chức khám phá tụ điểm hoạt động mại dâm; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh ăn uống, giải khát, khách sạn, nhà trọ, nhà cho thuê, karaoke ... nghiêm chỉnh chấp hành Nghị định 87/CP, 88/CP, 31/CP của Chính phủ về bài trừ các tệ nạn xã hội nghiêm trọng và đặc biệt là Nghị định số 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều cùa Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm.

Có kế hoạch khảo sát và đề xuất qui hoạch, sắp xếp lại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nói trên phù hợp với nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, lập lại trật tự, nề nếp không để phát triển tràn lan.

3.1- Đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm, khi kiểm tra phát hiện vi phạm thì bị xử lý theo các mức được quy định tại Nghị định số 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ, nếu các tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn còn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý bằng các hình thức cao hơn.

3.2- Công an tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nắm tình hình, thống kê danh sách, phân loại đối tượng chủ chứa, môi giới, gái mại dâm đề xuất kế hoạch truy quét, thu gom, xử lý.

3.3- Công an tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng Tiền Giang và chỉ đạo Công an các huyện, thành, thị sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh mạnh mẽ xử lý kiên quyết đối với người chủ chứa và môi giới, dụ dỗ phụ nữ vào con đường mại dâm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân tổ chức xét xử lưu động các tội phạm có hành vi xâm phạm tình dục, tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, nhằm răn đe tội phạm và phòng ngừa giáo dục chung.

3.4- Đối với các đơn vị, cán bộ và công chức do thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong thực thi nhiệm vụ, dung túng hoặc bao che cho hoạt động mại dâm đều bị xử lý nghiêm khắc tùy theo mức độ vi phạm; đối với đối tượng mua dâm là cán bộ, công chức nhà nước và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ngoài hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền còn bị kiểm điểm, thi hành kỷ luật theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức và Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ.

4- Ngành Lao động - Thương binh và Xà hội nhận hồ sơ và người bán dâm đưa vào Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tổ chức giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề. Phối hợp với chính quyền, đoàn thể ở cơ sở giúp đỡ tạo việc làm hoặc vay vốn để sản xuất, kinh doanh đối với đối tượng đủ điều kiện tái hoà nhập cộng đồng, có hoàn cảnh thật sự khó khăn, nhằm giúp họ có điều kiện sinh sống, hạn chế tái phạm và nhất là tránh trường hợp phân biệt đối xử.

5- Sở Y tế chỉ đạo lực lượng y tế tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hàng quý cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Hướng dẫn, chỉ đạo việc chữa trị cho người bán dâm trong cơ sở chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

6- Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hướng dẫn và thực hiện việc giáo dục phòng, chống mại dâm trong hệ thống nhà trường phù hợp với trình độ học sinh, sinh viên từng cấp học. Giáo dục lối sống văn hóa lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên.

7- Sở Tài chính hướng dẫn việc sử dụng và đảm bảo cấp kinh phí theo yêu cầu cho công tác phòng chống mại dâm.

8- Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Công an cấp huyện và cấp xã có kế hoạch và biện pháp cụ thể hướng dẫn tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản... thông qua các cuộc họp tổ sinh hoạt các nội dung tuyên truyền, phổ biến tác hại của tệ nạn mại dâm và tình hình trong khu vực mình để nhân dân tích cực tham gia đấu tranh và tố giác với các cấp chính quyền, góp phần ngăn chặn đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

8.1- Tăng cường các hoạt động quản lý, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, coi nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống mại dâm là một trong những nhiệm vụ thường xuyên cần quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò của chính quyền xã, phường, thị trấn và quần chúng nhân dân trong việc theo dồi, phát hiện, tố giác các tệ nạn xã hội và chịu trách nhiệm trước cơ quan Nhà nước cấp trên về những hoạt động và tệ nạn mại dâm xảy ra trên địa bàn mình phụ trách.

8.2- Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm ở các cấp để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tổ chức đẩy mạnh xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy coi đây là tiêu chí xét thi đua khen thưởng hàng năm.

8.3- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp.

9- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể và các tổ chức xã hội có biện pháp tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên về hậu quả tác hại của tệ nạn mại dâm để mọi người nhận thức rõ, nhất thiết phải loại trừ các tệ nạn nầy ra khỏi đời sống xã hội. Vận động toàn dân, nhất là niên nam, nữ xây dựng lối sống lành mạnh, văn hoá, sống thủy chung, một vợ một chồng, giữ gìn truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tích cực lên án, tố giác, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả và đẩy lùi tệ nạn mại dâm. Vận động giúp đỡ người lỡ lầm hoà nhập cộng đồng. Phát động phong trào xây dựng xã, phường lánh mạnh không tệ nạn mại dâm, ma túy gắn với cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”

10. Uỷ ban nhân dân tỉnh giao thường trực Ban chi đạo phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm của tỉnh có kế hoạch hướng dẫn chỉ thị nầy và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về ủy ban nhân dân tỉnh.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 16/CT.UB ngày 16/8/1993 của Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ
- Bộ LĐTBXH, Bộ Tư pháp
- Bộ CA, Bộ VHTT
- TTTU,TTHĐND tỉnh
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh
- UBND các H,TP,TX
- Lưu: văn thư.
QD.UB

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Chí

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 28/2004/CT-UB về tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 28/2004/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/12/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Nguyễn Hữu Chí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản