Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2008/CT-UBND

Vũng Tàu, ngày 23 tháng 6 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Nhằm tổng kết đánh giá 05 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (2003 – 2008) và tăng cường hơn nữa công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, nhất là các hoạt động điều tra triệt phá các tụ điểm, đường dây mại dâm, xoá bỏ tình trạng mại dâm ở các khu vực công cộng, ngăn chặn tiến tới xoá bỏ tệ nạn mại dâm, góp phần củng cố chuẩn mực xã hội và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội các địa phương về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm. Phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm theo Kế hoạch phòng, chống tệ nạn mại dâm số 20/KHPCMD-BCĐ ngày 31 tháng 3 năm 2008 và Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2006 – 2010 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 406/2006/QĐ-UBND ngày 08 tháng 02 năm 2006.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể chức năng thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (2003 - 2008) tại các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở xây dựng chương trình phòng, chống mại dâm trong những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp lực lượng Công an các cấp tổ chức triệt phá các tụ điểm, đường dây hoạt động mại dâm; kiên quyết đấu tranh không để xẩy ra tình trạng gái đứng đường làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh đô thị và xử lí nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực lao động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng lao động nữ.

- Định kì hàng quý, năm tổng hợp kết quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm của toàn tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và đề xuất các hướng giải quyết đối với tình hình mại dâm trên địa bàn.

2. Công an tỉnh:

- Chủ động có kế hoạch đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm. Tập trung lực lượng xoá bỏ các tụ điểm mại dâm, giải quyết dứt điểm tình hình tệ nạn mại dâm ở các khu vực giáp ranh và các khu vực công cộng.

- Tăng cường công tác quản lí địa bàn, quản lí các đối tượng tạm trú, tạm vắng đặc biệt là các lao động nữ. Đối với các chủ cơ sở kinh doanh phải có biện pháp quản lí, kiểm tra chặt chẽ hình thức hoạt động kinh doanh, phát hiện và xử lí nghiêm các chủ cơ sở cố tình vi phạm và tái phạm theo Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm.

- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức điều tra, thống kê tình hình số lao động nữ, các cơ sở có nghi vấn hoạt động mại dâm; Thực hiện công tác quản lí giữ vững địa bàn và phối hợp quản lí giáo dục người mại dâm hoàn lương tại xã, phường, thị trấn.

- Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ truy tố các đối tượng phạm tội mại dâm. Đối với các vi phạm được xử lý theo Pháp lệnh Xử lí vi phạm hành chính thì thông báo cho các cơ quan hữu quan, Ủy ban nhân dân phường (xã, thị trấn) nơi đối tượng cư trú biết để cùng phối hợp trong công tác theo dõi quản lí.

3. Sở Văn hoá - Thể thao – Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông:

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biên soạn các tài liệu tuyên truyền, xây dựng các chương trình thông tin lưu động; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, truyền thông về chủ trương, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống mại dâm bằng các hình thức đa dạng, sinh động trong các tầng lớp nhân dân.

- Củng cố tổ chức hoạt động của các Đội kiểm tra liên ngành 814 các cấp; xây dựng quy chế phối hợp với các ngành liên quan như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Công thương, Công an tỉnh trong việc quản lí kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá.

- Kiên quyết áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hành nghề, xử phạt nghiêm các cơ sở hoạt động văn hoá vi phạm tệ nạn mại dâm hoặc kinh doanh có biểu hiện tiêu cực xâm hại bản sắc văn hoá, thuần phong mỹ tục, vi phạm Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 và Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ, nghiêm túc thực hiện Công văn số 1354/VHTT-PC ngày 20 tháng 4 năm 2005 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) về việc tăng cường chỉ đạo đấu tranh loại bỏ các tiêu cực trong hoạt động kinh doanh tại khách sạnh, vũ trường, quán bar.

4. Sở Y tế:

- Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra điều kiện hành nghề, tình hình hoạt động của các cơ sở hành nghề xông hơi xoa bóp, vật lí trị liệu trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chăm sóc, tư vấn phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho các đối tượng mại dâm bị nhiễm HIV/AIDS và nhóm đối tượng có nguy cơ cao tại cộng đồng.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Du lịch:

- Thẩm tra chặt chẽ loại hình và điều kiện kinh doanh trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh phòng trọ, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng có gắn với các dịch vụ hoạt động văn hóa, ăn uống như: karaoke, massage, vũ trường, cà phê giải khát…Kiên quyết không cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các chủ cơ sở đã bị rút giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh do vi phạm tệ nạn mại dâm.

- Phối hợp các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch thực hiện công tác quản lí, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đặc biệt các cơ sở kinh doanh các hoạt động có nguy cơ dẫn đến tệ nạn mại dâm như : nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ, karaoke, cà phê giải khát…

6. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu:

- Tích cực thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm trên cả nước và trong tỉnh.

- Có chuyên mục cụ thể để phản ánh kịp thời, kết quả triệt phá các đường dây, tụ điểm mại dâm của lực lượng phòng chống mại dâm các cấp, đặc biệt là các tụ điểm mại dâm phức tạp gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, đồng thời phản ánh những địa phương còn để tệ nạn mại dâm phát sinh và phát triển.

7. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh: các cấp tăng cường công tác kiểm sát, điều tra, xét xử nghiêm minh các vụ án tổ chức chứa, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên. Tổ chức xét xử lưu động những vụ án mại dâm điển hình, gây bức xúc trong nhân dân nhằm giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, phòng ngừa tội phạm.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh: tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên, đoàn viên, quần chúng nhân dân về phòng chống tệ nạn mại dâm; vận động các tầng lớp nhân dân trong xã hội tham gia phát hiện, tố giác các hành vi liên quan đến tệ nạn mại dâm và phối hợp các ngành chức năng cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ những người mại dâm hoàn lương và các đối tượng có nguy cơ cao. Đẩy mạnh cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với chương trình xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma tuý.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, AIDS, tệ nạn ma tuý, mại dâm các huyện, thị xã , thành phố chịu trách nhiệm về tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lí. Cấp ủy và chính quyền cấp cơ sở phải chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương làm tốt công tác phòng, chống mại dâm. Nếu địa phương nào để xảy ra tình hình phức tạp về mại dâm thì trách nhiệm thuộc cấp ủy và chính quyền địa phương đó. Đối với các tụ điểm, đường dây mại dâm phức tạp, có quy mô ngoài khả năng giải quyết của địa phương thì báo cáo cấp trên để có hướng hỗ trợ.

- Đẩy mạnh công tác quản lí giữ vững địa bàn, xây dựng chuyển hoá xã, phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma tuý. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lí địa bàn, ngăn chặn phát sinh đối tượng mới. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lí nhân khẩu, đăng kí tạm trú, tạm vắng và các quy định đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Thực hiện các biện pháp phối hợp chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm với chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, chương trình xoá đói giảm nghèo. Tạo điều kiện thuận lợi giới thiệu và giải quyết việc làm cho người mại dâm đã hoàn lương nhằm giảm tình hình tệ nạn mại dâm tại địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các nội dung trên của chỉ thị. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày kí.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ “b/c”;
- Website Chính phủ;
- Bộ Lao động – Thương binh, Xã hội;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- TTr.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT.UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thành viên BCĐ tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh và các đoàn thể;
- Các Sở, ban, ngành;
- VKSND, TAND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, TP;
- Đài PT-TH, Báo BR-VT;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Chi cục PC tệ nạn xã hội tỉnh;
- Lưu VT-TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thành Kỳ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 15/2008/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Số hiệu: 15/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/06/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Võ Thành Kỳ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/07/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản