Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2004/CT-UB

TP. Cần Thơ, ngày 05 tháng 10 năm 2004

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG PHẠM VI THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Trong 9 tháng đầu năm 2004, các cấp, các ngành, đoàn thể và các địa phương trong thành phố đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là sự nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an và ngành Giao thông Công chính thành phố, nên bước đầu đã kiềm chế được tỷ lệ tăng tai nạn giao thông, giảm đáng kể nạn ùn tắc giao thông. Trong 9 tháng đầu năm 2004, tai nạn giao thông xảy ra 185 vụ (giảm 77 vụ so với cùng kỳ), làm chết 33 người (giảm 1 người) và làm bị thương người 150 (giảm 135 người).

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa vững chắc và chưa đồng đều, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông còn lớn, tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề xã hội rất bức xúc.

Quán triệt và chấp hành nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát huy kết quả bước đầu đã đạt được, trong những tháng còn lại của năm 2004 và các năm tiếp theo phải phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu: tiếp tục làm giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và bị thương trên địa bàn, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị như sau:

1. Các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong cán bộ, công chức và nhân dân, coi đây là biện pháp cơ bản, lâu dài để thiết lập trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời đưa tin gương điển hình tiên tiến và chưa tốt trong chấp hành pháp luật giao thông để động viên, rút kinh nghiệm chung, tạo phong trào toàn dân tham gia lập lại trật tự, an toàn giao thông.

Ngành Văn hóa Thông tin chủ trì phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức thường xuyên chuyên mục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; sử dụng pano, áp phích phục vụ công tác tuyên truyền, tạo ý thức chấp hành pháp luật giao thông trong nhân dân.

Ngành Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật giao thông phù hợp với từng cấp học, đặc biệt là phổ biến Luật Giao thông đường bộ trong học sinh, sinh viên; chỉ đạo các trường có biện pháp thiết thực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các điểm trường trong các giờ cao điểm.

Cán bộ, công chức nhà nước, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội, sinh viên, học sinh phải gương mẫu chấp hành pháp luật giao thông; đồng thời, nhắc nhở người thân trong gia đình cùng chấp hành.

2. Các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm minh theo pháp luật hiện hành. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp theo tinh thần Công văn số 1806/UB ngày 31/5/2004 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp vào việc xử lý vi phạm của lực lượng Công an và lực lượng Thanh tra chuyên ngành giao thông.

Đối với cán bộ, công chức Nhà nước và quân nhân nếu có hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đến mức phải lập biên bản và bị xử phạt hành chính, thì cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt gửi biên bản và quyết định xử phạt đó đến cơ quan, đơn vị (nơi người vi phạm công tác) để cơ quan, đơn vị xem xét và xử lý kỷ luật; các cơ quan, đơn vị và tổ chức đưa tiêu chí chấp hành pháp luật giao thông vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, công chức và quân nhân hàng năm tại cơ quan, đơn vị mình.

3. Tiếp tục thực hiện Công văn số 357/ĐK ngày 19 tháng 5 năm 2004 của Cục Đăng kiểm Việt Nam về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn kỹ thuật tàu khách du lịch và phương tiện ngang sông. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm trên đường sông đối với chủ và lái đò, lái tàu, thuyền chở khách và xà lan chở hàng quá tải trọng, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Kiên quyết đình chỉ các điểm khai thác cát trái phép trên sông Hậu; thực hiện việc giảm tải ghe, tàu theo quy định trong mùa mưa, lũ.

4. Giao Sở Giao thông Công chính chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành thực hiện:

a. Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 277/2004/QĐ-UB ngày 02 tháng 8 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về sử dụng tạm thời một phần phía trong hè phố tại nội ô các quận, huyện; rà soát các nội dung có liên quan tại Thông báo số 151/TB-VPCP ngày 06/8/2004 của Văn phòng Chính phủ và Báo cáo số 3984/GTVT-VT ngày 05/8/2004 của Bộ Giao thông vận tải, để tổ chức thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp thực hiện trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét ban hành.

b. Phối hợp với Công an thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tiến hành khảo sát trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông ở những đoạn đường trên các tuyến tỉnh lộ, nhất là các đoạn, tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1404/CP-NC ngày 28 tháng 9 năm 2004.

c. Tiến hành sát hạch lại môn lý thuyết Luật Giao thông đường bộ đối với người vi phạm pháp luật giao thông, có mức phạt tiền từ 200.000 đồng trở lên; nếu sát hạch đến lần thứ 3 vẫn không đạt yêu cầu thì thu hồi giấy phép lái xe không thời hạn. Sở Giao thông Công chính phối hợp với Công an thành phố có kế hoạch tổ chức sát hạch cụ thể.

d. Khẩn trương hoàn thành Đề án thực hiện giảm dần và chấm dứt hoạt động xe lôi, xe ba gác máy trên địa bàn thành phố; Đề án lập lại trật tự, an toàn giao thông và Đề án thành lập Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ của thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Đồng thời, có kế hoạch mở rộng mạng lưới vận tải công cộng trên các tuyến đường trong phạm vi thành phố, bảo đảm sự đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

5. Giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành thực hiện:

a. Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi điều khiển phương tiện giao thông chạy quá tốc độ quy định; điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng uống rượu, bia quá nồng độ quy định, đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, xe không đăng ký và không có giấy phép lái xe, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp không đội mũ bảo hiểm ở những đoạn đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1404/CP-NC ngày 28 tháng 9 năm 2004.

b. Cho phép sử dụng thiết bị kỹ thuật ghi hình về các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông để làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm. Nghiên cứu và lắp đặt thiết bị ghi hình tại một số "điểm nóng" về giao thông phục vụ cho công tác quản lý và xử lý vi phạm.

c. Tập huấn nghiệp vụ xử lý hành chính về lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, nhằm khép kín địa bàn quản lý trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý theo đúng Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 15/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

6. Cho phép lực lượng tuần tra kiểm soát lập biên bản tạm giữ và trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý hành chính kèm theo biện pháp bổ sung tịch thu thùng xe lôi, xe ba gác máy hoạt động ngoài tổ chức, không đăng ký, không đăng kiểm, nhằm làm giảm phương tiện này hoạt động trên địa bàn thành phố và phục vụ lộ trình cấm hẳn xe lôi, xe ba gác máy lưu thông trên địa bàn thành phố vào năm 2005.

7. Đối với các phương tiện giao thông bị tạm giữ, nếu quá thời gian 03 tháng kể từ ngày hết hiệu lực xử lý tạm giữ mà chủ sở hữu không đến nhận thì trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu và chuyển giao cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp để bán đấu giá, sung vào công quỹ Nhà nước.

8. Hàng tháng, quý các ngành, các địa phương tổ chức sơ kết và tổng kết vào cuối năm tình hình thực hiện an toàn giao thông trong phạm vi ngành, địa phương. Kịp thời khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi bao che, cố ý vi phạm đặc biệt là cán bộ, công chức và quân nhân lực lượng vũ trang.

Giao Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện tinh thần Chỉ thị này. Quá trình thực hiện có những vấn đề phức tạp phát sinh thì báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để được chỉ đạo kịp thời. Chỉ thị này được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- VP. Chính phủ - Bộ Tư pháp (Cục KTVB)
- Bộ Giao thông vận tải : đã ký
- Bộ Công an
- TT. Thành ủy, TT.HĐND TP
- Thành viên UBND TP
- VP Thành ủy và các Ban của Đảng
- UBMTTQ và các đoàn thể
- Sở, Ban ngành thành phố
- TAND và VKSND thành phố
- TT. HĐND và UBND quận, huyện
- TT. HĐND và UBND cấp xã
- Các cơ quan Báo, Đài trên địa bàn TP
- Lưu TTLT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 21/2004/CT-UB tăng cường thực hiện biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong phạm vi thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 21/2004/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/10/2004
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Võ Thanh Tòng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/10/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản