Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2004/CT-UB

Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG, THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI.

Năm 2003, công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Đảng bộ Thành phố (khóa XIII) số 05/NQ-TU ngày 18 tháng 4 năm 2002 giải quyết một số vấn đề cấp bách về giao thông và văn minh đô thị; Nghị quyết số 34/2003/NQ-HĐ ngày 13 tháng 2 năm 2003 về một số giải pháp và cơ chế chính sách để kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Đề án số 31/ĐA-TU ngày 21 tháng 4 năm 2004 của Thành ủy Hà Nội về một số nhiệm vụ trọng điểm về cải thiện môi trường xã hội trong năm 2004 và 2005; chỉ đạo của UBND Thành phố về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn đã đạt hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành luật lệ giao thông, từng bước lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực giao thông, văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô tuy nhiên tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ và tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của một số người dân chưa cao; để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số13/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước của cơ quan chức năng, hạn chế tai nạn giao thông và các loại tệ nạn, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường xã hội Thủ đô thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Thủ đô và chuẩn bị cho Hội nghị ASEM 5 tổ chức tại Hà Nội, UBND Thành phố Chỉ thị:

1. Yêu cầu Công an Thành phố:

- Tăng cường công tác tuần tra, giám sát giao thông và tổ chức các đợt tổng kiểm tra, xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị, làm chuyển biến nhận thức của mọi người dân trong việc tôn trọng và chấp hành đầy đủ luật Giao thông đường bộ, các quy định của Chính phủ và Thành phố về trật tự giao thông và văn minh đô thị. Xử lý nghiêm người dùng phương tiện xe đẩy, xe kéo, xe thồ, xe xích lô, xe tự đóng không được phép lưu hành vi phạm Quyết định 2049/QĐ-UB của UBND Thành phố.

- Kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ, điều khiển phương tiện xe gắn máy không có Giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm (trên các tuyến đường quy định bắt buộc ), phóng xe với tốc độ cao, lạng lách đánh võng, các trường hợp đua xe trái phép trên địa bàn Thành phố.

- Chủ trì phối hợp với sở GTCC xây dựng lộ trình việc tạm dừng đăng ký xe máy trên các quận, huyện còn lại. Chủ động phố hợp với các ngành chức năng nghiên cứu và có kế hoạch giải quyết những điểm bất hợp lý trong tổ chức giao thông, tuyến phố thường xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông.

2. Sở Giao thông công chính:

- Lập kế hoạch cải tạo các tuyến, nút giao thông thường xảy ra ùn tắc. Tổ chức duy tu bảo dưỡng, nâng cấp các đường phố theo kế hoạch và dự án đã được phê duyệt. Chỉnh trang lại hệ thống biển báo giao thông, sơn kẻ đường; phá dỡ các vật cản trên hè và dưới lòng đường tạo sự thông thoáng cho người và phương tiện tham gia giao thông.

- Tổ chức phân luồng giao thông tại các nút giao thông trọng điểm, các cặp đường một chiều. Nghiên cứu thực hiện việc tách làn đường cho từng loại phương tiện trên một số tuyến có đủ điều kiện. Kiến nghị và chủ động phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh phụ cận có phương án nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc trên cầu Chương Dương và các đường ra vào Thành phố.

- Tổ chức sắp xếp các điểm trông giữ xe tại nơi công cộng, công sở, trường học. Phối hợp với UBND các quận xác định một số tuyến phố không để xe đạp, xe máy trên hè; tổ chức các điểm trông, giữ ôtô, xe đạp, xe máy dưới lòng đường dành lối đi trên hè cho khách bộ hành tại một số tuyến đường có mật độ giao thông thấp. Kiên quyết giải toả các bến dù, xe cóc; có biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn, thuận tiện cho hành khách tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội.

- Tăng cường phát triển mạng lưới xe buýt hợp lý, ưu tiên xe buýt phục vụ đưa đón cán bộ công nhân viên chức, học sinh, sinh viên.

- Phối hợp với Công an thành phố xây dựng lộ trình về tạm dừng đăng ký xe gắn máy đối với các quận, huyện còn lại; nghiên cứu và điều tiết làm giảm các phương tiện giao thông hoạt động trong thành phố như cấm xe máy trên một số tuyến phố; cấm triệt để hàng rong, xe thồ, xe đẩy ở một số tuyến phố, địa bàn trọng điểm.

- Rà soát và quản lý chặt chẽ công tác đăng kiểm ôtô, các cơ sở đào tạo và công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hội đồng sát hạch, những sát hạch viên, kiểm định viên có hành vi tiêu cực.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra ban đêm kịp thời xử lý trường hợp lái xe vi phạm đổ chất thải xây dựng trên các tuyến-đường vành đai và cửa ô nơi ra vào Thành phố. Xây dựng phương án tập kết thu gom phế thải xây dựng trình UBND Thành phố. Xem xét phê duyệt xây dựng các khu dịch vụ làm sạch phương tiện trước khi vào Thành phố. Tiếp tục lắp đặt thêm nhà vệ sinh công cộng ở các tuyến phố và nơi công cộng.

3. Sở Văn hoá thông tin.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Thành phố tiếp tục thực hiện các chuyên mục tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, đồng thời cung cấp các thông tin cần thiết về trật tự giao thông, trật tự đô thị đề tạo sự đồng thuận về dư luận xã hội đối với các chủ trương, giải pháp của Thành phố trước các vấn đề cấp bách cần thực hiện trong lĩnh vực an toàn giao thông, văn minh đô thị. Nội dung tuyên tuyền cần gắn với các yêu cầu nhiệm vụ tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Thủ đô và các yêu cầu sát với thực tế cuộc sống hàng ngày để tạo khí thế và động lực mạnh mẽ, đồng thời tạo điều kiện giúp cho mọi tầng lớp nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

- Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về văn hoá đối với các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá. Phối hợp với các quận, huyện xây dựng quy hoạch quảng cáo tấm lớn, quảng cáo băng drôn đảm bảo trật tự mỹ quan văn minh đô thị. Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm quảng cáo, kinh doanh dịch vụ văn hoá, nhất là các hoạt động vũ trường, karaoke và các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa khác.

4. Sở Lao động thương binh xã hội: Phối hợp với Công an Thành phố, UBND các quận, huyện triển khai thực hiện Đề án 719 giải quyết tình trạng người lang thang đeo bám khách du lịch, tập trung giải quyết các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội; mở rộng, nâng cấp các trung tâm bảo trợ xã hội đảm bảo đủ khả năng tiếp nhận số gái mại dâm, người lang thang, tâm thần, lê lết do các lực lượng chức năng thu gom.

5. Sở Giáo dục và đào tạo: Phối hợp với các sở, ngành tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh các nhà trường phổ thông trung học và dạy nghề trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo các trường phối hợp với cha mẹ học sinh thực hiện các biện pháp giáo dục và quản lý thiết thực không để học sinh chưa đủ tuổi đi học bằng phương tiện xe gắn máy; tổ chức cho học sinh cam kết không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép. Thành lập các đội tự quản duy trì trật tự giao thông khu vực cổng trường đồng thời có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với những học sinh vi phạm quy định của nhà trường và pháp luật về an toàn giao thông.

6. Sở Kế hoạch-Đầu tư. Bố trí đủ kinh phí để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị theo kế hoạch hàng năm được thành phố phê duyệt. Đôn đốc, kiểm tra thực hiện theo đúng kế hoạch, tiến độ có hiệu quả.

7. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở GTCC, Công an Thành phố nghiên cứu phương án xử lý tịch thu, bán đấu giá các phương tiện vi phạm pháp luật giao thông theo Quyết định 167/QĐ-UB ngày 31 tháng 12 năm 2003 của UBND Thành phố; đề xuất hướng sử dụng kinh phí bồi dưỡng các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông và lực lượng tự quản của các quận, phường.

8. Sở Y tế: Tăng cường công tác quản lý các cơ sở hành nghề y, được. Tổ chức kiểm tra các hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc tân dược theo quy định của Bộ Y tế, xử lý kiên quyết những trường hợp buôn bán thuốc giả, thuốc quá hạn sử dụng, thuốc gây nghiện, những cơ sở mạo danh nhà thuốc "gia truyền", "đặc trị" giả mạo gây thiệt hại cho người bệnh. Phối hợp với Sở Thương mại tuyên truyền, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trung tâm thương mại, các chợ, các siêu thị và xây dựng phương án phòng ngừa dịch bệnh.

9. Sở Thương mại: Phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố và UBND các Quận, Huyện tiếp tục triển khai quy hoạch, nâng cấp xây mới hệ thống chợ, các lò giết mổ gia súc. Tổ chức sắp xếp các chợ bảo đảm nguyên tắc "An toàn - Văn minh - Hiệu quả", duy trì và nhân rộng các tuyến phố văn minh thương mại theo hướng phát triển thành các tuyến phố văn minh đô thị.

10. UBND các quận huyện:

- Giao Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm về tình hình trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra để kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong việc giữ gìn trật tự đô thị tại cơ sở; đồng thời phát hiện những bất hợp lý trong tổ chức giao thông để kiến nghị các ngành chức năng có kế hoạch phối hợp giải quyết.

- Lập kế hoạch giải toả các vi phạm lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang bảo vệ các công trình giao thông, xây dựng cơ chế duy trì không để tái lấn chiếm và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 63/QĐ-UB của UBND Thành phố.

- Lập phương án, kế hoạch giải toả các chợ tạm họp dưới lòng đường; chợ xanh, chợ cóc trên các tuyến đường giao thông thuộc địa bàn do mình quản lý, trả lại đường và hè phố cho giao thông đô thị.

- Tổ chức kiểm tra, khảo sát và có biện pháp xoá bỏ hoạt động của những bến đò ngang hoạt động không bảo đảm an toàn, những điểm và những phương tiện khai thác cát trái phép vi phạm NĐ 40/CP của Chính phủ.

11. Đề nghị Uỷ ban MTTQ Thành phố có kế hoạch thống nhất với các đoàn thể, tổ chức quần chúng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Thành phố và các cấp chính quyền ở cơ sở, vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên tích cực tham gia công tác giữ gìn trật tự kỷ cương xã hội một cách cụ thể thiết thực.

- Hội cựu chiến binh phát huy truyền thống "Bộ đội cụ Hồ" trong tổ chức xây dựng nếp sống văn hoá mới ở địa bàn cụm dân cư, tham gia duy trì trật tự trên các đường phố, tổ chức 100% hội viên có nhà mặt đường ký cam kết thực hiện tốt về sử dụng vỉa hè, lòng đường.

- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố chỉ đạo các cơ sở Đoàn, hội thanh niên, sinh viên mở đợt tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên ký cam kết trong việc chấp hành luật lệ giao thông. Tổ chức các đội thanh niên tình nguyện tham gia công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

- Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Vì Môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác ra dường và nơi công cộng". Phát động phong trào phụ nữ xây dựng các khu phố, các chợ văn minh thương mại, tự quản hè phố.

UBND Thành phố, Ban chỉ đạo 197 Thành phố giao sở GTCC và CATP phối hợp tổ chức thực hiện và đề xuất, trình UBND Thành phố khen thưởng cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm chỉ thị này, đồng thời phê bình, nhắc nhở các đơn vị triển khai thực hiện chưa tốt, kém hiệu quả và định kỳ hàng tháng báo cáo UBND Thành phố.

Yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hoàng Ân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 24/2004/CT-UB về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn minh đô thị và cải thiện môi trường xã hội trên địa bàn Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 24/2004/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/08/2004
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Ân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản