Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2013/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 4 năm 2013

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG NĂM 2013

Trong quý I năm 2013, mặc dù Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực tổ chức thực hiện, nhưng trên địa bàn đã để xảy ra 1.160 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 180 người và bị thương 1.006 người; so với cùng kỳ năm trước, tuy kéo giảm 393 vụ TNGT (-25,31%), giảm được 668 người bị thương (-39,90%), nhưng số người chết do TNGT đã tăng 35 người (24,14%). Chỉ riêng trong tháng 3 năm 2013 đã xảy ra 309 vụ, làm chết 47 người và bị thương 269 người. Diễn biến tình hình cho thấy kết quả đạt được về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố chưa mang tính bền vững, số vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra còn nhiều, thiệt hại người chết do TNGT còn cao; tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) vào các giờ cao điểm còn khá phổ biến; TNGT về đường sắt và đường thủy nội địa vẫn tiềm ẩn nguy cơ; công tác quản lý trật tự lòng, lề đường tuy có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao và còn rất phức tạp.

Nhìn chung, ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, cá biệt còn xem thường kỷ cương pháp luật; tốc độ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu; công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn hạn chế, cộng thêm tốc độ gia tăng quá nhanh về số lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống xã hội, trong đó TNGT và UTGT đã và đang là vấn đề ngày càng bức xúc của thành phố.

Với nhận thức bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị, để có thể hoàn thành mục tiêu trong năm 2013 kéo giảm 10% về tai nạn giao thông trên cả ba mặt (số vụ, thiệt hại về người chết và bị thương do TNGT) so với năm trước đã được Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các Tổng Công ty, Công ty trực thuộc, trong những tháng còn lại của năm 2013, phải tập trung quán triệt, phối hợp thực hiện quyết liệt và đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách sau đây:

1. Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; Kế hoạch công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2013 số 09/KH-UBATGTQG ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Thông tri số 18-TT/TU ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư gắn với tập trung thực hiện Chương trình hành động số 12-CtrHĐ/TU ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Thành ủy và Kết luận số 46-KL/TU ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình hành động số 27-CtrHĐ/TU ngày 03 tháng 8 năm 2012 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn thành phố, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về năm 2013 với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông” và Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, Thông tri số 18-TT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố nói trên.

2. Thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền thành phố trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông phù hợp với thực tiễn; chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ khi thực thi công vụ, gương mẫu chấp hành pháp luật.

Đề nghị các cấp ủy Đảng, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng phải xem công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của chính quyền các cấp, các ngành, phải có chương trình hành động cụ thể để thực hiện và thực hiện nghiêm nhiệm vụ được giao.

Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm thường xuyên giáo dục vận động đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động ở đơn vị mình quản lý gương mẫu tự giác chấp hành pháp luật giao thông, đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn, quy cách khi tham gia giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, văn minh đô thị; xem việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là tiêu chí để đánh giá đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng.

Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận - huyện phải thường xuyên sinh hoạt, quán triệt trong đội ngũ các lực lượng chức năng kiểm tra xử lý (Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng, Công an quận - huyện…) về ý thức “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ” khi làm nhiệm vụ, đảm bảo việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm được thực hiện công khai và đúng pháp luật; tăng cường biện pháp giám sát chặt chẽ hoạt động của đơn vị cơ sở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoặc xử lý nghiêm những biểu hiện, hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, ngoài việc tuần tra xử lý, cần phát huy tinh thần phục vụ nhân dân khi thực thi công vụ, chú trọng phổ biến pháp luật cho người vi phạm khi tham gia giao thông.

3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông và trong cộng đồng; phổ biến giáo dục đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sinh viên, học sinh; tuyên truyền phổ biến đến từng địa bàn phường - xã, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, hộ gia đình; đặc biệt chú trọng giáo dục cho tầng lớp thanh niên là đối tượng chiếm tỷ lệ tử vong cao do TNGT.

a) Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện những nội dung đã được chỉ đạo tại Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri số 18-TT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; phát động phong trào thi đua nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội; tập trung xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao thông, ý thức ứng xử nơi công cộng.

Tiếp tục nhân rộng những mô hình hay, các hoạt động phong trào thiết thực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư trong thời gian qua, nhất là phong trào “3 không, 3 có” khi tham gia giao thông (Không lái xe khi đã uống rượu bia; Không lấn tuyến, giành đường, vượt ẩu; Không chạy xe quá tốc độ; Có đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy; Có giấy phép lái xe; Có ý thức tham gia các hoạt động tự quản về an toàn giao thông).

b) Đề nghị Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh với vai trò tiên phong, chủ động phối hợp với Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các cơ quan, đơn vị, nhà máy, trường học để đẩy mạnh tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phát động các phong trào rèn luyện ý thức chấp hành pháp luật trong mọi thành phần đoàn viên, thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh, thanh niên công nhân, nông thôn… thông qua các hoạt động tọa đàm, hội thảo, hội thi, hội trại, chiến dịch “Mùa hè xanh”…; đặc biệt chú trọng giáo dục cho đối tượng thanh niên trong các lực lượng chức năng thực thi công vụ theo chủ đề của năm 2013 “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.

c) Giao Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố chủ trì:

- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể thành viên, Ủy ban nhân dân các quận - huyện để phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến từng khu phố, tổ dân phố, hộ gia đình, đến mọi thành phần dân cư trên địa bàn thành phố; vận động mọi người chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông và đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn chất lượng, an toàn và có nguồn gốc rõ ràng khi tham gia giao thông.

- Phối hợp với các sở - ban - ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, cơ quan Báo, Đài thành phố để xây dựng kế hoạch, nội dung và hình thức phù hợp làm cẩm nang để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về luật giao thông (Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt và các quy định về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, hành lang bảo vệ an toàn sông, kênh, rạch…).

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố, Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện để tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông sâu sát đến các đối tượng là công nhân và sinh viên, học sinh.

- Phối hợp với Liên minh các Hợp tác xã thành phố, Sở Giao thông vận tải, các hiệp hội vận tải hàng hóa, hành khách, Hiệp hội taxi, Hợp tác xã xe buýt... để phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và các quy tắc về trật tự an toàn giao thông cho đối tượng là lái phụ xe, nhất là lái phụ các loại xe chở hàng quá khổ, quá tải, xe container, xe tải nặng…

d) Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố và Sở Giao thông vận tải để nghiên cứu xây dựng, công bố các tiêu chí về “văn hóa giao thông”; có kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm để phổ biến, hướng dẫn các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị thực hiện các tiêu chí “văn hóa giao thông” kết hợp chặt chẽ với các tiêu chí về “văn minh đô thị”, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của mọi người khi tham gia giao thông và ứng xử nơi công cộng.

đ) Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố và các cơ quan liên quan nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giảng dạy pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh các bậc học; có biện pháp tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các đoàn thể trong nhắc nhở, giáo dục giáo viên, sinh viên, học sinh tự giác chấp hành luật giao thông; trao đổi thông tin thống nhất với Công an thành phố (Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt) về tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông của sinh viên, học sinh, yêu cầu Ban giám hiệu các trường có hình thức kiểm điểm, xử lý răn đe đối với các trường hợp vi phạm; đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là tiêu chí đánh giá đạo đức, hạnh kiểm của sinh viên, học sinh cuối học kỳ, cuối năm học.

e) Ủy ban nhân dân các quận - huyện tập trung chỉ đạo Ban An toàn giao thông quận - huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, bộ phận chức năng, các đoàn thể tại địa phương thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông cho đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động…; định kỳ hàng tháng kiểm tra, đánh giá kết quả, phê bình nhắc nhở những đơn vị, cá nhân còn để vi phạm. Lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục về pháp luật giao thông trong các buổi sinh hoạt định kỳ ở cơ quan, đơn vị, khu phố, tổ dân phố...; đề cao tính gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, sinh viên, học sinh trong việc chấp hành và vận động gia đình, người thân chấp hành nghiêm pháp luật giao thông; đưa việc chấp hành pháp luật giao thông thành tiêu chí đánh giá, đề xuất thi đua, khen thưởng ở đơn vị.

g) Các cơ quan Báo, Đài phải đi đầu trong nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục về “văn hóa giao thông”, nêu gương “người tốt, việc tốt” thể hiện ý thức tự giác chấp hành luật giao thông, phát hiện và phê phán những biểu hiện chưa tốt để tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng.

4. Tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông; chấn chỉnh trật tự đô thị và lập lại trật tự lòng, lề đường:

a) Công an thành phố tổ chức lực lượng tăng cường làm nhiệm vụ điều hòa, kiểm soát giao thông khép kín trong ngày và vào giờ cao điểm tại các giao lộ, các khu vực thường xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, các cung đường “đen”, điểm “đen” về giao thông.

Tập trung tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, các lỗi gây phản cảm về văn hóa giao thông như tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia, tụ tập đua xe, điều khiển xe chở quá số người cho phép, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, đậu xe không đúng nơi quy định,... Thường xuyên kiểm tra, xử phạt theo quy định đối với người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc sử dụng mũ không đúng quy cách an toàn. Xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển lưu thông các loại xe ô tô đã quá niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh; tăng cường sử dụng hệ thống camera để giám sát, phát hiện và xử phạt các phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định tại khu vực trung tâm thành phố.

b) Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông để tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng xe “dù”, bến “cóc”; kiên quyết buộc giải tỏa các trường hợp kinh doanh buôn bán, dịch vụ lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè; xử lý nghiêm các trường hợp dừng, đậu xe dưới lòng đường không đúng quy định gây cản trở giao thông, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông; phối hợp với lực lượng chức năng ở quận - huyện để thống kê biển số đăng ký các xe tái phạm nhiều lần để có biện pháp xử lý thích hợp và thông báo đến doanh nghiệp, cơ quan chủ quản yêu cầu nhắc nhở, xử lý kỷ luật lái xe; riêng vi phạm nhiều lần của các loại xe taxi thì thống kê biển số đăng ký, thông báo cho doanh nghiệp và xem xét xử lý thu hồi tem, phù hiệu taxi.

Tăng cường kiểm tra các công trường thi công có liên quan đến hạ tầng giao thông trên địa bàn; xử phạt nghiêm đối với các đơn vị chậm trễ tiến độ tái lập mặt đường hoặc tái lập không bảo đảm kỹ thuật, an toàn giao thông; đơn vị không cử người điều tiết, hướng dẫn giao thông khi tổ chức thi công, không lắp dựng đầy đủ biển báo hiệu về an toàn giao thông tại công trình theo quy định.

c) Sở Xây dựng chỉ đạo lực lượng Thanh tra Xây dựng tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các chủ đầu tư công trình nhà cao tầng, trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng đưa vào sử dụng các bãi xe, chỗ đậu xe sử dụng không đúng chức năng quy định theo giấy phép; chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các quận - huyện để điều tra thống kê toàn bộ diện tích bãi đậu xe, số chỗ đậu xe theo giấy phép xây dựng đối với các công trình nhà cao tầng, trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng, số chỗ đậu xe có hoặc không có thu phí trên các tuyến đường ở trung tâm thành phố để đề xuất phương án cân đối giải quyết nhu cầu dừng, đậu xe hiện nay, trình Ủy ban nhân dân thành phố trong quý II năm 2013.

Tăng cường chất lượng thẩm định thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng các công trình nhà cao tầng, trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng; nội dung cấp phép xây dựng phải ghi rõ diện tích bãi đậu xe, số chỗ đậu xe theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tuyệt đối không tùy tiện chiết giảm các chỉ tiêu này theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Giao thông vận tải để nội dung, kết quả thẩm định phải bảo đảm phương án kết nối hợp lý với mạng lưới giao thông công cộng hiện hữu và có khoảng lùi kiến trúc phù hợp đối với từng công trình.

Tiếp tục chỉ đạo Tổ kiểm tra liên ngành, được thành lập theo Quyết định số 5912/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố, tăng cường kiểm tra xử lý những vi phạm trong lĩnh vực quản lý công trình hạ tầng đô thị.

d) Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh các mức thu phí tạm dừng, đỗ xe ô tô (đã được ban hành theo Quyết định số 245/2005/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2005 và Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 30 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố), báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét trình Hội đồng nhân dân thành phố trong tháng 5 năm 2013.

đ) Giao Sở Công Thương chỉ đạo Chi Cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường kiểm tra sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm theo quy định; xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc không rõ ràng, vì lợi nhuận làm ảnh hưởng mất an toàn cho người sử dụng.

e) Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải và Công an thành phố tăng cường biện pháp quản lý chất lượng mũ bảo hiểm sử dụng cho người đi xe mô tô, xe gắn máy; quản lý chặt chẽ việc dán nhãn, tem chất lượng mũ bảo hiểm trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.

g) Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông các quận - huyện tiếp tục rà soát, kiên trì chỉ đạo thực hiện cho bằng được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đăng ký, cam kết với Lãnh đạo thành phố về quản lý đô thị, trật tự lòng, lề đường từ đầu năm 2012; phát huy các mặt tích cực đã đạt được, đồng thời có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh các nội dung còn tồn tại, yếu kém. Thường xuyên phối hợp với Sở Giao thông vận tải để tổ chức tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đậu xe trái phép dưới lòng đường; kiểm tra phát hiện, xử lý tháo dỡ, điều chỉnh các biển báo giao thông sai quy định hoặc có nội dung không còn phù hợp.

Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cá nhân, đơn vị thu phí trông giữ xe vượt mức giá quy định, công khai số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng xử lý vi phạm để người dân biết, liên hệ; tổ chức bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường tại các địa điểm trông giữ xe; kiên quyết không để trường hợp tự phát về điểm trông, giữ xe ô tô, xe máy ở địa bàn phụ trách.

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục rà soát lại quỹ đất quy hoạch dành cho giao thông tĩnh trên địa bàn từng quận, huyện theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007, đồng thời lồng ghép quy hoạch giao thông vào quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị của các quận, huyện.

Trước mắt, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1 cải tiến công nghệ quản lý thu phí đỗ xe, triển khai thử nghiệm dịch vụ thanh toán phí đỗ xe qua ngân hàng hoặc điện thoại di động, để kịp thời giám sát thời gian đỗ xe nhằm hạn chế tiêu cực phát sinh trong quá trình thu phí; lắp đặt các camera quan sát để phục vụ công tác xử phạt các hành vi dừng, đỗ xe không đúng quy định. Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý giải tỏa những điểm bày bán mũ bảo hiểm tràn lan trên lòng, lề đường gây cản trở giao thông và ảnh hưởng mỹ quan đô thị; chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn chất lượng khi tham gia giao thông, không đội mang tính hình thức, đối phó việc kiểm tra của các lực lượng chức năng.

5. Bảo đảm chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn:

Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị trực thuộc hoàn thành đúng tiến độ các công trình khắc phục, duy tu, sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật, bổ sung lắp đặt đèn chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông, biển báo hiệu giao thông, phục hồi các vạch sơn đường… bảo đảm hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ giao thông thông suốt, bình thường trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục khảo sát, tổ chức lại giao thông tại các giao lộ thường xuyên bị ùn ứ giao thông, ưu tiên bố trí làn xe rẽ phải liên tục tại các giao lộ để tăng năng lực thông xe; kiểm tra, lắp đặt bổ sung các biển báo cấm dừng, đậu xe tại các khu vực, địa điểm tập trung đông người (nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, trường học…) vào các giờ cao điểm, phòng tránh ùn tắc giao thông trên các tuyến đường chính.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến (GPS, Smartcard…) trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu và hệ thống mạng lưới giao thông công cộng thành phố; mở rộng hợp đồng đưa rước học sinh, sinh viên, công nhân đi học, đi làm bằng xe buýt, hạn chế xe cá nhân tham gia giao thông.

Tăng cường công tác quản lý thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố; đảm bảo tính đồng bộ trong công tác thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp thoát nước, điện lực, viễn thông…); chấn chỉnh công tác thi công đào và tái lập mặt đường;

Tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công - hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm, các cầu vượt lắp ghép khắc phục ùn tắc giao thông tại các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn.

6. Tổ chức thực hiện:

a) Thủ trưởng các sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các Tổng Công ty, Công ty trực thuộc thành phố có trách nhiệm thực hiện nghiêm Chỉ thị này đạt hiệu quả cao nhất nhằm tích cực góp phần kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố, đồng gửi về Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố để theo dõi, tổng hợp.

b) Giao Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố là cơ quan đầu mối, kiểm tra theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có); định kỳ hàng tháng, quý tổng hợp báo cáo, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và phê bình, xử lý kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân chưa hoàn thành nhiệm vụ hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thi hành nhiệm vụ được giao./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/2013/CT-UBND tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2013

  • Số hiệu: 06/2013/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/04/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Hoàng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản