Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 28 tháng 7 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Ngày 17 tháng 11 năm 2016, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đấu giá tài sản, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017. Sau gần ba năm thi hành Luật Đấu giá tài sản, công tác quản lý về hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố đã đạt được kết quả nhất định, hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản đã dần đi vào nề nếp, chuyên nghiệp, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực đấu giá tài sản còn có những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong đấu giá tài sản công, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trong việc thi hành án và các tài sản có giá trị lớn khác. Một số đấu giá viên còn hạn chế về kỹ năng và kinh nghiệm, trong khi đó, nghề đấu giá phải đối mặt và xử lý nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn.

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời đảm bảo hoạt động đấu giá tài sản công khai, minh bạch, khách quan, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản; chống thất thoát tài sản Nhà nước; phòng, chống tham nhũng; ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có tài sản đấu giá:

- Thực hiện và chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc lựa chọn, ký hợp đồng với tổ chức đấu giá có tên trong danh sách tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố. Khi xây dựng, phê duyệt phương án đấu giá tài sản cần đảm bảo tính khả thi, trong đó xem xét lựa chọn hình thức đấu giá, bước giá phù hợp với thực tiễn việc đấu giá.

- Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản căn cứ các tiêu chí quy định tại các khoản 4 và khoản 5 Điều 56 của Luật Đấu giá tài sản, không đặt thêm các điều kiện lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Ngoài tiêu chí thù lao dịch vụ đấu giá tài sản, cần tập trung vào các tiêu chí về phương án đấu giá, năng lực, kinh nghiệm, uy tín của tổ chức đấu giá tài sản để đánh giá, nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động đấu giá tài sản khi một số tổ chức đấu giá đưa ra mức thù lao rất thấp.

- Tăng cường giám sát về trình tự, thủ tục và quá trình tổ chức thực hiện các cuộc đấu giá tài sản tại địa phương.

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị được giao tổ chức thực hiện đấu giá tài sản công, quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất phải đảm bảo theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị có liên quan phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 35 của Luật Đấu giá tài sản.

- Thường xuyên thông tin, phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong việc thi hành pháp luật về đấu giá tài sản.

2. Sở Tư pháp:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng chuyên trang về đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử thành phố.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản, thường xuyên nắm tình hình, kịp thời phát hiện để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đấu giá tài sản.

- Yêu cầu các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục đấu giá theo Luật Đấu giá tài sản, lựa chọn hình thức đấu giá phù hợp theo quy định tại Điều 40 Luật Đấu giá tài sản để tránh tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “đe dọa, cưỡng ép”; khuyến khích các tổ chức đấu giá tài sản xây dựng Đề án đấu giá trực tuyến và sớm xem xét, phê duyệt theo quy định của pháp luật.

- Tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này; kịp thời báo cáo, kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Phối hợp các sở, ngành: Tư pháp, Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo các quy định pháp luật hiện hành; hoàn thiện dự thảo Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất, phục vụ tăng thu ngân sách.

- Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đôn đốc các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất theo kế hoạch sử dụng đất, phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được phê duyệt đảm bảo công khai, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

4. Công an thành phố:

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi gây rối, cản trở, đe dọa không cho người khác tham gia đấu giá hoặc lợi dụng hoạt động đấu giá để thông đồng với nhau nhằm trục lợi; tiếp nhận, thụ lý giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá do tổ chức, cá nhân phát hiện tố giác.

- Tuân thủ nghiêm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tịch thu sung quỹ nhà nước.

5. Sở Tài chính:

Hướng dẫn các cấp, các ngành về xử lý các tài sản công thông qua đấu giá theo quy định pháp luật; hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thành phố, các doanh nghiệp đấu giá tài sản thực hiện thu, hoạch toán thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản theo đúng quy định của pháp luật.

6. Cục Thi hành án dân sự thành phố:

- Thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án; căn cứ danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố, các tiêu chí theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản và Chỉ thị này để lựa chọn tổ chức đấu giá trong đấu giá tài sản thi hành án.

- Thực hiện phương án đấu giá tài sản thi hành án hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên và thuận lợi trong quá trình bàn giao tài sản thi hành án sau đấu giá, khắc phục tình trạng khó khăn và giải quyết triệt để tình trạng khiếu kiện kéo dài trong việc bàn giao tài sản thi hành án sau đấu giá.

7. Các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố:

- Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Thực hiện thông báo công khai Quy chế đấu giá tài sản bảo đảm theo đúng quy định tại Điều 34 Luật Đấu giá tài sản, không đặt thêm các điều kiện tham gia đấu giá ngoài các quy định của pháp luật, gây khó khăn cho việc đăng ký tham gia đấu giá hoặc thông đồng với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá để trục lợi.

- Thực hiện việc đăng báo công khai đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản.

8. Người tham gia đấu giá: Người tham gia đấu giá chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nội quy, quy chế cuộc đấu giá; nghiêm cấm hành vi thông đồng với những người tham gia đấu giá khác để dìm giá hoặc có hành vi gây rối, cản trở, đe dọa không cho người khác tham gia đấu giá gây mất an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:

- Bộ Tư pháp;
- TTTU;
- CT, các PCT UBNDTP;
- Các Sở, ban, ngành TP;
- UBND các quận, huyện;
- Đài PT&THHP, Báo HP, Báo ANHP, Cổng TTĐTTP;
- Các tổ chức, chi nhánh tổ chức đấu giá;
- CVP, PVP T.H.Kiên;
- Phòng: NC&KTGS;
- CV: NC2;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chuyến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 19/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/07/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Nguyễn Đình Chuyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/07/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản