Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 03 tháng 7 năm 2019

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Ngày 24/9/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3705/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông thụ động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, nâng cao dân trí, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, các doanh nghiệp viễn thông đã lập quy hoạch, kế hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh với tổng nguồn vốn trên 2.500 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng mới được 1.057 cột anten thu, phát sóng thông tin di động BTS, nâng tổng số cột anten BTS trên địa bàn tỉnh là 3.358 cột và xây dựng mới 12.191 km cáp viễn thông, nâng tổng số cáp viễn thông toàn tỉnh đạt 30.650 km. Nâng vùng phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 97% dân cư, vượt chỉ tiêu trước thời hạn, đến năm 2020 phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư. Số lượng thuê bao và chất lượng dịch vụ viễn thông được nâng lên, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.890.000 thuê bao điện thoại, đạt mật độ 80,98 máy/100 dân; có 1.070.000 thuê bao Internet, đạt mật độ 29,98 thuê bao/100 dân.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch, đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn một số hạn chế, như: Xây dựng cột anten không cồng kềnh và chuyển đổi xây dựng cột anten cồng kềnh sang không cồng kềnh chưa đạt chỉ tiêu quy hoạch.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung đầu tư, mở rộng mạng lưới hạ tầng viễn thông để phát triển dịch vụ, chưa chú trọng việc ngầm hóa các tuyến cáp treo, chuyển đổi cột ăng ten BTS cồng kềnh sang xây dựng cột ăng ten BTS không cồng kềnh nhằm chỉnh trang, phát triển đô thị; công tác phối hợp quản lý giữa các sở, ban, ngành và địa phương chưa đồng bộ; công tác thực thi pháp luật còn hạn chế; chưa có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp kích động, tụ tập đông người, cản trở việc xây dựng các trạm BTS của doanh nghiệp.

Để tăng cường công tác quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp quy hoạch, đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị, đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ ngày càng tăng của nhân dân và góp phần xây dựng chính quyền điện tử, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị có liên quan chủ động rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các khu vực, hướng tuyến của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thụ động của đơn vị. Phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Sở Xây dựng, UBND cấp huyện hướng dẫn kiểm tra và xử lý vi phạm quy hoạch, quy định về quản lý dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống trên địa bàn theo thẩm quyền. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền việc đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh. Quản lý các nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định.

Tổ chức rà soát quy hoạch, chấp thuận vị trí xây dựng trạm BTS, kế hoạch xây dựng trạm BTS hàng năm của các doanh nghiệp viễn thông; đầu mối tổ chức, giải quyết việc sử dụng chung hạ tầng trạm BTS, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng trạm BTS trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về viễn thông; công tác thông tin tuyên truyền đến người dân các quy định, chính sách về quản lý, xây dựng hạ tầng viễn thông để nhân dân đồng thuận trong việc xây dựng, phát triển trạm BTS trên địa bàn tỉnh.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, các sở, ban, ngành liên quan tổ chức đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn quản lý trong thời gian tới.

Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, cấp phép xây dựng trạm BTS theo thẩm quyền và quy định hiện hành của nhà nước; có giải pháp để xử lý dứt điểm các vụ việc người dân khiếu nại, cản trở việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn quản lý.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến người dân các quy định, chính sách về quản lý, xây dựng trạm BTS nhằm tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng, phát triển trạm BTS trên địa bàn.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các vướng mắc, hành vi cản trở, vi phạm pháp luật về xây dựng, lắp đặt trạm BTS; rà soát, yêu cầu tháo dỡ, xử lý các trạm BTS xây dựng không đúng quy định của pháp luật, vi phạm quy hoạch, chất lượng công trình không đảm bảo, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

3. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện xây dựng quy định, hướng dẫn doanh nghiệp về xây dựng hạ tầng mạng ngoại vi, hạ tầng mạng thông tin di động phù hợp với quy hoạch, kiến trúc đô thị của tỉnh. Hướng dẫn kiểm tra và xử lý vi phạm các quy định về quản lý dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống trên địa bàn theo thẩm quyền.

Chỉ đạo và hướng dẫn việc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, đồng bộ với quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động và các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khác (điện, cấp nước, thoát nước.,.).

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đưa các nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có liên quan vào quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2.000, 1/500 của địa phương.

4. Sở Giao thông Vận tải

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông xây dựng các mạng ngoại vi phù hợp với quy hoạch giao thông theo từng thời kỳ.

Công bố các quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho các doanh nghiệp Viễn thông xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đồng bộ.

Khi lập dự án đầu tư hạ tầng giao thông, phải lồng ghép nội dung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có liên quan theo quy hoạch được phê duyệt.

5. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các doanh nghiệp điện lực sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đảm bảo tiết kiệm, an toàn, mỹ quan đô thị.

Chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo nguồn điện thường xuyên cho các công trình viễn thông.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan và UBND cấp huyện hướng dẫn về sử dụng đất xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động.

7. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung; phối hợp tổ chức hiệp thương giá theo thẩm quyền; kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý giá.

Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện quy hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã trong quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh.

8. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng thực hiện cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo thẩm quyền và quy định hiện hành của nhà nước trong địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn, khu công nghiệp và các khu vực khác được giao quản lý.

Phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trong địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn, khu công nghiệp và các khu vực khác được giao quản lý.

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đưa các nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có liên quan vào quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2.000, 1/500 của Khu kinh tế Nghi Sơn.

9. Các doanh nghiệp viễn thông

Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng quy hoạch hạ tầng trạm BTS trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; hàng năm xây dựng kế hoạch phát triển trạm BTS trình Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định sự phù hợp với quy hoạch để tổ chức triển khai theo quy định.

Xây dựng kế hoạch, phương án đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi trạm BTS cồng kềnh sang trạm BTS không cồng kềnh, thân thiện môi trường theo đúng lộ trình quy định của Quy hoạch hạ tầng viễn thông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng phương án thay thế các trạm BTS không phù hợp quy hoạch, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, chất lượng công trình không đảm bảo; chuyển đổi trạm BTS kiểu dây co sang trạm tự đứng đối với các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc, mỹ quan đô thị.

Chấp hành nghiêm việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phối hợp giải quyết các khiếu nại, kiến nghị, xử lý các trường hợp vi phạm, các hành vi cản trở trái phép, phá hoại hạ tầng trạm BTS.

Phối hợp với các doanh nghiệp khác sử dụng chung cơ sở hạ tầng; chủ động phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về UBND cấp huyện và Sở Thông tin và Truyền thông để được giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết kịp thời.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ TT&TT (để b/c);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để b/c);
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp, Điện lực Thanh Hóa;
- Lưu: VT, QLCTTĐT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2019 về tăng cường quản lý và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 12/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Lê Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản