Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-CT

Vĩnh Phúc, ngày 05 tháng 7 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ NỢ ĐỌNG XÂY DỰNG CƠ BẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ xử lý nợ đọng XDCB còn chậm (nhất là ở cấp huyện, xã); nhiều dự án điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư trong quá trình thực hiện; một số dự án thi công vượt kế hoạch vốn được giao, tiến độ quyết toán dự án hoàn thành chậm; nguy cơ phát sinh mới nợ đọng XDCB ở một số dự án, công trình...

Để tăng cường xử lý nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công; đồng thời, tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tổ chức rà soát, bố trí kế hoạch thanh toán nợ đọng XDCB:

- Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư tổ chức rà soát tình hình xử lý nợ đọng XDCB do cơ quan, đơn vị quản lý, trong đó xác định rõ những chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công đã hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn; các dự án chuyển tiếp, dự án đầu tư đến điểm dừng kỹ thuật còn thiếu vốn nhưng không được bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh đã được HĐND tỉnh phê duyệt theo Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 18/12/2017 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của cấp huyện, cấp xã;

- Phân loại các khoản nợ trước ngày 01/01/2015 và nợ phát sinh sau ngày 01/01/2015;

- Đề xuất các giải pháp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020 thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương mình theo dõi, quản lý để dành vốn thanh toán các khoản nợ XDCB theo quy định;

- Báo cáo kết quả rà soát và đề xuất phương án, lộ trình thanh toán nợ XDCB với UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp) trước ngày 20/7/2018.

- Các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa xử lý hết nợ đọng XDCB, tuyệt đối không được phép khởi công, phê duyệt dự án mới.

2. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, xử lý dứt điểm nợ đọng trong XDCB trên địa bàn tỉnh.

2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành đơn vị liên quan:

- Tổng hợp, rà soát, thống kê, phân loại nợ đọng XDCB trên địa bàn toàn tỉnh trước ngày 01/01/2015 và nợ đọng XDCB phát sinh sau ngày 01/01/2015 theo từng nguồn vốn (vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách tỉnh, vốn ngân sách huyện, vốn ngân sách xã, phường…) để làm cơ sở cho việc xem xét cơ chế hỗ trợ xử lý nợ đọng XDCB, xây dựng kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng XDCB. Tổng hợp tình hình và kết quả xử lý nợ đọng XDCB trên địa bàn toàn tỉnh, định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

- Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tham mưu bố trí vốn cho từng chương trình, dự án theo đúng thứ tự ưu tiên, trong đó tập trung trả nợ vốn vay và thanh toán nợ đọng XDCB theo lộ trình quy định; tham mưu các cơ chế chính sách giải quyết dứt điểm nợ đọng XDCB trên địa bàn.

2.2. Sở Tài chính:

- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí các nguồn vốn khác thuộc Ngân sách tỉnh để ưu tiên, tập trung thanh toán dứt điểm nợ đọng trong XDCB. Không xem xét đề xuất bố trí vốn cho khởi công mới khi chưa giải quyết xong nợ đọng XDCB theo quy định.

- Hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư lập hồ sơ, thủ tục thanh toán hoàn ứng, thanh toán vốn đầu tư đảm bảo theo quy định. Trong quá trình thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để xác định rõ trách nhiệm bố trí phần vốn còn thiếu (ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã và các nguồn hợp pháp khác - nếu có) đối với những dự án chưa xác định rõ cơ cấu, nguồn vốn trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật).

2.3. Kho bạc Nhà nước tỉnh chủ trì, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi từ nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước; chỉ giải ngân cho các dự án theo mục tiêu đã được xác định cụ thể trong các quyết định giao kế hoạch của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; thực hiện nghiêm việc thu hồi vốn tạm ứng theo quy định của pháp luật. Thường xuyên báo cáo tình hình giải ngân, tiến độ hoàn ứng của các dự án và đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

2.4. Các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn có trách nhiệm:

- Trên cơ sở số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng kế hoạch thực hiện cho phù hợp với mức vốn được giao; hàng năm, căn cứ mức vốn, mục tiêu đầu tư được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao để triển khai thực hiện theo quy định. Ưu tiên bố trí số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 được giao để xử lý nợ đọng XDCB; hoàn thành dứt điểm các hạng mục dở dang; đồng thời, có các giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm đưa công trình đi vào khai thác, sử dụng.

- Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; chỉ tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công đối với các gói thầu có đầy đủ hồ sơ, thủ tục và được giao kế hoạch vốn.

- Quản lý, sử dụng vốn được giao đúng mục đích, có hiệu quả; quản lý chặt chẽ vốn ứng, không cho nhà thầu ứng vốn khi chưa có mặt bằng thi công. Thường xuyên rà soát và có kế hoạch giải ngân cụ thể đối với từng dự án, gói thầu; trường hợp dự kiến khả năng không giải ngân hết kế hoạch vốn, các chủ đầu tư báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, điều chuyển vốn cho dự án khác theo quy định. Tăng cường đôn đốc các nhà thầu nghiệm thu, lập hồ sơ để thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu và hoàn ứng theo quy định.

- Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn đầu tư công có công trình, dự án sử dụng vốn sai mục đích, gây thất thoát vốn; không giải ngân hết kế hoạch vốn mà không có lý do khách quan, phải thu hồi vốn; nghiệm thu, thanh quyết toán không đúng quy định; hoàn ứng hoặc tiến độ thi công chậm, làm phát sinh mới nợ đọng XDCB, phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

2.5. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề, công tác giám sát đánh giá đầu tư nhằm kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh.

3. Tổ chức thực hiện:

3.1. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện rà soát, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.

3.2. Các sở, ban, ngành, các ban quản lý dự án chuyên ngành tổ chức rà soát nợ đọng XDCB theo yêu cầu tại mục 1, báo cáo kết quả về UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp) trước ngày 20/7/2018. Định kỳ vào ngày 25 của tháng cuối quý (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm) báo cáo kết quả xử lý số nợ đọng XDCB của ngành, đơn vị mình, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

3.3. UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn (bao gồm cả nợ đọng XDCB cấp xã); tổ chức rà soát nợ XDCB theo yêu cầu tại mục 1 và báo cáo kết quả về UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp) trước ngày 20/7/2018. Định kỳ vào ngày 25 của tháng cuối quý (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm) báo cáo kết quả xử lý số nợ đọng XDCB của ngành, đơn vị mình, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

3.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu kế hoạch triển khai thực hiện; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện và định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, năm tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả xử lý nợ đọng XDCB với Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU; TTHĐND tỉnh (b/c);
- CPCT; CPVP;
- Các sở, ban, ngành;
- Công an, Bộ CSQS, Cảnh sát PCCC tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các BQL dự án chuyên ngành, khu vực;
- Các chủ đầu tư;
- Báo VP; Đài PTTH tỉnh; Cổng TTĐT tỉnh;
- CV: NCTH;
- Lưu: VT.
(Đ- b)

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trì