Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2003/CT-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 03 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM.
Trong những năm qua việc triển khai Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ, Chỉ thị số 02/2002/CT-UB ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thông qua các hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống ; và việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của toàn xã hội, cải thiện đáng kể các điều kiện sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế-xã hội đã nâng cao mức sống, thay đổi lối sống và gia tăng nhu cầu ăn uống của người dân, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng số cơ sở dịch vụ ăn uống với những qui mô và phương thức kinh doanh khác nhau ; trong đó có nhiều cơ sở không tuân thủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, mua và sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng ; sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế ; kinh doanh, sử dụng hàng gian, hàng giả, hàng kém phẩm chất… đang gây nổi băn khoăn, lo lắng của dư luận xã hội.
Mặt khác, việc phối hợp hành động giữa các ngành chuyên môn và việc phân cấp trách nhiệm cho các cấp chưa tốt, làm hạn chế năng lực quản lý Nhà nước trên lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tình hình trên đã làm gia tăng số vụ và số người bị ngộ độc thực phẩm, nhất là thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể tại các xí nghiệp, Khu công nghiệp, trường học, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, tạo nên tâm trạng bất an trong xã hội.
Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước hạn chế số vụ ngộ độc tập thể, Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị :
I.- TĂNG CƯỜNG CÁC HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ :
1. Tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông nâng cao kiến thức của người tiêu dùng trong việc chọn lựa thực phẩm và tham gia kiểm soát thị trường thực phẩm, thay đổi các thói quen không hợp vệ sinh để chủ động phòng ngừa ngộ độc và các bệnh lây qua thực phẩm.
2. Tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm các bếp ăn tập thể. Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện, phải chịu trách nhiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các bữa ăn tập thể của cơ sở.
3. Tăng cường quản lý đối với các cơ sở chế biến, cung ứng các suất ăn sẵn, các cơ sở dịch vụ ăn uống, các nhà hàng, khách sạn. Tất cả cơ sở cung ứng suất ăn sẵn đều phải thực hiện đăng ký kinh doanh và tuân thủ quy định Nhà nước về điều kiện, tiêu chuẩn quy định cho các bếp ăn tập thể.
4. Tăng cường quản lý kinh doanh hóa chất, chất phụ gia dùng trong thực phẩm theo quy định của Nhà nước : kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2003, chỉ có các cơ sở kinh doanh thực phẩm mới được phép buôn bán các hóa chất, phẩm màu và chất phụ gia dùng trong thực phẩm. Người kinh doanh các hóa chất, phẩm màu và chất phụ gia dùng trong thực phẩm phải tuân thủ các quy định về sang bao, đóng gói và chỉ được phép kinh doanh các hóa chất, phẩm màu và chất phụ gia dùng trong thực phẩm theo danh mục cho phép của Bộ Y tế. Nghiêm cấm việc bán các hóa chất, phẩm màu và chất phụ gia dùng trong thực phẩm chung với các hóa chất, phẩm màu và chất phụ gia dùng cho mục đích khác.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành để giám sát thực hiện quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và kịp thời phát hiện xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
II.- PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
Để phối hợp hành động tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Ủy ban nhân dân thành phố phân công trách nhiệm cho các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện như sau :
1. Sở Y tế :
1.1. Làm nhiệm vụ Thường trực tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố, Ban chỉ đạo liên ngành thành phố thực hiện việc tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
1.2. Chủ trì phối hợp với các sở-ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác truyền thông giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm ; các chương trình hành động vệ sinh an toàn thực phẩm ; tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng năm ; tổ chức huấn luyện về vệ sinh an toàn thực phẩm ; công tác khám sức khỏe định kỳ và quản lý chữa trị kịp thời các trường hợp bệnh cho các đối tượng hành nghề thực phẩm theo quy định ; hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các Ban-ngành, Ủy ban nhân dân quận-huyện trong công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm ; tổ chức thanh tra liên ngành về thực hiện các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm ; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đội điều tra xử lý các vụ ngộ độc ; tổ chức hệ thống cấp cứu chữa trị cho người bị ngộ độc thực phẩm.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn :
2.1. Chỉ đạo triển khai chương trình sản xuất rau an toàn, mở rộng diện tích vùng rau an toàn ở ngoại thành. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng rau lưu thông trên địa bàn thành phố, nguồn rau từ các tỉnh về và các chợ đầu mối. Tăng cường và thực hiện tốt thanh tra, kiểm tra việc sử dụng và kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản tại vùng sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành, hạn chế đến mức thấp nhất ngộ độc thực phẩm do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau.
2.2. Phối hợp với Sở Y tế, Sở Thương mại, Công an thành phố, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các biện pháp truyền thông, giáo dục đẩy mạnh việc sử dụng và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố ; kiểm tra xử lý triệt để tình trạng giết mổ lậu và buôn bán các loại sản phẩm động vật, thủy hải sản chưa qua kiểm soát giết mổ, kiểm tra thú y, kém hoặc mất phẩm chất ; nghiên cứu tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định cấm sản xuất-kinh doanh cá nóc trên địa bàn thành phố.
3. Sở Thương mại :
3.1. Chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, xử lý việc buôn bán, lưu thông các thực phẩm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về bao bì, về ghi nhãn hàng hóa, các loại thực phẩm giả hoặc không đảm bảo chất lượng.
3.2. Phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường hướng dẫn việc kinh doanh hóa chất, chất phụ gia dùng trong thực phẩm theo quy định hiện hành.
3.3. Phối hợp với ngành y tế tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh ăn uống ; tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong quản lý thực phẩm cho đội ngũ cán bộ của ngành thương mại.
3.4. Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố quy hoạch các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố, quy hoạch các chợ kinh doanh sản phẩm động, thực vật.
4. Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường :
Phối hợp với các ngành liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở có chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm được nuôi trồng, đánh bắt.
5. Công an thành phố :
Phối hợp và hỗ trợ các ngành chức năng kiểm tra xử lý các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém phẩm chất gây hậu quả xấu đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
Tăng cường quản lý trật tự đô thị, xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán kinh doanh thực phẩm trái quy định, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Sở Văn hóa và Thông tin :
Phối hợp thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo :
7.1. Chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đối với các bếp ăn tập thể, căn tin trong các trường học, không để xảy ra ngộ độc tập thể trong trường học.
7.2. Nghiên cứu đưa nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm vào chương trình giảng dạy cho học sinh.
8. Sở Tài chánh-Vật giá và Sở Kế hoạch và Đầu tư :
Kịp thời cung cấp kinh phí cho hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo kế hoạch được duyệt, nhất là kinh phí nâng cao năng lực xét nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm.
9. Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố :
Phối hợp với ngành y tế chỉ đạo, hướng dẫn xí nghiệp trong các khu chế xuất và khu công nghiệp thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phối hợp với Thanh tra y tế thành phố có kế hoạch thường xuyên thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố, do ngành y tế chủ trì về chuyên môn kỹ thuật và xử lý các hành vi vi phạm.
10. Ủy ban nhân dân các quận-huyện :
10.1. Chịu trách nhiệm trực tiếp đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể qui mô lớn.
10.2. Củng cố tăng cường Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của quận-huyện và phường-xã ; xây dựng cơ chế và kế hoạch hành động phối hợp liên ngành đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quận-huyện ; tổ chức phối hợp thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động chung của Ban chỉ đạo liên ngành về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố.
11. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các đoàn thể các cấp và các tổ chức xã hội, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… cùng phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin hướng dẫn người tiêu dùng ; giám sát phát hiện và thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng những hiện tượng xấu trên thị trường, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân. Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo đưa nội dung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào Thỏa ước lao động của từng doanh nghiệp như là một trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với quyền lợi của người lao động.
III.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
1. Thủ trưởng các sở-ngành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện căn cứ vào nội dung tại Chỉ thị này để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và phối hợp với Ủy ban Mặt trận, các đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện tốt chỉ thị trong ngành và tại địa phương mình, định kỳ báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân thành phố thông qua Sở Y tế thành phố.
2. Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chỉ thị, theo dõi tình hình và định kỳ tổng hợp báo cáo theo quy định./.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Chỉ thị 02/2002/CT-UB về tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 49/2016/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 855/QĐ-UBND năm 2017 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2016
- 4Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Quyết định 49/2016/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 855/QĐ-UBND năm 2017 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2016
- 3Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chỉ thị 06/2003/CT-UB về tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 06/2003/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 21/03/2003
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Thành Tài
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 31/03/2003
- Ngày hết hiệu lực: 15/12/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra