Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2002/CT-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 01 năm 2002 

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM.

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố, tình hình ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn, từ các cơ sở chế biến suất ăn sẵn v.v... có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, có những trường hợp ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể của Nhà máy làm cho hàng trăm công nhân bị ngộ độc, phải được cấp cứu, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của công nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến thực phẩm, suất ăn sẵn không chấp hành đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước và Chính quyền địa phương chưa làm tốt chức năng quản lý thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là mối quan tâm lớn và là trách nhiệm chung của toàn xã hội, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nòi giống và sức khỏe lâu dài của nhân dân.

Để tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt trong dịp lễ, tết ; hạn chế đến mức thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm và số người bị ngộ độc, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị như sau :

1- Sở Y tế thành phố : là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Sở-ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành đối với các nhà ăn, bếp ăn tập thể tại các nhà máy, xí nghiệp, các cơ quan, trường học bán trú, bệnh viện, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở  chế biến thực phẩm, chế biến suất ăn sẵn v.v... trong việc chấp hành các quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành (quyết định số 4128/2001/QĐ-BYT ngày 03 tháng 10 năm 2001) ; Tổ chức tập huấn, tuyên truyền giáo dục, phổ biến các kiến thức, các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cán bộ quản lý, nhân viên làm việc tại các nhà ăn, bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, chế biến suất ăn sẵn trên địa bàn thành phố ; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

2- Sở Thương mại chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường chủ động phối hợp với ngành y tế thanh tra, kiểm tra, xử lý việc mua bán các loại thực phẩm kém phẩm chất, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm các quy định về bao bì đóng gói, ghi nhãn hiệu thực phẩm.

3- Công an thành phố chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường, phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chức năng trong việc điều tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, chế biến suất ăn sẵn, dịch vụ ăn uống vi phạm Nghị định số 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ trong việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán, kinh doanh thực phẩm, không đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị và vệ sinh môi trường ; phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương điều tra, xử lý các vụ làm thực phẩm giả gây hậu quả nghiêm trọng.

4- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo :

4.1- Chi cục bảo vệ thực vật tích cực phối hợp với ngành y tế thực hiện công tác kiểm tra lấy mẫu các loại rau quả trên thị trường ; kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong các loại rau quả ; tổ chức phổ biến sâu rộng tới người sử dụng các yêu cầu, quy trình sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, thuốc chuyên ngành, phân bón hóa học cũng như danh mục hóa chất bảo vệ thực vật được phép sử dụng, danh mục các thuốc trừ sâu cấm sử dụng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Phổ biến các kiến thức về phòng ngừa ngộ độc do thuốc bảo vệ thực vật cũng như cách xử lý nhanh khi bị ngộ độc.

4.2- Chi cục thú y tăng cường các biện pháp kiểm tra việc giết mổ gia súc, vệ sinh thú y ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở giết mổ lậu ; tăng cường các hoạt động phòng bệnh, khám chữa bệnh cho gia súc, ngăn chặn các dịch bệnh có thể xảy ra.

5- Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các Sở-ngành có liên quan xây dựng các tiêu chuẩn, phổ biến, hướng dẫn các quy định, quy trình kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm, nông sản, thủy sản. Chỉ đạo Chi cục tiêu chuẩn-đo lường chất lượng thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng các hóa chất, phụ gia trong việc chế biến thực phẩm, tẩm ướp thủy hải sản v.v...

6- Sở Giáo dục-Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Lực lượng Thanh niên Xung phong tăng cường chỉ đạo, thường xuyên nhắc nhở các trường học, cơ sở chữa bệnh, trung tâm cai nghiện ma túy chú ý đảm bảo và thực hiện tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm  để phòng tránh ngộ độc tập thể có thể xảy ra ; phối hợp với Sở Y tế tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên cấp dưỡng của các bếp ăn tập thể và căn tin của các đơn vị.  

7- Các Sở-ngành chủ quản của các Công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ sở này trong việc chấp hành các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ; thực hiện và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm do cơ sở công bố (theo quy định tạm thời về công bố tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm được ban hành kèm theo quyết định số 2027/2001/QĐ.BYT ngày 30/5/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

8- Sở Văn hóa và Thông tin và các Báo, Đài thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, dành thời lượng thông tin thích đáng cho việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các kiến thức liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ; hướng dẫn nhân dân về vệ sinh ăn uống, vệ sinh chế biến thực phẩm, cách đề phòng ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh do ăn uống thực phẩm không đảm bảo chất lượng và vệ sinh gây ra.

9- Ủy ban nhân dân các quận-huyện, chỉ đạo Trung tâm y tế quận-huyện, trạm y tế phường-xã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của quận-huyện, phường-xã thực hiện tốt các hoạt động thông tin giáo dục truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tới từng cá nhân, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát các cơ sở này trong việc chấp hành các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ; xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở vi phạm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo điều kiện để người tiêu dùng phát huy tinh thần tự bảo vệ mình và tham gia với các cơ quan y tế trong việc phát hiện và đấu tranh kịp thời các vi phạm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất ; chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

10- Thủ tưởng các Sở Ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, Ủy ban nhân dân các quận-huyện, có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị này./.

 

 

 Nơi nhận :
- Bộ Y tế
- Văn phòng Chính phủ
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP
- Ủy ban nhân dân thành phố
- Các Sở-Ngành thành phố
- UBND các quận-huyện
- UBMTTQ và các Đoàn thể
- VP/TU và các Ban TU
- Các Ban HĐND
- Các Báo, Đài
- VPHĐ-UB : CPVP, Các Tổ NCTH
- Lưu (VX)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Tài

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/2002/CT-UB về tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 02/2002/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/01/2002
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thành Tài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản