Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/1999/CT.UBT

TX Vĩnh Long, ngày 25 tháng 01 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC, THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 83/1998/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH

Ngày 16/01/1961 Hội Đồng Chính phủ đã ban hành nghị định số 04/CP quy định điều lệ đăng ký hộ tịch, đến nay, qua 37 năm thực hiện, Nghị định 04/CP có nhiều điểm không còn phù hợp trong tình hình mới như: việc đăng ký khai sinh, khai tử, nhận con nuôi,... có nhân tố nước ngoài, việc này đã gây nhiều lúng túng, sai sót cho Ủy ban nhân dân cấp xã - phường - thị trấn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhằm khắc phục tình trạng trên, ngày 10 tháng 10 năm 1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/1998/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch thay thế Nghị định số 04/CP ngày 16-01-1961.

Để thực hiện tốt nghị định của Chính phủ, đồng thời để tăng cường công tác quản lý hộ tịch trong địa bàn toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị.

1/ Giám đốc Sở Tư pháp cùng Hội đồng Tuyên truyền giáo dục pháp luật tỉnh kết hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tổ chức triển khai tuyên truyền sâu rộng nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 cho cán bộ, công chức và nhân dân trong toàn tỉnh nắm, hiểu được các quy định của Nhà nước về đăng ký, quản lý hộ tịch để thực hiện.

2/ Ngành Tư pháp, ban Tổ chức chính quyền có kế hoạch giúp UBND cùng cấp quy hoạch bố trí cán bộ có đủ tiêu chuẩn, năng lực làm công tác đăng ký, quản lý hộ tịch vừa mang tính ổn định, vừa bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong việc đăng ký, thay đổi, cải chính hộ tịch.

3/ Địa phương nào có cán bộ làm công tác hộ tịch chưa có kiến thức pháp lý, chưa được tập huấn nghiệp vụ không đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điều 13 nghị định 83/1998/NĐ-CP thì lãnh đạo địa phương đó có kế hoạch đưa đi tập huấn nghiệp vụ hoặc đưa đi đào tạo kiến thức pháp luật để đáp ứng được nhu cầu công tác. Giao giám đốc sở Tư pháp thống kê trình độ nghiệp vụ của cán bộ làm công tác hộ tịch của các địa phương trong tỉnh từ đó lập kế hoạch mở các lớp đào tạo kiến thức pháp luật hoặc bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ nhằm giúp cho cán bộ làm công tác hộ tịch ở cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ.

4/ Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về đăng ký quản lý hộ tịch, chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện đăng ký, quản lý hộ tịch ở địa phương mình; định kỳ 6 tháng, năm tổng hợp tình hình và báo cáo thống kê số liệu về hộ tịch cho UBND tỉnh và sở Tư pháp; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch ở cơ sở.

5/ Kể từ nay công tác đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn và việc thực hiện thay đổi, cải chính hộ tịch phải thực hiện đúng theo quy định của nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ.

Những văn bản của UBND tỉnh trước đây trái với nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ và chỉ thị này đều bị hủy bỏ.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo về Sở Tư pháp và UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời.

 


Nơi nhận:
- TT.TU+HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBT;
- BLĐVP UBT;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- Các cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã
- Các khối NC
- Lưu 2.09.02

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hùng