Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT.UB

Long Xuyên, ngày 08 tháng 01 năm 1990

 

CHỈ THỊ

V/V TỔ CHỨC QUẢN LÝ THU THUẾ NÔNG NGHIỆP 1990

Thời gian quan, việc lập bộ và thu thuế nông nghiệp hằng năm đều chậm trễ so với mùa vụ, trong tính toán định mức thu một số cây chưa hợp lý, thu chậm, nộp chậm đã ảnh hưởng đến việc cân đối thu chi ngân sách của tỉnh nhà.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời thực hiện chánh sách thuế nông nghiệp năm 1990 theo tinh thần Pháp lệnh thuế nông nghiệp đã sửa đổi, bổ sung. Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo như sau:

1- Lập Bộ thuế:

Ủy ban nhân dân các huyện, thị, chỉ đạo cho xã, phường, thị trấn tiến hành điều tra lập ngay bộ thuế nông nghiệp năm 1990, mà trước mắt là vụ mùa 1989 – 1990 theo tinh thần Pháp lệnh thuế nông nghiệp đã sửa đổi (tính thuế cả nông, lâm, trường, trạm, trại quốc doanh), chú ý đất 1 vụ chuyển thành 2 vụ, nếu đúng hạn 3 năm phải chỉnh hạng đất chịu thuế thành 2 vụ theo thực tế.

Các trường hợp đề nghị miễn giảm phải làm đầy đủ thủ tục gởi Sở Tài chính vật giá trước khi thu hoạch.

2- Thu thuế và nợ:

Chủ yếu thu bằng tiền, kết hợp thu thuế năm 1990 với thu nợ các năm 1988 – 1989. Giá thu tiền thay lúa sẽ do Chủ tịch UBND huyện, thị quyết định, sao cho phù hợp với thị trường ở từng thời điểm thu.

Trường hợp thu bằng lúa (chỉ nhận đối với đất trồng lúa) thì ngành lương thực tổ chức thu nhận trên cơ sở hợp đồng mua đứt, bán đoạn với ngành Tài chánh. Lúa phải bảo đảm phẩm chất, ẩm độ theo quy định.

3- Thời gian nộp tiền thuế vào ngân sách:

Tiền thuế và tiền bán lúa thuế phải được nộp đầy đủ vào ngân sách không quá 5 ngày sau khi thu được. Các trường hợp chiếm dụng tiền và lúa thuế để sử dụng bất cứ mục đích gì, cũng đều bị xử phạt nghiêm minh.

4- Khoán quỹ lương và kinh phí:

Khoán quỹ lương và kinh phí cho công tác thuế nông nghiệp bằng 10% số thuế thực nộp ngân sách (phần 50% địa phương được hưởng) kể từ tháng 01/1990, chia ra: tỉnh : 1; huyện, thị: 3; xã, phường: 6.

5- Tỷ lệ điều tiết:

Việc điều tiết thuế nông nghiệp vào các cấp ngân sách, trước mắt vẫn áp dụng tỉ lệ: Trung ương 50%, huyện, thị 30%, xã, phường 20% và phải thực hiện ngay khi nộp tiền thuế vào ngân khố, không được đề nhiều ngày mới điều tiết 1 lần.

6- Mức phạt:

Nếu cố tình không nộp thuế để quá hạn, thì mức phạt quá hạn thực hiện theo Nghị định 52-HĐBT ngày 27/05/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc quy định chi tiết thi hành pháp lệnh về thuế nông nghiệp.

Các trường hợp phải thu phạt mà cán bộ thuế tự tiện không thu hoặc giảm mức thu phạt thì phải bồi hoàn cho ngân sách khoản thiệt hại đó và tùy mức độ sẽ bị xử lý nghiêm túc.

Muốn giảm hoặc miễn phạt thì Chủ tịch UBND xã đề nghị thông qua phòng tài chánh để Chủ tịch UBND huyện thị quyết định.

7- Việc miễn thuế theo di chúc Bác Hồ:

Căn cứ Nghị quyết cuộc họp Quốc hội khóa 8 kỳ họp thứ 6 thì việc miễn thuế nông nghiệp sẽ thực hiện trong 2 năm 1990 và 1991, mỗi năm miễn 50% số thuế ghi thu. Khi có hướng dẫn cụ thể của HĐBT, UBND Tỉnh sẽ thông báo sau.

8- Tổ chức thực hiện:

Giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính - Vật giá có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thi hành chỉ thị này, đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thị tổ chức triển khai và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện. Trong qua trình thực hiện có phát sinh vấn đề gì ngoài khả năng giải quyết thì báo TT.UBND Tỉnh có ý kiến chỉ đạo.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Khánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT.UB về tổ chức quản lý thu thuế nông nghiệp 1990 do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 02/CT.UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/01/1990
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Hữu Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản