Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2009/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 01 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC, LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 5 NĂM THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG.

Năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố đã tập trung lãnh đạo các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21 tháng 5 năm 2004 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 17/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch 5 năm (2006 - 2010) theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng và Chỉ thị số 03/2008/CT-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008. Kết quả công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước trong thành phố có sự chuyển biến tích cực; hình thức, nội dung, phương pháp tổ chức thi đua tiếp tục đổi mới; chất lượng hoạt động các cụm, khối thi đua được nâng lên; từng địa phương đề ra được các mục tiêu thi đua cụ thể. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được các cấp, các ngành và Nhà nước khen thưởng, đã có tác dụng giáo dục, động viên, nêu gương học tập. Hướng phong trào thi đua đã tác động tích cực vào việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua ở các sở, ban ngành, đoàn thể thành phố, các quận, huyện và cơ sở còn một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; phong trào thi đua yêu nước tuy có chuyển biến nhưng chưa đồng đều và thiếu thường xuyên, liên tục; chất lượng hoạt động các cụm, khối ở ngành, quận, huyện và xã phường, thị trấn một số nơi còn yếu; công tác phối hợp trong tổ chức phong trào chưa chặt chẽ và đồng bộ; việc xây dựng điển hình, nhân rộng điển hình tiên tiến, khen nóng và khen đột xuất còn hạn chế; bộ máy, tổ chức cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở cấp xã, phường, thị trấn còn thiếu và yếu về năng lực chuyên môn.

Nhằm phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian qua. Mục tiêu của phong trào thi đua năm 2009 là phấn đấu thực hiện vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp thứ 15, khóa VII đề ra; đồng thời lập thành tích chào mừng kỷ niệm 5 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Để đạt được mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thủ trưởng các sở, ban ngành thành phố phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội, các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố và các doanh nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức vận động và tích cực tham gia các phong trào thi đua thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2009 với những nội dung cụ thể sau đây:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn mới. Duy trì thường xuyên, liên tục các phong trào thi đua yêu nước. Thi đua phải thu hút được nhiều người, các tầng lớp xã hội tham gia, các phong trào thi đua phải tạo ra được bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, phải thực sự là động lực, là đòn bẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, công tác, sản xuất kinh doanh, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị cụ thể và sự nghiệp phát triển toàn diện, bền vững của thành phố.

2. Các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức và thực hiện các phong trào thi đua, khen thưởng đối với các đơn vị, địa phương được phân công theo quy chế hoạt động của Hội đồng.

3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có kế hoạch chỉ đạo, phát động phong trào thi đua một cách toàn diện, phong trào phải thực chất, triển khai sâu rộng, liên tục, đều khắp và bao quát toàn bộ hoạt động đời sống xã hội, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các cơ quan, đơn vị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở các địa phương. Phong trào thi đua yêu nước năm 2009 phải hướng vào việc thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm và những nhiệm vụ quan trọng của thành phố đề ra; thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, các giải pháp để bình ổn giá cả thị trường, chú trọng tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 10 chương trình, 04 đề án, thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, kết luận của Ban Bí thư tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đạt các tiêu chí trở thành thành phố đô thị loại I; tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý thu chi ngân sách nhà nước, thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; hợp tác phát triển với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các viện, trường; nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác kinh tế đối ngoại; tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, tăng cường các biện pháp đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

4. Trong quá trình chỉ đạo, thực hiện phải gắn thi đua với khen thưởng, xem việc tổ chức phong trào thi đua ở cơ sở là nền tảng; dựa trên kết quả của phong trào thi đua, việc xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng phải bám sát tiêu chuẩn, điều kiện quy định của Nhà nước; đồng thời, phải bảo đảm công khai, dân chủ, so sánh khách quan, đánh giá đúng thành tích với phương châm phát hiện nhanh, khen thưởng chính xác, kịp thời. Chú ý hơn việc khen thưởng cho tập thể nhỏ, cá nhân, cán bộ trực tiếp ở cơ sở, người trực tiếp lao động ở những nơi khó, việc khó; khen tài năng trẻ, những sáng kiến kinh nghiệm có hiệu quả trong quản lý, trong sản xuất kinh doanh, gương người tốt việc tốt dũng cảm cứu người, tài sản của nhân dân và của Nhà nước. Chú ý việc phát hiện, khen nóng, đột xuất, bồi dưỡng, xây dựng những tập thể, cá nhân tiên tiến thành tích xuất sắc để nhân điển hình, nhằm chuẩn bị cho Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc vào năm 2010.

5. Kiện toàn, củng cố bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ làm thi đua, khen thưởng từ thành phố đến cơ sở theo tinh thần Nghị định số 122/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng; đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh các thiết chế, quy định tiêu chuẩn khen thưởng phù hợp với các danh hiệu, mức khen thưởng làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân phấn đấu.

6. Tiếp tục xây dựng, củng cố nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cụm thi đua trong thành phố: các trưởng Cụm xây dựng chương trình, kế hoạch và các nội dung ký kết giao ước thi đua giữa các thành viên trong Cụm; qua đó đề ra các biện pháp thực hiện phù hợp nhằm tăng cường hiệu quả trong hoạt động Cụm, để Cụm trở thành diễn đàn của phong trào thi đua cơ sở, là nơi suy tôn, nơi trao đổi kinh nghiệm học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt. Các cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào Luật Thi đua, khen thưởng, các quy định của Trung ương và của thành phố xây dựng quy chế thi đua và khen thưởng trong cơ quan đơn vị mình, nhằm tổ chức thực hiện thống nhất, bảo đảm tính khách quan, tránh các biểu hiện tùy tiện trong công tác bình xét thi đua, khen thưởng.

7. Định kỳ và thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng; đôn đốc, phát hiện, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, nhằm động viên giáo dục cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng con người mới, hạn chế và đẩy lùi tiêu cực, tạo khí thế phấn khởi, đoàn kết trong xã hội và các tầng lớp nhân dân. Thi đua, khen thưởng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương. Các đợt thi đua có tổ chức sơ kết, cuối năm phải tổng kết rút kinh nghiệm. Qua đó, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến để nhiều người học tập làm theo.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh - Truyền hình phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trên địa bàn thành phố tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương; thường xuyên đưa tin về việc đổi mới nội dung, hình thức thi đua, khen thưởng trong các chương trình của báo, đài để phong trào thi đua thực sự là phong trào hành động cách mạng của quần chúng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.

Trong năm 2009, triển khai phong trào thi đua yêu nước gồm 4 đợt, cụ thể như sau:

Đợt 1: từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến ngày 30 tháng 03 năm 2009, với chủ đề “Tiếp tục lập thành tích Chào mừng kỷ niệm 5 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương”, “Mừng Đảng, đón Xuân Kỷ Sửu năm 2009”;

Đợt 2: từ ngày 01 tháng 4 năm 2009 đến ngày 30 tháng 6 năm 2009, với chủ đề “Lập thành tích Chào mừng kỷ niệm 34 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”;

Đợt 3: từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 đến ngày 30 tháng 9 năm 2009, với chủ đề “Lập thành tích Chào mừng kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, 64 năm Ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2 tháng 9”;

Đợt 4: từ ngày 01 tháng 10 năm 2009 đến ngày 31 tháng 12 năm 2009, với chủ đề “Lập thành tích Chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; Quyết tâm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2009”.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện. Giao Sở Nội vụ chủ động tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ liên quan, tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thi đua, khen thưởng. Kiểm tra, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười ngày và được đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (Đã ký)
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- Ban TĐ-KT Trung ương;
- TT. Thành ủy, TT. HĐND thành phố;
- CT, PCT UBND thành phố;
- Thành viên UBND thành phố;
- Thành viên HĐ.TĐKT thành phố;
- UBMTTQ và các Đoàn thể thành phố;
- Các sở, ban ngành thành phố;
- TT. HĐND và UBND quận, huyện;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố;
- VP UBND thành phố (3D);
- Website Chính phủ;
- Các cơ quan Báo, Đài;
- TT Công báo;
- Lưu: VT.H.90

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/2009/CT-UBND phát động phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích Chào mừng kỷ niệm 5 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương

  • Số hiệu: 01/2009/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/01/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/01/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản