Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2006/CT-TTG | Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 2006 |
VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2006 VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM (2006 – 2010) THEO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ X CỦA ĐẢNG
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 03 tháng 6 năm 1998 và Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21 tháng 5 năm 2004 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước đã có bước chuyển biến tích cực; đặc biệt đợt thi đua theo Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2005 (đạt mức tăng trưởng kinh tế 8,4%) góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2001 – 2005).
Phát huy kết quả đã đạt được, để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 – 2010) theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt những nội dung cụ thể sau đây:
1. Căn cứ vào mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2006 – 2010) từng Bộ, ngành, từng địa phương dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng phải đề ra được các mục tiêu thi đua cụ thể của từng năm, từng đợt thi đua, hướng phong trào thi đua vào việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội ở từng ngành, từng địa phương, từng cơ sở.
Trước mắt, năm 2006, năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), để tạo đà cho những năm tiếp theo, phong trào thi đua phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá, nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, kết hợp giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội; phong trào thi đua phải có tác động tích cực trong việc thực hiện chương trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh, thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của công dân; đồng thời góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc như tạo nhiều việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm số hộ nghèo…. Để làm tốt những công việc này, từng Bộ, ngành, từng địa phương phải để ra được những nội dung, biện pháp thi đua cụ thể, sát với đặc điểm của Bộ, ngành, địa phương mình. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc tổ chức đăng ký, giao ước, tổ chức thực hiện thi đua và sơ kết, tổng kết phong trào thi đua để thi đua thực sự là phong trào hành động cách mạng của quần chúng.
2. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Luật Thi đua, Khen thưởng và các nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng, tạo sự chuyển biến trước hết về nhận thức nhằm tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng các phong trào thu đua, chất lượng hoạt động của các cụm, khối thi đua và chất lượng công tác khen thưởng; chống mọi biểu hiện phô trương, bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng, đảm bảo khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thành tích và khen thưởng kịp thời, để thi đua và khen thưởng thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an ninh, quốc phòng và xây dựng con người mới. Không đề nghị phong tặng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng tham nhũng và không thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
3. Đẩy mạnh việc chăm lo xây dựng điển hình tiên tiến và nhân rộng học tập các gương điển hình tiên tiến. Mỗi Bộ, ngành và địa phương phải bồi dưỡng được những điển hình tiên tiến có tính tiêu biểu nhất của Bộ, ngành, địa phương mình để nêu gương, học tập; tuyên truyền kịp thời các bài học kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến.
Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hoá trung ương và các cơ quan truyền thông đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện và tuyên truyền những tấm gương điển hình và nhân tố mới.
4. Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức và cán bộ thi đua, khen thưởng, khẩn trương kiện toàn bộ máy thi đua, khen thưởng, phấn đấu trong năm 2006 hoàn thành xong việc kiện toàn bộ máy thi đua, khen thưởng các cấp theo tinh thần Nghị định số 122/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ; tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua, Khen thưởng các cấp thực sự là cơ quan tư vấn, tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao năng lực tham mưu, nghiên cứu của các cơ quan chuyên trách về thi đua, khen thưởng; xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có năng lực, vừa có phẩm chất đáp ứng được yêu cầu về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới, góp phần đưa Luật Thi đua, Khen thưởng vào cuộc sống.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách và các quy định về thi đua, khen thưởng; kịp thời động viên, biểu dương những Bộ, ngành, những địa phương làm tốt, phê bình những nơi chậm triển khai và không thực hiện đúng các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng. Xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong công tác khen thưởng.
Yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổng công ty nhà nước, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cụ thể hoá để triển khai thực hiện Chỉ thị này. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các Ban, ngành, đoàn thể Trung ương phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua này, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng năm và kế hoạch 5 năm (2006 - 2010) theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc và thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ kêt quả thực hiện Chỉ thị này.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Nghị định 121/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật thi đua, khen thưởng và Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi
- 2Nghị định 122/2005/NĐ-CP về tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng
- 3Chỉ thị 39-CT-TW năm 2004 về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4Chỉ thị 11/2006/CT-BXD về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch 5 năm (2006-2010) theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đối với các đơn vị thuộc ngành Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 5Chỉ thị 03/2006/CT-NHNN về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành Ngân hàng giai đoạn 2006 – 2010 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
Chỉ thị 17/2006/CT-TTG về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch 5 năm (2006 – 2010) theo nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ X của đảng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 17/2006/CT-TTG
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 08/05/2006
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 21 đến số 22
- Ngày hiệu lực: 02/06/2006
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra