Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2009/CT-UBND

Vị Thanh, ngày 09 tháng 02 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH - CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN NĂM 2009

Năm 2008, Chiến dịch Truyền thông Dân số - Kế hoạch hoá gia đình - Chăm sóc sức khỏe sinh sản đạt được những kết quả nhất định, tác động tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, chỉ tiêu mức giảm sinh năm 2008 chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại còn thấp, đặc biệt tỷ lệ phụ nữ sinh con lần thứ ba trở lên tăng hơn so với cùng kỳ; tỷ lệ phát triển dân số nhiều nơi trong tỉnh có giảm nhưng chưa bền vững, có nguy cơ tăng trở lại

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số ngày 27/12/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 18 tháng 7 năm 2005 của Tỉnh ủy Hậu Giang về việc tiếp tục thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các Sở, Ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Phát động Chiến dịch Truyền thông Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2009 (sau đây gọi tắt là Chiến dịch) để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến từng gia đình, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản thực hiện các biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và thực hiện đạt chỉ tiêu công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2009. Chiến dịch tập trung vào các xã có mức sinh cao, có phụ nữ sinh con lần thứ ba trở lên và đối tượng đã có một hoặc hai con nhưng chưa thực hiện kế hoạch hóa gia đình, người nghèo và đồng bào dân tộc Khmer.

Chiến dịch được tổ chức trong phạm vi toàn tỉnh, được chia làm 2 đợt:

- Đợt I: từ ngày 01 tháng 3 năm 2009 đến ngày 30 tháng 4 năm 2009, tổ chức ít nhất tại 80% số xã, phường, thị trấn (ưu tiên những địa bàn khó khăn).

- Đợt II: tổ chức ở các xã, phường, thị trấn còn lại và những xã chưa đạt chỉ tiêu đợt I. Kết thúc đợt II vào ngày 30 tháng 6 năm 2009.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp, chỉ đạo thực hiện Chiến dịch, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị năm 2009; phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch của Chiến dịch đã đề ra.

3. Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm:

Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch.

Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chiến dịch, phấn đấu đạt trên 80% chỉ tiêu về thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng, 100% các biện pháp tránh thai phi lâm sàng và chăm sóc sức khoẻ sinh sản năm 2009; tổ chức kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch Chiến dịch của các Sở, Ban, ngành và các địa phương theo tiến độ đã đề ra và thường xuyên tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

Chỉ đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh, các Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế dự phòng, Phòng Y tế huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc có liên quan, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn bố trí điểm khám thuận lợi, bảo đảm an toàn chuyên môn kỹ thuật, chuẩn bị đầy đủ thầy thuốc, phương tiện, vật tư,… phục vụ tốt cho Chiến dịch, bảo đảm thực hiện các gói dịch vụ theo đúng chỉ định về chuyên môn của Bộ Y tế.

Chỉ đạo Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, thị xã, cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn cộng tác viên ấp, khu vực tiến hành nắm lại số đối tượng đã thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại còn hiệu quả; tổ chức điều tra lập danh sách các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ cần thực hiện kế hoạch hoá gia đình năm 2008 để vận động đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai; tổng hợp số lượng cụ thể từng đối tượng cần thực hiện trong năm 2009 của địa phương báo cáo về Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh theo quy định.

4. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành, đoàn thể, Tổng Biên tập Báo Hậu Giang, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; xác định việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình là con đường đảm bảo xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình và tạo điều kiện tăng thu nhập của mỗi gia đình, từ đó thấy được việc hoàn thành nhiệm vụ, đạt chỉ tiêu dân số - kế hoạch gia đình là điều kiện cơ bản để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch của địa phương, phân công các thành viên phụ trách địa bàn, đặc biệt chú ý những nơi có mức sinh còn cao, đặc biệt là tỷ lệ sinh con lần thứ ba trở lên tăng, địa bàn có tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện biện pháp tránh thai còn thấp, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa quan tâm đến việc tự chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho bản thân… để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và có những giải pháp cụ thể để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của Chiến dịch đã đề ra.

Căn cứ điều kiện thực tế, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã chỉ đạo lập kế hoạch thực hiện Chiến dịch năm 2009 của địa phương mình. Từng địa phương chủ động tổ chức triển khai Chiến dịch vào thời điểm thích hợp, có thể kết hợp với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm khác; tổng kết thi đua - khen thưởng ở quy mô cấp huyện, cấp xã. Kết thúc Chiến dịch, các địa phương báo cáo về Thường trực Ban Chỉ đạo Chiến dịch của tỉnh (đợt I trước ngày 10 tháng 5 năm 2009; đợt II trước ngày 10 tháng 7 năm 2009).

Ngoài kinh phí của tỉnh phân bổ, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm bổ sung thêm kinh phí để triển khai đầy đủ các hoạt động tại địa phương nhằm đạt kết quả cao nhất.

6. Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kinh phí kịp thời cho các địa phương thực hiện Chiến dịch.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- VP. Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- Tổng cục DS-KHHGĐ (BYT);
- Cục Kiểm tra văn bản (BTP);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- VP. Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã;
- Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh;
- Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Phòng VB-TT (STP);
- Lưu: VT, NCTH. TL

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Quang Hưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/2009/CT-UBND phát động Chiến dịch Truyền thông Dân số - Kế hoạch hoá gia đình - Chăm sóc sức khoẻ sinh sản năm 2009 của tỉnh Hậu Giang

  • Số hiệu: 01/2009/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/02/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Trịnh Quang Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản