Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2003/CT-CT

Bình Dương, ngày 13 tháng 01 năm 2003

 

CHỈ THỊ

V/V TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 13/2002/NQ-CP NGÀY 19/11/2002 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC GIẢI PHÁP KIỀM CHẾ, TIẾN TỚI GIẢM DẦN TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG

Năm 2002, trật tự an toàn giao thông đường bộ và an toàn giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh được cải thiện một bước, tai nạn giao thông được kiềm chế, không xảy ra ùn tắc giao thông, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ đua xe trái phép. Tuy nhiên, tai nạn giao thông giảm chưa cơ bản, số người chết do tai nạn giao thông còn cao; các chợ ven đường, các tuyến đường mới nâng cấp sửa chữa vẫn còn bị tái lấn chiếm; vi phạm các quy định về An toàn giao thông còn khá phổ biến.

Để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông,

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1- Sở Giao thông vận tải:

-Nghiên cứu đề xuất bổ sung, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông trên phạm vi toàn tỉnh. Chú ý địa bàn thị xã Thủ Dầu Một, các thị trấn và khu đô thị mới.

-Củng cố hoạt động bến xe khách, thực hiện dự án xe buýt trên địa bàn tỉnh phục vụ đi lại cho nhân dân, công nhân và học sinh.

-Tăng cường kiểm tra thi công cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo tiến độ, an toàn và chất lượng công trình; kiểm tra, chỉ đạo công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, tổ chức học tập và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe đúng quy định.

-Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra cọc tiêu, biển báo, an toàn cầu đường, phương tiện vận tải ở các bến, bãi, không để phương tiện thiếu thiết bị an toàn đưa vào hoạt động.

2- Lực lượng Công an:

-Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

-Tập trung kiểm tra xử phạt nghiêm những người điều khiển môtô không có giấy phép -lái xe, chưa đủ tuổi quy định, chạy quá tốc độ, điều khiển mô tô lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm trên những đoạn đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm...

-Hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc qui định: người đứng tên đăng ký mô tô, xe gắn máy phải xuất trình giấy phép lái xe hợp lệ, mua bảo hiểm dân sự của chủ xe cơ giới và đóng các loại phí, lộ phí theo quy định.

-Phối hợp chính quyền cơ sở có kế hoạch thường xuyên và đột xuất ổn định trật tự an toàn giao thông đô thị các địa bàn trọng điểm.

-Đề xuất trang bị đủ phương tiện cần thiết để lực lượng Cảnh sát giao thông - cảnh sát trật tự hoàn thành nhiệm vụ.

3- Sở Giáo dục đào tạo:

-Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục luật Giao thông đường bộ và các qui định của pháp luật về an toàn giao thông trong học sinh tiểu học, trung học cơ sở, nghiên cứu mô hình để thực hiện ở lứa tuổi mẫu giáo, mầm non.

-Đảm bảo chấm dứt tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi học bằng xe mô tô, xe gắn máy.

-Hướng dẫn phụ huynh học sinh khi đưa đón con em đi học có ý thức tự giác chấp hành luật, không gây ùn tắc giao thông ở các cổng trường.

4-Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Giám đốc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tổ chức phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật về An toàn giao thông cho cán bộ, nhân viên, công nhân trong cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nhà máy để mọi người hiểu, tự giác chấp hành khi tham gia giao thông.

-Phối hợp với cơ quan chức năng tại cơ sở đảm bảo ổn định trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thời điểm vào ca, tan tầm.

-Những doanh nghiệp có số lượng công nhân từ 200 trở lên nghiên cứu tổ chức xe đưa đón công nhân, hạn chế số lượng lớn công nhân cùng một lúc đổ ra đường gây ùn tắc giao thông.

5-Cán bộ công chức, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang gương mẫu vận động người thân chấp hành các qui định của pháp luật về an toàn giao thông như: khi đi mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm, đi môtô phải có giấy phép lái xe, không cho con, em chưa đủ tuổi đi xe môtô, không lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông, lòng đường, vỉa hè.

Những cán bộ, công chức, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh vi phạm các qui định về an toàn giao thông bị xử lý hành chính thì đơn vị cũng phải có kỷ luật thích đáng, coi đây là một tiêu chuẩn để bình xét thi đua, xét nâng lương, nâng bậc, đề bạt.

6-Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thực hiện các nội dung về gia đình, khu phố an toàn giao thông xem đây là một tiêu chí để xét gia đinh văn hóa, khu phố, ấp văn hóa trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

7-Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã nên là Trưởng Ban An toàn giao thông để trực tiếp chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm về mọi diễn biến trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị tại địa phương.

8-Sở Văn hóa thông tin, Báo Bình Dương, Đài Phát thanh Truyền hình tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện các bài viết, phim phóng sự đấu tranh lên án những hành vi vi phạm pháp luật, những tai nạn giao thông nghiêm trọng để cảnh báo mọi người nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông.

9-Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, có kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp nêu trong Chỉ thị này, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.

10-Ban An toàn giao thông có trách nhiệm theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này. Hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Hồ Minh Phương