Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 4 năm 2020

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI THÀNH PHỐ QUÝ I, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM QUÝ II NĂM 2020

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2020

I. VỀ KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm nội địa GRDP

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 03 tháng đầu năm ước đạt 335.682 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,64%). Trong đó: khu vực dịch vụ giảm 1,23% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,7%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,13% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,41%), khu vực nông nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,2%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,89% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,79%). về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 60,63%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 22,85%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,53%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 15,99%.

Nhìn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mức tăng trưởng của các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm so vơi cùng kỳ năm trước. Chịu tác động nhiều nhất là khu vực thương mại dịch vụ, khi mức tăng của khu vực này chỉ bằng 98,77%, giảm 1,23% so với cùng kỳ. Một số ngành có nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi trước đây hiện rơi vào tình trạng suy thoái, hoạt động cầm chừng với 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm như: vận tải kho bãi giảm 0,37%; kinh doanh bất động sản giảm 12,85%; giáo dục và đào tạo giảm 26,57%; y tế và hoạt động cứu trợ giảm 2,92%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 31,69%.

Tác động của dịch bệnh Covid-19 tập trung vào nửa cuối tháng 3 và tiếp tục ảnh hưởng trong quý 2 sắp tới, trong đó khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tác động nặng nề nhất do có quy mô nhỏ, không đủ khả năng cầm cự thời gian dài trước các ảnh hưởng của dịch. Trên Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, số liệu doanh nghiệp đăng ký như sau:

STT

Loại doanh nghiệp

Số doanh nghiệp

Tỷ trọng (%)

Vốn đăng ký (tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

1

Doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ <=3 tỷ

289.633

68,95

330.579

5,43

2

Doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ từ >3 tỷ đến <20 tỷ

91.737

21,84

644.896

10,59

3

Doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ từ >= 20 tỷ đến <100 tỷ

29.720

7,07

942.589

15,47

4

Doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ từ > 100 tỷ

8.989

2,14

4.173.047

68,51

 

Tổng cộng

420.079

100

6.091.111

100

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp gần đây nhất của Cục Thống kê thì trong khoảng 3 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thì có hơn 1,5 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành thống kê dự báo có thể có khoảng 70 ngàn lao động sẽ chịu tác động trong các tháng sắp tới do tác động kinh tế[1]. Trong năm nay, ngay cả khi Việt Nam sớm khống chế được dịch thì do các nước trên thế giới vẫn còn chưa hồi phục, kinh tế thành phố và cả nước sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn.

2. Lĩnh vực dịch vụ [2]

a) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 318.123 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 210.623 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.

Các trung tâm thương mại, siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút người tiêu dùng đến mua sắm, tuy nhiên do ảnh hưởng vì tâm lý sợ dịch bệnh nên người dân hạn chế đi lại. Trong đó, lương thực, thực phẩm chiếm 17,6% trong doanh thu bán lẻ, tăng 13%; may mặc chiếm 6,5%, tăng 6,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 19%, tăng 7,6%; xăng dầu chiếm 8,2%, tăng 4,6%. Tình hình doanh thu các ngành dịch vụ khác (dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ khác) có xu hướng giảm, ngành bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng (tăng 8,0%), cao hơn tốc độ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (giảm 1,3%). Việc duy trì mức tăng trưởng của ngành bán lẻ trong quý 1 năm 2020 có 03 yếu tố:

- Một là, xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường; theo đó người dân điều tiết cơ cấu chi tiêu theo hưởng tập trung vào mua sắm hàng hóa thiết yếu[3], giảm mua sắm qua chợ, trung tâm thương mại và tăng chi tiêu qua hệ thống siêu thị và mua sắm trực tuyến[4].

- Hai là, sự đáp ứng nhu cầu của người dân qua hệ thống phân phối rộng khắp với 238 chợ, 202 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 2.656 cửa hàng tiện lợi (tăng 12 cửa hàng so với cuối năm 2019).

- Ba là, khả năng và cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn hàng của doanh nghiệp trên địa bàn. Theo báo cáo của các doanh nghiệp ngành thực phẩm, bình ổn thị trường và hệ thống phân phối, nguồn nguyên liệu dự trữ đầy đủ đảm bảo duy trì sản xuất tối thiểu 3 tháng tới; nguồn cung hàng hóa dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ từ 2-3 tháng, sản lượng thực phẩm chế biến đảm bảo đủ cung ứng đến hết quý 2 năm 2020, nhiều doanh nghiệp có chính sách giảm giá 2% - 3% hỗ trợ người dân trong mùa dịch; các doanh nghiệp cam kết (không tăng giá, sẵn sàng cung ứng vượt 30 - 50% kế hoạch thành phố giao, ưu tiên cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa, thậm chí dừng xuất khẩu nếu cần).

b) Kim ngạch xuất - nhập khẩu

- Xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 9,85 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhóm hàng nông sản giảm 3,2% so với cùng kỳ; hàng lâm sản có giá trị xuất khẩu giảm 8,9% so với cùng kỳ; hàng thủy hải sản giảm 19,5% so với cùng kỳ; hàng hóa khác giảm 7,5% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng dầu thô, sản lượng xuất khẩu trong tháng 3 tháng đầu năm 2020, giảm 0,4% so với cùng kỳ với giá trị giảm 6,7% so với cùng kỳ.

- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2019; nhóm hàng tiêu dùng giảm 24,8%. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 26,4% so với cùng kỳ; vải các loại giảm 28,6% so với cùng kỳ; chất dẻo nguyên liệu giảm 9,8% so với cùng kỳ; sắt thép giảm 18,6% so với cùng kỳ; dược phẩm giảm 41,9% so với cùng kỳ; điện thoại các loại và linh kiện giảm 13% so với cùng kỳ; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm 18,2% so với cùng kỳ.

c) Hoạt động Du lịch

Thành phố đã thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh về phòng, chống dịch Covid-19[5] trong lĩnh vực du lịch với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể như sau: (1) Sẵn sàng phản ứng nhanh trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan, phát hiện sớm các trường hợp dịch bệnh Covid-19 gây ra trong lĩnh vực du lịch, góp phần tích cực cùng với các cơ quan chức năng của thành phố xử lý kịp thời theo đúng quy trình và quy định; (2) Nắm chắc và cập nhật thường xuyên thông tin từ các doanh nghiệp du lịch về tình hình, diễn biến khách đến thành phố từ các nước, vùng lãnh thổ, đặc biệt từ các vùng dịch để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và phối hợp xử lý theo quy định; (3) Rà soát, nhắc nhở các doanh nghiệp du lịch thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, nghiêm túc chấp hành việc quản lý du khách đến từ vùng dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế, phối hợp với y tế địa phương trong công tác truyền thông, giám sát phòng chống dịch...

Bên cạnh đó, thành phố đã phát hành 188.100 cuốn cẩm nang phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gửi các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, Ủy ban nhân dân 24 quận huyện để thông tin, tuyên truyền và phổ biến công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngành du lịch thành phố đã triển khai phát miễn phí khẩu trang cho người dân, doanh nghiệp và du khách tại các trạm thông tin và hỗ trợ khách du lịch, một số điểm tham quan và du lịch như Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bưu điện thành phố, Dinh độc lập....

Hoạt động du lịch tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến, thông tin, quảng bá; tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch thành phố chịu những tác động nghiêm trọng, trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Nhìn chung, trước tác động của dịch bệnh, lượng khách đăng ký các chương trình du lịch giảm mạnh, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng và giảm mạnh so với cùng kỳ. Thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh về việc cung cấp thông tin doanh nghiệp du lịch vay vốn bị thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra và cần sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc vay vốn để tháo gõ những khó khăn. Trong 3 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt 1.303.750 lượt khách, chiếm 14,49% kế hoạch năm 2020, giảm 42,26% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch thành phố 3 tháng đầu năm ước đạt 25.591 tỷ đồng, đạt 18,28% so với kế hoạch năm, giảm 26% so với cùng kỳ[6].

Để ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19, thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các nội dung có liên quan về hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, ngành du lịch thành phố đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch về: chính sách thuế; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách bảo hiểm xã hội; chính sách giảm tiền thuê đất; chính sách visa. Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố cũng đã triển khai quán triệt các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn về việc không phân biệt đối xử với người nước ngoài trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gây ra.

d) Vận tải hàng hóa và hành khách

Khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 96,5 triệu lượt hành khách, giảm 36,1% so với cùng kỳ. số lượt vận tải hành khách bằng đường thủy ước đạt 8,7 triệu lượt hành khách, giảm 2,23% so với cùng kỳ. Khối lượng vận tải hành khách theo hợp đồng ước đạt 56,3 triệu lượt hành khách, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 30,78 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng, bến thủy nội địa trong đạt 7,87 triệu tấn, tăng 16,95% so với cùng kỳ. Sản lượng vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 85 triệu tấn tăng 11% so với cùng kỳ.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất: Do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến lượt khách đi lại trong và ngoài nước, số chuyến bay tháng 3 ước đạt 14.999 chuyến, giảm 28,7% so với tháng trước và giảm 32,4% so tháng cùng kỳ; trong đó chuyến bay ngoài nước ước đạt 5.233 chuyến bay và giảm 23,4% so tháng trước. Tổng hành khách tháng 3 ước đạt 1.798.000 lượt người, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 49,3% so tháng cùng kỳ; trong đó lượng khách bay nước ngoài ước 448.000 lượt người, giảm 49,1% so tháng trước và giảm 66,4% so tháng cùng kỳ. Tổng số hàng hóa tháng 3 ước đạt 61.000 tấn, tăng 17,3% so với tháng trước, giảm 3,2% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Ngày 29 tháng 3 năm 2020, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Công văn số 2915/BGTVT-VT gửi Cục hàng không Việt Nam. Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 30 tháng 3 năm 2020 đến hết ngày 15 tháng 4 năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam chỉ được khai thác vận chuyển hành khách với tần suất: (1) Đường bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội: Mỗi hãng hàng không Việt Nam được khai thác 01 chuyến/ngày; (2) Các đường bay Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc - Hà Nội: Mỗi hãng hàng không Việt Nam được khai thác 01 chuyến/ngày/đường bay; (3) Các đường bay thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng/Phú Quốc - TP. Hồ Chí Minh: Mỗi hãng hàng không được khai thác 01 chuyến/ngày/đường bay; (4) Dừng toàn bộ các chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại đi/đến Hà Nội và đi/đến TP. Hồ Chí Minh; (5) Không hạn chế khai thác các chuyến bay không vận chuyển hành khách.

đ) Công nghệ thông tin và tình hình triển khai Đề án Đô thị thông minh

Thành phố đã chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng danh mục nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh của thành phố. Đến nay, thành phố đã trình Hội đồng nhân dân thông qua chủ trương đầu tư và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với 05 dự án trọng tâm là các Trung tâm trụ cột của Đề án xây dựng đô thị thông minh với tổng mức đầu tư là 2.675 tỷ đồng[7], còn lại 62 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư[8].

Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung đang trở thành một thương hiệu manh, có sức lan tỏa và thu hút được đầu tư trong và ngoài nước, cạnh tranh với các chuỗi Công viên phần mềm khác tại khu vực Châu Á. Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp sản xuất phần mềm lớn tại Công viên phần mềm Quang Trung có bước phát triển khả quan, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phần mềm và công nghệ thông tin lớn trong Công viên phần mềm Quang Trung hoạt động ổn định.

e) Tín dụng - Ngân hàng, thị trường chứng khoán

- Hoạt động ngân hàng: Hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định. Trong đó các hoạt động chính: huy động, cho vay và dịch vụ ngân hàng... đều duy trì hoạt động và tăng trưởng nhẹ so với cuối năm trước, đặc biệt ngành ngân hàng trên địa bàn quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

- Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 2.554.000 tỷ đồng, tăng 0,27% so cuối năm 2019. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm gần 87% tổng nguồn vốn huy động[9].

- Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 3 đạt 2.309.000 tỷ đồng, tăng 0,56% so cuối năm 2019[10]. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 52% tổng dư nợ, tăng 1,15% so cuối năm 2019; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 48%, giảm 0,06% so cuối năm 2019.

- Tình hình dư nợ các chương trình tín dụng[11]:

Dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên đạt 164.425 tỷ đồng[12]. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng chủ yếu, đạt 119.042 tỷ đồng, chiếm 72% tổng dư nợ 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên.

Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở: Dư nợ cho vay chương trình còn khoảng 3.288 tỷ đồng với 8.691 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ khách hàng doanh nghiệp là 127 tỷ đồng với 2 khách hàng; dư nợ đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình là 3.161 tỷ đồng với 8.689 khách hàng.

Chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp trong Khu chế xuất - Khu công nghiệp: Ước đến cuối tháng 2 năm 2020, dư nợ cho vay đạt 170.384 tỷ đồng gồm 3.563 khách hàng vay vốn; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 122.496 tỷ đồng; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 47.888 tỷ đồng.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Các ngân hàng thương mại đang đăng ký và tổ chức thực hiện gói tín dụng năm 2020 là 274.450 tỷ đồng.

Chương trình cho vay bình ổn thị trường: Dư nợ cho vay đạt 297 tỷ đồng với 31 doanh nghiệp bình ổn được vay vốn. Doanh số cho vay lũy kể từ đầu chương trình (ngày 01/04/2019) đến nay là 2.172 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo đó, Ngân hàng nhà nước giao cho các tổ chức tín dụng chủ động phân nhóm khách hàng của đơn vị, đánh giá mức độ ảnh hưởng do dịch Covid- 19 tác động đến từng khách hàng (bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân), thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các tổ chức tín dụng chủ động đánh giá và thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng tùy theo khả năng tài chính của doanh nghiệp, mức độ thiệt hại của khách hàng và năng lực của từng tổ chức tín dụng. Đến nay, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng đã xem xét, phân loại hồ sơ khách hàng với số lượng lớn, đưa ra các mức độ hỗ trợ khách hàng phù hợp và trong phạm vi năng lực tài chính của khách hàng cũng như của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã và đang đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để bổ sung vốn lưu động, phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi hết dịch.

- Thị trường chứng khoán: Tính đến ngày 23 tháng 3 năm 2020, có 74 công ty chứng khoán là thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán thành phố với tổng vốn điều lệ hơn 63.000 tỷ đồng; có 380 cổ phiếu, 44 trái phiếu, 6 chứng chỉ quỹ và 63 chứng quyền được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Tổng khối lượng niêm yết đạt 89,92 tỷ chứng khoán, tăng 5,33% so đầu năm; tổng giá trị chứng khoán niêm yết đạt hơn 928.660 tỷ đồng, tăng 5,09% so đầu năm. Vốn hóa thị trường cổ phiếu ngày 23 tháng 3 năm 2020 đạt hơn 2.320.261 tỷ đồng, giảm 29,67% so với đầu năm 2020. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 221 triệu chứng khoán/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt 4.070 tỷ đồng/ngày. Chỉ số VN-Index đến ngày 27 tháng 3 năm 2020 đạt 696,06 điểm, giảm 270,61 điểm, tương đương giảm 28% so với phiên mở cửa ngày 02 tháng 01 năm 2020 (966,67 điểm).

3. Công nghiệp [13]

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố 03 tháng đầu năm ước giảm 1% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ như: Khai thác giảm 66,7%; Sản xuất kim loại giảm 41,3%; Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 22,0%; Sản xuất máy móc, thiết bị khác giảm 19,9%. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu bằng so với cùng kỳ; trong đó:

a) Ngành cơ khí giảm 8,2% so với cùng kỳ do giảm đơn hàng tại thị trường nội địa (sức mua giảm ít nhất 15%) và thị trường xuất khẩu (Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu). Riêng ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, sản xuất ôtô tải phụ thuộc hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ thiếu hụt nguồn linh kiện, phụ kiện phục vụ sản xuất.

b) Ngành sản xuất hàng điện tử tăng 11,5% so với cùng kỳ. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 04 ngành công nghiệp trọng điểm chủ yếu do đơn hàng sản xuất nhiều[14], tuy nhiên mức tăng không cao so với cùng kỳ do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ dịch bệnh ở Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (như điện thoại và linh kiện điện tử; máy vi tính, sản phẩm điện tử,...)[15].

c) Ngành hóa chất - cao su - nhựa tăng 8% so với cùng kỳ, trong đó:

- Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu ước tăng 25,2% (trong khi cùng kỳ giảm 8,6%) do tăng sản lượng nước rửa tay kháng khuẩn (Công ty cổ phần dược phẩm dược liệu Pharmedic, Công ty cổ phần bột giặt LIX,...). Chỉ số tiêu thụ phân ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu ước tăng 19,8% so với cùng kỳ.

- Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất ước tăng 12,2% (cùng kỳ tăng 2,0%) do các doanh nghiệp có đủ nguồn dự trữ nguyên liệu sản xuất đến hết Quý I năm 2020. Sản lượng bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa 3 tháng ước đạt 178,2 ngàn tấn, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ phân ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất ước tăng 20,6% so với cùng kỳ.

- Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic ước giảm 1,3% (cùng kỳ tăng 3,0%) do nguyên liệu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (nhập khẩu 80%) và phải chuyển qua các thị trường nhập khẩu có chi phí cao hơn.

d) Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống giảm 5,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm chủ yếu do phân ngành sản xuất đồ uống ước giảm 8,9% (cùng kỳ tăng 6,6%) với sản lượng bia chai, lon giảm 15,9% so với cùng kỳ (tương đương đạt 335,3 triệu lít) do người tiêu dùng hạn chế đến nơi công cộng, giảm chi tiêu, ăn uống bên ngoài, nhu cầu du lịch giảm. Trong khi đó, nhu cầu lương thực thực phẩm chế biến tăng đột biến gấp 2-3 lần sau ca bệnh Covid-19 thứ 17, khiến các doanh nghiệp gia tăng sản xuất trong tháng 3[16].

- Khu công nghệ cao: Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu Công nghệ cao 03 tháng đầu năm 2020 ước đạt 4.022,99 triệu USD, tăng 19,31% so với cùng kỳ và đạt 20,11% so với kế hoạch đề ra, trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt 3.701,15 triệu USD, tăng 24,10% và giá trị nhập khẩu ước đạt 3.580,46 triệu USD, tăng 8,60% so với cùng kỳ. Tham gia đóng góp 01 bài báo khoa học trên Tạp chí ScienceDirect, tiếp tục thực hiện 02 đề tài nghiên cứu cấp Sở và tổ chức đào tạo 47 lớp cho khoảng 1.170 lượt học viên két họp với gặp gỡ các đối tác để tìm hiểu khả năng hợp tác, xây dựng cơ sở dữ liệu bài giảng điện tử về Robot trên Internet và thiết kế bộ Webcam giám sát, phân loại sản phẩm phục vụ giảng dạy. Trao đổi với 09[17] công ty về công tác tuyển dụng và hơn 10 đối tác về triển khai các chương trình đào tạo; tổ chức thực địa trực tiếp tại 03[18] doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình triển khai phòng, chống dịch bệnh Covid- 19. Bên cạnh đó, thành phố đã hỗ trợ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Hải quan giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị và phụ tùng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn giao các bộ - ngành hướng dẫn để không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc áp dụng các quy định về bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid- 19 từ đầu tháng 4 yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí lại dây chuyền, nhà xưởng...có thể dẫn đến chi phí phát sinh rất lớn, ngoài ra trường hợp có 1 lao động bị nhiễm Covid-19 dẫn đến phải đóng cửa nhà máy thì thiệt hại cũng rất nặng nề (Samsung dự kiến thiệt hại từ 200 triệu - 400 triệu USD doanh thu trong 2 tuần ngưng hoạt động)

Tình hình thu hút đầu tư vào Khu chế xuất - Khu công nghiệp:

Tính đến đầu tháng 3 năm 2020, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 81,71 triệu USD, tăng 29,10% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu là do vốn đầu tư trong nước tăng và một số dự án nước ngoài đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn. Thu hút đầu tư nước ngoài giảm do ảnh hưởng của dịch dịch Covid-19 và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong quý 2 năm 2020. Cụ thể:

- Về đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư thu hút đạt 33,88 triệu USD, tăng 32,41% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cấp mới 4 dự án với vốn đầu tư đăng ký 4,93 triệu USD, giảm 76,84%; 7 dự án tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng 28,95 triệu USD, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ.

- Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư trong nước thu hút đạt 1.07,74 tỷ đồng (tương đương 47,84 triệu USD), tăng 26,85% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cấp mới 10 dự án với vốn đầu tư đăng ký 792,16 tỷ đồng (tương đương 34,21 triệu USD), tăng 14,66%; 10 dự án tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng 315,58 tỷ đồng (tương đương 13,63 triệu USD), tăng 73,04% so với cùng kỳ.

Qua khảo sát tác động của dịch Covid-19 gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCX, KCN trên địa bàn thành phố, có 112/600 doanh nghiệp phản hồi (18,66%); trong đó có 66 (58,92%) doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nCov-19 và 46 (41,08%) doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Trong 66 doanh nghiệp bị ảnh hưởng có: 52 (78,78%) doanh nghiệp bị giảm đơn đặt hàng, so với cùng kỳ giảm từ 20-50% (cụ thể: mức 50%: 7 dự án, mức 30%: 9 dự án, và mức 20%: 8 dự án); 28 (42,42%) doanh nghiệp báo cáo thiếu nguyên vật liệu sản xuất; và 59 (89,39%) cắt giảm 1.703 lao động, tập trung tại các doanh nghiệp của Việt Nam (884), Hàn Quốc (339), Nhật Bản (80), Đài Loan (59), Mỹ (19), Malaysia (18), và còn lại ở các quốc gia khác. Tổng doanh thu quý 1/2020 ước đạt 6.592,41 tỷ đồng, mức giảm bình quân 22,39% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đó, tổng giá trị thiệt hại ước tính của các doanh nghiệp này là trên 526 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chịu những khoản thiệt hại chưa tính toán được: như khách hàng chậm thanh toán; không có đơn hàng mới, hàng tồn kho nhiều do không xuất được sang Trung Quốc; giá nguyên liệu tăng cao; chuyên gia người Trung Quốc chưa được trở lại làm việc ảnh hưởng đến tiến độ công việc; thiếu sản phẩm bán cho khách hàng, mất cơ hội kinh doanh trong khi chi phí nhân công, chi phí quản lý vẫn phát sinh; tăng chi phí mua vật dụng bảo hộ (khẩu trang, nước diệt khuẩn).

Về tác động của COVID-19 đến lao động, có 35 doanh nghiệp báo cáo bị ảnh hưởng với 998 lao động bị chấm dứt hợp đồng, 6.421 lao động tạm thời ngừng việc (trong tổng số 12.416 lao động của doanh nghiệp).

4. Nông nghiệp

Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong 3 tháng đầu năm ước tăng 4,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6%); trong đó, trồng trọt tăng 6,7% so với cùng kỳ, chăn nuôi tăng 0,7% so với cùng kỳ, thủy sản tăng 7% so với cùng kỳ. Một số chỉ tiêu chủ yếu tăng khá cao như diện tích gieo trồng rau tăng 16,1%, diện tích hoa cây kiểng tăng 7,6%, sản lượng thịt trâu bò hơi tăng 15,9%, sản lượng tổ yến tăng 26,8%. Diện tích rau, quả được chứng nhận VietGAP tăng, đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp.

Thực hiện Chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, lươn, bò thịt, chim yến[19]...

Công tác kiểm tra tình hình dịch tễ đàn gia súc, gia cầm; vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật được tăng cường, nhất là các khu vực giáp ranh giữa các quận huyện trên địa bàn. Thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách đồng bộ, nhanh chóng đảm bảo không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm, góp phần duy trì và phát triển ngành chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản trước, trong và sau Tết. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong 3 tháng đầu năm 2020 không tổ chức chợ phiên nông sản.

5. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và đầu tư

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt mở rộng kênh phân phối thông qua việc thực hiện chương trình liên kết hoạt động xúc tiến thương mại giữa 21 tỉnh, thành phía Nam và hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối của Big C trên toàn quốc. Tiếp tục trưng bày “Tuần lễ hàng Việt Nam xuất khẩu” tại Showroom giới thiệu hàng xuất khẩu và cung cấp thông tin đầu tư với sự tham gia của 110 doanh nghiệp cùng 185 sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm, gia dụng, hóa mỹ phẩm..., thu hút hơn 860 khách tham quan.

Các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư tiếp tục thực hiện: Cổng thông tin điện tử Thương mại và Đầu tư (MIS) đã cập nhập 186 tin tiếng Việt, 224 tin tiếng Anh về ngành hàng, thị trường xuất khẩu, các thông tin về dự án, môi trường đầu tư; cập nhật 62 văn bản pháp luật mới liên quan đến đầu tư, kinh doanh - xuất nhập khẩu, tài chính - ngân hàng; phát hành 6 bản tin xúc tiến thương mại và đầu tư và 3 ấn phẩm về thị trường Thái Lan, Cuba và Nhật Bản.

6. Vốn đầu tư phát triển và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước

6.1. Tình hình thực hiện vốn đầu tư công

Ủy ban nhân dân thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của thành phố từ ngân sách thành phố là 33.940,764 tỷ đồng tại Quyết định số 5514/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019, trong đó đã ưu tiên bố trí vốn để thu hồi tạm ứng, vốn đối ứng cho các dự án ODA, vốn góp tham gia thực hiện dự án PPP, vốn cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp, số vốn còn lại mới xem xét, bố trí cho các dự án khởi công mới, chuẩn bị đầu tư theo đúng nguyên tắc bố trí vốn của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngày 18 tháng 3 năm 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Vĩnh Tuyến đã tổ chức cuộc họp rà soát, đánh giá tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công Quý I năm 2020 và đôn đốc các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tính đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2020, tổng số vốn đã giải ngân tại kho bạc nhà nước thành phố là 3.483 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 10,3% tổng kế hoạch vốn do Ủy ban nhân dân thành phố giao (33.940,764 tỷ đồng), gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ (cùng kỳ là 926 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,98% kế hoạch vốn[20]).

6.2. Thành lập doanh nghiệp[21]

- Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 245.091 tỷ đồng, tăng 4,02% so với cùng kỳ. Trong đó:

Thành phố có 10.169 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 135.393 tỷ đồng (tăng 0,56% số lượng doanh nghiệp và giảm 15,77% về vốn đăng ký so với cùng kỳ). Có 32.430 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung thêm là 109.699 tỷ đồng (tăng 46,5% so cùng, tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản).

Có 1.523 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng 54,82% so với cùng kỳ; có 5.088 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 31,95% so với cùng kỳ. số doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động quý 1 tăng cao so cùng kỳ do chịu ảnh hưởng khó khăn của dịch Covid-19, xu hướng này có thể tiếp tục tăng mạnh trong các tháng tới.

- Tổng số doanh nghiệp lũy kế còn trên hệ thống là 420.079 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 6.091.111 tỷ đồng.

6.3. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI)[22]

- Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được 1,05 tỷ đô- la Mỹ (bằng 67% so với cùng kỳ). Trong đó:

Các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 290 dự án[23] với tổng vốn đầu tư đạt 142,5 triệu đô-la Mỹ (tăng 14,17% số dự án cấp mới và bằng 49,34% vốn đầu tư so với cùng kỳ).

• Phân theo ngành nghề/lĩnh vực: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có vốn đầu tư nhiều nhất (63,98%); tiếp theo là Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 12,82%; Thông tin và truyền thông chiếm 6,67%; Xây dựng chiếm 4,77%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 3,84%.

• Phân theo quốc tịch Nhà đầu tư: Singapore có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (27,54%); tiếp theo là Hồng Kông chiếm 18,44%; Nhật Bản chiếm 16,49%; Hàn Quốc chiếm 8,13%; Malaysia chiếm 7,31%; Trung Quốc chiếm 5,54%; Thụy Sỹ chiếm 3,62%.

Có 46 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt 80,76 triệu đô-la Mỹ (bằng 88,46% số lượt dự án và tăng 30,92% về vốn đầu tư so với cùng kỳ).

Thành phố cũng chấp thuận cho 1.342 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 829,28 triệu đô-la Mỹ (so với cùng kỳ, tăng 52,85% về số trường hợp và bằng 67,95% về vốn đầu tư).

- Trên địa bàn thành phố hiện nay có 9.462 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 47,54 tỷ đô-la Mỹ.

6.4. Tình hình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước

Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại 38/38 doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố đã hoàn thành sắp xếp khác 16/25 doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp khác cho 09/25 doanh nghiệp còn lại theo hướng phá sản 04 doanh nghiệp, giải thể 03 doanh nghiệp, bán 01 doanh nghiệp, phối hợp Công ty mua bán nợ cơ cấu lại vốn chuyển thành công ty cổ phần 01 doanh nghiệp.

Về phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Tổ thẩm định đã thẩm định 44/45 doanh nghiệp[24]. Ủy ban nhân dân thành phố đang xem xét, phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

7. Thu - chi ngân sách

- Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 88.241,193 tỷ đồng, đạt 21,74% dự toán, giảm 8,63% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 60.504,420 tỷ đồng, đạt 21,72% dự toán, giảm 4,73% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 4.121,002 tỷ đồng, đạt 33,78% dự toán và giảm 25,98% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23.590,665 tỷ đồng, đạt 20,51% dự toán và giảm 14,17% so cùng kỳ.

- Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước đạt 03 tháng là 13.147,785 tỷ đồng, đạt 12,88% dự toán, tăng 22,77%so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 3.310,223 tỷ đồng, đạt 9,17% dự toán, tăng 5,28% so cùng kỳ; chi thường xuyên: 7.977,799 tỷ đồng, đạt 17,10% dự toán, tăng 15,37% so cùng kỳ.

8. Tình hình nguồn lực lao động

Thành phố đã tiếp nhận 31 hồ sơ đăng ký hoạt động, bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; thực hiện thẩm định, cấp 07 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 10 giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Công tác tuyển sinh đào tạo nghề đạt 30.833/461.000 học viên. Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 3.922.874 người, đạt 83% kế hoạch năm. Xây dựng đề án sắp xếp lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Triển khai kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục nghề nghiệp, kế hoạch huấn luyện thí sinh tham gia kỳ thi tay nghề cấp quốc gia, Kế hoạch đào tạo cho lao động nông thôn.

Tổng số lao động được giải quyết việc làm cho 72.140/300.000 lượt người (đạt 24,05% kế hoạch năm); số chỗ việc làm mới được tạo ra đạt 30.701/135.000 chỗ (đạt 22,74% kế hoạch năm). Từ đầu năm đến nay, có 72.823 lượt người được tư vấn việc làm, 20.005 lượt người được giới thiệu việc làm, 11.947 người được nhận việc làm. Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện tốt chính sách lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động. Số lao động được nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 26.121/30.336 người nộp hồ sơ. Xảy ra 05 vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công với tổng số người tham gia 1.264 người (bằng số vụ và giảm 244 người so với cùng kỳ).

Tổng số người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 3.430/13.500 người (đạt 25,4% kế hoạch); cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho 08 doanh nghiệp. Đã tiếp nhận, thẩm định hoạt động dịch vụ việc làm cho 10 lượt đơn vị. Thực hiện cấp mới và cấp lại 2.517 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại thành phố. Theo dõi, quản lý tốt tình hình lao động người nước ngoài trở lại Việt Nam làm việc từ vùng có dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc,...

9. Phát triển khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp

Trong quý 1 năm 2020, thành phố thực hiện các chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 với một số kết quả cụ thể sau:

- Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ:

Ban hành Thông báo mời đăng ký thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020. Đến nay, đã tổng hợp được 38 nhiệm vụ do các tổ chức, cá nhân đề xuất; Triển khai 03 nhiệm vụ mới và nghiệm thu 04 nhiệm vụ, 100% các nhiệm vụ đều được ứng dụng vào thực tế.

Hướng dẫn hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho 03 doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho 03 doanh nghiệp. Tính đến nay, 89 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ cho 04 doanh nghiệp; cấp giấy chứng nhận cho 05 tổ chức khoa học và công nghệ đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký là 4,5 tỷ đồng; cấp lại giấy chứng nhận cho 02 tổ chức khoa học và công nghệ tư nhân.

- Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế:

Huấn luyện, tư vấn về công cụ quản trị năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo cho trên 1.300 doanh nghiệp. Tiếp tục vận hành, tổ chức đào tạo trực tuyến và quản lý cơ sở hạ tầng trang thông tin điện tử đào tạo trực tuyến (Online) về năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Hệ thống đã thu hút 83.832 lượt truy cập, thực hiện 18 khóa học với 714 tài khoản đăng ký và 32.626 lượt xem.

Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp với các hoạt động như: Tổ chức 113 sự kiện về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại không gian đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thu hút 4.229 lượt người tham dự. Tổ chức xuất bản, đăng tải gần 600 tin/bài liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tạp chí khám phá, các trang thông tin của các đơn vị và trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

- Hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Sàn Giao dịch công nghệ thành phố tiếp tục tập trung vận hành cổng thông tin đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (Techport) để kết nối công nghệ thiết bị, các tổ chức trung gian và chuyên gia tư vấn, tìm kiếm đối tác. Hệ thống hiện đang vận hành với 8.050 công nghệ và thiết bị của 1.332 nhà cung ứng, 1.710 tổ chức, chuyên gia tư vấn (trong đó có 748 chuyên gia tư vấn), 305 dự án tìm kiếm đối tác. Trong 3 tháng đầu năm, thành phố đã tiếp nhận và tư vấn, cung cấp thông tin cho 12 yêu cầu từ cá nhân, doanh nghiệp, tư vấn kết nối chuyên gia 01 yêu cầu; thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ thông qua việc hướng dẫn và hỗ trợ hoàn thiện bản mô tả cho 06 sáng chế, tra cứu và đánh giá khả năng bảo hộ cho 27 nhãn hiệu của 19 tổ chức/cá nhân có nhu cầu xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

- Hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cơ sở và kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn giai đoạn 2016 - 2025: Chỉ đạo các quận huyện, viện, trường, doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ triển khai nhiệm vụ năm 2020. Tiếp tục triển khai hỗ trợ nhiệm vụ “Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris)” ứng dụng tại huyện Củ Chi.

II. QUẢN LÝ ĐÔ THỊ

1. Quản lý quy hoạch

Thành phố đang xem xét định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và chuẩn bị các bước để thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập thực hiện rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng thành phố. Công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu 1/5000, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 được chú trọng thực hiện.

Đã xác định phương án ý tưởng quy hoạch và đang triển khai tổ chức lập, thẩm định và trình duyệt đồ án quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố Hồ Chí Minh (Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức); chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ dựa trên ý tưởng của đơn vị tư vấn đạt giải và đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chấp thuận cho Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện nghiên cứu, lập điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ song song với quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. Thống nhất nội dung nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 (điều chỉnh) của Khu đô thị Tây Bắc thành phố; triển khai công tác tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vực công viên 23 tháng 9.

Công tác lập thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đô thị tại các khu vực lõi trung tâm, các khu vực có ý nghĩa quan trọng, khu vực cảnh quan đặc thù... được quan tâm triển khai, tạo sự đồng bộ với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2025, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý công trình kiến trúc trên địa bàn thành phố. Tiếp tục nghiên cứu phương án khai thác quỹ đất dọc theo các tuyến cao tốc, vành đai, đường sắt đô thị trong đó tập trung triển khai thực hiện trước đối với quỹ đất dọc tuyến Metro số 1.

Ngày 09 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Để tổ chức thực hiện, Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, ban hành.

2. Xây dựng

- Công tác phát triển nhà ở tái định cư: Giải quyết khó khăn, vướng mắc về phân bổ quỹ nhà tái định cư phục vụ cho 03 dự án chỉnh trang đô thị, công ích[25]; phương án sử dụng quỹ nhà phục vụ tái định cư cho 02 dự án[26].

- Công tác phát triển nhà lưu trú công nhân: Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện 03 dự án[27].

- Công tác quản lý nhà ở xã hội: Xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án nhà ở xã hội tại số 324 đường Lý Thường Kiệt, phường 14, Quận 10; chỉ đạo cơ quan chuyên môn có ý kiến về việc mua nhà ở xã hội đối với 1.734 đối tượng tại 06 dự án nhà ở xã hội[28], thuê nhà ở xã hội đối với 57 đối tượng tại 07 dự án nhà ở xã hội[29].

- Cấp giấy phép xây dựng: Thành phố đã cấp 6.471 giấy phép xây dựng (giảm 18% so với cùng kỳ) với tổng diện tích sàn xây dựng 1.532.988,56 m2.

- Kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động xây dựng: Đã thực hiện 22.664 lượt kiểm tra (giảm 9,2% so với cùng kỳ), phát hiện 276 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (giảm 66,6% so với cùng kỳ); ban hành 107 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

Sai phép: 87/276 trường hợp (chiếm tỷ lệ 31,5% tổng số vi phạm), giảm 73,8% so với cùng kỳ.

Không phép: 76/276 trường hợp (chiếm tỷ lệ 27,5% tổng số vi phạm), giảm 76,4% so với cùng kỳ.

Vi phạm khác: 113/276 trường hợp (chiếm tỷ lệ 41% tổng số vi phạm), giảm 44,6% so với cùng kỳ.

- Tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở: Thành phố đã cấp 49 giấy chứng nhận lần đầu và cấp đổi, cấp lại 1.901 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức; cấp 2.872 giấy chứng nhận lần đầu và cấp đổi, cấp lại 37.140 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cá nhân.

3. Chương trình cung cấp nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân

Thành phố duy trì đảm bảo nước sạch cho 100% hộ dân, hoàn thành chỉ tiêu “Đến cuối năm 2020, đảm bảo nước sạch cho 100% hộ dân” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đã đề ra. Ủy ban nhân dân các quận - huyện thường xuyên thực hiện rà soát, phối hợp với các đơn vị cấp nước xây dựng giải pháp cấp nước cho các hộ dân phát sinh nếu có và kế hoạch phát triển mạng lưới thay thế các giải pháp cấp nước tạm (bồn chứa nước tập trung, đồng hồ tổng, thiết bị lọc nước hộ gia đình). Tổng công suất cấp nước 1.974.590 m3/ngày/đêm. Công suất phát nước thực tế là 1.868.952 m3/ngày/đêm. Tỷ lệ thất thoát thất thu nước hiện nay là 20,73%.

4. Tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường

Công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh đô thị tiếp tục được quan tâm thực hiện khá tốt. Đảm bảo thu gom, vận chuyển, xử lý bình quân 9.924 tấn/ngày chất thải rắn đô thị, đạt tỷ lệ 100%. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại đi vào ổn định, đảm bảo tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại đạt 100%. Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế đạt tỷ lệ 100%. Tăng cường triển khai kế hoạch thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021.

Tiếp tục thực hiện các đợt giám sát, lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường định kỳ của thành phố; giám sát hoạt động của các trạm quan trắc nước thải tự động tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp. Duy trì kết quả 100% khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung. Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tổ chức triển khai hiệu quả các quy định về phân loại rác tại nguồn. Xây dựng kế hoạch triển khai ngày hội sống xanh năm 2020, kế hoạch tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Ban hành và triển khai kế hoạch xây dựng thành phố Xanh - Thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025.

Thành phố ban hành Kế hoạch và triển khai tháng hành động vì “Thành phố sạch - Thành phố văn hóa mừng Xuân Canh Tý 2020, mừng Đảng 90 năm” (từ ngày 15 tháng 01 đến 15 tháng 02 năm 2020). Bên cạnh đó, Thành phố vẫn tiếp tục duy trì, triển khai các giải pháp về thực hiện Chỉ thị 19/CT-TU trong thời gian qua với một số kết quả đạt được trong quý 1 năm 2020 như sau: Tổ chức 326 cuộc đối thoại với nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường, triển khai cho hộ dân ký thêm 212.772 bản cam kết không xả rác bừa bãi, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định; tiếp nhận và xử lý 1.816/1.847 ý kiến phản ánh của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường và trật tự đô thị; rà soát, bổ sung và lắp đặt 6.354 camera an ninh kết hợp theo dõi chất lượng vệ sinh môi trường tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố; nhắc nhở 1.586 trường hợp, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 1.353 trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường và ô nhiễm môi trường với số tiền phạt khoảng 3,8 tỷ đồng; trang bị thêm 737 thùng rác công cộng trên các tuyến đường; giải quyết được thêm 49 điểm ô nhiễm về rác thải, tính đến ngày 11/3/2020, Thành phố đã giải quyết được 715/747 điểm ô nhiễm (tỷ lệ 95,7%), còn 32 điểm đang tiếp tục triển khai; vận động được thêm 224 đường dây rác dân lập vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, tỷ lệ vận động đến nay đạt khoảng 77,5% (năm 2019 đạt 69,2%); rà soát, thống kê nhu cầu phương tiện dự kiến mua sắm mới khoảng 2.326 phương tiện với tổng số tiền vay khoảng 355 tỷ đồng, đến nay, thành phố đã có 608 phương tiện thu gom, vận chuyển Chất thải rắn sinh hoạt đã được chuyển đổi. Thành phố đang xem xét ban hành kế hoạch tiếp tục tăng cường thực hiện Chỉ thị 19/CT-TU năm 2020 và tiến đến tổng kết 02 năm thực hiện, xây dựng tiêu chí và quy trình công nhận “Phường -xã- thị trấn sạch và xanh, thân thiện”.

III. HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA - XÃ HỘI

1. Văn hóa, thể dục, thể thao và thông tin, truyền thông

a) Lĩnh vực văn hóa

Thành phố đã yêu cầu ngưng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu, các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất 30 người trở lên), câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, rạp chiếu phim, các địa điểm du lịch tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện, các cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billards, yoga..), các trung tâm thể dục thể thao và các khu tập luyện thể thao công cộng... từ 00 giờ ngày 28 tháng 3 năm 2020 nhằm hạn chế sự tụ tập đông người, hạn chế nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn do đây là môi trường khá nhạy cảm, không đối lưu không khí, thuận lợi cho dịch bệnh lây lan.

Các hoạt động lễ hội, sự kiện mừng Xuân Canh Tý, mừng Đảng quang vinh được chuẩn bị chu đáo và tổ chức khá tốt, phục vụ được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thành phố, chăm lo thiết thực cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2020. Ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng phường, thị trấn. Nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2020 - 2025 với nội dung tiêu chuẩn xét tặng, công nhận, công nhận lại các danh hiệu[30].

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các bảo tàng trong tổ chức hoạt động trưng bày, triển lãm chuyên đề phục vụ nhân dân, đảm bảo việc đưa hiện vật đi trưng bày đúng quy trình, quy định. Tổng số lượt khách tham quan bảo tàng là 485.753 lượt, giảm 45% so với cùng kỳ. Phối hợp Trường Đại học London xuất bản ấn phẩm “Sưu tập 100 hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh”.

Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bảo tàng gắn với phát triển du lịch”. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa[31].

b) Lĩnh vực thể dục, thể thao

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các giải thể thao trong hệ thống giải của thành phố, một số giải quốc gia và quốc tế do thành phố đăng cai trong quý 1 tạm hoãn hoặc dời thời gian tổ chức. Đã tổ chức nhiều chương trình thể dục thể thao lành mạnh, phong phú, mang tính quần chúng sâu rộng, tạo khí thế cách mạng và không khí vui tươi, phấn khởi để chào đón Tết Nguyên đán. Đã xây dựng kế hoạch tổ chức tháng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người và ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2020; kế hoạch thực hiện sắp xếp lại các tuyến năng khiếu thể thao thành phố. Tiếp nhận 13 hồ sơ xin cấp mới và 01 hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện chuyên môn thể dục thể thao cho doanh nghiệp.

Xây dựng Đề án nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu thiên tài lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao thành phố. Tổ chức Hội khỏe Phù Đổng huy động tiềm năng của các trường học trong việc chăm lo phát triển phong trào thể dục thể thao trong học sinh phổ thông để nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh. Công tác tập huấn và thi đấu của các môn thể thao diễn ra đúng kế hoạch trên tinh thần tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

c) Hoạt động báo chí, truyền thanh, truyền hình

Xây dựng kế hoạch tuyên truyền về phòng chống khẩn cấp dịch bệnh Covid-19 thông qua việc đề nghị Công ty cổ phần Vinagame (VNG) hỗ trợ thiết lập 01 kênh thông tin tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên nền tảng mạng xã hội Zalo; phát clip hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách và truyền thông điệp của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19 trên hệ thống biển bảng quảng cáo ngoài trời...

Tổ chức 07 buổi giao ban với các cơ quan báo chí, biểu dương 48 bài tốt, người tốt việc tốt của các cơ quan báo chí về các gương điển hình. Hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện 140 văn bản tuyên truyền của Chính phủ, Bộ Thông tin và. Truyền thông và Ủy ban nhân dân thành phố. Thực hiện tuyên truyền một số chương trình, công tác trọng tâm của thành phố như: Chương trình giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; tuyên truyền công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, mại dâm và mua bán người; tuyên truyền về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; tuyên truyền thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững; ...

2. Giáo dục và đào tạo

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế cho phép kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên đến hết ngày 03 tháng 5 năm 2020 để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh thành phố; đồng thời giao Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu phương án đi học trở lại cho học sinh, học viên thành phố, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đảm bảo tiến độ, hiệu quả thực hiện chương trình.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với Đài Truyền hình thành phố để thực hiện chương trình Dạy trên truyền hình qua kênh HTV Key từ cuối tháng 02 năm 2020. Chương trình được thực hiện đối với học sinh lớp 9 và 12, nhằm tổ chức ôn tập, giúp các em không quên kiến thức đã học, tích cực, chủ động chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới (thi tuyển sinh 10 và trung học phổ thông quốc gia). Với việc học sinh phải nghỉ dài hơn và thực hiện chủ trương mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (công nhận dạy trực tuyến), Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục mở rộng việc phối hợp với Đài Truyền hình: Tổ chức ghi hình các tiết dạy của giáo viên (do Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn), xây dựng Lịch chiếu cụ thể (lớp 9 có 03 môn: Toán - Văn - Tiếng Anh; lớp 12 06 môn: Toán - Văn - Tiếng Anh - Lý - Hóa - Sinh) và thông báo đến từng trường, từng phụ huynh và học sinh.

Hiện nay, các nhà trường cùng đội ngũ giáo viên đã rất nỗ lực triển khai dạy học trực tuyến trên cả cơ sở các ứng dụng mở (Microsoft, Google Classroom, Zoom, mạng xã hội,... và các phần mềm dạy học có bản quyền, ...). Các phần mềm dạy trực tuyến mà một số đơn vị cung cấp miễn phí hoặc thu phí (phần mềm Smartschool dạy Tiếng Anh và Lịch sử, Hệ thống 789.vn, Vietsin, Viettel, Vina, Mobi,...) cũng như sử dụng đa dạng các hình thức giao nhiệm vụ học tập, giao bài cho học sinh khi học ở nhà. Kết quả học tập tại nhà phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của cha mẹ học sinh và sự tự giác của học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động dạy trực tuyến đối với từng cấp học phổ thông, phù hợp với diễn biến tình hình và tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh. Đồng thời, đã giới thiệu, cung cấp các kho tài nguyên số (của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng) để hỗ trợ giáo viên và học sinh trong hoạt động dạy - học trực tuyến. Hiện đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị để bổ sung kho tài nguyên học liệu.

Ngành giáo dục tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành phối hợp với cơ quan y tế tiến hành khử khuẩn khu vực trường học, trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện công tác phòng, chống dịch trước và sau khi học sinh đi học lại. Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành hiểu rõ và chủ động phòng chống dịch bệnh. Hướng dẫn các đơn vị tổ chức việc dạy bù, tăng cường các hoạt động ôn tập trực tuyến cho học sinh trong thời gian nghỉ học. Học sinh, sinh viên toàn thành phố đang được nghỉ học tại nhà nên các kế hoạch hoạt động của ngành giáo dục chờ văn bản chỉ đạo của Trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố. Hướng dẫn thực hiện công tác chuyên môn học kỳ II năm học 2019 - 2020 khối trung học cơ sở.

Tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 01 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; thực hiện mô hình thí điểm Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh và sơ kết học kỳ I bậc học Mầm non, Tiểu học và Giáo dục thường xuyên.

3. Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh và tiếp nhận chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo thành phố đã chủ động xây dựng các kịch bản phòng chống, bám sát tình hình, điều chỉnh kịp thời các giải pháp qua từng giai đoạn diễn biến khác nhau của dịch bệnh, thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cấp thành phố và tại tất cả cơ quan, đơn vị. Cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đều tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, từ ngày 06 tháng 3 đến nay, thành phố đã chuyển trạng thái từ họp giao ban định kỳ sang họp giao ban trực tuyến hàng ngày để kịp thời chỉ đạo xử lý nhanh các vấn đề đặt ra trong công tác ứng phó với dịch bệnh; kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly- Khoanh vùng - Dập dịch và phương châm 5 tại chỗ: (1) Chỉ huy tại chỗ, (2) Đảm bảo cơ sở cách ly, chữa trị, trang thiết bị, thuốc điều trị tại chỗ, (3) Đảm bảo nhân lực tại chỗ, (4) Kinh phí tại chỗ, (5) Xác định nhiệm vụ, phương án phòng chống dịch tại chỗ.

Thành phố tổ chức Hội nghị triển khai hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; trình Hội đồng nhân dân thành phổ thông qua các chế độ chính sách cho các đối tượng do ảnh hưởng dịch bệnh với tổng kinh phí 2.753 tỷ đồng, trong đó, sẽ chi hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/người/tháng cho 600 ngàn lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của nhà nước, bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ; điều chỉnh giảm hệ số tính tăng thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức năm 2020 để dành kinh phí phòng chống dịch bệnh; quan tâm hỗ trợ cho người bán vé số lưu động gặp khó khăn do tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết; thành lập Tổ Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19; ban hành bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp; công bố 1.073 điểm bán khẩu trang, 2.610 điểm bán các mặt hàng thiết yếu ...

Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 08 giờ 00 ngày 30 tháng 03 năm 2020, có 45 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 07 trường hợp đã xuất viện (BN 01; BN 02; BN 07; BV 64; BN 66, BN 79, BN 90); hiện tại còn còn 38 trường hợp đang được điều trị; tình hình sức khỏe của các người bệnh còn lại hiện tại ổn định, tiếp tục điều trị, theo dõi. Tổng số trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh mới đến ngày 29 tháng 03 năm 2020 đang được theo dõi là 4.964 trường hợp; tổng số trường hợp nghi ngờ là 297 trường hợp (trong đó có 293 trường hợp có kết quả âm tính, 4 trường hợp đang đợi kết quả).

Tổng số trường hợp đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của thành phố là 9.118 trường hợp[32]. Tổng số trường hợp được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện tính đến ngày 29 tháng 03 năm 2020 là 1.028 trường hợp, trong đó 506 trường hợp hết thời gian theo dõi 14 ngày và không có triệu chứng, trong ngày 29 tháng 03 năm 2020 hiện còn theo dõi 522 trường hợp. Tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú tính đến ngày 29 tháng 03 năm 2020 là 5.714 trường hợp, trong đó 3.980 trường hợp đã hết thời gian theo dõi 14 ngày, trong ngày 29 tháng 3 năm 2020 còn đang theo dõi 1.734 trường hợp.

3.1. Công tác tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19: Thành phố phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin, truyền tải đầy đủ kịp thời tình hình diễn biến dịch bệnh và các chỉ đạo của Trung ương, của thành phố để người dân hợp tác tốt trong công tác phòng chống dịch. Đã đa dạng hoá hoạt động thông tin giáo dục và truyền thông để thay đổi hành vi người dân thông qua việc thiết kế, in ấn và phát hành 5 triệu tờ rơi, 5 triệu cuốn cẩm nang bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa ...về “Hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Cô-rô-na (Covid-19)” đến tận tay người dân, hộ gia đình, tiểu thương, lao động người hoa, chuyên gia, quản lý người làm việc nước ngoài đang sống và làm việc tại Thành phố. Đã ban hành 12 việc cần làm ngay trong “14 ngày vàng” để phòng, chống dịch Covid-19 và đã phát hành 05 triệu bản gửi đến từng hộ gia đình. Ngoài ra, trong bối cảnh thông tin đa dạng, nhiều chiều, để người dân có thông tin chính thức, đã thông báo rõ danh sách 13 kênh cung cấp thông tin chính thức về dịch bệnh gồm 10 tờ báo, 02 trang web của Bộ Y tế và 01 trang Web của Sở Y tế để người dân theo dõi.

3.2. Công tác phòng bệnh COVID-19 của thành phố:

- Giám sát phát hiện ca bệnh, ca nghi ngờ tại cửa khẩu:

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp với Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất rà soát người nhập cảnh để phát hiện kịp thời người đến từ vùng dịch. Thực hiện đầy đủ việc kiểm dịch y tế biên giới tại các cửa khẩu theo quy định; mở rộng việc giám sát thân nhiệt hành khách tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất và ga Sài Gòn. Ngoài ra, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tăng cường giám sát người nhập cảnh đến từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ đang có nhiều người mắc bệnh và lây lan trong cộng đồng.

Triển khai ứng dụng công nghệ GIS để quản lý dịch bệnh Covid-19 nhằm thực hiện các mục tiêu như: quản lý ca dương tính, nghi nhiễm (F0-F5); quản lý vùng cách ly, vùng dịch; quản lý các địa điểm cách ly; bản đồ danh sách phân bố các ca bệnh theo dải màu dịch tễ; xây dựng cây sơ đồ mối quan hệ giữa các ca từ F1-F5; quản lý lịch cách ly của ca nghi nhiễm; công cụ khoanh vùng các ca cách ly; cảnh báo và đưa ra khuyến nghị nếu người dân di chuyển hoặc ở gần vùng dịch (Realtime mapping and geolocation tracking).

- Hoạt động giám, sát, phát hiện cách ly tại quận, huyện, các đơn vị: Bên cạnh hoạt động giám sát tại các cửa khẩu, Ủy ban nhân dân 24 quận huyện đều chỉ đạo Công an quận rà soát, lập danh sách thống kê những người từ vùng dịch để vận động, giám sát cách ly theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Triển khai thành lập Đội công nghệ để phòng, chống dịch, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để theo dõi hành trình người nhiễm, nghi nhiễm; ứng dụng công nghệ để khám chữa bệnh từ xa và triển khai giao thuốc tại nhà. Từ ngày 05 tháng 4 năm 2020, thành phố đã triển khai 62 chốt, trạm kiểm dịch phòng chống dịch, trong đó 16 chốt cấp Thành phố và 46 chốt cấp quận, huyện nhằm nhắc nhở, tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân về ý thức phòng, chống dịch; kiểm soát các yếu tố nguy cơ lây nhiễm.

- Nghiên cứu kháng thể phòng ngừa bệnh Covid-19: Tổ chức nghiên cứu quy trình sản xuất kháng thể IGY kháng virus SAR-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và ứng dụng vào chế phẩm xịt mũi giúp phòng ngừa bệnh Covid-19.

3.3. Công tác cách ly và điều trị bệnh Covid-19 của thành phố:

- Đảm bảo tốt công tác tổ chức cách ly kiểm dịch và cách ly điều trị:

Thành lập khu cách ly tập trung tại quận, huyện với quy mô 887 giường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của thành phố trong việc xây dựng hoặc cải tạo cơ sở vật chất để thành lập các cơ sở cách ly tập trung.

Tổ chức cách ly tại nhà/nơi lưu trú: Các trường hợp được Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức cách ly tại nhà đều được ngành y tế hỗ trợ. Tất cả những trường hợp này được cấp khẩu trang và được giám sát chặt chẽ bởi chính quyền địa phương của quận, huyện.

- Triển khai khu cách ly tập trung của thành phố: thành phố có 45 Khu, quy mô 23.438 giường, trong đó giai đoạn 1 đã đưa vào sử dụng 38 Khu với quy mô 12.738 giường.

- Hoạt động thu dung, cách ly điều trị tại 47 bệnh viện, 4 bệnh viện tuyến cuối: Thành phố đã thành lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 bao gồm:

Bệnh viện Dã chiến Củ Chi quy mô 300 giường là cơ sở 2 của bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới với đầy đủ trang thiết bị cho hoạt động cấp cứu, khám chữa bệnh, trong đó bố trí 10 phòng điều trị áp lực âm với đội ngũ nhân sự là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, chịu trách nhiệm điều trị cho các trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh.

Triển khai bệnh viện thu dung điều trị đặt tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ với quy mô 300 giường chuyên về tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh với đầy đủ vật tư trang thiết bị trong đó có 10 phòng điều trị áp lực âm và Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 1.000 giường với đầy đủ trang thiết bị hiện đại.

Thành phố cũng xác định 47 bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19 với quy mô 679 giường (khi cần thiết có thể mở rộng đến 1.000 giường); 4 Bệnh viện tuyến cuối (Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng thành phố, Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2) và Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế.

Mở rộng các khu cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố để tiếp nhận người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch: Bộ Tư lệnh thành phố, Đại học Quốc gia chuẩn bị cơ sở hạ tầng các khu cách ly tập trung. Bộ Tư lệnh thành phố cử 400 chiến sĩ tham gia công tác chuẩn bị và cung ứng quân trang, quân dụng cho khu cách ly của Ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố. Saigon Co.op phụ trách cung ứng suất ăn và vật dụng sinh hoạt thiết yếu cho người được cách ly.

3.4. Các bệnh khác: Số ca tay chân miệng từ 01 tháng 01 năm 2020 đến 15 tháng 03 năm 2020 là 1.006 ca, giảm 51% so với cùng kỳ (2.037 ca), số ca sốt xuất huyết từ 01 tháng 01 năm 2020 đến 15 tháng 03 năm 2020 là 4.859 ca, giảm 72% so với cùng kỳ (17.276 ca), số ca sởi từ 01 tháng 01 năm 2020 đến 15 tháng 03 năm 2020 là 383 ca, giảm 88% so với cùng kỳ (3.193 ca). Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh sởi.

4. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

Trong tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid-19 đang lan rộng và có diễn biến phức tạp, thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm:

- Đã ban hành Kế hoạch phòng chống, ứng phó dịch bệnh Covid-19, qua đó tăng cường công tác chỉ đạo, truyền thông cách phòng chống bệnh và giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường trong mùa dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh truyền qua đường thực phẩm và các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời giúp người dân hiểu đúng và đầy đủ để tự phòng bị và bảo vệ bản thân.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt phổ biến các thông tin về hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và lưu ý khi lựa chọn thực phẩm an toàn, đặc biệt là trong mùa dịch bệnh Covid-19; qua đó tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về cách sử dụng thực phẩm an toàn, thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân phòng chống lây lan dịch bệnh. Khuyến cáo người dân có cái nhìn đúng về cách lây nhiễm và tự phòng chống, bảo vệ sức khỏe cá nhân, tránh hoang mang khi nghe các tin chưa chính xác về dịch[33].

Triển khai rộng rãi các hoạt động tuyên truyền trên toàn địa bàn thành phố[34]. Tiếp tục triển khai thực hiện đề án Chuỗi thực phẩm an toàn. Đã tổ chức thẩm định và cấp 10 giấy chứng nhận cho 10 trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng sản lượng tham gia vào chuỗi là 7.220 thịt gà/năm. Lũy kế đến nay, đã cấp 493 giấy chứng nhận cho 367 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi với tổng sản lượng 231.503,07 tấn/năm.

Thành phố đã cấp 1.453 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tiếp nhận 7.174 hồ sơ tự công bố sản phẩm, 59 hồ sơ đăng ký công bố của các cơ sở, 112 bản cam kết đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 06 giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Tổ chức 51 lớp xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm với 4.233 người tham dự và 1.162 giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho 3.991 người đạt yêu cầu.

Khuyến cáo, tăng cường công tác thanh kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt phối hợp kiểm tra, các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, các bếp ăn trường học. Tham gia các đoàn công tác phòng chống dịch và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn tăng cường quản lý địa bàn, xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về thực phẩm, giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng khẩu trang y tế giúp hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm. Trong 3 tháng đầu năm, đã cấp mã code cho 19 hồ sơ; lũy kế đến nay đã giải quyết cấp code cho 186 hồ sơ. Tăng cường kiểm tra nguồn thịt heo nhập vào 02 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và Bình Điền[35]. Tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại 1.324 cơ sở; phát hiện 57 cơ sở vi phạm. Xử phạt 45 cơ sở với tổng số tiền trên 603 triệu đồng, buộc tháo dỡ quảng cáo 01 cơ sở; tịch thu, tiêu hủy 751 kg sản phẩm động vật của 09 trường hợp; tiếp tục xử lý vi phạm hành chính đối với 12 cơ sở còn lại.

Thực hiện kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm phục vụ 03 lễ hội, hội nghị[36] trên địa bàn thành phố. Đoàn giám sát đã tiến hành xét nghiệm nhanh chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàn the, focmon và độ sạch dụng cụ ăn uống đối với 434 mẫu thực phẩm[37]. Tham gia kiểm tra và khảo sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống và chợ đầu mối phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Tiến hành kiểm tra giám sát tại chợ Xóm Chiếu - quận 4 và thực hiện test nhanh 11 mẫu sản phẩm với 100% mẫu âm tính.

5. Công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 9.668 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,39% tổng hộ dân thành phố) và 22.859 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,93% tổng hộ dân thành phố). Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cho vay vốn từ các nguồn Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất[38] để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố nhằm giải quyết việc làm, trợ giúp trực tiếp chăm lo hộ nghèo và thực hiện chính sách ưu đãi xã hội cho người nghèo, hộ nghèo. Tập trung hướng dẫn quận, huyện trong việc lập danh sách, cấp 99.121 thẻ bảo hiểm y tế năm 2020 cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo năm 2020. Thực hiện công tác bảo trợ xã hội cho 6.218 người tại 16 cơ sở công lập và 3.526 người tại 62 cơ sở ngoài công lập.

Trong Quý, đã công nhận mới 240 trường hợp diện chính sách có công; giải quyết trợ cấp thờ cúng liệt sĩ 63 trường hợp. Cấp 292 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách có công. Tiếp nhận 90 hồ sơ của người có công và của thân nhân liệt sĩ từ tỉnh (thành phố) khác chuyển đến. Triển khai Kế hoạch giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn thành phố năm 2020; Kế hoạch vận hành, quản lý cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin người có công với cách mạng; Kế hoạch hỗ trợ gia đình chính sách có công thuộc diện cận nghèo nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Tiếp tục theo dõi, giám sát việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; tiếp nhận và chuyển gửi hồ sơ mổ tim cho trẻ em gia đình nghèo bị bệnh tim bẩm sinh; phối hợp với các đơn vị tài trợ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em, bao gồm: học bổng, dụng cụ học tập (tập vở, bút viết), xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn 24 quận, huyện; phối hợp kiểm tra, giám sát, tham vấn, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, xử lý kịp thời về những vấn đề có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là đảm bảo thực hiện tốt các quyền cơ bản của trẻ em[39]. Tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc là 4.176 trẻ.

IV. HOẠT ĐỘNG THANH TRA; CÔNG TÁC HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP VÀ HOẠT ĐỘNG BỔ TRỢ TƯ PHÁP; CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

1. Tình hình thực hiện công tác thanh tra

Thành phố đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp kết hợp với kiểm tra, giám sát thường xuyên, đồng thời chủ động đổi mới phong cách, lề lối làm việc, khẩn trương, tăng tốc thực hiện nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm nên hoạt động thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực về tiến độ, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động điều hành, chỉ đạo và tác nghiệp được nâng lên:

Toàn Thành phố đã tổ chức tiếp 9.167 lượt/9.277 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (gồm tiếp thường xuyên 7.440 lượt/7.475 người, lãnh đạo tiếp 1.727 lượt/1.802 người); đã giải quyết 248/738 đơn khiếu nại (đạt tỷ lệ 33,60%); đã giải quyết 41/82 đơn tố cáo (đạt tỷ lệ 50%). Thực hiện 116 đoàn thanh tra hành chính tại 231 đơn vị, 59 đoàn thanh tra đã ban hành kết luận thanh tra. Phát hiện 41/231 đơn vị có sai phạm, phát hiện sai phạm về kinh tế và thu hồi số tiền trên 111 tỷ đồng. Thanh tra các Sở, ngành thực hiện 2.696 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; đã ban hành 2.745 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là hơn 20 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân đã nộp hơn 15 tỷ đồng

Trong 3 tháng đầu năm 2020, thành phố không phát sinh biến động về tình hình khiếu nại, tố cáo. Thành phố luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện toàn diện. Các cấp chính quyền chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, chú trọng trong việc xác định các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố.

Tiếp tục nâng cao vai trò của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn thành phố đang được các sở - ngành, quận - huyện có liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện chỉ đạo kết luận của Thủ tướng chính phủ, Thành ủy, nhất là đối với vụ việc đã có Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Cụ thể như:

- Đối với Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2: Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, thể hiện sự quyết tâm thúc đẩy tiến độ thực hiện, sớm giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của người dân tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, bên cạnh việc trực tiếp làm Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra số 1037/KL-TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (được thành lập theo Quyết định số 752/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2019), Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong đã ban hành các Kế hoạch, xác định chi tiết các nội dung phải thực hiện và phân công trách nhiệm cho từng sở - ngành cụ thể[40] và thành lập Tổ giúp việc tại Quyết định số 3780/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2019 (do Trưởng phòng Giám sát, kiểm tra, xử lý sau thanh tra, Thanh tra Thành phố làm Tổ trưởng). Theo Kế hoạch số 814/KH-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Kết luận thanh tra số 1037/KL-TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ có 35 nội dung thuộc 5 lĩnh vực với tiến độ thực hiện như sau: 07 nội dung đã thực hiện xong[41]; 08 nội dung các bộ, ngành đang xem xét[42]; 20 nội dung đang thực hiện[43].

- Đối với Dự án xây dựng Thảo Cầm viên mới, huyện Củ Chi:

Ngày 20 tháng 6 năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố có Kế hoạch số 587/KH-UBND về triển khai thực hiện Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra toàn diện dự án Thảo Cầm Viên mới; đồng thời ban hành Quyết định số 3349/QĐ-UBND ngày 8 tháng 8 năm 2019 về thành lập Tổ Công tác liên ngành để kiểm tra, rà soát và đề xuất các nội dung liên quan chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện Dự án Thảo Cẩm viên mới tại huyện Củ Chi. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi có Quyết định số 5917/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2019 về thành lập Tổ giúp việc để kiểm tra, rà soát, giải quyết khiếu nại lần đầu cho các hộ dân bị ảnh hưởng Dự án. Trên cơ sở chỉ đạo tại buổi làm việc ngày 11 tháng 9 năm 2019 của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Ngô Minh Châu và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan, ngày 17 tháng 10 năm 2019, Tổ công tác liên ngành đã có Báo cáo số 248/BC-TCT trình Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất 3 nội dung: Chi tiền bồi thường, hỗ trợ cho 15 hộ còn lại tại dự án; chi tiền tạm cư; chấp thuận cho Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cưỡng chế đối với các hộ từ nơi khác đến lấn chiếm.

Ngày 28 tháng 10 năm 2019, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố có Công văn số 1139/VP-NCPC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan giao Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố và Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố đối với kiến nghị số 4 Mục IV và điểm 2 Mục III Báo cáo số 248/BC-TCT ngày 17 tháng 10 năm 2019 của Tổ Công tác liên ngành. Ngày 31 tháng 10 năm 2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong đã nghe các đơn vị báo cáo và chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi đảm bảo thời gian giao 161 nền tái định cư (giai đoạn 1) trong tháng 11 năm 2019. Tuy nhiên, thực tế đến nay vẫn chưa triển khai bàn giao nền tái định cư. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Thông báo số 1251/TB-VP ngày 29 tháng 11 năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi đã đề nghị cấp vốn và chuẩn bị chi tiền bồi thường, hỗ trợ cho 15 hộ còn lại tại dự án; chi tiền tạm cư theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, Sở Nội vụ đã có Báo cáo số 307/BC-SNV ngày 31 tháng 12 năm 2019 về kết quả tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiên, xử lý vi phạm đối với tập thể và các cá nhân liên quan đến KLTT số 2112/KL-TTCP ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Thanh tra Chính phủ.

2. Tình hình thực hiện công tác hành chính tư pháp và hoạt động bổ trợ tư pháp

- Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Tổ chức góp ý, thẩm định 75 dự thảo văn bản các loại (tăng 32 văn bản so với cùng kỳ năm 2019)[44].

- Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật: Ban hành Quyết định số 5257/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2019 về kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật trên địa bàn thành phố năm 2020. Xem xét kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố về triển khai thi hành Luật An ninh mạng. Triển khai rà soát theo chuyên đề văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Công tác trợ giúp pháp lý: Đã thực hiện trợ giúp 697 vụ việc (kỳ trước chuyển qua là 492 vụ; phát sinh trong tháng 01 và 02 là 205 vụ việc) và 70 đối tượng. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho 04 đối tượng khuyết tật trên địa bàn thành phố. Triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng, bào chữa, bảo vệ cho 04 trường hợp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện bào chữa, bảo vệ cho 57 trường hợp và đại diện ngoài tố tụng cho 02 trường hợp là người chưa thành niên theo Quyết định số 3682/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em thành phố giai đoạn 2016-2020.

- Công tác hộ tịch - quốc tịch: Đã tiếp nhận và xử lý 35 hồ sơ quốc tịch và 20 hồ sơ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Tổ chức cấp 5.189 bản sao giấy tờ hộ tịch và hướng dẫu quận-huyện, Sở-ngành, người dân các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ hộ tịch, xác minh hồ sơ hộ tịch.

- Công tác lý lịch tư pháp: Tiếp nhận mới 14.012 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, nâng tổng số hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp lên 31.778 yêu cầu. Trong đó tiếp nhận 2.963 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 18,1%; 1.927 hồ sơ nộp qua dịch vụ bưu chính, đạt tỷ lệ 11,7%; giải quyết cấp 14.486 phiếu lý lịch tư pháp; xóa 338 án tích. Ban hành Quyết định triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4[45]; thành lập hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo ban hành quy chế liên thông nhóm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại thành phố.

- Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp: Triển khai hiệu quả công tác trong các lĩnh vực luật sư[46], trọng tài thương mại[47], công chứng - chứng thực[48], thừa phát lại[49], mua sắm tập trung, đấu giá tài sản[50], đăng ký biện pháp bảo đảm[51].

3. Tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính

Thành phố đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2020; ban hành Kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2020. Xem xét công bố chỉ số cải cách hành chính của Sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện trên địa bàn thành phố; ban hành Kế hoạch tổng kết thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn thành phố.

Xây dựng các kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch, đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng ngoại ngữ...theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố năm 2020. Tiếp tục triển khai thực hiện quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu giai đoạn 2019 - 2022[52].

V. TÌNH HÌNH QUỐC PHÒNG - AN NINH VÀ TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI

1. Quốc phòng, an ninh

Thành phố đã làm lễ giao quân năm 2020 cho 3.804 công dân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, trong đó có 04 công dân nữ, đạt 100% so với chỉ tiêu; đảng viên nhập ngũ 141 công dân, đạt 3,71% (Đảng viên chính thức là 101 công dân, đạt 2,66%); trình độ học vấn trung cấp, cao đẳng, đại học là 1.497 công dân, đạt 39,35%; sức khỏe loại 1, 2 là 3.092 công dân, đạt 81,28%.

Thực hiện tốt công tác trực sẵn sàng chiến đấu góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, tập trung đột phá xây dựng lực lượng vũ trang thành phố hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc nhất, chấp hành kỷ luật nghiêm nhất, đảm bảo an toàn nhất. Tổ chức tập luyện và kiểm tra các đơn vị quận, huyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn các chương trình, các ngày lễ lớn của thành phố[53].

Đã tổ chức tốt hội nghị tổng kết công tác quốc phòng an ninh trên địa bàn thành phố[54]. Phối hợp với Tổ Công tác Bộ Quốc phòng thực hiện kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn thành phố năm 2020. Tiếp tục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng 3; tổ chức quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới nhập ngũ. Thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm và làm việc tại Bộ Tư lệnh thành phố4.

2. Tình hình phạm pháp hình sự, vi phạm kinh tế, ma túy, tệ nạn mại dâm; tình hình trật tự an toàn giao thông và phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn

Về xử lý việc đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19: Công an thành phố đang điều tra, xử lý nghiêm với các đối tượng đăng tải các thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên mạng xã hội. Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều người lợi dụng tình hình dịch bệnh tung tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Về phạm pháp hình sự: Thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm phạm pháp hình sự, tăng tỷ lệ điều tra khám phá án; đẩy mạnh đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sử dụng vũ khí “nóng”, không để hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm và các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội. Trong tháng, phạm pháp hình sự ghi nhận 1.001 vụ[55] (tăng 10% so với cùng kỳ), làm chết 32 người, bị thương 107 người, thiệt hại tài sản trên 19 tỷ đồng. Tình hình hoạt động của tội phạm diễn biến phức tạp, nổi lên là vụ “Giết người - Cướp tài sản - Tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” làm chết 05 người và 03 người bị thương do mâu thuẫn khi tham gia đánh bạc xảy ra ngày 29 tháng 01 năm 2020 tại huyện Củ Chi và vụ đốt nhà giết 05 người trong 01 gia đình do mâu thuẫn cá nhân xảy ra ngày 21 tháng 01 năm 2020 tại Quận 9 gây bức xúc dư luận.

Về tội phạm ma túy: Đã triệt phá 365 vụ, bắt 752 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Khởi tố 314 vụ với 399 bị can; xử lý hành chính 45 vụ với 343 đối tượng; thu giữ 1.849,2 gram heroin, 29,8 kg ma túy tổng hợp; 3.711,1 gram cocain và nhiều tang vật khác có liên quan.

Về tội phạm kinh tế và môi trường: Đã phát hiện, xử lý 281 vụ với 268 đối tượng vi phạm về kinh tế; lập 113 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, thú y, thức ăn chăn nuôi, thu giữ nhiều loại hàng hóa trị giá trên 28 tỷ đồng.

Công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật: Các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác phối hợp tuần tra kiểm soát, trinh sát, mật phục, đeo bám trên các tuyến trọng điểm kết hợp kiểm tra hành chính các cơ sở, kinh doanh dịch vụ nhạy cảm... nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm; đồng thời phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và chấn chỉnh tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Kết quả đã triệt phá 174 băng nhóm tội phạm, bắt 651 đối tượng; điều tra khám phá 749 vụ (đạt tỷ lệ 74,82%), bắt 1.160 đối tượng và 72 tên có lệnh truy nã.

Về trật tự an toàn giao thông: Công an thành phố đã chủ động tổ chức phân luồng giao thông, tiếp tục triển khai các chuyên đề giao thông, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chất kích thích khi tham gia giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ. Đã phát hiện và xử lý 25.208 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ và 462 trường hợp vi phạm giao thông đường thủy. Tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến theo chiều hướng giảm về số vụ, số người chết. Cụ thể, xảy ra 132 vụ tai nạn giao thông đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên (giảm 17 vụ so với cùng kỳ), làm chết 125 người (giảm 16 người so với cùng kỳ), bị thương nặng 26 người (tăng 1 người so với cùng kỳ) và 520 vụ va chạm giao thông làm bị thương nhẹ 414 người, hư hỏng tổng cộng 941 phương tiện các loại. Xảy ra 01 vụ tai nạn trên tuyến thủy nội địa, không thiệt hại về người, thiệt hại tài sản khoảng 70 triệu đồng.

Phòng, chống cháy, nổ: Trong Quý, trên địa bàn thành phố xảy ra 98 vụ cháy; làm bị thương 04 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 582 triệu đồng, một số vụ chưa ước tính thiệt hại. Tính chất các vụ cháy diễn biến phức tạp, tập trung nhà ở đơn lẻ. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Đã tổ chức cứu nạn, cứu hộ 47 vụ, giải cứu 17 người.

VI. HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thành phố đã chỉ đạo tất cả cán bộ, công chức, viên chức không đi nước ngoài, kể cả những trường hợp đã được chấp thuận trước khi có dịch. Đối với những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết phải có ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

Các hoạt động đối ngoại của thành phố đã không diễn ra theo kế hoạch. Thay vào đó, các hoạt động đối ngoại của thành phố tập trung vào công tác hỗ trợ cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài trong việc bảo hộ công dân nước ngoài đang sinh sống, làm việc, du lịch, học tập tại thành phố trong thời điểm dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp; phối hợp với các Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cập nhật thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh và công dân Việt Nam ở nước sở tại; đồng thời cập nhật thường xuyên các chính sách mới của Chính phủ Việt Nam liên quan đến công tác phòng chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 cho các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đóng trên địa bàn phía Nam.

Thành phố đã tổ chức họp mặt kiều bào nhằm lắng nghe những chia sẻ tâm tư tình cảm, nguyện vọng được góp sức vào những công việc cụ thể của thành phố. Thành phố đã đón tiếp 11 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố chủ trì tiếp 23 đoàn khách nước ngoài. Tổ chức cho 11 đoàn báo chí và 60 phóng viên nước ngoài vào tác nghiệp tại thành phố để thực hiện phóng sự về kinh tế, văn hóa, du lịch, con người Việt Nam.

Tăng cường hợp tác quốc tế thông qua việc ký kết 02 thỏa thuận với Nhật Bản về dự án cải tạo đường ống thoát nước bằng công nghệ không đào hở và ghi nhớ hợp tác giữa Ban Quản lý đường sắt đô thị, Công ty đường sắt số 1 và Tokyo Metro; chuẩn bị thực hiện dự án hợp tác cấp địa phương giữa thành phố và thành phố Leipzig (Đức) về trạm thông tin kết nối giao thông di động thúc đẩy giao thông bền vững. Thành phố đang trao đổi nội dung thỏa thuận thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với các địa phương thuộc các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam, cụ thể là bang Victoria (Úc), Mumbai (Ấn Độ).

Đã đón tiếp gần 900 lượt kiều bào, thân nhân tham dự Họp mặt kiều bào mừng Xuân Canh Tý 2020 nhằm lắng nghe những chia sẻ, tâm tư tình cảm, nguyện vọng được góp sức cho thành phố. Trang thông tin điện tử của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện 100 bài về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội trong nước và hoạt động kiều bào ở các nước. Đến nay, trang web đã thu hút thêm 313.921 lượt, nâng tổng lượng truy cập lên trên 9,1 triệu lượt.

VII. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những mặt đạt được:

- Thành phố đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 thông qua việc yêu cầu đối với hệ thống doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, công ty dịch vụ vui chơi giải trí phòng chống dịch nghiêm ngặt; thực hiện kiểm soát dịch bệnh cục bộ khi có người đến từ vùng dịch; chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trong ngành giáo dục tập trung công tác phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng các phương án đảm bảo hiệu quả các hoạt động chuyên môn và chương trình giáo dục theo quy định; chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch... Chỉ đạo việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe... đến từng người dân, để đảm bảo sức khỏe cho chính họ và cho cộng đồng.

Tính đến ngày 24 tháng 4, trên địa bàn thành phố có 54 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó, đã điều trị khỏi bệnh cho 53 trường hợp và chỉ còn 01 trường hợp đang điều trị. Đến nay, qua 21 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới, đây là tiền đề quan trọng để thành phố công bố hết dịch khi đủ 28 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới trên địa bàn và tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để vực dậy nền kinh tế đặt trong trạng thái bình thường mới.

- Ủy ban nhân dân thành phố đã chủ động kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn với những chính sách thiết thực, cụ thể. Triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ; Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Phát huy vai trò của Hiệp hội, Đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các chương trình, gói hỗ trợ, đặc biệt quan tâm đến những người nghèo và yếu thế trong xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

- Ủy ban nhân dân thành phố đã trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua các chế độ chính sách cho các đối tượng do ảnh hưởng dịch bệnh với tổng kinh phí 2.753 tỷ đồng, trong đó, sẽ chi hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/người/tháng cho 600 ngàn lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của nhà nước, bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài cống lập và nhóm trẻ; điều chỉnh giảm hệ số tính tăng thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức năm 2020 để dành kinh phí phòng chống dịch bệnh; quan tâm hỗ trợ cho người bán vé số lưu động gặp khó khăn do tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết; thành lập Tổ Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19; ban hành bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp; công bố 1.073 điểm bán khẩu trang, 2.610 điểm bán các mặt hàng thiết yếu,...

- Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo ổn định tâm lý người dân, thành phố đã chủ động làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất, cung ứng hàng hóa, chủ động kế hoạch phân phối theo hình thức, phương thức phù hợp, tránh tình trạng đứt hàng cục bộ gây tâm lý hoang mang. Tình hình kinh doanh tại các chợ đầu mối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, khan hiếm hàng nên giá phần lớn mặt hàng nông sản ổn định.

- Chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tránh nguy cơ gây mất ổn định thị trường hàng hóa trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19, đảm bảo nguồn cung chủ yếu từ 3 nguồn chính sau: (1) Các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường, chiếm từ 30% - 40% thị phần; (2) Các chợ đầu mối với các mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc, chiếm 60% - 70% thị phần; (3) Các doanh nghiệp khác, chiếm 10% - 20% thị phần.

- Các chợ đầu mối xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong giai đoạn phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập; tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ; nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ. Ban quản lý chợ kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường đến thương nhân và tăng cường công tác kiểm tra lượng hàng cung ứng, chủ động điều phối, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống dịch, tăng lượng hàng dự trữ từ 2 - 3 lần so với tháng thường.

- Nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh, thành phố đã chỉ đạo tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến cung - cầu đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chủ động xây dựng, đề xuất các phương án nhằm ổn định thị trường; xây dựng và triển khai Kế hoạch cung cấp thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, dự trữ, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, cam kết cung ứng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

- Thành phố đã chủ động làm việc với đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn (Saigon Co.op, Satra, Vinmart, Lotte Mart, Big.C, AEON Mall,...), có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ từ 2-3 tháng.

- Công tác quản lý quy hoạch, trật tự đô thị và xây dựng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. số vụ vi phạm về xây dựng giảm nhiều so với cùng kỳ. Duy trì tỷ lệ cung cấp nước sạch cơ bản đạt 100%. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường tiếp tục thực hiện tốt, tổ chức dọn vệ sinh đường phố trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư tiếp tục được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện góp phần thúc đẩy tình hình đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, hợp tác quốc tế của doanh nghiệp.

- Công tác thanh kiểm tra an toàn thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm và được triển khai đồng loạt trên địa bàn; đã xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, ngăn chặn các sản phẩm không an toàn đến tay người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt phổ biến các thông tin về hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và lưu ý khi chọn thực phẩm an toàn trong mùa dịch.

- Tình hình quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thành phố đã xử lý nghiêm, đúng pháp luật và công khai các cá nhân, tổ chức lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin sai sự thật, tin giả gây hoang mang dư luận. Tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến theo chiều hướng tốt do triển khai hiệu quả Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ.

2. Những mặt hạn chế:

- Sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tình hình sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn chủ yếu về thị trường tiêu thụ sản phẩm, việc đàm phán ký hợp đồng mới trì hoãn do đối tác lo ngại dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh (ngành dệt may, cơ khí,...). Dự báo tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong những tháng tiếp theo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu sản xuất hoặc nhập nguyên phụ liệu với chi phí cao hơn làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia khác bị gián đoạn.

- Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao, vốn sản xuất kinh doanh hạn chế nên không chủ động nguồn nguyên liệu trước những biến động của thị trường trong mùa dịch bệnh dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Doanh nghiệp đang theo dõi sát sao tình hình thị trường để có kế hoạch sản xuất trong ngắn hạn phù hợp. Ngành du lịch thành phố chịu những tác động nghiêm trọng, trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

- Lĩnh vực dịch vụ giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân hạn chế ra đường, mua sắm tại nơi công cộng nên hoạt động thương mại và dịch vụ không sôi động tại các hệ thống phân phối. Trường hợp dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo tình hình hoạt động kinh doanh của các hệ thống phân phối trong quý 2 và quý 3 năm 2020 tiếp tục khó khăn; tiểu thương, thương nhân, đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngoài ra, dự báo tình hình xuất khẩu từ quý 2 trở đi gặp khó khăn, dự trữ nguyên liệu chỉ đủ phục vụ sản xuất đến hết Quý I năm 2020; thị trường xuất khẩu thu hẹp, nhất là các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản đang chịu tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh Covid-19.

- Việc cân đối thu chi gặp nhiều khó khăn, là áp lực lớn cho ngân sách thành phố. Để đảm bảo an sinh xã hội, thành phố triển khai chi hỗ trợ người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của nhà nước, hỗ trợ cho người bán vé số lưu động gặp khó khăn do tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết và các gói hỗ trợ khác, trong khi nguồn thu ngân sách dự kiến giảm do nhiều doanh nghiệp một số ngành nghề tạm dừng hoạt động, thu gọn quy mô sản xuất hoặc có nguy cơ phá sản, tình trạng thất nghiệp và thất nghiệp tạm thời tăng...

- Tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị bị ảnh hưởng do thiếu hụt nhân lực trong thị trường lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng thiết bị, vật liệu cho nhà thầu. Việc huy động nhân sự đảm bảo công tác thi công, nhất là các gói thầu tư vấn gặp khó khăn do có nhân sự là chuyên gia nước ngoài.

Phần thứ hai

CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM QUÝ II NĂM 2020

Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là thị trường tiêu thụ lớn và là cửa ngõ giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiêu lĩnh vực đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư, các hoạt động cộng đồng doanh nghiệp, của người dân, tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các đơn vị phải quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, sáng tạo hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trên tinh thần tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hạn chế những tác động khó khăn của dịch bệnh Covid-19, phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2020 trong trạng thái “bình thường mới” theo kế hoạch đã đề ra, cụ thể như sau:

1. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Tiếp tục triển khai các biện pháp kịp thời, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp trong từng giai đoạn, diễn biến dịch bệnh Covid-19, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, hạn chế tối đa mức độ lây lan ra cộng đồng. Các đơn vị luôn trong tư thế sẵn sàng, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng với phương châm 5 tại chỗ, tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất; thực hiện nghiêm Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Nêu cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai các biện pháp kịp thời, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp trong từng giai đoạn, diễn biến dịch bệnh Covid-19. Các đơn vị luôn trong tư thế sẵn sàng, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng, kiên định với 06 nguyên tắc chống dịch và phương châm 05 tại chỗ, tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tập trung rà soát, bổ sung giải pháp các kịch bản đã xây dựng, nhất là việc thành phố sẽ bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất để cách ly và xét nghiệm đối với số lượng người Việt Nam tại nước ngoài trở về thành phố trong thời gian tới.

Triển khai 07 Bộ tiêu chí để kiểm soát dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”: (1) Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố; (2) Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động bảo tàng, di tích; thư viện, phòng đọc sách và tổ chức tập luyện của các đơn vị hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn thành phố; (3) Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn thành phố; (4) Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố; (5) Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại chợ đầu mối, chợ truyền thống (có nhà lồng), siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố; (6) Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố; (7) Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tổ chức hậu kiểm việc cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp theo Quyết định số 1203/QĐ-BCĐ ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố về ban hành Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

2. Nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19

Triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố để tiếp thêm động lực đưa kinh tế thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay: (1) Gói kinh tế hỗ trợ trực tiếp cho người dân để giảm bớt khó khăn, cùng chung tay chống dịch; (2) Gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mất việc làm ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; (3) Gói bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm hàng hóa các dịch vụ thiết yếu; (4) Gói kinh tế giảm sự thiệt hại, khó khăn, tăng cường sức chịu đựng cho doanh nghiệp, chuẩn bị điều kiện phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh; (5) Gói thúc đẩy ngành kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh.

Tổ Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 khẩn trương khẩn trương rà soát, ban hành Kế hoạch triển khai tính điểm, xếp hạng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo gói hỗ trợ của Chính phủ.

Các sở - ngành, quận - huyện khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch từ nay đến hết năm 2020 với 04 nhóm nội dung hỗ trợ doanh nghiệp thật cụ thể: (1) Hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện đảm bảo an toàn; (2) Hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và chi phí sinh hoạt cho người dân; (3) Hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh; (4) Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch.

Tổ chức Tọa đàm “Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục kinh tế thành phố năm 2020” vào đầu tháng 5 năm 2020.

3. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án của thành phố

Tổ chức nghiên cứu, xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số từng ngành, lĩnh vực, qua đó có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào GRDP của thành phố nhằm đạt mức tăng trưởng GRDP cao nhất có thể. Từng ngành, địa phương rà soát lại kế hoạch năm, bổ sung các giải pháp phù hợp, khả thi để duy trì phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội; làm việc với các cơ quan Trung ương để hoàn chỉnh Đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; triển khai các đề án nhánh: (1) Đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân quận và phường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; (2) Đề án thành lập thành phố phía Đông trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức; (3) Đề án bổ sung, thay thế Nghị định 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (giai đoạn 2)”; Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố; Đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế theo kế hoạch.

4. Kiểm soát chặt công tác thu - chi ngân sách; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố

Tăng cường các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, thực hiện chi ngân sách theo đúng dự toán, định mức, tăng cường tiết kiệm chi và hạn chế những khoản chi phát sinh mới ngoài dự toán. Rà soát những nội dung chi dự kiến không triển khai trong năm 2020 điều chỉnh giảm dự toán. Theo sát tình hình, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp quy định và khả năng ngân sách của thành phố. Tạo điều kiện hỗ trợ, chăm lo người dân, doanh nghiệp, chủ động chuẩn bị các phương án tốt nhất khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất.

Tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền các cấp; rà soát, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Kiên trì kiến nghị trung ương điều chỉnh các bất cập, không đồng bộ giữa các quy định pháp luật đầu tư, đất đai, nhà ở. Rà soát, xây dựng kịch bản nâng cao năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm chủ lực của thành phố. Tăng cường phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực, thực phẩm) và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Phấn đấu hoàn thành Đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển ngành công nghiệp; Đề án phát triển ngành lương mại điện tử đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án thành lập trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất; Đề án trung tâm Hội chợ, triển lãm quốc tế. Hoàn chỉnh xây dựng đề án thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo. Tập trung phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hóa, sản phẩm tại thị trường nội địa; khuyến khích ứng dụng thanh toán điện tử trên môi trường trực tuyến.

Nghiên cứu, rà soát cơ chế tài chính, vốn, chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Phát triển khoa học công nghệ - ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp cùng góp phần xây dựng đô thị thông minh của thành phố. Tăng cường công tác tập huấn tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao cho người dân, phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường. Đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm chủ lực, nhất là các yếu tố tác động của cách mạng 4.0. Tập trung triển khai thực hiện các công tác quản lý nhà nước nhằm kiểm soát, phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm.

5. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng 46 chương trình, đề án nhánh trong 03 chương trình đột phá và 01 chương trình trọng điểm để phát triển thành phố tại dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã công bố; chậm nhất đến ngày 15 tháng 5 trình dự thảo (kèm bảng phân công điều chỉnh), cơ bản hoàn thành trong tháng 6 để có thể triển khai thực hiện ngay sau Đại hội.

Tiếp tục triển khai các bước lập quy hoạch kinh tế - xã hội thành phố thời kỳ 2021-2030 và quy hoạch chung xây dựng thành phố, đảm bảo quy hoạch có tầm nhìn, chất lượng tốt trong điều kiện hội nhập quốc tế.

6. Đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công; khẩn trương triển khai Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; duy trì họp Tổ đầu tư hàng tuần; chủ động phối hợp tích cực với các cơ quan Trung ương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì kênh đối thoại trực tuyến giữa thành phố với các nhà đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện dự án, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Thành phố tổ chức họp 02 tuần/lần để rà soát, đánh giá về công tác giải ngân đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% vào thời điểm trước ngày 15 tháng 10 năm 2020.

Thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; kiên trì báo cáo kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hóa. Rà soát, quản lý chặt chẽ tài sản công, nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

7. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều kiện dịch bệnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số. Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số phát triển các sản phẩm trong thương mại điện tử - kinh tế số, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử....trên môi trường số. Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trên những website thương mại điện tử trên địa bàn thành phố.

Cải cách thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, các cấp và trong nội bộ từng cơ quan. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, quy định hành chính để hỗ trợ việc nâng cao chất lượng các quy định hành chính của thành phố. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện thống nhất và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tập trung tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ nhân dân.

Quản lý, điều hành linh hoạt, sử dụng các hình thức họp trực tuyến, tránh tập trung đông người. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Tăng cường các nhóm thủ tục hành chính liên thông, rút gọn đầu mối, rút ngắn thời gian tiếp nhận, xử lý và trả hồ sơ. Đơn giản hóa thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan, bảo đảm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu nhanh hơn.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp bằng cách sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện các dịch trực tuyến; bố trí nhân sự trực hướng dẫn, trao đổi qua hộp thư điện tử (email), tin nhắn, điện thoại, đường dây nóng. Yêu cầu bổ sung hồ sơ, từ chối tiếp nhận hồ sơ, thực hiện Thư xin lỗi khi hồ sơ trễ hạn được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Rà soát, công khai thủ tục hành chính nhằm tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyên mức độ 3, mức độ 4; phối hợp với Bưu điện thực hiện tuyên truyền rộng rãi đến cá nhân, tổ chức về các chính sách ưu đãi cước dịch vụ bưu chính công ích trong dịch bệnh Covid-19. Đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và sớm trước quy định; mở rộng các phương thức đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hình thức trực tuyến. Đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm,...

8. Nghiên cứu triển khai giải pháp phát triển ngành Du lịch

Thành phố sẽ tập trung triển khai kế hoạch giảm tác động trong và sau dịch bệnh với 5 nhóm giải pháp: (1) Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị các chính sách thúc đẩy du lịch phát triển ngay sau dịch bệnh kết thúc; (2) Triển khai chương trình kích cầu du lịch sau dịch bệnh; (3) Chuẩn bị kế hoạch tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế; các phương thức đa dạng hóa sản phẩm du lịch: du lịch nghệ thuật, du lịch xanh, du lịch đường thủy, du lịch y tế...; (4) Hoàn thành và công bố Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030; thành lập Hội đồng phát triển du lịch thành phố; (5) Thúc đẩy kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ.

9. Kiểm soát chặt chẽ tình hình thị trường, bảo đảm cân đối nguồn hàng phòng chống dịch và phục vụ nhu cầu người dân, đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu trong mọi tình huống; xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, tăng giá, trục lợi; triển khai các hình thức đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà và giãn cách tập trung đông người khi mua sắm tại siêu thị.

10. Tập trung triển khai thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”

Tiếp tục thực hiện các hoạt động triển khai thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Duy trì tổ chức tốt các hoạt động văn hóa quan trọng trên tinh thần tuân thủ nghiêm các yêu cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao chưa cần thiết. Khảo sát, xây dựng danh mục các cơ sở di tích văn hóa lịch sử đã xuống cấp, cần sửa chữa, trùng tu nhằm bảo tồn di sản văn hóa; đẩy nhanh thủ tục đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm. Tổ chức sơ kết đợt 1 (từ ngày 08 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4) và tiếp tục thực hiện 10 nội dung trọng tâm trong các đợt thi đua tiếp theo trong Kế hoạch phát động phong trào thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xây dựng hình mẫu con người Thành phố Hồ Chí Minh yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong hiện tại và tương lai. Tuyên truyền, vận động, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị, ở cơ sở và gia đình, phát huy vai trò của gia đình trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Xây dựng, đầu tư và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa của thành phố; bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa.

Tập huấn, triển khai các tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2020 - 2025. Xây dựng tài liệu tuyên truyền và tổ chức các hoạt động tuyên truyền “Văn hóa ứng xử cộng đồng” trong việc xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong việc thẩm định, phúc khảo, duyệt chương trình văn hóa nghệ thuật, sản phẩm băng đĩa; thanh kiểm tra và xử phạt các hoạt động biến tướng, sai phạm trong lĩnh vực nghệ thuật. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, sai sự thật, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Thông tin đầy đủ, kịp thời các vấn đề được dư luận, xã hội quan tâm. Triển khai thực hiện phương án sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03 tháng 04 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1738/KH-BTTTTT ngày 4 tháng 6 năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

11. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đô thị

Tập trung thực hiện tốt 03 Chỉ thị của Thành ủy bao gồm: (1) Chỉ thị số 11 về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn; (2) Chỉ thị số 19 của về cuộc vận động người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước; (3) Chỉ thị số 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị gắn với các đợt thi đua 200 ngày của thành phố.

Rà soát chất lượng của các đồ án quy hoạch, những khu vực chậm triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền, lợi ích chính đáng của người dân; chuẩn bị phương án kiến trúc khu vực công viên trước nhà hát thành phố ngay sau khi được hoàn trả mặt bằng. Tiếp tục triển khai các nội dung nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vực công viên 23 tháng 9 làm cơ sở tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Tiếp tục triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đồng thời bàn giao mặt bằng chuẩn bị khởi công tuyến đường sắt số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Hoàn tất cơ bản công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng của dự án Tuyến Metro số 2 để triển khai các công tác tiếp theo của dự án theo kế hoạch.

Chú trọng chất lượng và hiệu quả đầu tư, đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.

Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, phát triển các tuyến xe buýt phù hợp nhu cầu đi lại của người dân. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật trong trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền, tác động thay đổi hành vi về chấp hành các quy định an toàn giao thông đến người dân trên toàn địa bàn.

Duy trì tỷ lệ hộ dân thành phố được cấp nước sạch đạt 100%. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giảm thất thoát nước, tăng cường mở rộng mạng lưới cấp nước, kéo giảm tỷ lệ nước thất thu, thất thoát theo kế hoạch đề ra. Tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng nước ngầm.

12. Trên cơ sở Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các đơn vị liên quan, chủ động nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham mưu phương án cho học sinh đi học lại, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, trình Ủy ban nhân dân thành phổ thông qua cuối tháng 4 năm 2020.

13. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người; tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong quý 2 tập trung: (1) thực hiện chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất diện tích 43.957,6 m2 thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2; (2) yêu cầu bổ sung nghĩa vụ tài chính đối với một số dự án theo quy định; (3) đẩy nhanh tiến độ một số dự án đang triển khai; triển khai đấu thầu dự án, đấu giá một số khu đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quy định.

14. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng an ninh

Thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại; tiếp tục phối hợp hiệu quả với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại thành phố để giải quyết các trường hợp bảo hộ công dân liên quan đến Covid-19, đảm bảo quan hệ song phương tốt đẹp, trước và sau mùa dịch. Nâng cao hiệu quả thực hiện các Thoả thuận quốc tế đã được ký kết nhằm đưa các quan hệ hợp tác đã thiết lập này đi vào chiều sâu. Tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư và các hoạt động xúc tiến. Đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài bằng cách đổi mới phương thức, đa dạng hóa các hoạt động, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thu hút và phát huy nguồn lực, tri thức của kiều bào phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy; đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, đảm bảo tuyệt đối an toàn các lễ hội, sự kiện chính trị quan trọng, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh hiệu quả với các hoạt động vi phạm pháp luật, không để xảy ra tình hình phức tạp, đột biến bất ngờ; đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị trật tự xã hội trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu lực lượng quân đội thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về quốc phòng - an ninh, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng quốc phòng - an ninh trong chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống; nắm chắc tình hình, âm mưu và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bọn cơ hội chính trị; thường xuyên tổ chức tập luyện theo phương án, kiểm tra thực hiện chế độ trực và duy trì trạng thái sẵn sàng cơ động ở các cấp. Tổ chức định kỳ các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Đẩy mạnh hoạt động tham gia chiến đấu phản bác các quan điểm sai trái và thông tin xấu trên mạng internet. Thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng.

Thành phố xác định và chỉ đạo quyết liệt từng ngành, từng cấp tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh, quyết tâm ngăn chặn, chiến thắng dịch bệnh trong thời gian sớm nhất; đồng thời rà soát kế hoạch, bổ sung các giải pháp phù hợp, khả thi để duy trì phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đã đề ra./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- Thành viên Ủy ban nhân dân thành phố;
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Văn phòng, các Ban HĐND thành phố;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các đoàn thể TP;
- Các sở - ban - ngành, doanh nghiệp TP;
- UBND các quận - huyện;
- VPUB: CPVP; các phòng NCTH, TH (3b);
- Lưu VT (TH/Tân)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm

 



[1] Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong số 521 doanh nghiệp (chủ yếu trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, vận tải,giáo dục, thương mại dịch vụ, dệt may - giày da, cơ khí) có báo cáo gửi về thì có 517 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch với số lao động bị ảnh hưởng là 3.602 lao động (tổng số lao động của các doanh nghiệp này là 9.293). Đây là một tỷ lệ rất lớn.

[2] Dựa trên số liệu của Cục Thống kê và đánh giá tình hình của Sở Công Thương.

[3] Trong Quý I năm 2020, doanh số bán lẻ các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,0%; Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 7,6%; trong khi đó vật phẩm, văn hóa, giáo dục chỉ tăng 1,2%, phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) giảm 1,5% so với cùng kỳ.

[4] Từ khi dịch bệnh xảy ra, mãi lực tại các chợ, trung tâm thương mại giảm 30-40%; lượng đơn hàng mua sắm trực tuyến và qua điện thoại tăng gấp 4-5 lần so với trước đây (theo Liên hiệp HTX Thương mại thành phố - Saigon Co.op). Tỷ lệ doanh thu qua bán hàng trực tuyến của Saigon Co.op là 10%, hệ thống Lotte là 5% và hệ thống Vinmart là 50%.

[5] Quyết định số 81/QĐ-SDL ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Sở Du lịch.

[6] Lượng khách quốc tế đến Thành phố trong tháng 3 năm ước đạt 117.000 lượt khách, giảm 84,23% so với cùng kỳ; tổng thu du lịch trong tháng 3 năm 2020 ước đạt 3.496 tỷ đồng, giảm 65,26% so với cùng kỳ. (Lượng khách quốc tế đến Thành phố 3 tháng năm 2019 là 2.257.994 và tổng doanh thu du lịch là 34.602 tỷ đồng)

[7] Hiện chủ đầu tư đang thực hiện công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án.

[8] Hiện nay, Sở Thông tin và truyền thông đã thống nhất sự cần thiết, mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư cho 22 dự án.

[9] Vốn huy động bằng VNĐ đạt 2.234.000 tỷ đồng, chiếm 87% tổng vốn huy động, tăng 0,85% so cuối năm 2019; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 320.000 tỷ đồng, chiếm 13% tổng vốn huy động, giảm 3,59% so cuối năm 2019.

[10] Dư nợ tín dụng bằng VNĐ đạt 2.147.000 tỷ đồng, chiếm 93% tổng dư nợ, tăng 0,82% so cuối năm 2019; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 162.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng dư nợ, giảm 2,73% so cuối năm 2019.

[11] Số liệu tính đến cuối tháng 2 năm 2020.

[12] Bao gồm: Phát triển nông nghiệp và nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Số liệu tính đến cuối tháng 01 năm 2020.

[13] Dựa trên số liệu của Cục Thống kê và đánh giá tình hình của Sở Công thương.

[14] Công ty TNHH Intel Products VN sản xuất sản phẩm mạch điện tử tích hợp, Công ty TNHH Jabil VN sản xuất sản phẩm máy quét có thể kết nối với máy xử lý dữ liệu tự động có sản lượng tăng khá.

[15] Năm 2019, TP.HCM nhập khẩu khoảng 13,35 tỷ USD các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 9,27 tỷ USD, chiếm 69,44%. Do đó, các biện pháp kiểm soát biên giới gây ảnh hưởng đến nguồn sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử.

[16] Theo Hiệp Hội Doanh nghiệp thành phố.

[17] Công ty Jabil, Sanofi, Hoàng Tín Phát, Power Centric, Daihan Vina, Power Centric, Daihan Vina, Thanh Niên XP, Amura.

[18] Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, Công ty TNHH Jabil Việt Nam và Công ty TNHH Nidec Việt Nam.

[19] Về chuyển dịch cơ cấu trong 3 tháng đầu năm: Trồng trọt chiếm tỷ trọng 17,7% (cùng kỳ 17,6%), chăn nuôi 48,4% (cùng kỳ 47,1%), thủy sản 26,3% (cùng kỳ 27,8%).

[20] Số liệu cùng kỳ tính đến hết tháng 3 năm 2019.

[21] Số liệu tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2020.

[22] Số liệu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp, tính đến ngày 20 tháng 03 năm 2020.

[23] 100% vốn nước ngoài: 270 dự án; liên doanh: 20 dự án.

[24] Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên chưa họp Tổ thẩm định thông qua.

[25] Phân bổ căn hộ chung cư Vĩnh Lộc B để phục vụ tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh); đề xuất ý kiến về việc bàn giao 100 căn hộ chung cư khu 10ha, phường Tân Thới Nhất cho Ủy ban nhân dân Quận 12 phục vụ tái định cư; điều chuyển 52 căn hộ cho dự án Metro 2, quận Tân Bình.

[26] 20% quỹ căn hộ phục vụ tái định cư tại dự án Trung tâm thương mại và căn hộ số 21 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình; 100 căn hộ phục vụ tái định cư thuộc dự án Khu căn hộ - Trung tâm thương mại dịch vụ Đông Dương, phường 14, quận 10.

[27] Dự án nhà ở xã hội và nhà trẻ tại phường Long Trường, Quận 9 cho Công ty Hồng Ân làm chủ đầu tư; Dự án Nhà lưu trú công nhân khu chế xuất Linh Trung II (giai đoạn 2), Quận Thủ Đức do Công ty Thiên Phát làm chủ đầu tư; Dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê thuộc cụm công nghiệp tại Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 do Công ty Cổ phần ThuThiemGroup làm chủ đầu tư.

[28] 776 đối tượng tại dự án Khu chung cư nhà ở xã hội (lô M) thuộc Khu dân cư phía Bắc Rạch Bà Bướm, phường Phú Thuận - Quận 7; 25 đối tượng tại dự án Khu nhà ở Vĩnh Lộc A (giai đoạn 1) tại Hương lộ 80, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh; 02 đối tượng tại dự án Khu nhà ở xã hội giai đoạn 2 - Khu dân cư Nguyên Sơn tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh; 07 đối tượng tại dự án Chung cư Hoa Phượng tại số 34/1A, quốc lộ 1A, phường Thới An, quận 12; 920 đối tượng tại dự án Khu căn hộ chung cư cao tầng (Natural Poem), số 629 đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân; 04 đối tượng tại dự án Khu nhà ở xã hội Hưng Phát, Phường 6, Quận 8.

[29] Ông Dương Đình Khuê tại 343/15L đường Tô Hiến Thành, phường 12, quận 10; 02 đối tượng tại chung cư Hoa Phượng, phường Thới An, Quận 12; 07 đối tượng tại dự án Khu Chung cư Nhà ở xã hội (Lô M) thuộc Khu Dân cư phía Bắc Rạch Bà Bướm, phường Phú Thuận, Quận 7; 16 đối tượng tại dự án Chung cư nhà ở xã hội An Phú Đông, phường An Phú Đông, Quận 12; 24 đối tượng tại dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, đường Lê Tấn Bê, phường An Lạc, quận Bình Tân; 04 đối tượng tại dự án chung cư nhà ở xã hội Khu dân cư Phú Hữu tại phường Phú Hữu, quận 9; 03 đối tượng tại dự án nhà ở xã hội số 35 Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân.

[30] Gia đình văn hóa, Khu phố - Ấp văn hóa, Phường, Thị trấn văn minh đô thị; Xã văn hóa nông thôn mới, Xã văn hóa - văn minh đô thị; Cơ quan, đơn vị văn hóa; Doanh nghiệp văn hóa.

[31] Công trình trùng tu, tôn tạo chùa Giác Viên, Quận 11; Dự án sưu tầm, trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu trong Khu tưởng niệm Liệt sỹ Tết Mậu Thân 1968 tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh; Dự án phục dựng, tu bổ, tôn tạo di tích đình Hanh Phú; Dự án tu bổ tôn tạo di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ (giai đoạn 2); Dự án trùng tu, tôn tạo chùa Giác Viên (giai đoạn 2); Dự án tu bổ, tôn tạo Bảo tàng Lịch sử, Đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên; Dự án tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Chí Hòa; Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Phụng Sơn; Tu bổ phục dựng cảnh quan di tích địa đạo Phú Thọ Hòa.

[32] (1) Tại khu cách ly tập trung của thành phố tại huyện Củ Chi là 145 trường hợp, gồm 83 trường hợp được cách ly tại Khu A và 62 trường hợp được cách ly tại khu C; (2) Tại khu cách ly tập trung của thành phố tại huyện Nhà Bè là 72 trường hợp; (3) Tại khu cách ly tập trung của thành phố tại Bệnh viện Quận 7 là 65 trường hợp; (4) Tại khu cách ly tập trung của thành phố tại Trường Quân khu 7 - Quận 12 là 852 trường hợp; (5) Tại Cần Giờ là 300 trường hợp, khu khách sạn Phương Nam có 100 trường hợp, Resort Cần Giờ có 100 trường hợp, Khu Resort Mangrove là 100 trường hợp; (6) Khu cách ly tập trung của thành phố tại Sư Đoàn 317 - huyện Hóc Môn là 205 trường hợp; (7) Khu cách ly tập trung của thành phố tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP. HCM - Thủ Đức là 6.542 trường hợp; (8) Khu cách ly tập trung của Quân đoàn 4 là 461 hường hợp; (9) Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học (cơ sở 2) là 354 trường hợp; (10) Học viện Chính trị khu vực 2 (Quận 9) là 122 trường hợp.

[33] Phân phối 40.000 tờ rơi “Hướng dẫn kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm”; 4.000 đĩa tuyên truyền “Hướng dẫn điều tra, xử lý ngộ độc tập thể trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”; “Thông điệp đảm bảo An toàn thực phẩm Tết Canh Tý 2020” cho 24 quận - huyện. Tổ chức 05 lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho 461 người tham dự.

- Đã đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ban Quản lý an toàn thực phẩm 20 thông tin khuyến cáo từ Bộ Y tế tuyên truyền đảm bảo sức khỏe cho người dân trong thời gian chống dịch Covid-19. Đồng thời, lồng ghép truyền thông khi thực hiện các công tác tiếp công dân, thanh tra, cấp phép nhằm thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao hiểu biết, nhận thức đúng và ý thức trách nhiệm cho người dân có kiến thức đầy đủ để tự phòng ngừa bệnh dịch, bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

[34] Phân phối 40.000 tờ rơi “Hướng dẫn kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm”; 4.000 đĩa tuyên truyền “Hướng dẫn điều tra, xử lý ngộ độc tập thể trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”; “Thông điệp đảm bảo An toàn thực phẩm Tết Canh Tý 2020” cho 24 quận - huyện. Tổ chức 05 lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho 461 người tham dự.

[35] Thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt heo tại 02 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền với 24.397 xe và tổng lượng heo nhập là 494.689 con. Kết quả 100% có vòng niêm phong.

[36] Lễ hội Tết Việt tại công viên Lê Văn Tám; Sự kiện họp mặt kiều bào mừng Xuân Canh Tý năm 2020; Hội hoa Xuân Tao Đàn năm 2020.

[37] 434/434 mẫu không phát hiện các chỉ tiêu liên quan; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội và sự kiện.

[38] Tính đến 31/01/2020, Quỹ xóa đói giảm nghèo hiện nay là 1.129 tỷ đồng cho 36.774 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay với số tiền 1.047 tỷ đồng; Quỹ quốc gia về việc làm là 2.200 tỷ đồng cho vay 61.567 dự án; Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất là 322 tỷ đồng cho vay 3.910 hộ.

[39] Phát hiện và tham mưu phối hợp xử lý 12 vụ vi phạm quyền trẻ em.

[40] Kế hoạch số 814/KH-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2019 về triển khai thực hiện Kết luận thanh tra số 1037/KL-TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm; kế hoạch số 903/KH-UBND ngày 03 tháng 9 năm 2019 về tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm đối với tập thể và cá nhân có liên quan theo Kết luận thanh tra số 1037/KL-TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.

[41] Tổ chức họp báo, công khai nội dung kế hoạch thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ; Ban hành văn bản xác định ranh bản đồ 4,39 ha thuộc một phần Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 để làm cơ sở xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân theo quy định; Tổ chức công bố tờ bản đồ 4,39 ha thuộc một phần Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2; Thông qua phương án bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Báo cáo và cung cấp tài liệu, hồ sơ bổ sung theo Thông báo số 68/TB-VP ngày 16 tháng 4 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ và tiếp tục phối hợp với Thanh tra Chính phủ trong quá trình kiểm tra, rà soát các dự án thuộc Khu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ cho phép thành phố được tiếp tục triển khai các dự án BT trong khi chờ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước theo ý kiến kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan sai phạm theo Kết luận thanh tra đã tổ chức kiểm điểm các tập thể và cá nhân có liên quan theo phân cấp quản lý.

[42] Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính đang xem xét để hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố đối với việc xác định chi phí lãi vay trong phương pháp thặng dư để tính tiền sử dụng đất cho phù hợp, chính xác và khách quan; hướng dẫn phương pháp phân bổ chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh trong tổng mức đầu tư và chi phí được tính trong phương pháp thặng dư để tính giá trị quyền sử dụng đất, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp. Kiểm toán Nhà nước đang xem xét việc kiểm toán các dự án BT tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Quận 2. Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, kiến nghị của thành phố Hồ Chí Minh về việc cho phép thành phố thực hiện các dự án độc lập về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt tại Quyết định số 2971/QĐ-STC-BVG ngày 05 tháng 4 năm 2010 của Sở Tài chính và việc thực hiện các thủ tục pháp lý khác để thực hiện xử lý thu hồi và hoàn trả ngân sách theo quy định. Thanh tra Chính phủ đang xem xét, hướng dẫn việc tính lãi suất chậm nộp đối với khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung cho Công ty Đại Quang Minh, trong đó có hướng dẫn cụ thể về lãi suất để tính toán (áp dụng “Lãi suất thương mại” theo quy định của Hợp đồng BT thực hiện Dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm hay mức lãi suất nào khác) và thời điểm phát sinh (thời điểm ký tắt Hợp đồng BT; thời điểm ký chính thức Hợp đồng BT hay thời điểm nào khác). Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Chính phủ đang xem xét đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố đối với lựa chọn nhà đầu tư Dự án Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City).

[43] 5 nội dung đã có báo cáo: Xem xét, bổ sung hoặc điều chỉnh quy chuẩn xây dựng, đảm bảo đáp ứng kịp thời cho hoạt động xây dựng ngày càng phát triển; xem xét, xử lý việc xây dựng của Công ty Cổ phần Đại Quang Minh không đảm bảo theo đúng quy chuẩn xây dựng mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã kết luận. Xem xét, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với khoản thuế VAT trong các hợp đồng BT như tại dự án BT 04 tuyến đường chính. Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện (i) kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước; (ii) xem xét, kiến nghị xử lý đối với khoản chênh lệch do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân. Xác định chi phí đầu tư bình quân năm 2013 (chi phí đầu tư bình quân trên 1m2 đất khai thác) theo đúng quy định; làm cơ sở để xem xét, xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) đối với các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất đa hoàn thành. Tổng hợp kết quả tổ chức kiểm điểm và báo cáo xin ý kiến Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy.

[44] Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố đối với nội dung bồi thường, hỗ trợ nhà, công trình, vật kiến trúc khi Nhà nước thu hồi đất; Quyết định về quy định cho các tổ chức, cá nhân thuê đất trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch để xây dựng các công trình phục vụ hoạt động dịch vụ có thời hạn; Nghị quyết ban hành Quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; Quy chế xét tặng Giải thưởng sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh...

[45] Quyết định số 686/QĐ-STP ngày 26/12/2019 của Sở Tư pháp về ban hành quy trình cung cấp dịch vụ công trục tuyến mức độ 4 đối với 03 thủ tục hành chính lĩnh vực Lý lịch tư pháp, thí điểm việc nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp điện tử trên địa bàn thành phố.

[46] Rà soát, thẩm định Đề án tổ chức đại hội đại biểu Đoàn Luật sư thành phố nhiệm kỳ VII theo Công văn số 635/STP-BTTP ngày 11/02/2020.

[47] Rà soát những khó khăn, vướng mắc cụ thể và đề xuất giải pháp, hướng xử lý đối với những vấn đề liên quan đến pháp luật về hợp đồng và pháp luật giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức tố tụng ngoài tòa án.

[48] Trong Quý I/2020, đã giải quyết được 24.381 hồ sơ, giảm 25,38% so với cùng kỳ năm 2019. Lệ phí thu được 22.658.748.214 đồng.

[49] Triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Thực hiện đăng ký 3.856 vi bằng.

[50] Trong Quý I/2020, đã tổ chức 17 cuộc bán đấu giá với tổng số tài sản bán được 247.872.270.000 đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là 2.975.554.000 đồng. Tổng số tiền thu phí, thu khác là 896.749.737 đồng.

[51] Tổ chức kiểm tra công tác đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại 05 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (Quận 3, Quận 6, Quận 11, Quận Tân Phú và huyện Cần Giờ).

[52] Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố.

[53] Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn Chương trình bắn pháo hoa đêm giao thừa; Đoàn cán bộ sỹ quan trẻ Quân đội Ấn Độ; Đoàn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bru-nây và các Đoàn khách quốc tế đến tham quan, làm việc tại Thành phố. Kết quả phối hợp cùng với Công an, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm và các lực lượng liên quan tuần tra được 63.292 lần với 170.714 lượt DQTV; giải quyết 279 vụ việc, bắt giữ 157 đối tượng, thu các loại hàng hóa, vật chất phạm pháp khác, trị giá thành tiền trên 100 triệu đồng giao cơ quan chức năng xử lý; trong đó độc lập: 26.805 lần/71.521 lượt, phối hợp: 36.487 lần/99.193 lượt. Hoạt động của DQTV biển, ven biển: 19 lần với 114 lượt DQTV tham gia. Hoạt động của DQTV trên địa bàn khu công nghiệp: 1.382 lần với 4.790 lượt DQTV tham gia. Hoạt động phối hợp điều hòa giao thông trong các giờ cao điểm: 18.187 lần với 47.413 lượt DQTV tham gia.

[54] Hội nghị tổng kết công tác quốc phòng an ninh địa phương năm 2019 và đề xuất phương hướng cho năm 2020; phát động phong trào thi đua quyết thắng năm 2020; Hội nghị trục tuyến tổng kết công tác xây dựng lực lượng năm 2019 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2020.

4 Đoàn Bộ Chỉ huy Hiến binh Phom Penh; Đoàn Lữ Can Thiệt số 1 và đoàn Bộ Tư lệnh Quân khu Đặc biệt/Quân đội Hoàng gia Campuchia; bảo đảm an ninh, an toàn, đón tiếp các đoàn quân sự, tàu hải quân các nước đến thăm, làm việc trên địa bàn Thành phố.

[55] Gồm 25 vụ giết người (có 04 vụ giết - cướp của), 24 vụ cướp tài sản, 06 vụ hiếp dâm, 09 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi, 02 vụ giao cấu với người dưới 16 tuổi, 06 vụ cưỡng đoạt tài sản, 82 vụ cố ý gây thương tích, 08 vụ chống người thi hành công vụ, 178 vụ cướp giật tài sản (trong đó có 170 vụ sử dụng phương tiện), 508 vụ trộm tài sản (trong đó có 325 vụ trộm xe gắn máy), 59 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 95 vụ án khác.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 69/BC-UBND về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố Quý I, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Quý II năm 2020 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 69/BC-UBND
  • Loại văn bản: Báo cáo
  • Ngày ban hành: 28/04/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Thanh Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản