Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BAN CHỈ HUY
PHÒNG THỦ DÂN SỰ
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/BC-BCH-PCTT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 10 năm 2022

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN 09 THÁNG ĐẦU NĂM 2022 VÀ NHIỆM VỤ, KẾ HOẠCH CÔNG TÁC 03 THÁNG CUỐI NĂM 2022

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ huy) báo cáo kết quả công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 09 tháng đầu năm và nhiệm vụ, kế hoạch công tác 03 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn Thành phố như sau:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH SỰ CỐ, THIÊN TAI 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2022

Trong 09 tháng đầu năm 2022, trên biển Đông đã xuất hiện 04 cơn bão và 01 cơn áp thấp nhiệt đới nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến Thành phố Hồ Chí Minh; trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 05 đợt mưa giông, lốc xoáy, 03 đợt triều cường lớn và 01 vụ sạt lở bờ sông.

Theo báo cáo của các sở, ngành, đơn vị Thành phố và các địa phương, thiên tai đã làm 03 người bị thương; tốc mái, hư hỏng 103 căn nhà; ngã đổ 71 cây xanh, 03 trụ điện; sạt lở 800m2 diện tích đất (không có thiệt hại về người).

1. Thiên tai trên biển

Trong 09 tháng đầu năm 2022, trên biển Đông đã xuất hiện 04 cơn bão và 01 cơn áp thấp nhiệt đới nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ban Chỉ huy đã có Công văn khẩn số 29/BCH-PCTT ngày 26 tháng 9 năm 2022 về việc triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với Bão số 4. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời tham mưu triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó.

2. Tình hình xả lũ, triều cường

a) Tình hình xả lũ: từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 đến ngày 30 tháng 9 năm 2022, hồ Dầu Tiếng đã xả tràn hạ thấp mực nước hồ tổng cộng 05 đợt; lưu lượng xả lớn nhất Qxảmax= 200 m3/s; tổng lưu lượng xả là 550,96 triệu m3. Cụ thể:

- Đợt 1: từ 07 giờ ngày 06 tháng 7 đến 07 giờ ngày 16 tháng 7 năm 2022 xả với lưu lượng 100 m3/s; tổng lưu lượng xả là 84,40 triệu m3.

- Đợt 2: từ 07 giờ ngày 23 tháng 7 đến 07 giờ ngày 31 tháng 7 năm 2022 xả với lưu lượng 100 m3/s; tổng lưu lượng xả là 69,12 triệu m3.

- Đợt 3: từ 07 giờ ngày 15 tháng 8 đến 07 giờ ngày 31 tháng 8 năm 2022 xả với lưu lượng 150 m3/s; tổng lưu lượng xả là 207,36 triệu m3.

- Đợt 4: từ 07 giờ ngày 07 tháng 9 đến 07 giờ ngày 16 tháng 9 năm 2022 xả với lưu lượng 150 m3/s; tổng lưu lượng xả là 103,68 triệu m3.

- Đợt 5: từ 07 giờ ngày 20 tháng 9 đến 07 giờ ngày 23 tháng 9 năm 2022 xả với lưu lượng 200 m3/s; từ 07 giờ ngày 23 tháng 9 đến 07 giờ ngày 27 tháng 9 năm 2022 điều chỉnh lưu lượng xả từ 200 m3/s xuống 100 m3/s; tổng lưu lượng xả là 86,40 triệu m3.

Tính tới thời điểm hiện tại không xảy ra sự cố thiệt hại do việc xả tràn của hồ Dầu Tiếng.

b) Tình hình triều cường:

Trong 09 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Thành phố xuất hiện 03 đợt triều cường trên báo động cấp III, đỉnh triều cao nhất 09 tháng đầu năm 2022 tại trạm Phú An là 1,65m, cụ thể:

- Đợt triều cường đầu tháng 01 năm 2022, đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An là 1,65m (xuất hiện lúc 05 giờ 00 phút, ngày 05 tháng 01 năm 2022 nhằm ngày 03 tháng 12 năm 2021 Âm lịch), vượt mức báo động cấp III (0,05m).

- Đợt triều cường đầu tháng 02 năm 2022, đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An là 1,63m (xuất hiện lúc 04 giờ 00 phút, ngày 02 tháng 02 năm 2022 nhằm ngày 02 tháng 01 năm 2022 Âm lịch), vượt mức báo động cấp III (0,03m).

- Đợt triều cường giữa tháng 9 năm 2022, đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An là 1,60m (xuất hiện lúc 17 giờ 30 phút, ngày 12 tháng 9 năm 2022 nhằm ngày 17 tháng 8 năm 2022 Âm lịch).

Các đợt triều cường không xảy ra sự cố bể, tràn bờ bao. Ban Chỉ huy đã ban hành Công văn số 17/PCTT ngày 27 tháng 01 năm 2022 đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, phòng chống triều cường trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và Công văn khẩn số 29/BCH-PCTT ngày 26 tháng 9 năm 2022 về việc triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với đợt triều cường cuối tháng 9 năm 2022.

3. Tình hình sạt lở

Trong 09 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 01 vụ sạt lở bờ sông. Cụ thể xảy ra vụ sạt lở vào ngày 07 tháng 7 năm 2022, tại Km00+220 bờ trái thuộc ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, chiều dài dọc sông khoảng 80m, sâu vào bờ 10m (diện tích sạt lở khoảng 800m2), sạt lở không ảnh hưởng đến luồng giao thông đường thủy (sạt lở đất trống). Trung tâm Quản lý Đường thủy đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè thông báo đến người dân trong khu vực sạt lở biết và có các biện pháp phòng, tránh; thiết lập rào chắn và cảnh báo không cho người và phương tiện qua lại trong khu vực xảy ra sạt lở. Vị trí sạt lở này không nằm trong danh mục vị trí sạt lở theo Công văn số 244/UBND-KT ngày 21 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc công bố danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn Thành phố năm 2022.

Để chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó với sạt lở, Ban Chỉ huy đã có Công văn số 03/BCH-PCTT ngày 31 tháng 3 năm 2022 về việc cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch, bờ biển và đề nghị các sở, ngành, đơn vị Thành phố và các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó.

4. Tình hình mưa giông, lốc xoáy

Trong 09 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 05 đợt mưa giông, lốc xoáy, cụ thể:

- Ngày 28 tháng 3 năm 2022, trên địa bàn Phường 14, quận Bình Thạnh xảy ra mưa giông, lốc xoáy đã làm 01 người bị thương, hư hỏng 2 xe ô tô, ngã đổ 14 cây xanh.

- Ngày 26 tháng 5 năm 2022, mưa giông diện rộng xảy ra trên địa bàn thành phố Thủ Đức và một số quận - huyện đã làm gãy đổ 02 trụ điện và 19 cây xanh.

- Ngày 20 tháng 6 năm 2022, trên địa bàn tổ 9, ấp 1 và tổ 6, ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè xảy ra mưa giông, lốc xoáy đã làm tốc mái, hư hỏng 12 căn nhà với tổng diện tích khoảng 526m2; gãy đổ 01 trụ điện và 03 cây xanh.

- Ngày 28 tháng 8 năm 2022, trên địa bàn xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi xảy ra mưa giông, lốc xoáy đã làm 02 người bị thương, 91 căn nhà bị tốc mái, 08 nhà màng bị hư hại, ngã đổ 22 cây xanh và làm một số đường dây điện bị đứt.

- Ngày 30 tháng 8 năm 2022, trên địa bàn các xã Bà Điểm, Xuân Thới Thượng, Trung Chánh, thị trấn Hóc Môn (huyện Hóc Môn) xảy ra mưa giông, lốc xoáy đã làm 01 bảng hiệu bị sập, 05 xe máy hư hỏng, ngã đổ 13 cây xanh.

Để chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó với mưa giông, lốc xoáy, gió giật; ngày 22 tháng 4 năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Công văn số 1234/UBND-KT về tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa giông, lốc xoáy, gió giật và cây xanh ngã đổ trên địa bàn Thành phố.

5. Tình hình xâm nhập mặn

a) Tình hình xâm nhập mặn trên các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố 09 tháng đầu năm 2022:

Qua số liệu thống kê độ mặn đo được trong 09 tháng đầu năm 2022 tại các trạm khảo sát cho thấy: từ tháng 01 đến tháng 3 độ mặn max có xu hướng tăng dần, cụ thể độ mặn max đo được tại trạm Mũi Nhà Bè vào tháng 3 năm 2022 là 18,4‰, cao hơn độ mặn max tháng 03 trung bình nhiều năm 8,26‰; độ mặn max từ tháng 4 đến tháng 9 có xu hướng giảm dần, cụ thể: độ mặn max đo được tại trạm mũi Nhà Bè vào tháng 4 năm 2022 là 4,40‰, thấp hơn độ mặn max tháng 4 trung bình nhiều năm 4,2‰; độ mặn max tháng 5 năm 2022 là 1,10‰ thấp hơn độ mặn max tháng 5 trung bình nhiều năm là 4,39‰; độ mặn max tháng 6 năm 2022 lả 1,20‰ thấp hơn độ mặn max tháng 6 trung bình nhiều năm là 3,97‰ (Chi tiết theo phụ lục 1 đính kèm).

b) Kết quả triển khai công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022 trên địa bàn Thành phố:

Thực hiện Phương án số 493/PA-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022 trên địa bàn Thành phố; nhằm chủ động đối phó với ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2022, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch số 424/KH-SNN ngày 28 tháng 02 năm 2022 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022 trên địa bàn Thành phố.

6. Sự cố, tai nạn

Trong 09 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 02 vụ tai nạn đường thủy làm 01 người chết và 01 người mất tích, cụ thể:

- Ngày 04 tháng 01 năm 2022, tại khu vực ông Múm, sông Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ xảy ra va chạm giữa vỏ lãi và ghe đáy làm chết 01 người là ông Võ Thanh Sơn, sinh năm 1984, thường trú tại ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, tạm trú tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ;

- Ngày 20 tháng 6 năm 2022, tại khu vực đoạn sông Cá Nhám đến Kênh 50 thuộc ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ xảy ra tai nạn làm 01 người mất tích là bà Võ Hoàng Trúc Nhi, sinh năm 2006, thường trú tại 29/17 đường 14, khu phố 6, phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

1. Kết quả thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chính sách pháp luật lĩnh vực phòng, chống thiên tai

Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc tinh thần, nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư đến các chi bộ đảng, đảng viên và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn Thành phố. Các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống tổ chức của Thành phố đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức sâu sắc và hành động quyết liệt, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 367-KH/TU ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Thành ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Công văn số 4004/UBND-KT ngày 16 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Trên cơ sở Luật Phòng chống thiên tai, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, các văn bản dưới luật; trong 9 tháng đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành và triển khai các văn bản pháp luật, chỉ thị để giúp cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố ngày càng phù hợp với thực tiễn và đạt hiệu quả cao hơn, cụ thể như: Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2022 ban hành Quy định về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2022 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh...

2. Công tác kiện toàn, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ huy các cấp năm 2022

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh thành Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 1829/QĐ-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2022). Trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy (Quyết định số 2571/QĐ-BCH ngày 29 tháng 7 năm 2022). Đồng thời, chỉ đạo thành phố Thủ Đức và các quận - huyện kiện toàn Ban Chỉ huy tại cấp huyện và cấp xã.

3. Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai

Căn cứ Luật Phòng chống thiên tai, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07 tháng 6 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương; trong 9 tháng đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2022); Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 trên địa bàn Thành phố (Kế hoạch số 1218/KH-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2022). Trên cơ sở đó, các sở, ngành, đơn vị Thành phố và địa phương tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết tại mỗi địa phương, đơn vị. Đồng thời, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 tại địa bàn thành phố Thủ Đức, Quận 7, Quận 8, Quận 12, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận Gò Vấp, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh (Kế hoạch số 2977/KH-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2022); hiện nay, đã hoàn thành kiểm tra 3/11 quận - huyện (Quận 8, Quận 12 và huyện Nhà Bè).

4. Triển khai thực hiện phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

- Các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn Thành phố ban hành tại Quyết định số 3843/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố; Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, trong vùng nước cảng biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố (Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố). Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị dã và đang xây dựng và hoàn thiện các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai tại địa phương, đơn vị mình để chủ động xử lý tình huống khi có sự cố, thiên tai xảy ra.

Ngoài ra, các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện các phương án cho từng tình huống thiên tai cụ thể như: Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào Thành phố (Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn Thành phố (Quyết định số 811/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Phương án Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn Thành phố (Quyết định số 3205/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Phương án điều tiết, vận hành hồ Dầu Tiếng đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du (Quyết định số 2384/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố).

- Trong năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022 trên địa bàn Thành phố (Phương án số 493/PA-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2022).

5. Nâng cao năng lực tham mưu cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy

Thời gian qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy đã triển khai một số nội dung: đầu tư hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh (Vinaphone-S) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố; xây dựng các bản đồ để phục vụ cho công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; hoàn thành đưa vào sử dụng phòng họp trực tuyến, phòng trực ban điều hành ứng phó thiên tai; phần mềm nội bộ quản lý, truy xuất cơ sở dữ liệu khí tượng, thủy văn phục vụ công tác tham mưu phòng, chống, ứng phó thiên tai...

Hiện nay, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy (Chi cục Thủy lợi) đang tiến hành nâng cấp “Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiểu mẫu của Thành phố Hồ Chí Minh” theo chủ trương của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Công văn sô 2559/UBND-KT ngày 28 tháng 7 năm 2022; xây dựng ứng dụng phòng chống thiên tai theo chủ trương của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Công văn số 1511/UBND-KT ngày 13 tháng 5 năm 2021; dự kiến hoàn thành trong quý IV năm 2022. Đồng thời, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy đang hoàn chỉnh Đề án "ứng dụng công nghệ viễn thám trong xây dựng dữ liệu phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu" để trình Ủy ban nhân dân Thành phố.

6. Nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã

Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã và trên cơ sở Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ban hành hướng dẫn xây dựng và củng cố Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; ngày 07 tháng 8 năm 2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 2648/UBND-KT chỉ đạo các địa phương thực hiện một số nội dung trọng tâm như: hoàn tất xây dựng, củng cố, kiện toàn các Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; triển khai đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và đảm bảo chế độ, chính sách cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã khi tham gia thực thi nhiệm vụ theo quy định. Ngày 25 tháng 5 năm 2022, Ban Chỉ huy có Công văn số 27/BCH-PCTT đề nghị các địa phương báo cáo kết quả xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện cơ bản đã hoàn tất việc xây dựng, kiện toàn lực lượng xung kích chống thiên tai cấp xã, phát huy hiệu quả trong công tác ứng phó tại chỗ ngay giờ đầu khi có tình huống thiên tai xảy ra. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 287 Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã được thành lập với tổng số thành viên là 17.978 người.

7. Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai và triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”

a) Triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”:

- Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2021 về thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 3089/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố).

- Ban Chỉ huy đã ban hành Kế hoạch Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn Thành phố năm 2022 (Kế hoạch số 35/KH-PCTT ngày 14 tháng 3 năm 2022). Đồng thời, hướng dẫn các sở, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện xây dựng và triển khai Kế hoạch tại địa phương, đơn vị.

b) Một số công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai 09 tháng đầu năm 2022:

- Ban hành Kế hoạch tổ chức Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2022 của Thành phố Hồ Chí Minh (Kế hoạch khấn số 1672/KH-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố).

- Tăng cường triển khai các giải pháp phòng, tránh tai nạn đuối nước trên địa bàn Thành phố (Công văn số 16/BCH-PCTT ngày 27 tháng 4 năm 2022 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố).

- Phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố xây dựng và phát sóng 50 số tuyên truyền phổ biến kiến thức về các biện pháp, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó thiên tai nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.

- Phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố xây dựng và phát sóng 10 chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai.

- Thường xuyên cập nhật thông tin, tuyên truyền văn bản pháp luật và kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó thiên tai trên Website của Ban Chỉ huy.

8. Tổ chức kiện toàn, triển khai thu Quỹ Phòng, chống thiên tai năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định kiện toàn Quỹ Phòng, chống thiên tai Thành phố theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai (Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 06 tháng 01 năm 2022 và Quyết định số 1522/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Quyết định về Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 2155/QĐ-HĐQLQ ngày 24 tháng 6 năm 2022 của Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ). Hiện nay, đang tiếp tục hoàn thiện bộ máy, nhân sự Quỹ Phòng, chống thiên tai Thành phố.

- Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 2007/KH-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2022 để triển khai công tác thu Quỹ Phòng, chống thiên tai năm 2022 trên địa bàn Thành phố. Ngày 21 tháng 6 năm 2022, Ban Chỉ huy có Công văn số 05/BCH-PCTT đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể, lực lượng vũ trang Thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện triển khai thu Quỹ Phòng, chống thiên tai Thành phố năm 2022. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành công tác thu Quỹ.

9. Công tác khác

- Báo cáo Tổng cục Phòng chống thiên tai về kết quả triển khai thực hiện Phong trào thi đua "chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn" năm 2021 (Báo cáo số 10/BC-PCTT ngày 14 tháng 01 năm 2022).

- Báo cáo Tổng cục Phòng chống thiên tai về xây dựng Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn năm 2030 và thực hiện năm 2021 (Công văn số 12/PCTT ngày 21 tháng 01 năm 2022).

- Báo cáo Tổng cục Phòng, chống thiên tai về tình hình triển khai và đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 (Công văn số 32/PCTT ngày 10 tháng 3 năm 2022).

- Báo cáo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về kiểm kê trang thiết bị phục vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 (Công văn số 33/PCTT ngày 10 tháng 3 năm 2022).

- Đề xuất Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn nhu cầu trang thiết bị phục vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 (Công văn số 04/BCH-PCTT ngày 31 tháng 3 năm 2022).

- Báo cáo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn danh sách cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn năm 2022 (Công văn số 19/BCH-PCTT ngày 04 tháng 5 năm 2022).

- Báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai về tình hình thiên tai, thiệt hại do mưa lũ 08 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Công văn số 26/BCH-PCTT ngày 30 tháng 8 năm 2022).

- Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai vào ngày 05 tháng 8 năm 2022.

- Tổ chức trực ban định kỳ, thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, thiên tai để kịp thời tham mưu triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó đạt hiệu quả.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CẦN TẬP TRUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TRONG 03 THÁNG CUỐI NĂM 2022

1. Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản dưới luật; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Kế hoạch số 367-KH/TU ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Thành ủy; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và Kế hoạch số 5570/KH-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”; Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố như: Kế hoạch tổng thể Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 (Quyết định số 629/QĐ-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2021); Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 3481/QĐ-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2021); Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 3089/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2021); Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2022); Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Thành phố (Kế hoạch số 2614/KH-UBND ngày 05 tháng 8 năm 2021).

- Triển khai thực hiện Kế hoạch số 1218/KH-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Rà soát chuẩn bị sẵn sàng các Phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương, đơn vị.

- Các sở, ngành, đơn vị triển khai các nhiệm vụ được phân công theo Quyết định số 1829/QĐ-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc kiện toàn và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, các địa phương tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại địa phương mình.

2. Các địa phương tiếp tục triển khai công tác thu Quỹ Phòng, chống thiên tai năm 2022 trên địa bàn Thành phố theo Kế hoạch số 2007/KH-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự Quỹ Phòng chống thiên tai Thành phố theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ và Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

3. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam và các đơn vị, địa phương liên quan trong việc vận hành điều tiết tích, xả lũ của hồ Dầu Tiếng hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình, chủ động giảm lũ cho hạ du và nhiệm vụ cấp nước của hồ theo đúng quy định tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai, Quyết định số 3474/QĐ-BNN-TCTL ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy trình vận hành hồ chứa nước Dầu Tiếng và Quyết định số 2384/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Phương án điều tiết, vận hành hồ Dầu Tiếng đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du.

4. Các địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường để kịp thời triển khai các phương án, biện pháp và giải pháp chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả khi có sự cố, tai nạn xảy ra.

Trên đây là báo cáo kết quả công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn 09 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, kế hoạch công tác 03 tháng cuối năm 2022 của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT;
- Ủy ban Quốc gia ƯPSC TT và TKCN;
- Ông Võ Văn Hoan - PCT UBND TP;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng Ủy ban nhân dân TP;
- Thành viên BCH PTDS - PCTT và TKCN TP;
- UBND thành phố ThĐức và các quận - huyện;
- Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Nam;
- Lưu: VT, (PCTT - Giang).

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN




Nguyễn Xuân Hoàng

 

PHỤ LỤC 1:

SỐ LIỆU ĐỘ MẶN ĐO ĐƯỢC TẠI CÁC TRẠM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ 09 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
(Kèm theo Báo cáo số 32/BC-BCH-PCTT ngày 17 tháng 10 năm 2022 của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh)

Độ mặn max (‰)

Thời gian/Trạm đo

Mũi Nhà Bè

Phà Cát Lái

Cầu Thủ Thiêm

Cầu Ông Thìn

Cống Kênh C

Kênh Xáng - kênh An Hạ

Cầu Rạch Tra

Tháng 1

7,6

4,2

2,3

5,8

2,4

0,22

0,18

Tháng 2

9,2

4,8

3,7

8,9

3,5

0,17

0,23

Tháng 3

18,4

6,2

2,2

12,1

3,4

0,4

0,11

Tháng 4

4,40

2,10

0,45

3,40

1,40

0,35

0,09

Tháng 5

1,10

0,20

0,19

0,86

0,55

0,23

0,07

Tháng 6

1,20

0,23

0,16

0,71

0,44

0,32

0,06

Tháng 7

0,50

0,11

0,14

0,81

0,43

0,18

0,05

Tháng 8

0,72

0,11

0,11

0,73

0,40

0,15

0,07

Tháng 9

0,90

0,07

0,12

0,81

0,38

0,31

0,06

 

PHỤ LỤC 2:

LƯỢNG MƯA THÁNG ĐO ĐƯỢC TẠI CÁC TRẠM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ 09 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
(Kèm theo Báo cáo số 32/BC-BCH-PCTT ngày 17 tháng 10 năm 2022 của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh)

Đơn vị tính: mm

Trạm đo mưa

Mạc Đĩnh Chi

Tân Sơn Hòa

Nhà Bè

Tháng 1

14,10

18,60

4,00

Tháng 2

5,30

21,60

0,90

Tháng 3

58,70

38,20

45,10

Tháng 4

51,90

123,30

123,20

Tháng 5

178,70

307,00

206,30

Tháng 6

286,60

325,80

360,70

Tháng 7

126,40

243,40

242,20

Tháng 8

293,30

316,20

294,00

Tháng 9

165,10

260,70

187,50

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 32/BC-BCH-PCTT về kết quả công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn 09 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, kế hoạch công tác 03 tháng cuối năm 2022 do Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 32/BC-BCH-PCTT
  • Loại văn bản: Báo cáo
  • Ngày ban hành: 17/10/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Xuân Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/10/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản