Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1337/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 4 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Khí tượng Thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07 tháng 6 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương;

Căn cứ Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT ngày 22 tháng 12 năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội;

Theo đề nghị của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tại Tờ trình số 10/TTr-BCH-PCTT ngày 06 tháng 4 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT;
- Ủy ban Quốc gia ƯPSC thiên tai và TKCN;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Tổng cục PCTT;
- Chi cục PCTT miền Nam;
- VPUB: PCVP/KT;
- Phòng Kinh tế;
- Lưu: VT, (KT/Trọng). MH

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Hoan

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

I. QUAN ĐIỂM

1. Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau. Thực hiện phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.”, đề cao vai trò chủ động tại cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

2. Phòng chống thiên tai gồm 03 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó lấy chủ động phòng ngừa là chính.

3. Phòng chống thiên tai theo hướng quản lý, phòng ngừa rủi ro theo lưu vực, liên vùng, liên ngành. Nội dung phòng chống thiên tai phải được lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó việc xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển từng ngành, từng lĩnh vực phải được đánh giá đầy đủ tác động của các loại hình thiên tai và phương án ứng phó, hạn chế gia tăng rủi ro thiên tai.

4. Phòng chống thiên tai phải thực hiện theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, phát huy mọi nguồn lực và trách nhiệm của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.

5. Phòng chống thiên tai trên cơ sở ứng dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; kế thừa, phát huy những kinh nghiệm truyền thống và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

6. Phòng chống thiên tai trong điều kiện bất khả kháng như dịch bệnh kéo dài, sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống để đảm bảo mục tiêu chủ động phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; từng bước xây dựng Thành phố nâng cao khả năng quản lý rủi ro thiên tai; cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2025:

a) Giảm 30% thiệt hại về người và giảm 50% thiệt hại về tài sản đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn Thành phố.

b) Hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai dần được hoàn thiện, hướng tới mục tiêu bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý cho quản lý, chỉ đạo, chỉ huy và triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

c) Tổ chức, lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai được kiện toàn theo hướng về căn bản được tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

d) Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình về căn bản được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 70% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”.

đ) Khoa học, công nghệ hiện đại được ứng dụng từng bước nhằm nâng cao năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

e) Cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai dần được xây dựng theo hướng cập nhật đồng bộ, liên thông, trực tuyến; cơ quan chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai Thành phố dần hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai; lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát khu vực trọng điểm, xung yếu phòng chống thiên tai; lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá đánh bắt vùng khơi và vùng lộng, bảo đảm thông tin liên lạc khi có thiên tai xảy ra trong mọi điều kiện.

g) Người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra theo mức thiết kế.

2.2. Tầm nhìn đến năm 2030:

a) Phấn đấu giảm 50% thiệt hại về người và giảm 70% thiệt hại về tài sản đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn Thành phố.

b) Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho quản lý, chỉ đạo, chỉ huy và triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

c) Tổ chức, lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

d) 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”.

đ) Tiếp tục ứng dụng hiệu quả khoa học, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

e) Cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai được xây dựng, cập nhật đồng bộ, liên thông, trực tuyến, theo thời gian thực; 100% cơ quan chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai Thành phố hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai; 100% khu vực trọng điểm, xung yếu phòng chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; 100% tàu cá đánh bắt vùng khơi và vùng lộng được lắp đặt hệ thống giám sát, bảo đảm thông tin liên lạc khi có thiên tai xảy ra trong mọi điều kiện.

g) Người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, kè, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão được nâng cao, đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra theo mức thiết kế.

III. YÊU CẦU

1. Đánh giá, cập nhật hàng năm về đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng trong phạm vi quản lý.

2. Xác định, đánh giá rủi ro thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường gặp đến hoạt động kinh tế - xã hội trong phạm vi quản lý.

3. Xác định nội dung và biện pháp phòng, chống thiên tai phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, chú ý khu vực nguy hiểm và đối tượng dễ bị tổn thương. Trong đó, tập trung xây dựng phương án quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông thuộc Thành phố và thượng nguồn; phương án phòng chống bão mạnh - siêu bão; phương án phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển.

4. Xác định phương pháp, cách thức lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

5. Xác định nguồn lực và tiến độ hàng năm và 05 năm để thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai.

6. Xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai.

7. Sử dụng nguồn kinh phí có hiệu quả trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai; ưu tiên các biện pháp phi công trình, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực và nhận thức cho cộng đồng chủ động phòng chống thiên tai.

IV. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, DÂN SINH, KINH TẾ - XÃ HỘI, CƠ SỞ HẠ TẦNG

1. Đặc điểm tự nhiên

Thành phố Hồ Chí Minh là Thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam nằm trải dài theo hướng Đông Nam tới Tây Bắc. Thành phố nằm trong tọa độ địa lý khoảng 10°22’13” đến 11°22’17” vĩ độ Bắc, từ 106°01’02” đến 107°01’10” kinh độ Đông. Tổng diện tích hơn 2.095 km2, Thành phố được phân chia thành 16 quận, 05 huyện và thành phố Thủ Đức. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, đặc điểm chung khí hậu Thành phố là nhiệt độ cao đều trong năm. Tháng có nhiệt độ trung bình thấp nhất 26,4°C (tháng 1 năm 2015), tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất 31,1°C (tháng 5 năm 2020), nhiệt độ trung bình nhiều năm tại trạm Tân Sơn Hòa là 27,8°C. Thành phố Hồ Chí Minh có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 (chiếm 90% tổng lượng mưa trong năm). Mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Nằm ở vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh có mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, gồm các hệ thống sông chính như: sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè. Hầu hết các sông, rạch Thành phố đều chịu ảnh hưởng dao động bán nhật triều không đều từ Biển Đông.

2. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng chủ yếu

2.1. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội:

- Dân số: năm 2020, dân số Thành phố Hồ Chí Minh đạt 9,23 triệu người. Trong đó, dân số tại khu vực thành thị chiếm 79%, dân số tại khu vực nông thôn chiếm 21%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Thành phố đạt 4,92 triệu người.

- Đối tượng dễ bị tổn thương: Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ hộ nghèo ở mức thấp (tổng số hộ nghèo toàn Thành phố chiếm tỷ lệ 1,49%). Toàn Thành phố có 6.058 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó, trẻ em dưới 16 tuổi là 890 người (kể cả trẻ em làng SOS); người cao tuổi là 1.492 người; người khuyết tật là 3.676 người.

- Kinh tế - xã hội:

Nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp: cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như rau, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò thịt lai, chim yến... Tổng diện tích đất có rừng và cây lâm nghiệp là 36.787 ha. Tỷ lệ che phủ rừng và cây lâm nghiệp phân tán tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản lượng thủy sản là 50.129 tấn.

Công nghiệp: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành năm 2020 giảm 4,6% so với năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,0%.

Thương mại, du lịch và dịch vụ: trong bối cảnh dịch bệnh gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và dịch vụ năm 2020 của Thành phố bị tác động rất lớn, do tâm lý lo sợ về dịch bệnh, người dân hạn chế trong việc mua sắm, đi lại, vui chơi giải trí. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 1.136 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu (bao gồm dầu thô) đạt 40.251 triệu USD, tăng 1,4% so với năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 43.469 triệu USD, giảm 1,4% so với năm trước.

2.2. Đặc điểm cơ sở hạ tầng:

- Giao thông: hệ thống đường bộ của Thành phố Hồ Chí Minh dày đặc, có tổng chiều dài 4.044 km, lớn nhất trong các đô thị ở Việt Nam; Thành phố là điểm kết thúc của tuyến đường sắt Bắc - Nam, có nhà ga chính là ga Sài Gòn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang vận hành. Thành phố Hồ Chí Minh có hai hệ thống đường thủy: đường thủy nội địa và hệ thống cảng biển.

- Công trình thủy lợi: Thành phố đã và đang xây dựng được khoảng 45 hệ thống công trình thủy lợi (chưa kể có khoảng 600 hạng mục công trình bờ bao phòng chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn đã được Thành phố đầu tư các năm qua) với khoảng 2.000 km đê bao, bờ bao lớn nhỏ ven các sông, kênh rạch, kèm theo trên 900 các loại công trình phụ trợ như: cống, đập, trạm bơm... Trong đó, đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng được 14 hệ thống công trình, đang triển khai thi công 11 hệ thống công trình, đang chuẩn bị, thực hiện đầu tư khoảng 20 hệ thống công trình.

- Công trình bảo vệ bờ biển: tuyến kè đá bảo vệ bờ biển từ Cần Thạnh đến Long Hòa của huyện Cần Giờ với tổng chiều dài 12,66 km, khoảng 34 tuyến kè mỏ hàn phá sóng từ K1 đến K34; tuyến kè biển xã đảo Thạnh An có chiều dài 1,216 km.

- Mạng lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình: Thành phố sử dụng lưới điện quốc gia với 100% các phường - xã, thị trấn có điện lưới sử dụng. Hệ thống thông tin liên lạc được trang bị đồng bộ từ Thành phố đến quận - huyện, phường - xã, thị trấn.

- Hệ thống cấp nước sạch: nguồn nước thô khai thác chủ yếu (đến 94%) từ nước mặt gồm lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Sài Gòn, một phần nhỏ (6%) từ nguồn nước ngầm. Tính đến tháng 01 năm 2020, 100% hộ dân ở các quận, huyện đã được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, vẫn còn 51.888 hộ sử dụng nước sạch bằng giải pháp tạm như: dùng bồn chứa nước, đồng hồ tổng và thiết bị lọc.

- Hệ thống thoát nước: chưa được đầu tư đồng bộ với quy hoạch, chưa đáp ứng được tình hình phát triển, đô thị hóa của Thành phố. Khối lượng cống thoát nước đến nay chỉ đạt được khoảng 69,6% so với yêu cầu của Quy hoạch tại Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, chủ yếu tập trung trong khu vực trung tâm thành phố, chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước trong khi xu thế các điểm ngập chuyển ra các khu vực ven của Thành phố.

- Hệ thống trường học: Thành phố hiện có 1.669 cơ sở giáo dục.

- Hệ thống bệnh viện: Thành phố quản lý 485 cơ sở khám chữa bệnh (không gồm cơ sở trạm y tế của cơ quan, xí nghiệp).

- Đường cứu hộ, cứu nạn: hệ thống giao thông đường bộ xuyên suốt từ tuyến Quốc lộ đến tỉnh lộ và giao thông đô thị. Thành phố không có nhiều khu vực có nguy cơ bị chia cắt khi thiên tai xảy ra, ngoại trừ xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ).

V. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

1. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến phòng, chống thiên tai

Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các chương trình, kế hoạch về phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố. Nhìn chung việc thực thi các cơ chế, chính sách phòng, chống thiên tai của Thành phố đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần đảm bảo ứng phó, chủ động phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan. Một số văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ trong việc thực hiện các hoạt động phòng chống thiên tai.

2. Hệ thống chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và quy chế phối hợp

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành thường xuyên được củng cố, kiện toàn để kịp thời chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

3. Công tác dự báo, cảnh báo sớm

Thành phố đã chủ động tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thông qua việc phát bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn, thiên tai riêng cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và nâng cấp, bổ sung trạm quan trắc khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, cần tiếp tục bổ sung các công cụ, phần mềm dự báo, tính toán rủi ro cho các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, xây dựng bản đồ ngập lụt theo các kịch bản, kế hoạch quản lý lũ tổng hợp, bản đồ phân vùng thiên tai, bổ sung mạng lưới giám sát và quan trắc tự động ở cấp độ vùng, xây dựng hệ thống và quy trình liên kết để cung cấp, khai thác chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị... nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm giám sát và dự báo.

4. Phương tiện, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai

Phương tiện, vật tư, trang thiết bị cơ bản đã được Thành phố đầu tư qua các năm để phục vụ công tác phòng chống thiên tai; tuy nhiên, cần tiếp tục đầu tư các phương tiện, trang thiết bị hiện đại để đáp ứng công tác phòng chống thiên tai trong tình hình mới.

5. Công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố chủ yếu huy động, sử dụng lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ, tình nguyện viên tại các phường, xã, thị trấn. Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở là kiêm nhiệm, cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho lực lượng này để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn nữa.

6. Thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai

Ủy ban nhân dân các cấp và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp thường xuyên phổ biến nội dung văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai đến cộng đồng và người dân thông qua: văn bản điện tử, hệ thống truyền hình, phát thanh, hệ thống thông tin cảnh báo sớm, truyền đạt trực tiếp, kênh thông tin qua các ứng dụng công nghệ (Ứng dụng UDI Maps là cổng thông tin hai chiều chia sẻ thông tin ngập giữa Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị Thành phố và người dân), cổng thông tin 1022...

7. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai

Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố và địa phương đã tổ chức tập huấn, đồng thời thường xuyên thông tin, tuyên truyền, tập huấn phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cộng đồng. Bên cạnh đó, Thành phố còn thực hiện nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng thông qua các hoạt động tuyên truyền, phát hành các ấn phẩm, chương trình.

8. Cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai

Thành phố đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho các công trình, dự án giảm ngập, các công trình phòng chống thiên tai góp phần hạn chế mức độ ảnh hưởng và thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngoài ra, Thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình bờ bao phòng chống triều cường, kè chống sạt lở, công trình tiêu thoát nước so với những năm trước đây tại các huyện ngoại thành và quận ven.

9. Đánh giá thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của Thành phố

Thành phố đã ban hành Quyết định 3481/QĐ-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2021 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình lồng ghép được thực hiện theo Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ngày 06 tháng 6 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế xã hội.

10. Đánh giá về công tác phục hồi, tái thiết sau thiên tai

Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo quyết liệt, kịp thời công tác phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là sự tham gia của lực lượng vũ trang, lực lượng xung kích, công tác hỗ trợ khắc phục nhà ở, cấp phát hàng cứu trợ được kịp thời, sớm ổn định cuộc sống người dân.

11. Các nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai của Thành phố như sau: Ngân sách Thành phố, Quỹ Phòng, chống thiên tai Thành phố. Ngoài ra, công tác phòng chống thiên tai còn được thực hiện theo phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn kinh phí tài trợ, hợp tác của các tổ chức phi Chính phủ.

VI. XÁC ĐỊNH, ĐÁNH GIÁ RỦI RO THIÊN TAI

1. Nhận dạng các loại hình thiên tai

Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đối mặt với các loại hình thiên tai và nguy cơ như sau: bão, áp thấp nhiệt đới; nước dâng; sạt lở, sụt lún đất; nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn; lốc, sét, mưa đá; mưa lớn; ngập lụt do mưa lớn, xả lũ, triều cường; cháy rừng do tự nhiên; nguy cơ động đất, sóng thần; gió mạnh trên biển và sương mù.

Trong giai đoạn 05 năm 2016 - 2020, thiên tai đã làm 05 người chết và 37 người bị thương (do cây xanh và bảng quảng cáo ngã đổ khi có giông gió, mưa lớn); về vật chất, tài sản, công trình, thiên tai làm hư hỏng 40 căn nhà; tốc mái và hư hỏng một phần 482 căn nhà, 18 phòng trọ, 03 trường học, 01 trụ sở làm việc, 01 chợ; hư hỏng 31 xe ô tô, 25 xe gắn máy, 1 xe tải; ngã đổ 1.551 cây xanh và 33 trụ điện; sạt lở khoảng 20.557,8m2 đất, 581m kè đá và 25m bê tông đường giao thông; bể 03 đoạn bờ bao với chiều dài 19,5m.

2. Đánh giá rủi ro thiên tai

2.1. Bão, áp thấp nhiệt đới:

Thành phố Hồ Chí Minh là vùng có tần số bão trung bình năm ít nhất trong các vùng. Giai đoạn 1960 - 2020 có 06 cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó cơn bão Linda năm 1997 (cấp 10) và cơn bão Durian năm 2006 (cấp 9) là 02 cơn bão mạnh nhất và gây thiệt hại đến Thành phố.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 3, 4, 5.

2.2. Nước dâng:

Thành phố Hồ Chí Minh thuộc danh sách 10 Thành phố trên thế giới bị đe dọa vì nguy cơ mực nước biển dâng cao. Theo dự tính của Liên Hiệp Quốc thì đến năm 2100 nước biển sẽ dâng cao 1,0m và có tới gần 20% diện tích của Thành phố bị ngập do nước biển dâng. Trong giai đoạn 1980 - 2020, Thành phố bị ảnh hưởng nước biển dâng cao, như đợt nước dâng tháng 6 năm 2005 (dâng 3,32m - theo mốc chuẩn cao độ Quốc gia là mốc số 0 Hòn Dấu, Hải Phòng), tháng 07 năm 1983 (dâng 3m). Nước biển dâng gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân như: hư hỏng các công trình dân sinh, nhất là nhà ở của cư dân, thu hẹp diện tích đất.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 2, 3.

2.3. Sạt lở đất, sụt lún đất:

Trong những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch của Thành phố ngày càng nghiêm trọng với quy mô, số lượng, mức độ sạt lớn. Theo số liệu thống kê từ năm 2016 - 2020, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 37 vụ sạt lở bờ sông, bờ kênh với tổng diện tích đất sạt lở khoảng 19.958m2 và 564m kè đá tập trung tại các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi và thành phố Thủ Đức.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 1, 2.

2.4. Nắng nóng:

Nắng nóng xuất hiện vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm do hoạt động của hệ thống áp cao cận nhiệt đới trên các tầng cao và chịu tác động của áp thấp nóng lục địa Ấn Miến. Qua thống kê tại trạm Tân Sơn Hòa, đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày lên đến 36,5°C - 38°C kéo dài từ trên 04 ngày đến 15 ngày; đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày vượt quá 38°C kéo dài đến 5 ngày. Đỉnh điểm vào tháng 5 năm 1998, nhiệt độ cao nhất có ngày lên tới 39,3°C kéo dài lên tới 7 ngày.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 1, 2.

2.5. Hạn hán:

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino nên khí hậu Thành phố diễn biến ngày càng cực đoan, lượng mưa vào mùa khô chỉ chiếm 20 - 30% tổng lượng mưa năm.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 1, 2.

2.6. Xâm nhập mặn:

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cùng với tác động của hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô ngày càng gay gắt trên các sông, kênh, rạch địa bàn Thành phố. Theo các kịch bản nước biển dâng, biên mặn ngày càng lấn sâu vào nội đồng, mức độ lan truyền mặn có xu hướng tăng dần trong tương lai về phía thượng nguồn hồ Dầu Tiếng sông Sài Gòn, hồ Trị An sông Đồng Nai. Trên sông Đồng Nai, trong các tháng mùa kiệt đo được tại trạm Nhà Bè có lúc đạt đến 13,32‰, tại cầu Thủ Thiêm trên sông Sài Gòn đo được xấp xỉ 7,7‰.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 1, 2.

2.7. Lốc, sét, mưa đá:

Trên địa bàn Thành phố, lốc xoáy, sét, mưa đá xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 đến tháng 10 hàng năm; chủ yếu xảy ra tại các huyện, quận ven như huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, Quận 8, Quận 12, quận Gò Vấp...

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 1, 2.

2.8. Mưa lớn:

Các đợt mưa lớn trong thời gian ngắn đã xảy ra trên khu vực Thành phố với tần suất và cường độ ngày một nhiều. Những đợt mưa này mỗi khi xảy ra thường gây ra ngập lụt trên địa bàn Thành phố, tác động đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Trận mưa lớn xảy ra ngày 26 tháng 9 năm 2016 kéo dài trong khoảng gần 2 tiếng với tổng lượng mưa từ 100 đến trên 200mm gây ngập úng tại 59 điểm trên địa bàn Thành phố, trong đó có cả sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, vào ngày 25 tháng 11 năm 2018, do ảnh hưởng của bão USAGI, trên địa bàn Thành phố có mưa lớn (vũ lượng đo được tại trạm Mạc Đỉnh Chi là 301mm, trạm Tân Sơn Hòa là hơn 401mm và trạm Nhà Bè là 331mm) đã gây ra khoảng 60 điểm ngập trên địa bàn Thành phố.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 1, 2.

2.9. Ngập lụt do mưa lớn, xả lũ, triều cường:

Qua mỗi năm số điểm ngập và diện tích ngập giảm, tình trạng ngập do mưa lớn, xả lũ, triều cường chủ yếu xuất hiện tại các khu vực trũng thấp, các tuyến đường chưa được đầu tư hệ thống thoát nước như Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Quang Trung, Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn...

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 1, 2, 3.

2.10. Cháy rừng do tự nhiên:

Huyện Cần Giờ tuy có diện tích rừng lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên hầu hết thuộc rừng ngập mặn do đó có nguy cơ cháy thấp hơn. Huyện Bình Chánh với hơn 1.000 ha rừng chủ yếu là rừng tràm nên các diện tích rừng ở đây thuộc nguy cơ trọng điểm cháy rừng. Năm 2014, đã xảy ra cháy tại rừng tràm phòng hộ ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, đám cháy sau đó được khống chế sau thời gian 07 tiếng, không gây thương vong về người nhưng làm hơn 05 ha rừng tràm phòng hộ khoảng 4 năm tuổi bị thiêu rụi.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 1, 2, 3, 4, 5.

2.11. Các loại hình thiên tai khác:

Ngoài các loại hình thiên tai đã đánh giá ở trên, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn bị tác động bởi các loại hình thiên tai khác như gió mạnh trên biển và sương mù. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại của các loại hình thiên tai trên là không lớn.

Cấp độ rủi ro thiên tai gió mạnh trên biển: Cấp độ 2.

Cấp độ rủi ro thiên tai sương mù: Cấp độ 1, 2.

Ngoài ra, trong các năm qua, Thành phố bị ảnh hưởng dư chấn động đất 2 đợt vào ngày 8 tháng 11 năm 2005 (5,1 độ richter) và ngày 28 tháng 11 năm 2007 (4 độ richter). Sóng thần tuy chưa từng xuất hiện ở Thành phố nhưng đã một lần cảnh báo sóng thần vào đêm 26 tháng 12 năm 2006.

VII. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Biện pháp phòng ngừa

1.1. Biện pháp phi công trình:

a) Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai:

- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; vận hành Quỹ Phòng, chống thiên tai.

- Rà soát chính sách hỗ trợ hộ nghèo (chuẩn Thành phố Hồ Chí Minh) xây dựng nhà ở phòng chống thiên tai để tiếp tục hỗ trợ thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Kiện toàn tổ chức, bộ máy tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai:

- Kiện toàn tổ chức, bộ máy chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng tinh gọn, đặc biệt lực lượng chuyên nghiệp và lực lượng bán chuyên nghiệp, lực lượng xung kích.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng tập huấn, hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống cho toàn bộ lực lượng phòng, chống thiên tai, đặc biệt là lực lượng xung kích cấp xã theo phương châm “4 tại chỗ”, gắn với việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

- Xây dựng kế hoạch về đầu tư vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác chỉ huy, điều hành ứng phó thiên tai cho các lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ chốt như: lực lượng vũ trang Thành phố, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương.

c) Lập, rà soát và thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, phương án:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch Phòng, chống thiên tai 05 năm và hàng năm phù hợp với diễn biến và yêu cầu phòng, chống thiên tai theo từng địa phương, đơn vị.

- Xây dựng Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp các lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai; cập nhật, bổ sung các bản đồ chuyên đề: bản đồ phân vùng ngập lụt; bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển; bản đồ theo dõi bão và áp thấp nhiệt đới; bản đồ các vị trí sạt lở trên địa bàn Thành phố; bản đồ vị trí xung yếu và địa điểm an toàn di dời dân khi xảy ra thiên tai trên địa bàn Thành phố; bản đồ hệ thống công trình đê, kè trên địa bàn Thành phố; bản đồ hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn Thành phố; bản đồ cảnh báo ngập lụt do bão mạnh, rất mạnh ảnh hưởng đến địa bàn Thành phố; bản đồ cảnh báo ngập lụt và di dời dân khi hồ Dầu Tiếng xả lũ; tổ chức thực hiện dự án quy hoạch tiêu thoát nước hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai.

- Rà soát, xây dựng nội dung quy hoạch bố trí dân cư vùng thiên tai đến năm 2025 được tích hợp trong Quy hoạch chung của Thành phố nhằm xây dựng và thực hiện Dự án tái định cư, ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân.

- Rà soát, cập nhật, xây dựng các phương án ứng phó thiên tai như: Phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn Thành phố; Phương án Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn Thành phố; Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào Thành phố; Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn Thành phố; Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, trong vùng nước cảng biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố; Phương án điều tiết, vận hành hồ Dầu Tiếng đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du; Phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh.

- Kiểm tra, kiểm soát các quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các khu đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử; điểm du lịch; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác.

d) Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo:

- Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số, tự động hóa, viễn thám trong quan trắc, theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai.

- Xây dựng công cụ hỗ trợ, phần mềm cảnh báo đa thiên tai tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cấp công nghệ và hệ thống phân tích rủi ro thiên tai hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; cập nhật, đồng bộ cơ sở dữ liệu trung tâm, các thông tin được cung cấp theo thời gian thực hỗ trợ hiệu quả cho việc ra quyết định chỉ đạo, điều hành; cập nhật mô hình dự báo ngập lụt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước trên địa bàn Thành phố.

đ) Nâng cao nhận thức, kiến thức phòng chống thiên tai trong cộng đồng:

- Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 3089/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030" trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chú trọng những kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai; đẩy mạnh thông tin truyền thông, kết hợp giữa phương thức truyền thống với ứng dụng công nghệ; tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong quá trình xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai tại địa phương.

e) Chương trình trồng, bảo vệ và phục hồi rừng:

- Đối với rừng ngập mặn Cần Giờ: tăng cường hơn nữa quan hệ phối hợp giữa các cơ quan lực lượng vũ trang, kiểm lâm... trong công tác bảo vệ rừng; đẩy mạnh trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ sông, kênh, rạch; trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển huyện Cần Giờ.

- Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt nơi có rừng trong vùng nguy cơ cháy cao (huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và thành phố Thủ Đức). Tiếp tục thực hiện và lập kế hoạch cho giai đoạn mới dựa trên Quyết định số 1886/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Chương trình quản lý, bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025.

g) Nguồn lực tài chính:

- Áp dụng cơ chế, chính sách tài chính nhằm chủ động xử lý các tình huống cấp bách do thiên tai; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai.

- Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, dự phòng ngân sách, Quỹ Phòng, chống thiên tai.

h) Lĩnh vực khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế:

- Ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành công trình phòng, chống thiên tai; ứng dụng công nghệ trong quản lý giám sát tàu cá; xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

- Hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác phát triển, nhà tài trợ trong phòng, chống thiên tai; tiếp nhận hỗ trợ của tổ chức quốc tế; chuyển giao, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình phòng, chống thiên tai.

1.2. Biện pháp công trình:

Đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa, khắc phục các công trình phòng chống thiên tai, các công trình thủy lợi, nâng cấp công trình xây dựng có xem xét đến yếu tố biến đổi khí hậu gắn với phòng, chống thiên tai; đầu tư, nâng cấp công trình giao thông, kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư; các công trình hạ tầng cấp, thoát nước; công trình khu neo đậu tàu thuyền; các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng; các công trình giám sát, cảnh báo sớm thiên tai, di dời dân; các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có khả năng chống chịu với thiên tai.

2. Biện pháp ứng phó

a) Đảm bảo an toàn về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, chủ động sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế thấp nhất mọi rủi ro gây ra, đồng thời đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh. Bố trí các chốt trạm cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực xung yếu có khả năng ảnh hưởng do thiên tai. Bảo vệ các công trình quan trọng về an ninh Quốc gia, phòng chống thiên tai, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố, đảm bảo các công trình giao thông, thông tin liên lạc hoạt động thông suốt.

b) Đảm bảo an ninh trật tự, thông tin liên lạc trong quá trình xử lý, ứng phó với rủi ro thiên tai. Phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành trong chỉ đạo, chỉ huy phòng chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

c) Huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai, các nhu yếu phẩm cần thiết tại cơ quan chính quyền các cấp, các tổ chức và cá nhân; theo đó, người dân được đảm bảo cung ứng những hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng theo phương châm "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “3 sẵn sàng” (Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).

d) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, truyền tin các loại hình thiên tai một cách kịp thời.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai

a) Triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu; khắc phục thiệt hại bước đầu.

b) Thống kê, đánh giá thiệt hại, lập nhu cầu hỗ trợ:

Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn và các lĩnh vực phụ trách.

c) Lập kế hoạch tái thiết sau thiên tai:

- Tái thiết khẩn cấp: tổng hợp đánh giá thiệt hại từ các sở, ngành, đơn vị, địa phương để lựa chọn danh mục khắc phục khẩn cấp sau thiên tai. Trên cơ sở kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai được phân bổ; các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo thứ tự ưu tiên.

- Tái thiết trung hạn:

Ủy ban nhân dân các cấp lập kế hoạch trung hạn khôi phục, phát triển sản xuất; nâng cấp công trình, cơ sở hạ tầng kết hợp mục tiêu phòng chống thiên tai, trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

d) Kêu gọi quốc tế hỗ trợ cho khắc phục hậu quả thiên tai nếu cần thiết.

4. Biện pháp cụ thể với một số loại hình thiên tai

4.1. Bão, áp thấp nhiệt đới:

- Xây dựng, cập nhật bản đồ phân vùng rủi ro bão và ngập lụt do bão mạnh, siêu bão gây ra để có các phương án ứng phó kịp thời đến năm 2025, tầm nhìn 2030; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, truyền tin về thiên tai sớm để người dân chủ động ứng phó, đặc biệt là công tác dự báo khi bão vào gần bờ, trên đất liền; rà soát, thống kê, lập phương án sơ tán dân khỏi vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, nhất là khu vực ven biển huyện Cần Giờ; tổ chức thông tin kịp thời khi có các bản tin dự báo, cảnh báo đến các phương tiện đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, kịp thời vào nơi tránh trú an toàn.

- Xây dựng nhà ở an toàn chống gió bão; xây dựng các công trình kết hợp làm nơi tránh trú khi bão xảy ra; rà soát bổ sung, đầu tư nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; đầu tư xây dựng hệ thống đê, kè biển đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế.

4.2. Ngập lụt do mưa lớn, xả lũ, triều cường:

- Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm cho các khu vực nguy hiểm; xây dựng, cập nhật bản đồ ngập lụt, bản đồ di dời dân vùng hạ du ứng với các kịch bản xả lũ của hồ Dầu Tiếng.

- Tăng cường khả năng tiêu thoát nước của hệ thống hiện tại; tính toán năng lực tiêu thoát của hệ thống tiêu thoát nước hiện tại; đánh giá khả năng, năng lực đáp ứng theo định hướng phát triển của Thành phố và đề xuất giải pháp thực hiện.

- Rà soát, thống kê, lập phương án sơ tán, di dời dân khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, nước dâng.

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, nạo vét các hố ga, cống rãnh và sông, kênh, rạch bị bồi lắng; lắp đặt các cửa van ngăn triều, nhất là tại các khu dân cư tập trung, bến xe, chợ, các trục lộ giao thông chính; sử dụng hiệu quả các trạm bơm, máy bơm đã được Thành phố trang bị, bảo đảm việc vận hành kịp thời và bảo vệ an toàn tuyệt đối các cống ngăn triều, công trình chống ngập.

- Sửa chữa, nâng cấp các bờ bao xung yếu, các công trình thủy lợi xuống cấp có nguy cơ bị tràn bờ gây ngập úng khi có mưa lớn, triều cường dâng cao.

- Nghiên cứu, xây dựng các hồ điều tiết phân tán tại các khu vực thường xuyên bị ngập trên địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

4.3. Sạt lở bờ sông, kênh, rạch, bờ biển:

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở, lập phương án sơ tán, di dời dân khỏi vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở, hàng năm công bố danh mục các vị trí sạt lở trên địa bàn Thành phố, nhất là tại các huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi, thành phố Thủ Đức. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kè chống sạt lở thuộc thẩm quyền của các địa phương, đơn vị.

- Ứng dụng khoa học công nghệ bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến cảnh báo sớm; thông tin, truyền tin, cảnh báo kịp thời đến người dân; tổ chức cắm các biển hiệu cảnh báo ở khu vực nguy hiểm.

4.4. Hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn:

- Tăng cường công tác quan trắc độ mặn, mực nước trên các sông, kênh, rạch, nhất là sông Sài Gòn - Đồng Nai; vận hành cống lấy nước phù hợp với tình hình thực tế; chú trọng công tác thủy lợi nội đồng, tổ chức công tác duy tu bảo dưỡng các tuyến đê bao, bờ bao; tăng cường công tác dự báo dài hạn để có các phương án chủ động phòng tránh, có các biện pháp an toàn cho người dân, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

- Điều chỉnh lịch thời vụ và cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, tuyên truyền người dân các biện pháp tưới tiết kiệm để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước.

- Triển khai thực hiện các biện pháp dự trữ nước ngọt; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi cấp, giữ nước ngọt, các cống ngăn triều, xâm nhập mặn; xây dựng hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm nước; nghiên cứu trang bị các loại máy lọc nước mặn thành nước ngọt trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn nhất là đối với người dân khu vực ven biển Cần Giờ.

4.5. Lốc, sét, mưa đá:

- Tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý cây xanh đô thị, khắc phục tình trạng cây gãy đổ mất an toàn; kiểm tra, hướng dẫn, cảnh báo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn khi đang thi công xây dựng; rà soát, kiểm tra chất lượng an toàn của các pa nô, áp phích, biển quảng cáo đúng yêu cầu kỹ thuật quy định nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, có khả năng chống chịu được sức gió mạnh...

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn Nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với lốc, sét, mưa đá; gia cố nhà cửa đề phòng lốc xoáy làm tốc mái, đổ nhà; che chắn, bảo vệ tài sản trong nhà, cây trồng, vật nuôi để giảm thiểu thiệt hại do lốc, sét, mưa đá gây ra.

- Thông tin kịp thời đến người dân để chủ động ứng phó; huy động lực lượng tại chỗ tập trung hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả.

- Triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo, phòng, chống giông, lốc, sét; xây dựng hệ thống thu sét; xây dựng các công trình nhà ở an toàn chống lốc, sét, mưa đá.

4.6. Cháy rừng do tự nhiên:

- Tăng cường dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; hệ thống phát hiện điểm cháy rừng, đặc biệt nơi có rừng trong vùng nguy cơ cháy cao (huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và thành phố Thủ Đức).

- Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục cho người dân, chủ rừng về pháp luật phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Phân công, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, gác trực vào mùa cao điểm, nắng nóng, hanh khô; theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết thường xuyên để dự báo cấp cháy rừng; từ đó chỉ đạo, bố trí lực lượng, có các cách xử lý phù hợp, kịp thời.

- Xây dựng kênh mương ngăn lửa trên các khu rừng có nguy cơ cháy cao trên địa bàn huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và thành phố Thủ Đức; xây dựng các chòi, tháp quan sát phát hiện cháy rừng; xây dựng hệ thống biển cấm, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy rừng.

4.7. Một số biện pháp đối với các loại thiên tai khác:

- Một số biện pháp giảm tác hại do sương mù gây ra tại Thành phố Hồ Chí Minh: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường không khí cho mọi người dân; kiểm soát ô nhiễm không khí do giao thông, do các hoạt động công nghiệp, các hoạt động xây dựng; tiến hành quan trắc chất lượng môi trường không khí để có cảnh báo kịp thời.

- Một số biện pháp phòng tránh hậu quả do gió mạnh trên vùng biển Thành phố Hồ Chí Minh: thường xuyên cập nhật bản tin cảnh báo, dự báo về gió mạnh, sóng lớn trên biển để thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

- Biện pháp đối với các nguy cơ có thể xảy ra sóng thần tại Thành phố Hồ Chí Minh: quy hoạch sử dụng hợp lý các vùng đất ven bờ, cũng như hạn chế xây dựng nhà và các công trình quan trọng ở vùng bờ có nguy cơ sóng thần cao; trồng rừng phòng hộ ven bờ biển và rừng ngập mặn như sú, vẹt, đước để làm suy giảm năng lượng của sóng thần trong trường hợp có sóng thần xảy ra, đặc biệt đối với khu vực ven biển Cần Giờ; xây dựng các bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần và các phần mềm tương ứng để tính toán mức độ, thời gian lan truyền sóng thần tới vùng biển Thành phố Hồ Chí Minh và độ cao sóng thần tương ứng.

VIII. LỒNG GHÉP NỘI DUNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

1. Lồng ghép trong các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến con người và sinh kế

- Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng nhà an toàn, di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ nguy hiểm do thiên tai và thực hiện các dự án tái định cư để ổn định đời sống Nhân dân.

- Lồng ghép biện pháp phòng chống thiên tai vào việc nâng cao tiêu chuẩn an toàn các công trình cơ sở hạ tầng và tính toán kết cấu có tính đến tác động của thiên tai. Nâng cấp, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai đa mục tiêu.

- Lồng ghép biện pháp phòng chống thiên tai vào các chương trình, kế hoạch nâng cao nhận thức và kiến thức của cán bộ, người dân về an toàn trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Lồng ghép trong các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến các ngành kinh tế - xã hội

- Ngành nông nghiệp: lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với các điều kiện khí hậu, thời tiết và diễn biến của thiên tai để giảm thiểu thiệt hại; hướng dẫn thời vụ nuôi trồng để tránh thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt và tổ chức bảo vệ ao, hồ thủy sản khi thiên tai xảy ra; lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thông tin nghề cá nhằm cảnh báo kịp thời thiên tai, hỗ trợ đánh bắt hiệu quả; các dự án trong tiêu chí nông thôn mới về đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai.

- Ngành công thương: lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch các khu công nghiệp, sản xuất tập trung, quy hoạch phát triển thương mại, du lịch, làng nghề phải đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai; lập phương án đảm bảo dự trữ, chuẩn bị một lượng mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm đóng trên địa bàn Thành phố để bảo đảm kịp thời sẵn sàng phục vụ Nhân dân ở các vùng khi có thiên tai xảy ra.

- Ngành xây dựng: lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào xây dựng phương án và chủ động sửa chữa, gia cố kịp thời trụ sở, nhà xưởng, kho tàng, nhà ở không đảm bảo an toàn sau mưa bão; quy hoạch thoát nước và kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng đô thị; các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị.

- Các nội dung lồng ghép khác: lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các chương trình giảng dạy... của Thành phố; nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. Thực hiện chiến lược quốc gia, kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu tại địa phương thông qua các dự án, chương trình cụ thể đã được lồng ghép; đánh giá và xác định các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu làm cơ sở cho việc xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế, kỹ thuật.

IX. NGUỒN KINH PHÍ VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

a) Nguồn Ngân sách Nhà nước theo phân cấp.

b) Nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai Thành phố.

c) Nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

d) Nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức quốc tế.

2. Tiến độ thực hiện

Các biện pháp, nhiệm vụ, chương trình, dự án được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên tại Phụ lục I. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương được giao chủ trì tổ chức thực hiện lập dự toán chi tiết và tiến độ triển khai từng nhiệm vụ, chương trình, dự án theo quy định của pháp luật.

(Chi tiết theo Phụ lục I đính kèm)

X. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố và địa phương là các cơ quan trực tiếp tham gia thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, gồm: Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Công Thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Ủy ban nhân dân các phường - xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan:

- Căn cứ các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai của ngành, của địa phương; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch, yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

- Hàng năm, các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố và địa phương xây dựng và cập nhật phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai theo phạm vi đơn vị, địa phương mình quản lý.

- Các ngành và địa phương lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, của địa phương thuộc phạm vi quản lý.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành.

- Chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó và tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai theo trách nhiệm và phạm vi quản lý, đồng thời chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, vật tư chủ động tham gia ứng cứu khi có yêu cầu.

2. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

- Là cơ quan đầu mối, điều phối tất cả các hoạt động trong cả 03 giai đoạn (phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả), tham mưu về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của Thành phố; trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện, giám sát, đánh giá việc thực hiện và hàng năm xây dựng kế hoạch chi tiết phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố.

- Kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai.

- Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức các lực lượng tham gia phòng, chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt là xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng xung kích ở cơ sở để kịp thời chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong tình huống cấp bách.

- Tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện theo từng giai đoạn để trình Ủy ban nhân dân Thành phố điều chỉnh bổ sung kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố hoàn chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách và các quy định liên quan đến phòng, chống thiên tai; chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định, cơ chế, chính sách tạo điều kiện huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai.

- Chủ trì, tổ chức triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch, cụ thể: tổ chức truyền thông, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số, tự động hóa, công nghệ viễn thám... trong lĩnh vực phòng chống thiên tai; đầu tư xây dựng hệ thống công trình phòng chống thiên tai, cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo chuyên dùng, cơ sở vật chất, trang thiết bị...

- Phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và các đơn vị, địa phương liên quan trong việc vận hành điều tiết tích, xả lũ của hồ Dầu Tiếng hợp lý nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình, chủ động giảm lũ cho hạ du và nhiệm vụ cấp nước của hồ theo đúng quy định.

- Xây dựng, cập nhật bản đồ ngập lụt, bản đồ di dời dân vùng hạ du ứng với các kịch bản xả lũ của hồ Dầu Tiếng.

3. Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Công an Thành phố

- Nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm thiên tai trên địa bàn Thành phố; nâng cao năng lực ứng phó cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

- Rà soát bổ sung các phương án cứu nạn, cứu hộ; thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch tổ chức tập kết, quản lý sử dụng các phương tiện, trang thiết bị để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai.

- Hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong công tác tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, lực lượng cứu nạn, cứu hộ phối hợp với các đơn vị, hỗ trợ, chi viện cho các địa phương ngay khi có yêu cầu.

- Chỉ đạo, điều phối các lực lượng thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong các tình huống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo rà soát kế hoạch sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn, khuyến cáo tổ chức, cá nhân điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; chủ động theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn để chỉ đạo sản xuất, nuôi trồng hiệu quả, hạn chế thiệt hại.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra an toàn công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão hàng năm và đề xuất các biện pháp đảm bảo an toàn công trình xung yếu.

- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản nắm chắc vị trí, số lượng tàu cá, thuyền viên đang hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ để kịp thời hướng dẫn di chuyển phòng, tránh, neo đậu đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai; tổ chức hướng dẫn, bố trí neo đậu tránh trú an toàn cho các tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra; chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chuẩn bị tốt phương án hậu cần cho tàu thuyền tại các nơi neo đậu.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện cập nhật và triển khai Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn Thành phố, đáp ứng mục đích khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn cho công tác dự báo, cảnh báo phòng chống thiên tai, đảm bảo tính đồng bộ, tiên tiến, có kế thừa, không trùng lắp, chồng chéo với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia và phù hợp với mục tiêu phát triển của Thành phố.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Triển khai lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong các quy hoạch liên quan đến sử dụng tài nguyên đất, nước để bảo đảm an toàn, hạn chế tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai.

- Rà soát, điều chỉnh mục đích sử dụng đất theo hướng thích ứng với thiên tai của từng khu vực, làm cơ sở để quản lý, sử dụng và phát triển kinh tế - xã hội.

6. Sở Công Thương

- Triển khai lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong hoạt động của ngành công thương, bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai thuộc lĩnh vực quản lý.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện có kế hoạch bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong trường hợp xảy ra thiên tai lớn như: bão, áp thấp nhiệt đới, động đất, sóng thần, ngập lụt.

7. Sở Giao thông vận tải

- Triển khai lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong đề án, kế hoạch phát triển, hoạt động của ngành giao thông vận tải, bảo đảm an toàn đối với các hoạt động và công trình thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các tuyến quốc lộ, công trình giao thông tại khu vực thường xảy ra ngập lụt, sạt lở bờ sông để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

- Triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra thiên tai, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao: có kế hoạch dự phòng huy động phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy phù hợp với địa hình Thành phố khi xảy ra thiên tai để kịp thời đáp ứng yêu cầu di chuyển dân cư, lực lượng cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ; có phương án bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, di dời dân; điều phối, kiểm soát an toàn giao thông thủy, bộ ở khu vực xảy ra thiên tai.

8. Sở Xây dựng

- Triển khai lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong các đề án, kế hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn, xây dựng nhà ở, công trình tại những khu vực thường bị tác động của ngập lụt, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

- Đánh giá nguyên nhân ngập nước đô thị và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố các giải pháp quản lý, phòng chống, khắc phục ngập nước trong hạ tầng đô thị. Khuyến cáo các chủ đầu tư có thi công công trình ngầm phải chủ động kiểm tra, xây dựng phương án thi công dẫn dòng đảm bảo thoát nước, thực hiện tốt nhất phương án chống ngập khi có mưa lớn, triều cường.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện rà soát, nghiên cứu phương án trồng cây xanh trên địa bàn Thành phố đảm bảo phù hợp với quy hoạch cây xanh đô thị và an toàn khi xảy ra thiên tai.

- Phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị, tổ chức, người dân thực hiện đúng tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng các công trình công cộng, trụ sở cơ quan, nhà ở, chung cư nhằm có khả năng chịu được bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, giông gió có cường độ cao và khả năng kháng chấn khi có động đất xảy ra.

9. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tổ chức thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; tổng hợp đề xuất, ưu tiên cân đối nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố để thực hiện các dự án, nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách phòng, chống thiên tai theo quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng cân đối vốn của Thành phố.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành đơn vị Thành phố có liên quan tham mưu, đề xuất huy động các nguồn vốn đầu tư hợp pháp khác để triển khai Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng dẫn thủ tục đầu tư theo quy định.

10. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí dự toán kinh phí để triển khai thực hiện Quyết định này theo quy định.

11. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố có liên quan nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, vận hành các công trình phòng, chống thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo bền vững, thân thiện với môi trường.

12. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên, giáo viên kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; triển khai lồng ghép một số nội dung phòng, chống thiên tai với một số môn học để đưa vào chương trình giáo dục thường xuyên, chương trình giảng dạy cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

13. Sở Quy hoạch - Kiến trúc

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện nghiên cứu, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào “Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, không làm gia tăng rủi ro thiên tai.

14. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, doanh nghiệp viễn thông xây dựng, nâng cấp, phát triển các hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt tới tất cả các địa phương, người dân Thành phố và tàu thuyền hoạt động trên biển, phát huy hiệu quả thông tin, cảnh báo, dự báo trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

15. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý; huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư dự phòng để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

- Hàng năm, lập dự toán kinh phí đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trình cấp có thẩm quyền quyết định.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường - xã, thị trấn, các phòng - ban - đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, chủ động tham gia các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả do thiên tai.

- Thực hiện lồng ghép nội dung bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai vào đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Xây dựng, kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ người dân phòng chống thiên tai.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tập huấn, phổ biến kỹ năng cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và người dân tại địa phương.

- Đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và quản lý, vận hành hiệu quả công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn; xây dựng, lắp đặt hệ thống theo dõi, cảnh báo và kiểm soát rủi ro thiên tai tại các khu vực trọng điểm, xung yếu.

- Chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến nơi an toàn.

16. Các sở, ban, ngành, đơn vị, cơ quan đoàn thể khác

- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố phối hợp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố thực hiện công tác dự báo, cảnh báo, kịp thời thông tin, tuyên truyền đến người dân để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể khác theo chức năng nhiệm vụ xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai của đơn vị, địa phương mình đạt hiệu quả.

17. Công tác giám sát và đánh giá thực hiện kế hoạch

- Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tổ chức kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện triển khai thực hiện Kế hoạch này; chủ trì đánh giá sơ kết định kỳ hàng năm và 5 năm, báo cáo và kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố cập nhật kế hoạch hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và các cơ quan có liên quan theo quy định.

- Các sở, ban ngành, đơn vị Thành phố và địa phương phân công cán bộ chuyên trách giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch phòng chống thiên tai của đơn vị, địa phương mình và báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố (trước ngày 15 tháng 12 hàng năm) để làm căn cứ điều chỉnh Kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp Thành phố.

- Hàng năm, các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm những hạn chế, tồn tại, tổ chức nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác phòng chống thiên tai.

Trên đây là Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Căn cứ kế hoạch này, các cấp, các ngành của Thành phố chủ động xây dựng kế hoạch của ngành, địa phương, đơn vị mình cụ thể, chi tiết để chủ động ứng phó, khắc phục với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố điều chỉnh, bổ sung hàng năm cho phù hợp tình hình thực tế. Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện./.

(Đính kèm:

- Phụ lục I: Danh mục biện pháp phi công trình và công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

- Phụ lục II: Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng.

- Phụ lục III: Hiện trạng công tác phòng chống thiên tai.

- Phụ lục IV: Tổng hợp tình hình thiệt hại.

- Phụ lục V: Xác định, đánh giá rủi ro thiên tai).

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC BIỆN PHÁP PHI CÔNG TRÌNH, CÔNG TRÌNH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

STT

Nội dung thực hiện

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

I

BIỆN PHÁP PHI CÔNG TRÌNH

1

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai

a

Rà soát, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

b

Rà soát, xây dựng chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025

Sở Xây dựng

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các Sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

Năm 2022 - 2023

c

Rà soát, khảo sát, lập danh sách hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025

Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, các Sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện

Năm 2022 - 2023

2

Kiện toàn tổ chức, bộ máy tăng cường năng lực quản lý thiên tai

a

Hoàn thiện tổ chức, bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Sở Nội vụ, Bộ Tư lệnh Thành phố (Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố) và các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan

Hàng năm

b

Xây dựng lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng chuyên nghiệp

Các cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Các cấp, các ngành

Hàng năm

c

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nâng cao năng lực quản lý, di dời dân, cơ sở hạ tầng vùng ven sông, kênh, rạch, vùng thường xuyên ngập lụt, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, bờ sông, bờ biển

Các cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Các cấp, các ngành

Hàng năm

d

Xây dựng, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ người dân phòng, chống thiên tai

Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Hàng năm

đ

Tập huấn, hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã

Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Hàng năm

3

Triển khai Kế hoạch nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

a

Phổ biến, thông tin, tuyên truyền, tập huấn kiến thức về pháp luật, cơ chế chính sách phòng, chống thiên tai cho các đơn vị và người dân trên địa bàn Thành phố

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

b

Lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình đào tạo và hoạt động ngoại khóa tại các trường học

Sở Giáo dục và Đào tạo

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

4

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành

a

Xây dựng công cụ hỗ trợ, phần mềm cảnh báo đa thiên tai tại Thành phố

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Năm 2022 - 2023

b

Nâng cấp hệ thống quan trắc chuyên dùng phục vụ phòng chống thiên tai, hiện đại hóa các thiết bị quan trắc, bổ sung các trạm quan trắc tự động mưa và mực nước trên hạ du lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Năm 2022 - 2025

c

Cập nhật bản đồ phân vùng rủi ro bão và ngập lụt do bão mạnh, siêu bão trên địa bàn Thành phố

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

d

Lập bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra ngập lụt; cập nhật mô hình dự báo ngập lụt trên địa bàn Thành phố

Sở Xây dựng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

đ

Cập nhật mô hình dự báo xâm nhập mặn trên địa bàn Thành phố

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

e

Điều tra cơ bản phòng chống thiên tai

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

g

Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt tới các đơn vị, địa phương, người dân Thành phố và tàu thuyền hoạt động trên biển

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

h

Bảo vệ và trồng rừng phòng hộ ven biển huyện Cần Giờ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ

Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan

Hàng năm

i

Diễn tập nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phối hợp hiệp đồng các lực lượng tìm kiếm cứu nạn

Các cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

5

Quy hoạch, kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai

a

Triển khai Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành tại Quyết định số 3481/QĐ-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

b

Triển khai Kế hoạch tổng thể Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 ban hành tại Quyết định số 629/QĐ-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

c

Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố; các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

d

Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào “Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 của Thành phố”

Sở Quy hoạch - Kiến trúc

Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

đ

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai hàng năm

Các cấp, các ngành

Các cấp, các ngành

Hàng năm

e

Xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

6

Nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai

a

Xây dựng, hướng dẫn mô hình nhà an toàn khi xảy ra bão

Sở Xây dựng

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Năm 2022 - 2023

b

Xây dựng kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc men, các thiết bị cấp cứu, cứu nạn do thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Sở Y tế

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

c

Xây dựng, cập nhật bản đồ ngập lụt, bản đồ di dời dân vùng hạ du ứng với các kịch bản xả lũ của hồ Dầu Tiếng

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

7

Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo phòng chống thiên tai

a

Xây dựng Đề án mua sắm trang thiết bị chuyên dùng phục vụ phòng chống thiên tai; đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động cho các cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Các cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

b

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ điều hành, hỗ trợ ra quyết định

Các cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

8

Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế

a

Ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành công trình phòng, chống thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình phòng chống thiên tai

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

b

Ứng dụng công nghệ trong quản lý giám sát tàu cá

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Sở Thông tin và Truyền thông

Hàng năm

c

Xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên để thích ứng thiên tai và biến đổi khí hậu

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Năm 2022 - 2023

d

Hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác phát triển, nhà tài trợ trong phòng, chống thiên tai

Sở Ngoại vụ

Cơ quan Thường trực Phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Công an Thành phố

Hàng năm

II

BIỆN PHÁP CÔNG TRÌNH

1

Tiếp tục rà soát và triển khai Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ

Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

2

Tiếp tục rà soát và triển khai Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ

Sở Xây dựng

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

3

Triển khai Phương án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

4

Triển khai thực hiện Đề án Phát triển bờ kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Thành phố

Sở Quy hoạch - Kiến trúc

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Năm 2022 - 2025

5

Triển khai Quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh

Sở Xây dựng

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

6

Xây dựng, nâng cấp khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão theo quy hoạch được phê duyệt, gắn kết với dịch vụ hậu cần, thông tin nghề cá

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan

Năm 2022 - 2025

7

Củng cố, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hệ thống bờ bao, đê bao bảo đảm chủ động phòng, chống triều cường, xả lũ

Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố liên quan

Hàng năm

8

Bổ sung, nâng cấp, tu sửa hệ thống tiêu thoát nước nội thị, phòng, chống ngập lụt do mưa lớn, triều cường

Sở Xây dựng

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

9

Xây dựng, củng cố công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đê biển

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố

Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

10

Lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan

Hàng năm

11

Nâng cấp cơ sở hạ tầng, chủ động thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu: nhà kết hợp sơ tán dân, kiên cố hóa các điểm tránh trú bão, ngập lụt, xả lũ như trường học, bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã...

Sở Xây dựng

Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện

Hàng năm

 

PHỤ LỤC II

ĐẶC ĐIỂM DÂN SINH, KINH TẾ - XÃ HỘI, CƠ SỞ HẠ TẦNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

1. Dân số trung bình theo quận, huyện Thành phố Hồ Chí Minh

Quận/Huyện

Dân số (Người)

Mật độ (Người/km2)

Quận 1

142.987

18.522

Quận 3

192.269

39.079

Quận 4

178.358

42.669

Quận 5

154.071

36.082

Quận 6

239.443

33.535

Quận 7

362.578

10.159

Quận 8

436.549

22.844

Quận 10

220.710

38.586

Quận 11

212.044

41.254

Quận 12

660.28

12.52

Quận Gò Vấp

696.998

35.327

Quận Tân Bình

475.35

21.193

Quận Tân Phú

494.971

30.994

Quận Bình Thạnh

504.815

24.293

Quận Phú Nhuận

169.013

34.776

Quận Bình Tân

804.041

15.456

Thành phố Thủ Đức

1.044.240

4.935

Huyện Củ Chi

475.207

1.093

Huyện Hóc Môn

548.177

5.021

Huyện Bình Chánh

738.837

2.925

Huyện Nhà Bè

211.425

2.105

Huyện Cần Giờ

80.799

115

2. Bảng thống kê tỷ lệ nhà kiên cố và không kiên cố trên địa bàn Thành phố

STT

Quận/huyện (2021)

Tỷ lệ nhà kiên cố (%)

Tỷ lệ nhà không kiên cố (%)

1

Quận 1

98,7

1,3

2

Quận 12

99

1

3

Thành phố Thủ Đức (Quận Thủ Đức cũ)

99,7

0,3

4

Thành phố Thủ Đức (Quận 9 cũ)

99,5

0,5

5

Quận Gò Vấp

99,6

0,4

6

Quận Bình Thạnh

99,1

0,9

7

Quận Tân Bình

99,4

0,6

8

Quận Tân Phú

99,5

0,5

9

Quận Phú Nhuận

99,4

0,6

10

Thành phố Thủ Đức (Quận 2 cũ)

98,9

1,1

11

Quận 3

100

0

12

Quận 10

99,9

0,1

13

Quận 11

99,2

0,8

14

Quận 4

98,9

1,1

15

Quận 5

99,4

0,6

16

Quận 6

98,9

1,1

17

Quận 8

98,8

1,2

18

Quận Bình Tân

99,6

0,4

19

Quận 7

99,8

0,2

20

Huyện Củ Chi

99,7

0,3

21

Huyện Hóc Môn

98,5

1,5

22

Huyện Bình Chánh

99,9

0,1

23

Huyện Nhà Bè

99,4

0,6

24

Huyện Cần Giờ

84,9

15,1

3. Tổng hợp dự kiến điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp - chế xuất

TT

TÊN KCX - KCN

VỊ TRÍ

Diện tích đất quy hoạch (ha)

1

KCX Tân Thuận

Quận 7

300,00

2

KCX Sài Gòn - Linh Trung

Q. Thủ Đức cũ

62,00

3

KCX Linh Trung 2

Q. Thủ Đức cũ

61,75

4

KCN Bình Chiểu

Q. Thủ Đức cũ

27,34

5

KCN Tân Tạo - hiện hữu

Q. Bình Tân

175,57

KCN Tân Tạo - mở rộng

Q. Bình Tân

204,58

6

KCN Tân Bình - hiện hữu

Q. Tân Phú và Q. Bình Tân

105,95

KCN Tân Bình - mở rộng

Q. Tân Phú và Q. Bình Tân

24,01

7

KCN Lê Minh Xuân

H. Bình Chánh

100,00

KCN Lê Minh Xuân - mở rộng

H. Bình Chánh

120,00

8

KCN Vĩnh Lộc

Q. Bình Tân

203,18

KCN Vĩnh Lộc - mở rộng

H. Bình Chánh

56,06

9

KCN Tân Thới Hiệp

Quận 12

28,41

10

KCN Tây Bắc Củ Chi

H. Củ Chi

208,00

KCN Tây Bắc Củ Chi - mở rộng

H. Củ Chi

173,24

11

KCN Cát Lái 2 - GĐ 1 & 2

Quận 2 cũ

124,00

12

KCN Hiệp Phước - GĐ1

H. Nhà Bè

311,40

KCN Hiệp Phước - GĐ2

H. Nhà Bè

597,00

KCN Hiệp Phước - GĐ 3

H. Nhà Bè

500,00

13

KCN Tân Phú Trung

H. Củ Chi

542,64

14

KCN Phong Phú

H. Bình Chánh

148,40

15

KCN Đông Nam

H. Củ Chi

286,76

16

KCN Bàu Đưng

H. Củ Chi

175,00

17

KCN Phước Hiệp

H. Củ Chi

200,00

18

KCN Xuân Thới Thượng

H. Hóc Môn

300,00

19

KCN Vĩnh Lộc 3

H. Bình Chánh

200,00

20

KCN Lê Minh Xuân 2

H. Bình Chánh

338,00

21

KCN Lê Minh Xuân 3

H. Bình Chánh

242,00

22

KCN An Hạ

H. Bình Chánh

123,51

23

KCN Cơ khí Ô tô

H. Củ Chi

100,00

 

Tổng cộng

 

6.038,80

4. Danh mục công trình thủy lợi, chống sạt lở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai

STT

Tên công trình

Địa điểm thực hiện

Đơn vị thực hiện

Thời gian thực hiện

1

Nâng cấp tuyến đê biển huyện Cần Giờ với chiều dài 3,5km

huyện Cần Giờ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2017 - 2023

2

Xây dựng công trình Thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn - Bắc rạch Tra (từ Tỉnh lộ 8 đến Rạch Tra)

từ Tỉnh lộ 8 đến Rạch Tra

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố

2016 - 2020

3

Xây dựng công trình Thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn - Nam rạch Tra (đoạn đi qua Quận 12, quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn)

đoạn đi qua Quận 12, quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố

2016 - 2020

4

Nâng cấp công trình Thủy lợi An Phú - Phú Mỹ Hưng

Phú Mỹ Hưng

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố

2016 - 2020

5

Đê bao sông Sài Gòn từ cầu Bến Súc đến rạch Thai Thai - xã Phú Mỹ Hưng

Phú Mỹ Hưng

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố

2016 - 2020

6

Đê bao sông Sài Gòn từ Rạch Cầu Đen đến Rạch Sơn, xã An Nhơn Tây

An Nhơn Tây

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố

2016 - 2020

7

Đê bao ven sông Sài Gòn từ Rạch Láng The đến Sông Lu, xã Trung An

xã Trung An

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố

2016 - 2020

8

Xây dựng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố

2016 - 2020

9

Xây dựng 05 công ngăn triều trên địa bàn quận Thủ Đức: cống Gò Dưa, cống rạch Thủ Đức, cống rạch Ông Dầu, cống Rạch Đá và cống rạch Cầu Đúc Nhỏ: đang tổ chức vận hành phát huy hiệu quả ngăn triều cho khu vực thành phố Thủ Đức

Thành phố Thủ Đức

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố

2016 - 2020

10

Xây dựng cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố

2016 - 2020

11

Nâng cấp công trình thủy lợi An Phú - Phú Mỹ, Mỹ Hưng

Mỹ Hưng

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố

2016 - 2020

12

Xây dựng Đê bao sông Sài Gòn từ cầu Bến Súc đến rạch Thai Thai

xã Phú Mỹ Hưng

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố

2016 - 2020

13

Xây dựng 06 cống kiểm soát triều gồm: cống Bến Nghé, cống Tân Thuận, cống Phú Xuân, cống Mương Chuối, cống Cây Khô, cống Phú Định

cống Bến Nghé, cống Tân Thuận, cống Phú Xuân, cống Mương Chuối, cống Cây Khô, cống Phú Định

UBND Thành phố HCM; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam

2016

14

Xây dựng các đoạn kè xung yếu ven sông Sài Gòn với chiều dài 6004km

 

UBND Thành phố HCM; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam

2016

15

Xây dựng 04 đoạn Đê bao xung yếu khu vực quận Thủ Đức

Quận Thủ Đức

 

2016 - 2020

16

Xây dựng đê bao ngăn lũ đoạn từ rạch cầu Ngang tới khu đô thị Thủ Khiêm, Quận 2

Khu đô thị Thủ Khiêm, quận 2

 

2016 - 2020

17

Đê bao sông Sài Gòn từ rạch Cầu Đen đến rạch Sơn, xã An Nhơn Tây

huyện Củ Chi

 

2016 - 2020

18

Đê bao ven sông Sài Gòn từ rạch Láng The đến sông Lu, xã Trung an

huyện Củ Chi

 

2016 - 2020

19

Đê bao ven sông Sài Gòn đoạn từ rạch Láng The đến rạch Nàng Âm

huyện Củ Chi

Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi

2016 - 2020

20

Xây dựng 04 cống ngăn triều: cống Nàng Âm, cống Câu Lượng, cống Ông Vàm (Ông Giảm), cống Ông Ba (Cá Lăng)

huyện Củ Chi

Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi

2016 - 2020

21

Xây dựng 02 cống ngăn triều sông Lu 1 và sông Lu 2

huyện Củ Chi

 

2016 - 2020

22

Xây dựng cống kiểm soát triều sông Kinh

Sông Kinh

 

2016 - 2020

23

Xây dựng cống kiểm soát triều Rạch Tra

Rạch Tra

 

2016 - 2020

24

Xây dựng cống ngăn triều Vàm Thuật, Nước Lên

Vàm Thuật, Nước Lên

 

2016 - 2020

25

Xây dựng hệ thống đê bao ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Soài Rạp và bờ tả sông Vàm Cỏ Đông đến tỉnh lộ 824; hệ thống cống kiểm soát triều khép kín tuyến đê bao (12 cống chính)

Thành phố Hồ Chí Minh

Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố

2009 - 2020

26

Dự án thủy lợi bờ tả sông Sài Gòn

phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông thuộc quận Thủ Đức

Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức

2009-2011

27

Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè

khu vực quận 1, quận 3, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh

Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố

2002-2010

28

Cải thiện môi trường nước TP.HCM - Lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Tẻ - kênh Đôi

khu vực quận 1, quận 5, quận 6, quận 10

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố

2004-2014

29

Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng

khu vực quận 5, quận 6, quận 11

Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố

2009-2010

30

Nâng cấp đô thị TP.HCM - lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm

khu vực quận 6, quận 11, quận Bình Tân, quận Tân Bình

Sở Xây dựng

2007-2015

31

Phân lũ sông Đồng Nai sang sông Thị Vải qua sông Đồng Môn, phân lũ sông Sài Gòn qua rạch Tra

các quận, huyện ven sông Đồng Nai và sông Sài Gòn

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố

2016-2020

32

Dự án tiêu thoát nước Suối Nhum

suối Xuân Trường, phường Linh Xuân, Thành phố Thủ Đức

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2010

33

Chống sạt lở cấp bách trên tuyến sông rạch Đỉa - rạch Rơi - sông Phú Xuân, phường Tân Phú, quận 7

phường Tân Phú, Quận 7

 

2018

34

Xây dựng kè bảo vệ bờ sông khu vực ngã 3 sông Bến Lức- kênh Xáng Lý Văn Mạnh, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh

xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh

 

2018

35

Chống sạt lở khu vực bờ phải, thượng lưu cầu rạch Tôm, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè

xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè

 

2018

36

Xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư An Hòa (tắc Ráng tổ 27 - 28) xã An Thới Đông, ấp An Thới Đông, huyện Cần Giờ

xã An Thới Đông, ấp An Thới Đông, huyện Cần Giờ

 

2018

37

Xây dựng kè chống sạt lở đoạn 100m thượng và hạ lưu cống SG18, rạch Cầu Cụt thuộc dự án Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn

xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn

 

2019

38

Xây dựng kè chống sạt lở đoạn bờ phải sông Sài Gòn, từ ngã 3 kênh Thanh Đa - sông Sài Gòn về phía hạ lưu 550m, quận Bình Thạnh

quận Bình Thạnh

 

2019

39

Xây dựng kè chống sạt lở đoạn bờ phải rạch Giồng, từ rạch Gò Me đến tiếp giáp kè tổ 3, ấp 4, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè

xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè

 

2019

40

Bờ phải rạch Mốc Keo, khu dân cư An Hòa, xã Tâm Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ

xã Tâm Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ

 

2019

41

Xây dựng kè chống sạt lở bờ trái phía hạ lưu cầu Phước Lộc trên tuyến rạch ông Lớn 2 - Phước Kiển - Mương Chuối

bờ trái, cầu Phước Lộc về phía hạ lưu 1000m, xã Phước Kiển

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

42

Xây dựng kè chống sạt lở bờ tả thượng lưu rạch Ông Lớn 2 trên kênh Cây Khô

bờ trái, cầu Phước Lộc về phía hạ lưu 1000m, xã Phước Kiển

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

43

Xây dựng kè chống sạt lở bờ hữu rạch Tắc Bến Rô khu vực ngã 3 rạch Tắc Bến Rô - kênh Cây Khô

Kênh Cây Khô (ngã ba kênh Cây Khô - Tắc Bến Rô) vòng qua Tắc Bến Rô, cách cầu Tắc Bến Rô 100m

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

44

Xây dựng kè chống sạt lở bờ tả Rạch Giồng - sông Kinh Lộ (02 đoạn kè, đoạn 1 dài 253,72m, đoạn 2 555,68m)

bờ trái, thượng lưu ngã 3 Kinh Lộ đến ngã Tắc Mương Lớn xã Hiệp Phước

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

45

Xây dựng kè bảo vệ chống xói lở bờ sông khu vực khu dân cư xã Phước Kiểng

bờ trái từ cầu Long Kiển về thượng lưu 100m, về hạ lưu 630m trên sông Phước Kiểng

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

46

Chống xói lở bờ sông khu vực cầu Phước Lộc trên rạch Ông Lớn 2 - Phước Kiểng - Mương Chuối

bờ phải, thượng lưu cầu Phước Lộc

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

47

Xây dựng kè chống sạt lở bờ hữu Rạch Giồng - sông Kinh Lộ

Bờ phải, thượng lưu ngã 3 Kinh Lộ - Tắc Mương Lớn, xã Hiệp Phước

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

48

Xây dựng kè bảo vệ chống sạt lở khu vực cầu Long Kiểng

bờ phải từ cầu Long Kiển về thượng lưu 146m sông Phước Kiểng

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

49

Chống sạt lở rạch Giồng - sông Kinh Lộ (đoạn từ tổ 16 đến rạch Gò Me, ấp 3, xã Hiệp Phước)

Km 03 150 ngay cầu tàu Bến Đò ấp 3 xã Hiệp Phước

UBND huyện Nhà Bè

2018

50

Chống sạt lở rạch Giồng- sông Kinh Lộ (đoạn tổ 3 ấp 4, xã Hiệp Phước)

Bờ phải Km 3 600 thuộc tổ 3, ấp 4, xã Hiệp Phước

UBND huyện Nhà Bè

2018

51

Dự án chống sạt lở cấp bách bờ phải rạch Tắc Mương Lớn, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè

Bờ phải, thượng lưu cầu Trạm Xá - 80m đến - 130m, xã Hiệp Phước

UBND huyện Nhà Bè

2018

52

Xây dựng kè chống sạt lở đoạn bờ phải Giồng (từ rạch Gò Me đến tiếp giáp kè tổ 3, ấp 4), xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè

Rạch Giồng, bờ phải, từ rạch Gò Me đến tiếp giáp kè tổ 3, ấp 4

UBND huyện Nhà Bè

2018

53

Xây dựng kè chống sạt lở bờ phải rạch Bầu Le, tổ 2 ấp 3 xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè

Bờ phải rạch Bầu Le (thượng lưu cầu Bầu Le) xã Hiệp Phước

UBND huyện Nhà Bè

2018

54

Xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà thuộc ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh

Tắc Sông Chà, bờ phải, giao với sông Soài Rạp về hạ lưu Tắc Sông Chà

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

55

Xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư ấp Rạch Lá xã An Thới Đông

Kênh Bà Tổng, bờ phải, cách cầu Bà Tổng khoảng 300m về thượng lưu, xã An Thới Đông

UBND huyện Cần Giờ

2018

56

Xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư ấp An Hòa (đoạn từ kè Bà Tổng đến ngã 3 sông Soài Rạp)

Kênh Bà Tổng, bờ trái kè ấp An Hòa đến ngã 3 sông Soài Rạp, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ

UBND huyện Cần Giờ

2018

57

Dự án Kè ven sông Bà Tổng đoạn từ cầu Bà Tổng đến ngã ba sông Soài Rạp (khu dân cư ấp Rạch Lá) xã An Thới Đông

Kênh Bà Tổng, bờ phải, hạ lưu cầu Bà Tổng, xã An Thới Đông huyện Cần Giờ

UBND huyện Cần Giờ

2018

58

Dự án Xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư ấp An Nghĩa (đoạn từ rạch nhánh đến ngã ba sông Lòng Tàu) xã An Thới Đông

KM00 500, bờ trái tuyến Tắc An Nghĩa (cách hạ lưu cầu An Nghĩa khoảng 400m), ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông

UBND huyện Cần Giờ

2018

59

Xây dựng kè chống sạt lở bờ tả thượng lưu cầu Xóm Củi

Rạch Xóm Củi, bờ trái, thượng lưu cầu Xóm Củi 100m, xã Bình Hưng

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

60

Dự án Xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Cần Giuộc (phía sau trụ sở UBND xã Qui Đức

Bờ phải sông Cần Giuộc ấp 2 xã Qui Đức (phía sau trụ sở UBND xã Qui Đức)

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

61

Chống sạt lở bờ phải thượng lưu sông Chợ Đệm - Bến Lức (cách cầu Chợ Đệm 820m)

Bờ phải sông Chợ Đệm - Bến Lức, xã Tân Kiên

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

62

Xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Sài Gòn, bờ trái, hạ lưu cầu cách cầu Sài Gòn 500m

Sông Sài Gòn, bờ trái, hạ lưu cách cầu Sài Gòn 500m, phường Bình An

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

63

Kè chống sạt lở sông Sài Gòn, KP4, phường Thảo Điền

Sông Sài Gòn, bờ trái, đối diện nhà 16/5 đến 16/13 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền

UBND huyện Quận 2

2018

64

Dự án Xây dựng kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tổ tại phường An Phú - Bình Trung Tây, Quận 2

Rạch Giồng Ông Tổ, bờ phải, thượng và hạ lưu cầu Giồng Ông Tổ 1, phường An Phú

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

65

Dự án Xây dựng kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tổ tại phường An Phú - Bình Trung Tây, Quận 2

Rạch Giồng Ông Tổ, bờ trái, thượng và hạ lưu cầu Giồng Ông Tổ 1, Phường Bình Trung Tây

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

66

Dự án Xây dựng kè chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn (khu vực phường Thảo Điền, Quận 2)

Bờ trái sông Sài Gòn (cách cầu Sài Gòn 4,5km về phía thượng lưu thuộc khu đất số 61 đường Trần Ngọc Diện, phường Thảo Điền)

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

67

Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (Đoạn 2)

Sông Sài Gòn - ngã ba sông Sài Gòn - thượng lưu kênh Thanh Đa đến xưởng cơ khí Tiền Phong

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

68

Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (Đoạn 3)

Sông Sài Gòn, từ xưởng cơ khí Tiền Phong đến ngã ba rạch Chùa

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

69

Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (Đoạn 4)

Sông Sài Gòn, từ rạch Chùa đến ngã ba sông Sài Gòn - hạ lưu kênh Thanh Đa

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

70

Xây dựng kè thủy lợi chống sạt lở bờ phải sông Sài Gòn, phường 25, quận Bình Thạnh (khu vực kho VK 102 cũ do Quân Khu 7 quản lý)

Sông Sài Gòn, bờ phải, từ ngã ba Thanh Đa - sông Sài Gòn về phía Hạ Lưu 550m

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

71

Kè chống sạt lở ven sông Sài Gòn (đoạn từ cầu rạch cầu Đúc Nhỏ đến tiếp giáp dự án của Công ty CPĐT địa ốc Vạn Phúc)

Bờ trái sông Sài Gòn, cuối đường số 7, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (cách cầu Bình Phước khoảng 1000m về phía hạ lưu)

UBND thành phố Thủ Đức

2018

72

Dự án xây dựng 04 đoạn đê bao xung yếu khu vực quận Thủ Đức thuộc bờ tả sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn, bờ trái, khu vực ký túc xá Đại học Mỹ Thuật, phường Hiệp Bình Chánh

Ban QLDA ĐTXD HTĐT TP

2018

73

Dự án xây dựng 04 đoạn đê bao xung yếu khu vực quận Thủ Đức thuộc bờ tả sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn, bờ trái, khu vực đỉnh Bình Phước, ngã ba rạch Vĩnh Bình - sông Sài Gòn, khu phố 1, phường Hiệp Bình Phước

Ban QLDA ĐTXD HTĐT TP

2018

74

Dự án chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn khu vực nhà thờ Fatima, phường Hiệp Bình Chánh

Sông Sài Gòn, bờ trái, khu vực nhà thờ Fatima, phường Hiệp Bình Chánh

UBND thành phố Thủ Đức

2018

75

Cải thiện môi trường nước thành phố, giai đoạn 2 (gói thầu F2)

Kênh Tàu Hủ - Lò Gốm, trước kho 277 - 289, Bến Bình Đông, phường 14

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

76

Dự án chống sạt lở bờ phải rạch Tra - Khu vực nhà máy thực phẩm Tân Hiệp

Bờ phải rạch Tra, xã Tân Hiệp

Ban QLDA ĐTXD các CTGT

2018

77

Dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn, gói thầu 4A, dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn

Ban QLDA ĐTXD HTĐT TP

2018

 

PHỤ LỤC III

HIỆN TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

1. Phương tiện, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai

STT

PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ

ĐƠN VỊ TÍNH

SỐ LƯỢNG

ĐƠN VỊ QUẢN LÝ

1

Ca nô

chiếc

86

TP.Thủ Đức (5); BCH Bộ đội biên phòng TP (37); Bộ Tư lệnh TP (5); Công an TP (5); Lực lượng TNXP TP (2); Chi cục Thủy sản (1); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (1); Thanh tra Sở Giao thông vận tải (3); Quận 8 (1); Quận 12 (1); Gò Vấp (1); Cần Giờ (14); Nhà Bè (3); Bình Chánh (2),

2

Xuồng cứu hộ

chiếc

50

Bộ Tư lệnh TP (2); Công an TP (12); Lực lượng TNXP TP (7); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (1); Quận 7 (1); Quận 8 (1); Quận 12 (5); Hóc Môn (1); Tân Phú (1); Cần Giờ (9); Nhà Bè (3); Bình Chánh (7),

3

Ghe cứu hộ

chiếc

53

Công an TP (2); Lực lượng TNXP TP (3); Cần Giờ (48),

4

Tàu kéo

chiếc

2

Lực lượng TNXP TP (2),

5

Tàu tìm kiếm cứu nạn

chiếc

10

Cảng vụ Hàng hải TP (1); BCH Bộ đội biên phòng TP (2); Chi cục Thủy sản (2); Cần Giờ (5),

6

Phà

chiếc

20

Lực lượng TNXP TP (20),

7

Xe 04-29 chỗ

chiếc

75

Sở Y tế (2); Sở Xây dựng (1); Thanh tra Sở Giao thông vận tải (31); Quận 8 (2); Quận 4 (1); Bình Tân (2); Nhà Bè (10); Hóc Môn (26 chiếc),

8

Xe tải

chiếc

114

TP, Thủ Đức (23); Công an TP (2); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (4); Bộ Tư lệnh TP (2); Quận 1 (7); Quận 3 (4); Quận 4 (2); Quận 7 (6); Quận 8 (2); Quận 10 (5); Quận 12 (1); Cần Giờ (54); Bình Chánh (2),

9

Xe cứu hộ

chiếc

26

Công an TP (4); Sở Y tế (10); Bộ Tư lệnh TP (1); Quận 4 (1); Quận 11 (10),

10

Xe cứu thương

chiếc

13

TP, Thủ Đức (2); Bộ Tư lệnh TP (1); Công an TP (2); Hội Chữ thập đỏ (1); Quận 3 (2); Bình Tân (1); Cần Giờ (4),

11

Xe cứu hỏa các loại

chiếc

81

Công an TP (18); Bộ Tư lệnh TP (3); TP.Thủ Đức (10); Quận 4 (7); Quận 11 (11); Bình Thạnh (12); Cần Giờ (3); Nhà Bè (7); Tân Phú (10),

12

Xe chuyên dụng các loại

chiếc

67

TP, Thủ Đức (20); Công an TP (7); Lực lượng TNXP TP (1); Bộ Tư lệnh TP (4); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (4); Quận 4 (1); Quận 7 (4); Quận 10 (6); Cần Giờ (11); Nhà Bè (2),

13

Máy phát điện

cái

270

TP, Thủ Đức (31); BCH Bộ đội biên phòng TP (3); Công an TP (85); Bộ Tư lệnh TP (1); Lực lượng TNXP TP (12); Cảng vụ Hàng hải TP (6); Chi cục Thủy sản (2); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (8); Sở Lao động TBXH (23); Thanh tra Sở Giao thông vận tải (1); Quận 1 (3); Quận 3 (1); Quận 4 (8); Quận 6 (3); Quận 7 (8); Quận 8 (2); Quận 10 (6); Quận 11 (7); Quận 12 (11); Bình Tân (3); Hóc Môn (4); Tân Bình (2); Tân Phú (16); Phú Nhuận (6); Gò Vấp (1); Cần Giờ (22); Nhà Bè (6); Bình Chánh (4),

13

Máy cắt bê tông

cái

85

TP.Thủ Đức (3); BCH Bộ đội biên phòng TP (3); Bộ Tư lệnh TP (2); Công an TP (18); Quận 1 (3); Quận 6 (11); Quận 7 (5); Quận 8 (1); Quận 10 (4); Quận 12 (5); Bình Tân (5); Hóc Môn (1); Củ Chi (1); Tân Bình (2); Tân Phú (2); Phú Nhuận (5); Cần Giờ (6); Nhà Bè (5); Bình Chánh (3),

14

Máy bơm nước

cái

323

TP.Thủ Đức (30); Công an TP (5); Bộ Tư lệnh TP (2); Lực lượng TNXP TP (15); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (35); Sở Lao động TBXH (140); Quận 4 (15); Quận 6 (1); Quận 7 (3); Quận 8 (11); Quận 10 (7); Quận 11 (3); Quận 12 (14); Củ Chi (9); Tân Phú (6); Tân Bình (2); Gò Vấp (7); Cần Giờ (4); Nhà Bè (5); Bình Chánh (13),

15

Máy khoan đục bê tông

cái

111

TP.Thủ Đức (18); Công an TP (14); Bộ Tư lệnh TP (1); Lực lượng TNXP TP (2); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (4); Sở Lao động TBXH (5); Quận 1 (2); Quận 4 (12); Quận 7 (3); Quận 8 (5); Quận 10 (4); Quận 12 (8); Tân Bình (3); Bình Tân (3); Phú Nhuận (5); Cần Giờ (10); Nhà Bè (6); Bình Chánh (3); Tân Phú (1),

16

Máy hàn cắt kim loại

cái

23

Lực lượng TNXP TP (2); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (9); Sở Lao động TBXH (12),

17

Máy bộ đàm

cái

396

TP.Thủ Đức (17); Lực lượng TNXP TP (158); Chi cục Thủy sản (6); Quận 3 (2); Quận 4 (42); Quận 6 (13); Quận 7 (40); Quận 8 (10); Quận 10 (30); Quận 12 (10); Tân Bình (10); Tân Phú (3); Phú Nhuận (10); Cần Giờ (33); Nhà Bè (2); Bình Chánh (10),

18

Máy vô tuyến

cái

15

BCH Bộ đội Biên phòng TP (13); Chi cục Thủy sản (2),

19

Điện thoại vệ tinh

cái

39

Thành ủy (4); Ủy ban nhân dân TP (3); Bộ Tư lệnh TP (3); Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP (3); Công an TP (5); Lực lượng Thanh niên Xung phong TP (1); Văn phòng thường trực ban chỉ huy PCTT và TKCNTP (3); Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1); Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ (1); Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh (1); Tổng công ty điện lực Thành phố TNHH (1); Chi cục Thủy sản (1), Sở Xây dựng (1); Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (4); Sở Công thương (1), Sở Y tế (1); Sở Tài chính (1); Sở Giao thông Vận tải (1); Sở Thông tin truyền thông (2); Sở Tài nguyên và Môi trường (1); Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ (2),

20

Súng bắn pháo hiệu

cái

3

BCH Bộ đội Biên phòng TP (3)

21

Đạn pháo hiệu

cái

255

BCH Bộ đội Biên phòng TP (255)

22

Máy nén PDS185

cái

1

Bộ Tư lệnh TP (1),

23

Máy soi đa chiều

cái

1

Bộ Tư lệnh TP (1),

24

Máy soi dưới nước

cái

3

TP.Thủ Đức (2); Bộ Tư lệnh TP (1),

25

Thiết bị cứu hộ trong không gian hẹp

cái

1

Bộ Tư lệnh TP (1),

26

Máy thở oxy khẩn cấp

cái

2

Bộ Tư lệnh TP (2),

27

Khí tài phòng độc

cái

1

Bộ Tư lệnh TP (1),

28

Máy đo độ sâu

cái

1

Cảng vụ Hàng hải TP (1),

29

Máy cắt sắt

cái

15

BCH Bộ đội biên phòng TP (2); Công an TP (5); Lực lượng TNXP TP (1); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (1); Quận 7 (1); Quận 11 (1); Phú Nhuận (2); Nhà Bè (1); Gò Vấp (1),

30

Cưa máy cầm tay các loại

cái

312

TP.Thủ Đức (45); BCH Bộ đội biên phòng TP (1); Công an TP (6); Lực lượng TNXP TP (3); Sở Lao động TBXH (10); Quận 1 (3); Quận 3 (2); Quận 4 (27); Quận 6 (10); Quận 7 (23); Quận 8 (9); Quận 10 (8); Quận 11 (5); Quận 12 (12); Bình Tân (19); Bình Thạnh (9); Củ Chi (12); Tân Bình (10); Tân Phú (11); Phú Nhuận (4); Gò Vấp (6); Cần Giờ (33); Nhà Bè (14); Bình Chánh (24); Hóc Môn (6),

31

Áo phao

cái

18,429

TP.Thủ Đức (1,720); BCH Bộ đội biên phòng TP (1138); Bộ Tư lệnh TP (470); Công an TP (2192); Lực lượng TNXP TP (895); Chi cục Thủy sản (600); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (140); Thanh tra Sở Giao thông vận tải (40); Quận 1 (211); Quận 3 (205); Quận 4 (498); Quận 6 (420); Quận 7 (764); Quận 8 (621); Quận 10 (174); Quận 11 (156); Quận 12 (772); Bình Tân (340); Hóc Môn (400); Củ Chi (307); Tân Bình (150); Tân Phú (110); Phú Nhuận (250); Cần Giờ (4,029); Nhà Bè (949); Bình Chánh (719); Gò Vấp (310),

32

Phao tròn

cái

10,525

TP.Thủ Đức (623); BCH Bộ đội biên phòng TP (920); Bộ Tư lệnh TP (560); Công an TP (1795); Lực lượng TNXP TP (40); Chi cục Thủy sản (411); Thanh tra Sở Giao thông vận tải (10); Quận 1 (109); Quận 3 (39); Quận 4 (247); Quận 6 (50); Quận 7 (532); Quận 8 (650); Quận 10 (10); Quận 11 (75); Quận 12 (100); Bình Tân (260); Hóc Môn (170); Củ Chi (248); Tân Bình (110); Tân Phú (80); Phú Nhuận (250); Cần Giờ (1450); Nhà Bè (892); Bình Chánh (595); Gò Vấp (230),

33

Phao bè

cái

172

TP.Thủ Đức (31); BCH Bộ đội biên phòng TP (15); Bộ Tư lệnh TP (20); Công an TP (28); Lực lượng TNXP TP (6); Quận 6 (4); Quận 7 (4); Quận 8 (7); Quận 4 (1); Quận 12 (12); Phú Nhuận (5); Cần Giờ (9); Nhà Bè (2); Bình Chánh (27); Gò Vấp (1),

34

Phao cầm tay

cái

1,5

Lục lượng TNXP TP (1,500),

35

Phao dây

cuộn

141

TP.Thủ Đức (17); Công an TP (9); Quận 8 (65); Quận 12 (20); Bình Chánh (30),

36

Nệm hơi cứu hộ

cái

22

Công an TP (5); Bộ Tư lệnh TP (2); Quận 1 (2); Quận 3 (3); Quận 4 (2); Quận 6 (1); Quận 10 (1); Quận 12 (2); Gò Vấp (1); Bình Chánh (2); Tân Phú (1),

37

Thiết bị banh cắt thủy lực

bộ

12

Công an TP (6); Gò Vấp (3); Tân Phú (3),

38

Dụng cụ cứu hộ đa năng

bộ

3

Bộ Tư lệnh TP (1); Công an TP (1); Nhà Bè (1),

39

Quần áo bảo hộ

bộ

105

TP Thủ Đức (65); Bộ Tư lệnh TP (40),

40

Găng tay chuyên dụng

đôi

2,006

Quận 4 (60); Quận 11 (160); Tân Phú (33); Nhà Bè (437), Bình Chánh (6), Gò Vấp (1,170), Tân Bình (140)

41

Nón bảo hộ

cái

4,344

Bộ Tư lệnh TP (60); BCH Bộ đội Biên phòng TP (38); Hội chữ Thập đỏ (78); TP.Thủ Đức (530); Quận 1 (145); Quận 4 (305); Quận 6 (50); Quận 8 (69); Quận 10 (50); Quận 11 (330); Quận 12 (2); Bình Tân (158); Hóc Môn (60); Tân Bình (262); Tân Phú (130); Phú Nhuận (200); Gò Vấp (1165); Bình Thạnh (155); Cần Giờ (41); Nhà Bè (176); Bình Chánh (120),

42

Giày bảo hộ

đôi

20

Bộ Tư lệnh TP (20),

43

Bộ đồ chữa cháy

đôi

1,582

Bộ Tư lệnh TP (40); Quận 11 (432); Tân Bình (15); Gò Vấp (1,095),

44

Bộ đồ lặn

bộ

63

BCH Bộ đội biên phòng TP (8); Bộ Tư lệnh TP (20); Công an TP (34); Chi cục Thủy sản (1),

45

Ủng cách điện

đôi

15

TP, Thủ Đức (10); Công an TP (4); Lực lượng TNXP TP (1),

46

Ủng cao su

đôi

2,135

TP.Thủ Đức (220); Bộ Tư lệnh TP (40); Công an TP (10); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (145); Quận 1 (200); Quận 4 (70); Quận 6 (50); Quận 7 (460); Quận 8 (5); Quận 10 (80); Quận 11 (164); Bình Tân (168); Bình Thạnh (110); Hóc Môn (20); Tân Bình (30); Nhà Bè (176); Bình Chánh (120); Tân Phú (67),

47

Găng tay cách điện

đôi

16

TP.Thủ Đức (10); Công an TP (6)

48

Ống nhòm

cái

113

TP.Thủ Đức (3); BCH Bộ đội biên phòng TP (6); Công an TP (38); Cảng vụ Hàng hải TP (3); Lực lượng TNXP TP (6); Chi cục Thủy sản (8); Quận 4 (8); Quận 7 (5); Quận 12 (8); Phú Nhuận (5); Gò Vấp (4); Cần Giờ (15); Bình Chánh (4),

49

Bộ dây leo cứu nạn

bộ

59

Bộ Tư lệnh TP (2); BCH Bộ đội biên phòng TP (8); Lực lượng TNXP TP (10); Quận 3 (39),

50

Đèn cứu hộ

cái

108

TP.Thủ Đức (13); BCH Bộ đội biên phòng TP (4); Bộ Tư lệnh TP (5); Công an TP (12); Sở Xây dựng (10); Quận 1 (12); Quận 3 (2); Quận 8 (5); Quận 10 (14); Tân Bình (3); Cần Giờ (7); Bình Chánh (2); Gò Vấp (16),

51

Đèn pin các loại

cái

2,306

TP.Thủ Đức (445); BCH Bộ đội biên phòng TP (1); Công an TP (130); Lực lượng TNXP TP (84); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (22); Sở Xây dựng (2); Quận 1 (41); Quận 3 (19); Quận 4 (119); Quận 6 (4); Quận 7 (414); Quận 8 (12); Quận 10 (44); Quận 11 (66); Quận 12 (58); Bình Tân (97); Hóc Môn (57); Tân Bình (56); Tân Phú (36); Phú Nhuận (5); Gò Vấp (217); Bình Thạnh (5); Nhà Bè (122); Bình Chánh (92),

52

Pa lăng

cái

7

Lực lượng TNXP TP (2); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (5),

53

Thang các loại

cái

365

TP.Thủ Đức (54); Bộ Tư lệnh TP (10); Công an TP (10); Lực lượng TNXP TP (2); Quận 1(12); Quận 3 (19); Quận 4 (21); Quận 8 (15); Quận 10 (75); Quận 11 (24); Quận 12 (4); Hóc Môn (22); Tân Bình (9); Tân Phú (23); Phú Nhuận (18); Gò Vấp (11); Cần Giờ (9); Nhà Bè (15); Bình Chánh (12),

54

Loa phóng thanh cầm tay

cái

895

TP.Thủ Đức (147); BCH Bộ đội biên phòng TP (10); Công an TP (44); Lực lượng TNXP TP (7); Chi cục Thủy sản (2); Quận 1 (20); Quận 4 (46); Quận 6 (32); Quận 7 (48); Quận 8 (21); Quận 10 (29); Quận 11 (32); Quận 12 (23); Bình Tân (7); Hóc Môn (6); Củ Chi (24); Tân Bình (8); Tân Phú (17); Phú Nhuận (2); Gò Vấp (248); Cần Giờ (32); Nhà Bè (37); Bình Chánh (53),

55

Búa các loại

cái

641

TP.Thủ Đức (74); Lực lượng TNXP TP (10); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (19); Sở Xây dựng (1); Quận 1 (99); Quận 3 (5); Quận 4 (24); Quận 7 (12); Quận 8 (23); Quận 10 (34); Quận 11 (58); Quận 12 (13); Bình Tân (11); Hóc Môn (19); Củ Chi (12); Tân Bình (30); Tân Phú (13); Phú Nhuận (80); Gò Vấp (12); Nhà Bè (77); Bình Chánh (5); Công an TP (10),

56

Kềm cộng lực

cái

428

TP.Thủ Đức (32); Công an TP (62); Lực lượng TNXP TP (2); Quận 1 (88); Quận 3 (10); Quận 4 (30); Quận 10 (3); Quận 11 (19); Quận 12 (2); Bình Tân (19); Hóc Môn (16); Củ Chi (3); Tân Bình (23); Tân Phú (9); Phú Nhuận (17); Gò Vấp (4); Cần Giờ (7); Nhà Bè (53); Bình Chánh (29),

57

Cuốc và xẻng

cái

2,585

TP.Thủ Đức (233); BCH Bộ đội biên phòng TP (15); Công an TP (214); Lực lượng TNXP TP (20); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (71); Sở Xây dựng (2); Quận 1 (80); Quận 3 (26); Quận 4 (124); Quận 7 (425); Quận 8 (77); Quận 10 (102); Quận 11 (67); Quận 12 (127); Bình Tân (61); Hóc Môn (120); Củ Chi (40); Tân Bình (90); Tân Phú (112); Phú Nhuận (210); Gò Vấp (46); Bình Thạnh (10); Nhà Bè (222); Bình Chánh (206),

58

Xà beng

cái

61

TP.Thủ Đức (86); Công an TP (68); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (24); Quận 1 (11); Quận 3 (18); Quận 4 (26); Quận 7 (60); Quận 8 (29); Quận 10 (37); Quận 12 (18); Bình Tân (85); Hóc Môn (24); Tân Bình (16); Tân Phú (26); Gò Vấp (3); Phú Nhuận (40); Nhà Bè (54); Bình Chánh (46),

59

Dây (thừng, dù)

m

36,825

TP.Thủ Đức (2,900); Công an TP (1,200); Quận 3 (200); Quận 4 (717); Quận 6 (4,300); Quận 7 (5,750); Quận 8 (4,000); Quận 10 (850); Quận 12 (40); Củ Chi (500); Hóc Môn (2,400); Phú Nhuận (2,000); Cần Giờ (2350); Nhà Bè (2,688); Bình Chánh (6,730); Tân Bình (200)

60

Nhà bạt các loại

cái

314

TP.Thủ Đức (20); Bộ Tư lệnh TP (95); Công an TP (63); Lực lượng TNXP TP (5); Cảng vụ Hàng hải TP (3); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (7); Lao động TBXH (7); Quận 3 (2); Quận 4 (17); Quận 7 (14); Quận 10 (6); Quận 11 (2); Quận 12 (4); Bình Tân (1); Củ Chi (4); Hóc Môn (2); Tân Bình (10); Tân Phú (2); Phú Nhuận (5); Cần Giờ (10); Nhà Bè (13); Bình Chánh (18),

61

Cưa sắt cầm tay

cái

148

Công an TP (4); Quận 3 (7); Quận 4 (9); Quận 8 (16); Quận 11 (4); Bình Thạnh (2); Bình Tân (50); Phú Nhuận (10); Nhà Bè (46),

62

Túi cứu thương

túi

560

BCH Bộ đội Biên phòng TP (5); Hội Chữ thập đỏ (200); Lực lượng TNXP (1); Quận 1 (48); Quận 3 (2); Quận 4 (4); Quận 7 (10); Quận 8 (78); Quận 10 (9); Quận 11 (11); Tân Phú (17); Gò Vấp (130); Bình Thạnh (26); Nhà Bè (1); Bình Chánh (18),

63

Nẹp cứu thương

Cái

750

Hội Chữ thập đỏ (200); Quận 8 (312); Quận 10 (31); Quận 11 (147); Tân Bình (25); Tân Phú (23); Bình Chánh (12),

64

Cáng cứu thương

Cái

234

BCH Bộ đội Biên phòng TP (3); Công an TP (20); Hội Chữ thập đỏ (25); TP Thủ Đức (8); Quận 1 (39); Quận 3 (2); Quận 10 (10); Quận 11 (40); Quận 12 (10); Tân Bình (21); Tân Phú (45); Bình Thạnh (11),

65

Băng ca cứu thương

Cái

133

Quận 6 (5); Quận 7 (10); Tân Bình (4); Phú Nhuận (20); Cần Giờ (81); Bình Chánh (13),

2. Danh mục ấn phẩm, chương trình nâng cao năng lực cộng đồng

STT

Tư liệu - Ấn phẩm - Tác phẩm

Thời gian

1

Tờ bướm Tìm hiểu luật phòng, chống thiên tai - Các biện pháp cơ bản ứng phó thiên tai

31/05/2016

2

Tờ bướm Tìm hiểu luật phòng, chống thiên tai - Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp huyện trong công tác phòng, chống thiên tai

31/05/2016

3

Chương trình Phòng chống thiên tai: Tránh Thiên lôi

12/04/2018

4

Chương trình Phòng chống thiên tai: Cứu đuối nước

12/04/2018

5

Phóng sự kỷ niệm 72 năm ngày Phòng chống thiên tai Việt Nam (22/5/1946 - 22/5/2018)

18/05/2018

6

Ca khúc: Vang mãi bài ca

11/06/2018

7

Ca khúc: Cô gái đê điều

11/06/2018

8

Phim tuyên truyền: Đừng đùa với thiên tai - Bài học từ Khánh Hòa

24/11/2018

9

Tiểu phẩm: Đóng góp Quỹ Phòng chống thiên tai

01/11/2019

10

Ca khúc: Lời ru trong bão giông

20/12/2019

11

Ca dao, Tục ngữ về mưa nắng, bão lụt, thời tiết

24/12/2019

12

Sổ tay công tác phòng, chống thiên tai

24/03/2020

13

Tài liệu: Thiên tai Việt Nam năm 2017

06/05/2020

14

Tài liệu: Thiên tai Việt Nam năm 2018

06/05/2020

15

Tài liệu: Thiên tai Việt Nam năm 2019

06/05/2020

16

Tiểu mục cộng đồng phòng chống thiên tai: Phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19

15/09/2020

17

Phim: 75 năm công tác phòng, chống thiên tai - Niềm tự hào dân tộc (22/5/1946 - 22/5/2021)

21/05/2021

18

Phim: Thiên tai Việt Nam năm 2020

28/05/2021

19

Tiểu phẩm: Cũng tại chủ quan

04/07/2021

20

Tài liệu: Thiên tai Việt Nam năm 2020

03/08/2021

3. Các vị trí an toàn trên địa bàn Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện

TT

Quận, huyện

Số vị trí an toàn

1

Thành phố Thủ Đức

112

2

Huyện Cần Giờ

35

3

Huyện Nhà Bè

42

4

Huyện Bình Chánh

11

5

Huyện Củ Chi

57

6

Huyện Hóc Môn

43

7

Quận Bình Thạnh

110

8

Quận Bình Tân

41

9

Quận Gò Vấp

39

10

Quận Phú Nhuận

18

11

Quận Tân Phú

69

12

Quận Tân Bình

72

13

Quận 1

35

14

Quận 3

68

15

Quận 4

66

16

Quận 5

52

17

Quận 6

35

18

Quận 7

48

19

Quận 8

83

20

Quận 10

11

21

Quận 11

18

22

Quận 12

65

 

Tổng cộng

1.130

 

PHỤ LỤC IV

TỔNG HỢP TÌNH HÌNH THIỆT HẠI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

1. Thống kê thiệt hại thiên tai Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 - 2020

Năm 2015

 

Sạt lở

Lốc xoáy

Vụ sạt lở

Xã/Phường/ Thị trấn

Ảnh hưởng

Diện tích (m2)

Đợt lốc xoáy

Xã/Phường/ Thị trấn

Ảnh hưởng

Thành phố Thủ Đức

Sạt lở kè An Lợi Đông trên tuyến sông Sài Gòn

Thủ Thiêm

-

400

03/06

Tăng Nhơn Phú A

Nhà tốc mái, hư hỏng: 35 căn nhà, 01 trường học, 2 phòng trọ

Cây xanh ngã đổ: 01 cây xanh

Khu vực bờ tả ven sông Sài Gòn tại thửa đất số 654, tờ bản đồ số 85, tổ 19, khu phố 5

Hiệp Bình Phước

sụp 1 nhà, 1 máy xúc, 1 xe tải, 1 xe máy, 2 trụ điện

2000

Tăng Nhơn Phú B

Nhà tốc mái, hư hỏng: 30 căn nhà, 01 trường học

 

 

 

 

Hiệp Phú

Nhà tốc mái, hư hỏng: 04 căn nhà, 01 bảng quảng cáo

Cây xanh ngã đổ: 12 cây

Phước Long B

Nhà tốc mái, hư hỏng: 01 căn nhà

20/08

Tăng Nhơn Phú A

Đè sập một phần xưởng gỗ làm 01 người bị thương; tốc mái 02 căn nhà

25/05

Bình Chiểu

tốc mái 02 căn nhà (mái tole) một phần

Hiệp Bình Chánh

tốc mái 06 phòng trọ

Tam Bình

tốc mái một phần: 06 căn nhà (mái tole) và 02 phòng trọ

Linh Tây

tốc mái một phần: 01 căn nhà (mái tole)

01/07

Hiệp Bình Chánh

tốc mái một phần: 11 phòng trọ (mái tole)

Linh Đông

tốc mái một phần: 02 căn nhà (mái tole)

Tam Phú

tốc mái một phần: 01 căn nhà (mái tole)

04/09

Hiệp Bình Phước

01 người chết do bồn nước rời từ tầng 4 xuống phòng trọ

Hiệp Bình Chánh

tốc mái một phần: 06 căn nhà (mái tole); gãy đổ 01 trụ điện

Huyện Bình Chánh

 

 

 

 

17/05

Qui Đức

tốc mái 02 căn nhà (mái tole) và sập đổ 1 phần (sập đổ nhà bếp với diện tích 4x4m)

05/07

Vĩnh Lộc

tốc mái 03 căn nhà (mái tole)

08/09

Vĩnh Lộc A

tốc mái 01 căn nhà (mái tole với diện tích 4x12m)

19/09

Hưng Long

tốc mái 11 căn nhà (mái tole)

Huyện Cần Giờ

Cách thượng lưu cầu Bà Tổng khoảng 700m, bờ phải, tuyến Bà Tổng, ấp Rạch Lá

An Thới Đông

-

35

10/08

Bình Khánh

sập 01 căn nhà tạm

Sạt lở kè đá khu vực sông Nhà Bè thuộc ấp Bình Mỹ

Bình Khánh

15 m kè đá

-

30/11

Bình Khánh

sập hoàn toàn 04 căn nhà, 02 căn nhà sập 1 phần, tốc mái 09 căn nhà và sập 01 chòi canh

Huyện Củ Chi

Phía bờ phải, cách hạ lưu cầu Bến Súc khoảng 500m, ấp Phú Hiệp

Phú Mỹ Hưng

-

750

 

 

 

Phía bờ phải, cách hạ lưu cầu Bến Súc khoảng 1km, ấp Phú Hiệp

Phú Mỹ Hưng

-

200

 

 

 

Phía bờ phải, cách hạ lưu cầu Bến Súc khoảng 1,4 km, ấp Phú Hiệp

Phú Mỹ Hưng

-

200

 

 

 

Bờ phải, các hạ lưu cầu Bến Súc khoảng 4,5 km, ấp Xóm Thuốc

An Phú

-

1000

 

 

 

Huyện Nhà Bè

Khu vực bờ phải cách ngã 3 rạch Bà Chiêm về phía thượng lưu cầu Phước Kiển khoảng 280 m

Nhơn Đức

hỏng 1 phần nhà cấp 4 thiệt hại 2000m2 đầm tôm

510

09/08

Nhà Bè

Tốc mái 2 căn nhà (tường gạch, mái tôn)

Phía bờ phải rạch Ngã Tư (tuyến Tắc Mương Lớn) cách thượng lưu cầu Trạm Xá khoảng 160m, ấp 3

Hiệp Phước

85

30/11

Phú Xuân

Tốc mái 15 căn nhà (tường gạch, mái tôn)

Khu vực bờ phải sông Kinh Lộ cách cầu Kinh Lộ về phía hạ lưu 50m, ấp 3

Hiệp Phước

105

 

 

 

Khu vực bờ phải sông Kinh Lộ cách cầu Kinh Lộ về phía hạ lưu 600m, ấp 3

Hiệp Phước

1250

Khu vực bờ trái, tuyến Rạch Dơi - Sông Kinh (sông Đồng Điền) tại Km04 500, tổ 12

Long Thới

32

Phía bờ trái, tuyến sông Kinh Lộ, tổ 9, ấp 3

Hiệp Phước

800

Khu vực bờ phải sông Kinh Lộ cách cầu Kinh Lộ về phía hạ lưu 600m, ấp 3

Hiệp Phước

3

 

Năm 2016

 

Sạt lở

Mưa giông, lốc xoáy

Triều cường

 

Vụ sạt lở

Xã/ Phường /Thị trấn

Ảnh hưởng

Diện tích (m2)

Đợt lốc xoáy

Xã/ Phường /Thị trấn

Ảnh hưởng

Đợt triều cường

Ảnh hưởng

Xã/ Phường /Thị trấn

Quận 7

đoạn kè phía sau khu vực Trường Cao đẳng bán công Công nghệ và Quản trị kinh doanh với chiều dài 90 m kè đá

 

90m kè đá

-

 

 

 

 

 

 

Quận 12

 

 

 

 

 

 

 

tháng 1, 2, 10, 11, 12

bể 03 đoạn bờ bao với chiều dài 19,5m và tràn bờ tại một số đoạn bờ bao có cao trình thấp tại quận 12, quận Bình Thạnh và huyện Hóc Môn

 

Quận Bình Thạnh

 

 

 

 

 

 

 

tháng 1, 2, 10, 11, 12

bể 03 đoạn bờ bao với chiều dài 19,5m và tràn bờ tại một số đoạn bờ bao có cao trình thấp tại quận 12, quận Bình Thạnh và huyện Hóc Môn

 

Thành phố Thủ Đức

 

 

 

 

01/08

Tân Phú

bị thương nhẹ 06 người, tốc mái: 105 căn nhà, 01 trụ sở làm việc, 01 trường học, 01 chợ

 

 

 

Long Thạnh Mỹ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Huyện Bình Chánh

 

 

 

 

18/06

Lê Minh Xuân

tốc mái 04 căn nhà

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Huyện Cần Giờ

5 vụ

Bình Khánh

40 m kè đá

60

24/05

Tam Thôn Hiệp

tốc mái và hư hỏng một phần 13 căn nhà (mái tole)

 

 

 

An Thới Đông

 

 

 

Huyện Hóc Môn

 

 

 

 

 

 

 

tháng 1, 2, 10, 11, 12

bể 03 đoạn bờ bao với chiều dài 19,5m và tràn bờ tại một số đoạn bờ bao có cao trình thấp tại quận 12, quận Bình Thạnh và huyện Hóc Môn

 

Huyện Nhà Bè

4 vụ

Hiệp Phước

hư hỏng nhẹ 2 nhà

82

24/05

Hiệp Phước

sập 04 căn nhà; tốc mái 23 căn nhà (mái tole) và 01 trường học

 

 

 

27/09

Hiệp Phước

 

 

 

 

Năm 2017

 

Sạt lở

Lốc xoáy

Vụ sạt lở

Xã/Phường/Thị trấn

Ảnh hưởng

Diện tích (m2)

Đợt lốc xoáy

Xã/Phường/ Thị trấn

Ảnh hưởng

Quận 12

Tại khu đất của bà Nguyễn Lệ Mi (chủ đầu tư), phía bờ hữu sông Sài Gòn cách Cầu Phú Long mới khoảng 100m về phía hạ lưu, thuộc khu phố 2

Thạnh Lộc

 

600

 

 

 

Quận Bình Tân

 

 

 

 

18/11

 

hư hỏng 02 căn nhà (do giàn giáo ngã đổ làm hư hỏng mái tôn)

tốc mái 03 phòng trọ

Quận Gò Vấp

 

 

 

 

22/04

Phường 15

sập đổ 02 căn nhà (nhà tạm), tốc mái và hư hỏng một phần 15 căn nhà (mái tole)

18/11

Phường 15

Thành phố Thủ Đức

 

 

 

 

21/06

Linh Tây

làm tốc mái và hư hỏng một phần 258 căn nhà (mái tole), 278 phòng trọ, 12 trường học, ngã đổ 30 trụ điện

Linh Chiểu

Trường Thọ

Tam Phú

18/11

 

Huyện Bình Chánh

Khu vực tiếp giáp sông Chợ Đệm tại căn nhà có địa chỉ D10/7B, ấp 4

Tân Kiên

ảnh hưởng 1 hộ

20

22/04

Tân Nhựt

Tốc mái 3 căn nhà

Huyện Cần Giờ

Tổ 3, ấp Rạch Lá (ven sông Kinh Bà Tổng)

An Thới Đông

ảnh hưởng 1 hộ

21

 

 

 

Tuyến Tắt Ông Nghĩa thuộc ấp An Nghĩa

An Thới Đông

ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ khu đất của Trạm thủy sản An Nghĩa

440

đoạn bờ sông ấp Bình Mỹ

Bình Khánh

sập 1 căn nhà tạm

29,6

bờ kè Kênh Bà Tổng tại Tổ 21, ấp An Hòa

An Thới Đông

hư hỏng 1 phần 4 căn nhà

120

bến thủy nội địa Trần Thanh, bờ trái tuyến Tắt Ông Nghĩa, ấp An Nghĩa

An Thới Đông

 

900

Km 00 450, bờ phải tuyến kênh Bà Tổng, thuộc tổ 3, ấp Rạch Lá

An Thới Đông

ảnh hưởng 2 hộ

120

Huyện Hóc Môn

Bờ phải tuyến Rạch Tra, tại Km 05 500

Tân Hiệp

 

510

 

 

 

Huyện Nhà Bè

Tuyến rạch Giồng - Sông Kênh Lộ thuộc tổ 1, ấp 3

Hiệp Phước

chìm 01 chiếc ghe ảnh hưởng 1 hộ dân

84

 

 

 

Tuyến rạch Giồng - Sông Kênh Lộ thuộc tổ 3, ấp 4

Hiệp Phước

25 m dài đường giao thông (kết cấu bê tông) ảnh hưởng đến 01 hộ dân

500

Tuyến Rạch Giồng - sông Kinh Lộ thuộc tổ 4, ấp 3

Hiệp Phước

ảnh hưởng 8 hộ dân và tài sản liên quan

750

Bờ trái rạch Ông Lớn 2 (hạ lưu cầu Phước Lộc), thuộc ấp 3

Phước Kiển

40m kè đá

-

Tuyến Rạch Giồng - sông Kinh Lộ thuộc tổ 1, ấp 3

Hiệp Phước

-

64

 

Năm 2018

 

Sạt lở

Lốc xoáy

Bão

Vụ sạt lở

Xã/ Phường/ Thị trấn

Ảnh hưởng

Diện tích (m2)

Đợt lốc xoáy

Xã/Phường /Thị trấn

Ảnh hưởng

Ảnh hưởng

Quận 4

 

 

 

 

07/06

phường 1, 2, 3, 5, 6, 9, 12

tốc mái và hư hỏng nhẹ 12 căn nhà

cơn bão số 9 đã ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Thành phố

- Về người: chết 01 người và bị thương nhẹ 02 người (do cây xanh ngã đổ gây tai nạn khi đang di chuyển trên đường);

- Về cơ sở vật chất: sập 06 căn nhà (nhà tạm); hư hỏng và tốc mái 14 căn nhà; ngã đổ 223 cây xanh, ngã đổ 01 trụ điện; hư hỏng 02 chiếc xe ô tô, 02 chiếc xe máy và thiệt hại 55ha vườn xoài.

Quận Bình Tân

 

 

 

 

27/05

Tân Tạo

chết 01 người, bị thương 01 người; tốc mái và hư hỏng nhẹ 06 căn nhà

 

 

 

 

 

Tân Tạo A

 

 

 

 

10/08

Bình Trị Đông A

Quận Gò Vấp

 

 

 

 

26/05

Phường 15

tốc mái và hư hỏng nhẹ 02 căn nhà, gãy đổ 01 trụ điện

Phường 17

Thành phố Thủ Đức

1 vụ

 

40 m kè đá

1200

 

 

 

Huyện Cần Giờ

5 vụ

Bình Khánh

An Thới Đông

sụp hoàn toàn 02 căn nhà, hư hỏng 02 căn nhà 160m kè đá ảnh hưởng 13 hộ dân

2070

07/06

An Thới Đông

Bình Khánh

sập đổ và hư hỏng hoàn toàn 01 căn nhà, tốc mái và hư hỏng nhẹ 05 căn nhà

Huyện Nhà Bè

Bờ phải rạch Ông Lớn 2, thuộc ấp 3

Long Thới

-

8820

 

 

 

 

Năm 2019

 

Sạt lở

Mưa giông, lốc xoáy

Triều cường

Vụ sạt lở

Xã/Phường/ Thị trấn

Ảnh hưởng

Diện tích (m2)

Đợt lốc xoáy

Xã/Phường/Thị trấn

Ảnh hưởng

Đợt triều cường

Ảnh hưởng

Phường /xã/thị trấn

Quận 8

21/05

 

sạt lở 36m kè đá

208,8

 

 

 

tháng 9/2019, sự cố tràn nước qua đoạn hở tường kè khoảng 3m (kênh Lò Gốm)

vỡ đoạn bờ bao chắn nước (30m) nằm phía trong kè

ảnh hưởng 200 hộ dân

phường 15

Thành phố Thủ Đức

 

 

 

 

03/06

An Khánh

Bình Anh

Đổ 8 cây xanh

Tốc mái và hư hỏng nhẹ 3 căn nhà

 

 

 

Huyện Cần Giờ

16/10

 

4 hộ dân

48

 

 

 

 

 

 

Huyện Củ Chi

 

 

 

 

31/07

Trung Lập Hạ

Bình Mỹ

TT. Củ Chi

Đổ 14 cây xanh

Tốc mái 4 căn nhà

 

 

 

Huyện Nhà Bè

02/10

 

7 hộ dân

80

 

 

 

 

 

 

 

Năm 2020

 

Sạt lở

 

Mưa giông, lốc xoáy

Triều cường

Vụ sạt lở

Xã/ Phường /Thị trấn

Ảnh hưởng

Diện tích (m2)

Đợt lốc xoáy

Xã/Phường /Thị trấn

Ảnh hưởng

Đợt triều cường

Ảnh hưởng

Phường/xã/ thị trấn

Quận 4

 

 

 

 

 

 

 

tháng 2- 10-11-12

Ngập úng đường Hoàng Diệu, Vĩnh Khánh, Vĩnh Hội, Tân Vĩnh, Trương Đình Hợi, Nguyễn Thần Hiến, Tôn Đản, Tôn Thất Thuyết

 

Quận 6

 

 

 

 

31/10

Phường 10

tốc mái và sập 01 dãy tường của 08 phòng trọ

tốc mái tole 01 dãy 05 phòng học,

10 phòng học bị vỡ cửa kính, la phông và hư hại một số trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy của trường THPT Bình Phú

đổ 65 cây xanh

 

 

 

Quận 7

 

 

 

 

 

 

 

tháng 2- 10-11-12

Ngập úng đường Phạm Hữu Lầu, đường Trần Xuân Soạn

 

Quận 8

 

 

 

 

 

 

 

tháng 2- 10-11-12

Ngập úng đường Phú Định

 

Quận 10

 

 

 

 

13/06

Phường 11, 15

ngã đổ 13 cây xanh, 1 người chết

 

 

 

 

 

 

 

24/09

Phường 5

đổ 1 cây xanh, 1 người chết, hỏng 1 xe gắn máy

 

 

 

Quận 12

 

 

 

 

 

 

 

tháng 2- 10-11-12

tràn đê bao, bờ bao tại các vị trí xung yếu thuộc Dự án Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn

 

Quận Bình Tân

 

 

 

 

 

 

 

tháng 2- 10-11-12

Ngập úng đường số 7, phường Bình Trị Đông B; đường số 1, khu phố 5, phường Tân Tạo A; đường Hồ Học Lãm, khu dân cư Nam Hùng Vương, khu dân cư Hương lộ 5, đường Lê Tấn Bê, đường Võ Văn Kiệt, phường An Lạc

Bình Trị Đông B

 

 

 

 

Tân Tạo A

 

 

 

 

An Lạc

Quận Bình Thạnh

 

 

 

 

 

 

 

tháng 2- 10-11-12

tràn bờ tại các vị trí chưa xây dựng kè thuộc dự án Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa và các tuyến bờ bao nội đồng bên trong

Ngập úng đường Bình Quới, phường 28

Phường 28

Quận Gò Vấp

 

 

 

 

19/05

Phường 10, 11, 12, 14, 17

tốc mái 01 căn nhà, ngã đổ 02 cây xanh

 

 

 

07/08

Phường 17

đổ 01 cây xanh, hỏng 6m cống thoáng nước

Thành phố Thủ Đức

 

 

 

 

 

 

 

tháng 2- 10-11-12

tràn bờ tại một số tuyến bờ bao, cống ngăn triều xung yếu

Ngập úng đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền; đường số 2 và đường số 12, phường An Phú; đường số 21 đoạn tiếp giáp sông Đồng Nai, phường Thạnh Mỹ Lợi

An Phú

Thạnh Mỹ Lợi

Huyện Bình Chánh

bờ phải sông Chợ Đệm - Bến Lức (cách thượng lưu cầu Chợ Đệm khoảng 500m)

Tân Kiên

1 hộ dân

20

 

 

 

tháng 2- 10-11-12

tràn bờ tại một số tuyến bờ bao, cống ngăn triều xung yếu

Ngập úng đường Quốc Lộ 50 - đoạn từ đường số 10 đến đường Nguyễn Văn Linh

 

Huyện Cần Giờ

bờ trái tuyến Tắc Sông Chà (cách thượng lưu cầu Sông Chà khoảng 95m)

Bình Khánh

-

2000

30/06

Cần Thạnh

tốc mái 02 căn nhà và 10 phòng trọ

 

 

 

03/08

Cần Thạnh

 

 

 

Huyện Củ Chi

bờ phải sông Sài Gòn (cách thượng lưu cầu Bến Súc khoảng 500m)

Phú Mỹ Hưng

 

450

 

 

 

tháng 2- 10-11-12

tràn đê bao, bờ bao tại các vị trí xung yếu thuộc Dự án Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn

 

Huyện Hóc Môn

 

 

 

 

 

 

 

tháng 2- 10-11-12

tràn đê bao, bờ bao tại các vị trí xung yếu thuộc Dự án Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn

 

Huyện Nhà Bè

 

 

 

 

07/06

Hiệp Phước

tốc mái, hư hỏng 14 căn nhà, 01 tivi và 01 tủ lạnh

tháng 2- 10-11-12

ngập úng đường Lê Văn Lương, Đào Sư Tích

 

02/08

Hiệp Phước

 

2. Thống kê thiệt hại thiên tai Thành phố Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2021

 

Sạt lở

Mưa giông, lốc xoáy

Vụ sạt lở

Xã/Phường/Thị trấn

Ảnh hưởng

Diện tích (m2)

Đợt lốc xoáy

Xã/Phường/Thị trấn

Ảnh hưởng

Thành phố Thủ Đức

1

Km06 700 bờ phải tuyến sông Tắc phường Trường Thạnh

 

200

 

 

 

Huyện Cần Giờ

27/06

ấp An Phước, xã Tam Thôn Hiệp

62m kè

620

05/05

xã An Thới Đông

tốc mái, hư hỏng 04 căn nhà

29/06

ấp Bình Lợi, xã Bình Khánh

5m kè đá

300

 

 

 

Quận 8

 

 

 

 

06/05

 

tốc mái 11 căn nhà, hư hỏng 02 trụ điện, ngã đổ 10 cây xanh

 

PHỤ LỤC V

XÁC ĐỊNH, ĐÁNH GIÁ RỦI RO THIÊN TAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

1. Kết quả tính toán mức độ dễ bị tổn thương

STT

Quận, huyện

Chỉ số tính dễ bị tổn thương

Mức dễ bị tổn thương

1

Quận 1

3,71

5

2

Quận 12

3,58

5

3

Thành phố Thủ Đức (KV3 - Quận Thủ Đức cũ)

2,68

2

4

Thành phố Thủ Đức (KV2 - Quận 9 cũ)

2,57

2

5

Quận Gò Vấp

2,54

2

6

Quận Bình Thạnh

3,38

4

7

Quận Tân Bình

2,98

3

8

Quận Tân Phú

2,58

2

9

Quận Phú Nhuận

2,88

2

10

Thành phố Thủ Đức (KV1 - Quận 2 cũ)

3,14

3

11

Quận 3

2,83

2

12

Quận 10

2,50

1

13

Quận 11

3,21

4

14

Quận 4

3,51

5

15

Quận 5

3,33

4

16

Quận 6

3,37

4

17

Quận 8

3,28

4

18

Quận Bình Tân

2,70

2

19

Quận 7

2,81

2

20

Huyện Củ Chi

3,29

4

21

Huyện Hóc Môn

3,58

5

22

Huyện Bình Chánh

2,92

3

23

Huyện Nhà Bè

2,36

1

24

Huyện Cần Giờ

2,93

3

2. Kết quả tính toán rủi ro

Bảng 1: Kết quả tính toán rủi ro do ngập lụt

Quận/huyện

Cấp độ rủi ro

Quận/huyện

Cấp độ rủi ro

Huyện Bình Chánh

Cao

Quận 6

Rất cao

Huyện Củ Chi

Rất cao

Quận 7

Trung bình

Huyện Cần Giờ

Cao

Quận 8

Rất cao

Huyện Hóc Môn

Rất cao

Quận Bình Tân

Trung bình

Huyện Nhà Bè

Thấp

Quận Bình Thạnh

Rất cao

Quận 1

Rất cao

Quận Gò Vấp

Trung bình

Quận 10

Thấp

Quận Phú Nhuận

Trung bình

Quận 11

Rất cao

Quận Tân Bình

Cao

Quận 12

Rất cao

Quận Tân Phú

Trung bình

Quận 3

Trung bình

Thành phố Thủ Đức (Quận 2 cũ)

Cao

Quận 4

Rất cao

Thành phố Thủ Đức (Quận 9 cũ)

Trung bình

Quận 5

Rất cao

Thành phố Thủ Đức (Quận Thủ Đức cũ)

Trung bình

 

Bảng 2: Kết quả tính toán rủi ro do ngập lụt

TT

Quận/huyện

Cấp độ RR - Diện tích

Thấp (ha)

Trung bình (ha)

Cao (ha)

1

Huyện Bình Chánh

20795,27

4472,47

14,84

2

Huyện Củ Chi

 

42647,70

600,00

3

Huyện Cần Giờ

2762,46

38776,14

1444,46

4

Huyện Hóc Môn

 

9885,15

968,11

5

Huyện Nhà Bè

7079,66

1012,28

 

6

Quận 1

 

753,45

 

7

Quận 10

571,58

 

 

8

Quận 11

 

512,82

 

9

Quận 12

 

4723,39

447,15

10

Quận 3

492,54

 

 

11

Quận 4

 

388,92

 

12

Quận 5

 

427,60

 

13

Quận 6

 

716,03

 

14

Quận 7

2838,49

141,96

 

15

Quận 8

 

1895,98

11,10

16

Quận Bình Tân

5037,57

161,67

 

17

Quận Bình Thạnh

 

1660,14

202,79

18

Quận Gò Vấp

1845,43

123,51

 

19

Quận Phú Nhuận

491,34

 

 

20

Quận Tân Bình

2228,08

17,47

 

21

Quận Tân Phú

1600,48

0,77

 

22

Thành phố Thủ Đức - KV1 (Quận 2 cũ)

1854,89

2188,08

320,05

23

Thành phố Thủ Đức - KV2 (Quận 9 cũ)

6521,68

3721,43

 

24

Thành phố Thủ Đức - KV3 (Quận Thủ Đức cũ)

4300,72

318,76

 

 

Bảng 3: Kết quả tính toán rủi ro do sạt lở

Tên điểm sạt lở

Vị trí điểm sạt lở

Chỉ số rủi ro

Cấp rủi ro

1

Huyện Nhà Bè

3

Thấp

10

Huyện Cần Giờ

4

Trung bình

11

Huyện Cần Giờ

5

Trung bình

12

Huyện Cần Giờ

5

Trung bình

13

Huyện Cần Giờ

4

Trung bình

14

Huyện Cần Giờ

4

Trung bình

15

Huyện Cần Giờ

4

Trung bình

16

Huyện Cần Giờ

4

Trung bình

17

Huyện Bình Chánh

5

Trung bình

18

Huyện Bình Chánh

4

Trung bình

19

Huyện Bình Chánh

5

Trung bình

2

Huyện Nhà Bè

3

Thấp

20

TP Thủ Đức

4

Trung bình

21

TP Thủ Đức

4

Trung bình

22

TP Thủ Đức

5

Trung bình

23

TP Thủ Đức

5

Trung bình

24

TP Thủ Đức

5

Trung bình

25

TP Thủ Đức

4

Trung bình

26 27 28

Quận Bình Thạnh

6

Trung bình

29

Quận Bình Thạnh

5

Trung bình

3

Huyện Nhà Bè

2

Thấp

30

TP Thủ Đức

3

Thấp

31

TP Thủ Đức

3

Thấp

32

TP Thủ Đức

3

Thấp

33

Quận 8

5

Trung bình

34

Huyện Hóc Môn

6

Trung bình

35

Huyện Hóc Môn

6

Trung bình

4

Huyện Nhà Bè

3

Thấp

5

Huyện Nhà Bè

3

Thấp

6

Huyện Nhà Bè

2

Thấp

7

Huyện Nhà Bè

2

Thấp

8

Huyện Nhà Bè

2

Thấp

9

Huyện Nhà Bè

2

Thấp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1337/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 1337/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/04/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Văn Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản