Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO

*******

Số: 69/2004/LPQT

 

 

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2004

 

Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ma-lai-xi-a về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực từ ngày 21 tháng 4 năm 2004./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Anh

 

BẢN GHI NHỚ

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ MA-LAI-XI-A VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

 

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ma-lai-xi-a (sau đây gọi riêng lẻ là “mỗi Bên”, và gọi chung là “hai Bên”);

Mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục;

Đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục như là một nhân tố phát triển kinh tế cũng như một biện pháp nhằm đẩy mạnh mối quan hệ giữa hai dân tộc;

Tin tưởng rằng việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục sẽ có lợi cho cả hai Bên;

Đã đồng ý thỏa thuận những điều khoản sau:

Điều 1. Mục tiêu

Mục tiêu của Bản ghi nhớ này là thúc đẩy việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục để phát triển và trao đổi tri thức vì mục đích hai Bên cùng có lợi. Đối với vấn đề này, hai Bên đã thỏa thuận thiết lập một mối liên hệ học thuật.

Điều 2. Lĩnh vực hợp tác

Để thực hiện mục tiêu của Bản ghi nhớ này, mỗi Bên sẽ:

(a) tiến hành tạo điều kiện cho việc trao đổi các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia và sinh viên cho các chương trình vì lợi ích của cả hai Bên. Việc trao đổi này bao gồm giảng dạy, nghiên cứu mà kết quả sẽ là báo cáo hay ấn phẩm chung hoặc tham quan khảo sát;

(b) thực hiện việc cấp học bổng cho sinh viên học tập tại các trường đại học được công nhận ở hai nước;

(c) tiến hành phát triển các chương trình hợp tác song phương giữa các trường đại học hàng đầu trong các lĩnh vực đạo tạo nghề, kỹ thuật và đào tạo đại học cả hai Bên cùng có lợi;

(d) tiến hành việc khuyến khích đào tạo các nhà quản lý giáo dục và giáo viên;

(e) nghiên cứu khả năng chuyển đổi tín chỉ và các chương trình tương đương giữa các trường đại học được công nhận ở hai nước và khả năng công nhận học vị, các bằng cấp về đào tạo nghề và đào tạo chuyên nghiệp của nhau;

(f) khuyến khích việc trao đổi tài liệu khoa học, trang thiết bị dạy học, thông tin và các tài liệu hướng dẫn cũng như việc tổ chức các cuộc triển lãm và hội thảo có tính chất chuyên môn;

(g) hỗ trợ việc giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực công nghệ thông tin, máy tính, toán học và khoa học;

(h) thực hiện các hình thức hợp tác khác mà đã được hai Bên cùng quyết định.

Điều 3. Sắp xếp chương trình

Chi tiết cụ thể về bất cứ chương trình trao đổi nào sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục Ma-lai-xi-a sắp xếp và phải được sự chấp thuận của cả hai Bên, với điều kiện là việc trao đổi giáo viên, sinh viên hay tài liệu trên cơ sở có đi có lại, những không nhất thiết phải tiến hành đồng thời.

Điều 4. Chi phí

Chi phí cho các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này sẽ được cấp dưới hình thức được hai Bên cùng quyết định và tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi Bên.

Điều 5. Nhóm công tác chung

Hai Bên sẽ cùng thành lập Nhóm công tác chung để thực hiện Bản ghi nhớ này. Thay mặt cho Chính phủ Việt Nam trong Nhóm công tác gồm một Trưởng nhóm là đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với sự tham gia của các cơ quan hữu quan thích hợp. Thay mặt cho Chính phủ Ma-lai-xi-a trong Nhóm công tác gồm một Trưởng nhóm là đại diện Bộ Giáo dục Ma-lai-xi-a với sự tham gia của các cơ quan hữu quan thích hợp. Nhóm công tác chung sẽ nhóm họp định kỳ ít nhất một lần một năm hoặc do hai Bên tự quyết định để đánh giá việc thực hiện Bản ghi nhớ này.

Điều 6. Tính phù hợp với luật pháp

Bản ghi nhớ này được thực hiện phù hợp với các chính sách quốc gia, luật pháp và các quy định hiện hành của mỗi Bên, đồng thời phải phù hợp với các cam kết quốc tế được quy định trong các điều ước quốc tế mà mỗi Bên là thành viên.

Điều 7. Bảo mật

Trong khi thực hiện Bản ghi nhớ này, mỗi Bên sẽ tiến hành việc bảo mật các tài liệu, thông tin và các dữ liệu khác nhận được từ phía đối tác.

Điều 8. Quyền sở hữu trí tuệ

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ được thực thi phù hợp với điều luật và quy tắc quốc tế hiện hành.

Việc sử dụng tên, phù hiệu hoặc biểu trưng hay bất cứ loại hình nào khác của mỗi Bên để xuất bản, dùng trong tài liệu hay bài viết đều bị cấm dưới mọi hình thức nếu như chưa được phép của phía đối tác.

Điều 9. Tạm ngừng thi hành

Mỗi Bên có quyền, với lý do an ninh luật quốc gia, y tế hay trật tự công cộng tạm ngừng việc thực hiện một phần hay toàn bộ Bản ghi nhớ. Việc tạm ngừng thực hiện này sẽ có hiệu lực ngay sau ba mươi (30) ngày kể từ ngày một Bên nhận được thông báo bằng văn bản của Bên kia về ý định tạm ngừng thực hiện Bản ghi nhớ thông qua đường ngoại giao.

Điều 10. Bổ sung và sửa đổi

Bất cứ Bên nào đều có thể đề nghị bằng văn bản để bổ sung hay sửa đổi đối với Bản ghi nhớ này. Bất cứ việc bổ sung hay sửa đổi nào đều phải được làm bằng văn bản và là một phần cấu thành của Bản ghi nhớ này. Việc bổ sung hay sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày do hai Bên cùng quyết định.

Điều 11. Giải quyết tranh chấp

Bất cứ tranh chấp nào phát sinh trong việc giải thích và áp dụng các điều khoản của Bản ghi nhớ này sẽ được giải quyết bằng hòa giải thông qua thương lượng và đàm phán giữa hai Bên mà không phải thông qua bất cứ bên thứ ba nào hay thông qua Trọng tài quốc tế.

Điều 12. Ngày hiệu lực, thời hạn hiệu lực và chấm dứt hiệu lực

(a) Bản ghi nhớ này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký. Bản ghi nhớ có giá trị trong thời hạn là năm (05) năm, trừ khi một Bên thông báo bằng văn bản ý định chấm dứt Bản ghi nhớ này cho Bên kia, thông qua đường ngoại giao, ít nhất sáu (06) tháng trước thời điểm Bên đó muốn Bản ghi nhớ chấm dứt hiệu lực.

(b) Bản ghi nhớ này sẽ được tự động gia hạn thêm năm (05) năm tiếp theo, trừ khi một Bên thông báo bằng văn bản ý định chấm dứt Bản ghi nhớ này cho Bên kia, thông qua đường ngoại giao, ít nhất sáu (06) tháng trước khi Bản ghi nhớ chấm dứt hiệu lực. Mỗi Bên có quyền chấm dứt hiệu lực Bản ghi nhớ bằng văn bản thông báo cho Bên kia ít nhất sáu (06) tháng trước thời điểm Bên đó muốn Bản ghi nhớ chấm dứt hiệu lực.

(c) Việc Bản ghi nhớ này chấm dứt hiệu lực sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các Bên phát sinh theo quy định của Bản ghi nhớ này trước ngày Bản ghi nhớ chấm dứt hiệu lực.

Để làm bằng, những người được Chính phủ hai Bên ủy quyền đầy đủ, đã ký Bản ghi nhớ này.

Làm tại Putrajaya ngày 21 tháng 4 năm 2004 thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Malay và tiếng Anh; các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng để đối chiếu./.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ MA-LAY-XI-A
BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC




Dato’ Hishammuddin Tun Hussein

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO




Nguyễn Minh Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Bản ghi nhớ số 69/2004/LPQT về việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ma-lai-xi-a

  • Số hiệu: 69/2004/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 02/08/2004
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Minh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: 21/04/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản