Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 13/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2013

 

THÔNG TƯ1

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THUẾ ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ VIỆT NAM ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI

Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 3 năm 2010, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 104/2011/TT-BTC ngày 12 tháng 7 năm 2011 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 8 năm 2011.

Căn cứ các Luật, Pháp lệnh về thuế hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các Luật, Pháp lệnh về thuế;

Căn cứ Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2007 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính2;

Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư Việt Nam ra nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ (dưới đây gọi chung là Nghị định số 78/2006/NĐ-CP) và Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25/7/2007 của Chính phủ (dưới đây gọi chung là Nghị định số 121/2007/NĐ-CP) như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về nghĩa vụ thuế đối với các nhà đầu tư Việt Nam nêu tại Điều 2 Nghị định số 78/2006/NĐ-CP và tại Điều 2 Nghị định số 121/2007/ NĐ-CP được phép đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 78/2006/NĐ-CP và Nghị định số 121/2007/NĐ-CP.

2. Trường hợp tại Điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam ký kết hoặc tham gia có liên quan về đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư Việt Nam có quy định về thuế khác với hướng dẫn tại Thông tư này thì nghĩa vụ thuế thực hiện theo các điều ước quốc tế đã ký kết.

Điều 2. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

1. Đối với hàng hóa xuất khẩu

1.1.3 Máy móc, thiết bị, bộ phận rời, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu do nhà đầu tư xuất khẩu ra nước ngoài để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư tại nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành.

Đối với các trường hợp được miễn thuế xuất khẩu theo quy định hồ sơ nộp cho cơ quan hải quan để miễn thuế xuất khẩu thực hiện theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.

1.2. Hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức tạm xuất, tái nhập để thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài, khi xuất khẩu thực hiện kê khai, nộp thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, nếu tái nhập thì không phải nộp thuế nhập khẩu và được xét hoàn lại số thuế xuất khẩu đã nộp (nếu có) tương ứng với số hàng hóa thực tế đã tái nhập khẩu.

2. Đối với hàng hóa nhập khẩu

2.1.4 Máy móc, thiết bị, bộ phận rời xuất khẩu ra nước ngoài để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư tại nước ngoài, khi thanh lý hoặc kết thúc dự án nếu được nhập khẩu trở lại vào Việt Nam thì được xét hoàn thuế xuất khẩu đã nộp (nếu có) tương ứng với số lượng hàng hóa thực tế tái nhập và không phải nộp thuế nhập khẩu.

Hồ sơ nộp cho cơ quan Hải quan để được xét hoàn thuế xuất khẩu đã nộp (nếu có) và không thu thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2.2. Hàng hóa được chia khi thanh lý hoặc kết thúc dự án đầu tư tại nước ngoài do đầu tư bằng tiền; hàng hóa là phần được chia doanh thu hoặc lợi nhuận của dự án đầu tư tại nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam là đối tượng áp dụng thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

2.3. Mẫu vật, tài liệu kỹ thuật (băng từ, băng giấy và các tài liệu khác) nhập khẩu nhằm mục đích nghiên cứu, phân tích để việc thực hiện dự án dầu khí đầu tư tại nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu.

Hồ sơ nộp cho cơ quan Hải quan để miễn thuế nhập khẩu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2.4. Thiết bị, vật tư chuyên dụng cho hoạt động dầu khí mà trong nước chưa sản xuất được khi tạm nhập khẩu để gia công, chế biến thành sản phẩm sau đó tái xuất khẩu để thực hiện theo hợp đồng ký với đại diện có thẩm quyền của dự án dầu khí đầu tư tại nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu, khi xuất khẩu sản phẩm được miễn thuế xuất khẩu.

Nội dung thực hiện cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Việc xác định thiết bị, vật tư chuyên dùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được căn cứ vào Danh mục vật tư, thiết bị phục vụ hoạt động dầu khí trong nước đã sản xuất được do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.

Điều 3. Thuế giá trị gia tăng

1. Hàng hóa là máy móc, thiết bị, bộ phận rời và vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu (trừ tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa qua chế biến thành sản phẩm khác) xuất khẩu ra nước ngoài để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư tại nước ngoài được áp dụng thuế giá trị gia tăng với thuế suất 0%, được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như hàng hóa xuất khẩu theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hàng hóa xuất khẩu quy định tại khoản này để được khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào phải đáp ứng các điều kiện về thủ tục, hồ sơ như quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Riêng điều kiện hợp đồng bán hàng hóa ký với nước ngoài và chứng từ thanh toán tiền hàng hóa được thay bằng Danh mục hàng hóa xuất khẩu để thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài do doanh nghiệp tự kê khai (ghi cụ thể, chủng loại, số lượng và trị giá hàng hóa).

2. Hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức tạm xuất, tái nhập để thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với doanh nghiệp ở nước ngoài được áp dụng theo hình thức tạm xuất - tái nhập, tạm nhập - tái xuất thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu.

Hồ sơ, thủ tục để xác định và xử lý không thu thuế giá trị gia tăng trong các trường hợp này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Hàng hóa là máy móc, thiết bị, bộ phận rời xuất khẩu ra nước ngoài để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư ra nước ngoài, khi thanh lý hoặc kết thúc dự án nếu được phép nhập khẩu trở lại Việt Nam; hàng hóa được chia khi thanh lý hoặc kết thúc dự án đầu tư tại nước ngoài do đầu tư bằng tiền; hàng hóa là phần được chia doanh thu hoặc lợi nhuận của dự án đầu tư tại nước ngoài, nhập khẩu vào Việt Nam, là đối tượng áp dụng thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành như đối với hàng hóa nhập khẩu thông thường khác.

Điều 4. Thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nước ngoài, thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư (nếu có), Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành, kể cả trường hợp doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của nước nhận đầu tư.

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để tính và kê khai thuế đối với các khoản thu nhập từ nước ngoài là 25%, không áp dụng mức thuế suất ưu đãi (nếu có) mà doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đang được hưởng theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

2. Trường hợp khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài đã chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (hoặc một loại thuế có bản chất tương tự như thuế thu nhập doanh nghiệp) ở nước ngoài, khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài hoặc đã được đối tác nước tiếp nhận đầu tư trả thay (kể cả thuế đối với tiền lãi cổ phần), nhưng số thuế được trừ không vượt quá số thuế thu nhập tính theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam. Số thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được miễn, giảm đối với phần lợi nhuận được hưởng từ dự án đầu tư ở nước ngoài theo luật pháp của nước doanh nghiệp đầu tư cũng được trừ khi xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam (không phải tính nộp thuế).

Ví dụ 1: Trong năm tài chính 2009 Doanh nghiệp Việt Nam A có một khoản thu nhập phát sinh từ dự án đầu tư tại nước ngoài là 1.000 triệu đồng. Số thuế thu nhập phải nộp tính theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của nước doanh nghiệp đầu tư trong trường hợp không được hưởng ưu đãi thuế là 200 triệu đồng. Do doanh nghiệp đang thuộc diện được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của nước nhận đầu tư nên số thuế thực tế doanh nghiệp nộp tại nước đầu tư là 100 triệu đồng.

Số thuế thu nhập doanh nghiệp doanh nghiệp Việt Nam A phải nộp tính theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam như sau:

1.000 triệu đồng x 25% = 250 triệu đồng

Số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp (sau khi đã trừ số thuế đã nộp tại nước doanh nghiệp đầu tư) là:

250 triệu đồng - 200 triệu đồng = 50 triệu đồng

Ví dụ 2: Trong năm tài chính 2009 Doanh nghiệp Việt Nam A có khoản thu nhập 660 triệu đồng từ dự án đầu tư tại nước ngoài. Khoản thu nhập này là thu nhập còn lại sau khi đã nộp thuế thu nhập tại nước doanh nghiệp đầu tư. Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và đã nộp theo quy định của nước doanh nghiệp đầu tư là 340 triệu đồng.

Phần thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài của doanh nghiệp phải kê khai và nộp thuế thu nhập theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam như sau:

[(660 triệu đồng + 340 triệu đồng) x 25%] = 250 triệu đồng

Trong trường hợp này do số thuế phải kê khai và nộp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam (250 triệu đồng) thấp hơn số thuế Doanh nghiệp Việt Nam A đã nộp theo quy định của Luật nước đầu tư (340 triệu đồng) nên Doanh nghiệp Việt Nam A không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập có được do thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài khi kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, Doanh nghiệp Việt Nam A không được bù trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam đối với số thuế đã nộp tại nước doanh nghiệp đầu tư vượt quá số thuế tính theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 90 triệu đồng (340 - 250 = 90).

3.15. Thủ tục kê khai và nộp thuế đối với khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài

a.1. Hồ sơ đính kèm khi kê khai và nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đối với khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài bao gồm:

- Văn bản của doanh nghiệp về việc phân chia lợi nhuận của dự án đầu tư tại nước ngoài hoặc xác nhận của chủ doanh nghiệp về mức phân chia lợi nhuận của dự án đầu tư ra nước ngoài: xuất trình bản chính, nộp 01 bản sao có xác nhận, đóng dấu của doanh nghiệp;

- Báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được tổ chức kiểm toán độc lập/cơ quan thuế, tài chính tại nước đầu tư xác nhận (nếu nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư có tổ chức kiểm toán độc lập) hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền tại nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư: xuất trình bản chính, nộp 01 bản sao có xác nhận, đóng dấu của doanh nghiệp;

- Tờ khai thuế thu nhập của doanh nghiệp thuộc dự án đầu tư tại nước ngoài có xác nhận của đại diện có thẩm quyền của dự án đầu tư tại nước ngoài: xuất trình bản chính, nộp 01 bản sao có xác nhận, đóng dấu của doanh nghiệp;

- Biên bản quyết toán thuế đối với doanh nghiệp (nếu có): xuất trình bản chính, nộp 01 bản sao có xác nhận, đóng dấu của doanh nghiệp;

- Xác nhận số thuế đã nộp, số thuế được trả thay, số thuế được miễn, giảm của cơ quan thuế tại nước ngoài hoặc chứng từ chứng minh số thuế đã nộp, số thuế được trả thay, số thuế được miễn, giảm ở nước ngoài: xuất trình bản chính, nộp 01 bản sao có xác nhận, đóng dấu của doanh nghiệp.

- Phụ lục số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp ở nước ngoài được trừ trong kỳ tính thuế theo mẫu số 03-4/TNDN (Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ).

Trường hợp dự án đầu tư tại nước ngoài chưa phát sinh thu nhập chịu thuế (hoặc đang phát sinh lỗ), khi kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chỉ phải nộp Báo cáo tài chính có xác nhận của cơ quan kiểm toán độc lập hoặc của cơ quan có thẩm quyền của nước doanh nghiệp đầu tư và Tờ khai thuế thu nhập của dự án đầu tư tại nước ngoài có xác nhận của đại diện có thẩm quyền của dự án đầu tư tại nước ngoài (xuất trình bản chính và nộp 01 bản sao có xác nhận, đóng dấu của doanh nghiệp). Số lỗ phát sinh từ dự án đầu tư ở nước ngoài không được trừ vào số thu nhập phát sinh của doanh nghiệp trong nước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

a.2. Trách nhiệm của cơ quan thuế:

Cơ quan thuế có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau: Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì trong ba ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, có văn bản trả lời (nêu rõ lý do);

Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì trong mười ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, thực hiện kiểm tra đối chiếu các tài liệu, chứng từ trong hồ sơ với nội dung quy định tại Thông tư số 104/2011/TT-BTC để xác định số thuế phải nộp, tính thống nhất và chính xác của hồ sơ và hướng dẫn doanh nghiệp khai nộp thuế theo quy định tại Thông tư này và hướng dẫn tại Thông tư số 104/2011/TT-BTC.

3.2. Trường hợp dự án đầu tư tại nước ngoài phải chấm dứt hoạt động có phát sinh khoản lỗ chưa được bù trừ hết mà doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu thì doanh nghiệp Việt Nam được kê khai, bù trừ số lỗ này vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp Việt Nam từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp theo phù hợp với quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận khoản lỗ chưa được bù trừ hết quy định tại khoản này.

Số lỗ được chuyển bằng số vốn đầu tư ra nước ngoài đã giải ngân, tối đa không vượt quá số vốn đã thực hiện đầu tư ra nước ngoài để hoạt động đầu tư theo Giấy chứng nhận/Giấy phép đầu tư ra nước ngoài (hoặc Giấy chứng nhận/Giấy phép đầu tư điều chỉnh tại thời điểm gần nhất trong trường hợp dự án đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận/Giấy phép đầu tư) do Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp.

a.1. Hồ sơ đính kèm khi kê khai và quyết toán thuế của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đối với khoản lỗ từ dự án đầu tư tại nước ngoài bao gồm:

- Công văn đề nghị của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài: nộp 01 bản chính;

- Giấy chứng nhận/Giấy phép đầu tư ra nước ngoài (hoặc Giấy chứng nhận/ Giấy phép đầu tư điều chỉnh tại thời điểm gần nhất trong trường hợp dự án đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận/Giấy phép đầu tư) do Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp cho doanh nghiệp theo quy định: xuất trình bản chính, nộp 01 bản sao;

- Giấy tờ xác nhận về việc tổ chức kinh tế tại nước ngoài bị chấm dứt hoạt động: xuất trình bản chính, nộp 01 bản sao;

- Báo cáo tài chính trong 3 năm gần nhất kể từ năm tài chính thực hiện thanh lý dự án của tổ chức kinh tế ở nước ngoài đã được tổ chức kiểm toán độc lập/cơ quan thuế, tài chính tại nước đầu tư xác nhận và báo cáo tài chính (nếu nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư có tổ chức kiểm toán độc lập) hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền tại nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư. Trường hợp chưa thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài đủ 03 năm thì doanh nghiệp nộp toàn bộ các Báo cáo tài chính kể từ thời điểm hoạt động đến khi chấm dứt dự án đầu tư ở nước ngoài: xuất trình bản chính, nộp 01 bản sao;

- Hợp đồng thanh lý dự án đầu tư tại nước ngoài và các tài liệu chứng minh cho các giao dịch thanh lý diễn ra tại nước ngoài: xuất trình bản chính, nộp 01 bản sao;

- Tờ khai thuế thu nhập của doanh nghiệp thuộc dự án đầu tư tại nước ngoài có xác nhận của đại diện có thẩm quyền của dự án đầu tư tại nước ngoài: xuất trình bản chính, nộp 01 bản sao;

- Biên bản quyết toán thuế đối với doanh nghiệp (nếu có): xuất trình bản chính, nộp 01 bản sao;

- Xác nhận số thuế đã nộp, số thuế được trả thay, số thuế được miễn, giảm, của cơ quan thuế tại nước ngoài hoặc chứng từ chứng minh số thuế đã nộp, số thuế được trả thay, số thuế được miễn, giảm ở nước ngoài, số lỗ đã được chuyển, số lỗ chưa được chuyển của hoạt động kinh doanh của các năm tài chính trước.

a.2. Trách nhiệm của cơ quan thuế: Cơ quan thuế có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

a.2.1. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì trong ba ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, có văn bản trả lời (nêu rõ lý do);

a.2.2. Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì trong mười ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, thực hiện kiểm tra đối chiếu các tài liệu, chứng từ trong hồ sơ với nội dung hướng dẫn tại Thông tư này để xác định số lỗ được chuyển, tính thống nhất và chính xác của hồ sơ và hướng dẫn doanh nghiệp xử lý khoản lỗ theo hướng dẫn tại Thông tư số 104/2011/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 8 năm 2011.

4. Khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài được kê khai vào quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm tiếp sau năm tài chính phát sinh khoản thu nhập tại nước ngoài hoặc kê khai vào quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm tài chính cùng với năm phát sinh khoản thu nhập tại nước ngoài nếu doanh nghiệp có đủ cơ sở và chứng từ xác định được số thu nhập và số thuế thu nhập đã nộp của dự án đầu tư tại nước ngoài.

Ví dụ 3: Doanh nghiệp Việt Nam A có thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài trong năm tài chính 2009. Doanh nghiệp Việt Nam A phải kê khai khoản thu nhập nói trên vào Tờ khai quyết toán thuế thu nhập của năm tài chính 2009 hoặc năm 2010 theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam.

5. Cơ quan thuế có quyền ấn định thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai, nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Điều 5. Thuế thu nhập cá nhân

Nhà đầu tư Việt Nam là hộ kinh doanh, cá nhân thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài hoặc làm việc cho các dự án đầu tư tại nước ngoài nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước nhà đầu tư thực hiện dự án (nếu có), Luật thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 6. Các loại thuế, phí và lệ phí khác

Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án đầu tư tại nước ngoài như hướng dẫn tại Thông tư này, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí hiện hành đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ và các giao dịch kinh tế khác với dự án đầu tư tại nước ngoài.

Điều 7. Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành6

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.7

Thông tư này thay thế Thông tư số 97/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 10 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để được hướng dẫn giải quyết kịp thời./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 



1 Văn bản này được hợp nhất từ 2 Thông tư sau:

- Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 3 năm 2010;

- Thông tư số 104/2011/TT-BTC ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 8 năm 2011.

Nội dung tại Văn bản hợp nhất này không làm thay đổi nội dung và hiệu lực của 02 Thông tư trên.

2 Thông tư số 104/2011/TT-BTC ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ các Luật, Pháp lệnh về thuế hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các Luật, Pháp lệnh về thuế;

Căn cứ Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí;

Căn cứ Nghị định số 17/2009/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2007 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;”

3 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 104/2011/ TT-BTC ngày 12 tháng 7 năm 2011 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 8 năm 2011.

4 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 104/2011/ TT-BTC ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 8 năm 2011.

5 Khoản này được thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 104/2011/TT-BTC ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 8 năm 2011.

6 Điều 2 của Thông tư số 104/2011/TT-BTC ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 8 năm 2011 quy định:

“Điều 2. Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 8 năm 2011.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để được hướng dẫn giải quyết kịp thời./.”

7 Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 3 năm 2010.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 13/VBHN-BTC hợp nhất Thông tư hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 13/VBHN-BTC
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 30/10/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Thị Mai
  • Ngày công báo: 16/11/2013
  • Số công báo: Từ số 791 đến số 792
  • Ngày hiệu lực: 30/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản