Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 59/TTr-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2009

 

TỜ TRÌNH THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN THÚC ĐẨY VÀ BẢO VỆ QUYỀN CỦA PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM ASEAN (ACWC)

Việc thành lập Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Phụ nữ và Trẻ em ASEAN (ACWC) đã được đưa ra trong Chương trình hành động Viên Chăn 2004 – 2010 (thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 tổ chức tháng 11 năm 2004 tại Lào), cũng như trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015 (thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 tại Thái Lan). Từ tháng 5 năm 2009, Nhóm Công tác xây dựng Quy chế Hoạt động của Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Phụ nữ và Trẻ em ASEAN (ACWC) đã tiến hành thương lượng xây dựng Dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban này và đến đầu tháng 10 năm 2009, Dự thảo Quy chế đã hoàn tất. Dự kiến, các nước ASEAN sẽ hoàn thành các thủ tục nội bộ để trình Hội nghị Bộ trưởng phúc lợi xã hội ASEAN (AMMSWD) thông qua Quy chế vào ngày 16/10/2009. Và vào dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 15 cuối tháng 10/2009, các Nhà lãnh đạo ASEAN sẽ ghi nhận việc Quy chế này đã được thông qua. Việc công bố thành lập Ủy ban sẽ tiến hành vào năm 2010 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.

Sau khi tham khảo các Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Nội dung Quy chế hoạt động của ACWC:

Dự thảo Quy chế hoạt động của ACWC gồm 10 đề mục với 75 điểm, quy định bối cảnh, mục đích, nguyên tắc, địa vị; chức năng, nhiệm vụ; thành phần, phương thức hoạt động; kế hoạch và ngân sách; vai trò của Ban thư ký ASEAN. Cụ thể:

Về mục đích, nguyên tắc, địa vị: ACWC là cơ quan liên chính phủ, phù hợp với tính chất, cơ cấu tổ chức của ASEAN. Ủy ban hoạt động nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương ASEAN, tôn trọng các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế về nhân quyền, đảm bảo tính đặc thù của mỗi quốc gia và khu vực, không sử dụng tiêu chuẩn kép và không lặp lại mà sẽ bổ sung cho các chức năng của Ủy ban Công ước Quyền trẻ em (CRC) và Ủy ban Công ước Chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW).

- Về phương thức hoạt động: ACWC hoạt động theo phương thức tham vấn và đồng thuận, họp thường kỳ hai lần một năm, mỗi lần không quá 5 ngày.

- Về chức năng, nhiệm vụ: ACWC sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực để hướng tới sự phát triển, tăng cường quyền năng và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, thông qua chia sẻ thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực về thực hiện quyền của phụ nữ và trẻ em với các cơ quan trong và ngoài ASEAN cũng như cho bản thân phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, sẽ hình thành các chiến lược chung thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

- Về thành viên và nhiệm kỳ công tác: Các thành viên ACWC phải là các đại diện cho Chính phủ các nước ASEAN bổ nhiệm và triệu hồi khi cần thiết, với nhiệm kỳ 3 năm và có thể kéo dài thêm một nhiệm kỳ nữa. Để đảm bảo tính kế thừa và liên tục trong công việc của ACWC, một trong hai thành viên đầu tiên của Chính phủ bổ nhiệm sẽ được kéo dài một nhiệm kỳ đến 4,5 năm.

- Về Chủ tịch và Phó Chủ tịch: ACWC sẽ gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban sẽ gồm hai đại diện cho hai lĩnh vực về phụ nữ và trẻ em và sẽ không phải từ cùng một quốc gia, Chủ tịch và Phó Chủ tịch đầu tiên sẽ do các thành viên ACWC bầu. Các Chủ tịch và Phó Chủ tịch các nhiệm kỳ tiếp theo sẽ theo cơ chế luân phiên.

- Về cơ chế báo cáo và mối quan hệ với các cơ quan trong ASEAN: ACWC sẽ báo cáo trực tiếp cho các cơ quan liên quan trong ASEAN. ACWC sẽ tham vấn Ủy ban nhân quyền liên chính phủ ASEAN (AICGHR) về các phương thức liên kết cuối cùng giữa hai cơ quan này, ACWC cũng sẽ hợp tác với các cơ quan ASEAN liên quan khác.

- Về Kế hoạch công tác và tài chính: Kế hoạch công tác và tài chính cho ACWC sẽ được đệ trình lên Hội nghị Bộ trưởng phúc lợi xã hội phê duyệt, dựa trên cơ sở chia sẻ và đóng góp tự nguyện của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, ACWC cũng có thể thành lập Quỹ riêng và nhận tài trợ từ các nguồn khác để thực hiện các công việc của mình vì lợi ích chung của phụ nữ và trẻ em trong khu vực, sau khi được Ủy ban thường trực ASEAN (CPR) thông qua và Hội nghị Bộ trưởng Phúc lợi xã hội ASEAN (AMMSWD) phê duyệt.

2. Nhận xét:

- Nội dung Dự thảo Quy chế nêu trên thể hiện quan điểm cân bằng của các nước, nhấn mạnh việc tuân thủ theo các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN về tôn trọng chủ quyền không can thiệp nội bộ, đồng thuận, tính chất tham vấn, cũng như phản ánh các giá trị quốc tế và khu vực về quyền của phụ nữ, trẻ em và cơ bản phù hợp với quan điểm của ta.

Nội dung Dự thảo Quy chế tương đối tích cực, là kết quả thương lượng khó khăn và phức tạp, trong bối cảnh một số nước ASEAN (Thái Lan, Inđônêsia, Philipin …) theo quan điểm muốn ACWC là cơ quan độc lập và tăng thêm quyền được phán xét tình hình các nước khác.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Quy chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành liên quan, tranh thủ sự hợp tác của các nước, nhằm đảm bảo nội dung Dự thảo Quy chế phù hợp với Hiến chương ASEAN và chủ trương, quan điểm của Nhà nước ta về quyền con người nói chung, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em, không để nội dung Dự thảo Quy chế bị lợi dụng nhằm mục đích can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên.

Các Bộ, ngành liên quan nhất trí với kiến nghị ta đồng ý với nội dung Quy chế vì phù hợp với quan điểm và lập trường của ta và là kết quả tốt nhất kể từ khi thương lượng về Dự thảo Quy chế đến nay.

Về hai đại diện của ACWC, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị cần đáp ứng một số yêu cầu và tiêu chí chính sau:

+ Có kinh nghiệm và nhân quyền và hoạt động trong ASEAN đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em. Có kỹ năng đàm phán đa phương và thành thạo tiếng Anh, đặc biệt lưu ý đến tính chất chuyên sâu và phức tạp của vấn đề nhân quyền nói chung và quyền phụ nữ, trẻ em nói riêng.

+ Có hàm cấp từ cấp cục/vụ trở lên.

+ Là hai đại diện cho hai lĩnh vực phụ nữ và trẻ em, có lưu tâm đến yếu tố giới khi lựa chọn hai đại diện này.

3. Kiến nghị:

Sau khi tham khảo các Bộ, ngành liên quan và nhằm phục vụ việc tham dự của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 15 tại Thái Lan vào cuối tháng 10/2009, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.

- Phê duyệt nội dung Quy chế hoạt động của Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền Phụ nữ và Trẻ em ASEAN.

- Ủy nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: thông báo cho các nước về việc Việt Nam thông qua Quy chế này; phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất và lựa chọn nhân sự cụ thể phù hợp để bổ nhiệm hai đại diện của Việt Nam tham gia Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và Trẻ em ASEAN theo các tiêu chí nêu trên.

- Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với sự tham gia của Việt Nam trong hoạt động này.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kính trình và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Phạm Gia Khiêm;
- Bộ Ngoại giao (để phối hợp);
- Ban chỉ đạo nhân quyền;
- Lưu: VP, HTQT.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Ngân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Tờ trình 59/TTr-LĐTBXH về việc phê duyệt quy chế hoạt động của Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 59/TTr-LĐTBXH
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/10/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản