Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 81/2003/TTLT/BTC-BGD&ĐT

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2003 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG, MỨC CHI VÀ QUẢN LÝ KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẾN NĂM 2005

 Căn cứ Quyết định số 71/2001/QĐ-TTg ngày 04/05/2001 của Thủ tướng Chính phủ về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2001-2005;
Căn cứ Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19/03/2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 26/2003/QĐ-TTg ngày 17/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2005;
Liên Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số nội dung, mức chi và quản lý kinh phí đối với các Dự án thuộc Chương
trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và Đào tạo đến năm 2005 như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1- Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Giáo dục và Đào tạo được cân đối trong dự toán chi ngân sách Trung ương, được sử dụng theo đúng các nội dung hoạt động của chương trình.

Việc cấp phát, quản lý, thanh quyết toán kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước. Các Bộ, ngành và các địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính các cấp quản lý chặt chẽ kinh phí của Chương trình, kiểm tra các khoản chi tiêu theo đúng mục tiêu, nội dung, chế độ quy định.

2- Ngoài kinh phí do ngân sách Trung ương cấp cho các Bộ, ngành và các địa phương; Các cấp chính quyền địa phương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần huy động thêm các nguồn kinh phí khác như: đóng góp tự nguyện của cá nhân, các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước (bằng tiền, hiện vật, công lao động...), bổ sung từ ngân sách địa phương và kinh phí của các Bộ, ngành để thực hiện các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo.

Việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí huy động thêm thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này và các chế độ quản lý tài chính hiện hành.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

A- Nội dung và một số mức chi chủ yếu:

1- Dự án củng cố và phát huy kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ, thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở:

Kinh phí của Dự án được chi cho các nội dung sau đây:

1.1- Chi cho việc tổ chức các lớp học xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở:

1.1.1- Chi mua sách giáo khoa, học phẩm tối thiểu cho học viên.

1.1.2- Cấp sách giáo khoa, học phẩm tối thiểu cho học sinh ở các cơ sở giáo dục thuộc xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; học sinh học chương trình bổ túc trung học cơ sở theo phương thức không chính quy vì hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn.

1.1.3- Chi mua tài liệu giảng dạy, sách giáo khoa, văn phòng phẩm cho giáo viên.

1.1.4- Chi mua hồ sơ theo dõi, biểu mẫu in sẵn, sổ điểm, sổ học bạ, giấy chứng nhận, bằng tốt nghiệp, chi thắp sáng (đối với lớp học ban đêm), chi tổ chức thi tốt nghiệp.

Mức chi cho các nội dung nêu trên (1.1.1, 1.1.2, 1.1.3, 1.1.4) theo thực tế phát sinh tại địa phương và do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

1.1.5- Chi thù lao cho giáo viên: Giáo viên thuộc biên chế ngành giáo dục đứng lớp dạy kiêm nhiệm được hưởng thù lao theo chế độ quy định tại Thông tư số 17/TT-LB ngày 27/7/1995 của Liên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo "Hướng dẫn chế độ trả lương dạy thêm giờ và phụ cấp dạy lớp ghép của ngành giáo dục và đào tạo" và các quy định hiện hành.

Đối với những người ngoài biên chế ngành giáo dục, nếu có đủ tiêu chuẩn và năng lực giảng dạy, có nhu cầu tham gia giảng dạy các lớp xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở, khi được Phòng Giáo dục ký hợp đồng thì được hưởng mức thù lao tương đương với giáo viên trong biên chế dạy cùng bậc học.

1.2- Chi cho công tác điều tra cơ bản, bao gồm chi xây dựng phiếu điều tra, thu thập và nhập số liệu điều tra được vận dụng theo quy định tại Thông tư số 45/2001/TTLT/BTC-BKHCNMT ngày 18/6/2001 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) ‘‘Hướng dẫn một số chế độ chi tiêu đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ’’.

1.3- Chi hỗ trợ hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã; Chi hỗ trợ cho cán bộ tổ chức, quản lý lớp học. Mức chi cụ thể do Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá nghiên cứu đề xuất trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

1.4- Chi công tác kiểm tra, chỉ đạo, công nhận phổ cập: thực hiện chế độ công tác phí quy định tại Thông tư số 94/1998/TT-BTC ngày 30/6/1998 của Bộ Tài chính ‘‘Quy định chế độ công tác phí cho cán bộ công chức Nhà nước đi công tác trong nước’’.

1.5- Chi phụ cấp lưu động cho cán bộ làm chuyên trách công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở cấp Sở, cấp phòng, cấp xã và cấp trường phải thường xuyên đi đến các thôn, bản, phum, sóc. Mức phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 9/7/2001 của Chính phủ về "Chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn".

1.6- Chi cho công tác tuyên truyền, thi đua, khen thưởng, hội nghị, tập huấn... thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

2- Dự án đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa:

2.1- Nhiệm vụ chi của các cơ quan Trung ương:

2.1.1- Chi biên soạn chương trình, giáo trình đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp: Thực hiện theo Thông tư số 87/2001/TT-BTC ngày 30/10/2001 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình khung cho các ngành đào tạo đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học”.

2.1.2- Chi biên soạn chương trình, sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên, sách hướng dẫn nghiệp vụ cho các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học phổ thông kỹ thuật và giáo dục không chính quy. Cụ thể như sau:

a- Xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học:

- Thù lao thu thập tài liệu nước ngoài: 2.000 đồng - 5.000 đồng/trang.

- Biên soạn chương trình: 100.000 đồng/tiết.

- Sửa chữa, biên tập tổng thể: 30.000 đồng/tiết.

- Đọc phản biện, nhận xét: 10.000 đồng/tiết/người.

b- Biên soạn sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên, sách hướng dẫn nghiệp vụ:

- Thù lao cho tác giả: 100.000 đồng - 300.000 đồng/tiết.

- Thù lao cho chủ biên: 45.000 đồng/tiết.

- Thù lao cho tổng chủ biên: 30.000 đồng/tiết.

- Thù lao đọc góp ý đề cương: 100.000 đồng - 300.000 đồng/1 bản đề cương.

- Thù lao đọc góp ý bản thảo: 1.000 đồng - 3.000 đồng/1 trang bản thảo/người (trang bản thảo khổ 14,5 x 20,5 cm).

c- Thù lao dịch tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt: không quá 35.000 đồng/trang 300 từ.

d- Thù lao minh hoạ sách:

- Thù lao cho bìa: 100.000 đồng - 300.000 đồng/bìa.

- Thù lao can, vẽ kỹ thuật: 1.000 đồng - 15.000 đồng/hình.

- Thù lao vẽ hình minh hoạ có tính nghệ thuật: 20.000 đồng - 200.000 đồng/hình.

e- Chi cho tổ chức hoàn thiện sách:

Chủ nhiệm “Dự án đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa” xem xét sự cần thiết và quyết định tổ chức trại hoàn thiện sách đối với từng loại sách cụ thể. Trong thời gian tập trung theo quy định để hoàn thiện sách trước khi tổ chức thẩm định, được chi các nội dung sau:

- Chi thù lao cho tác giả, biên tập viên: 80.000 đồng/người/ngày.

- Chi phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt (tác giả, biên tập viên, thành viên ban tổ chức): 55.000 đồng/người/ngày.

- Tiền nước uống: 15.000 đồng/người/ngày.

- Tiền tàu xe: thanh toán theo thực tế.

- Ban tổ chức thanh toán tiền thuê chỗ ở, chỗ làm việc tập trung theo Hợp đồng với loại khách sạn trung bình.

f- Chi cho thẩm định sách: Trong thời gian tập trung để tổ chức thẩm định sách được chi các nội dung sau:

- Chi phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt: 55.000 đồng/người/ngày.

- Tiền nước uống: 15.000 đồng/người/ngày.

- Tiền tàu xe: thanh toán theo thực tế.

- Ban tổ chức thanh toán tiền thuê chỗ ở, chỗ làm việc tập trung cho hội đồng thẩm định theo Hợp đồng với loại khách sạn trung bình.

- Chi đọc thẩm định: 15.000 đồng/tiết/người.

- Chi thù lao cho các thành viên Hội đồng thẩm định (tính cho những ngày tổ chức thẩm định sách):

+ Chủ tịch Hội đồng thẩm định: 50.000 đồng/ngày.

+ Phó chủ tịch, Uỷ viên thư ký Hội đồng thẩm định: 40.000 đồng/ngày/người.

Ban chủ nhiệm Dự án báo cáo Ban chủ nhiệm chương trình quyết định mức chi cụ thể đối với những nội dung chi có quy định khung mức chi nêu trên.

2.1.3- In ấn sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên, hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu tự chọn (nếu có) để cấp phát cho học sinh và giáo viên các trường tham gia dạy thí điểm. Nhà xuất bản Giáo dục chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này theo đúng chi phí thực tế phát sinh.

2.1.4- Tổ chức nghiên cứu chế tạo, thẩm định, duyệt mẫu thiết bị phù hợp với chương trình và sách giáo khoa mới. Mức chi được thanh toán theo hợp đồng thực tế.

2.1.5- Biên soạn các loại sách dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Căn cứ vào các nội dung và mức chi đã quy định tại Điểm 2.1.2 trên đây, Ban chủ nhiệm Dự án báo cáo Ban chủ nhiệm chương trình quyết định mức chi cụ thể.

2.1.6- Thù lao biên soạn, đánh máy, in ấn các loại tài liệu, văn bản hướng dẫn triển khai, tuyên truyền, giới thiệu về đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học. Căn cứ các nhiệm vụ cụ thể và thực tế phát sinh, Ban chủ nhiệm Dự án xem xét, quy định mức chi với nguyên tắc hợp lý, tiết kiệm.

2.1.7- Kiểm tra thực hiện giảng dạy thí điểm tại các trường thí điểm chương trình và sách giáo khoa mới:

- Tiền tàu xe, tiền thuê chỗ ở tại nơi đến công tác theo mức quy định tại Thông tư số 94/1998/TT-BTC ngày 30/6/1998 của Bộ Tài chính “Quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước”.

- Tiền phụ cấp công tác phí: Tại các tỉnh đồng bằng, trung du mức phụ cấp không quá 30.000 đồng/ngày/người; Tại các vùng núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu mức phụ cấp không quá 60.000 đồng/ngày/người.

2.1.8- Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình và sách giáo khoa mới cho giảng viên cốt cán cấp tỉnh, thành phố: Mức chi theo quy định của chế độ chi tiêu hội nghị, tập huấn, công tác phí hiện hành.

2.1.9- Chi phụ cấp cho các thành viên Ban chủ nhiệm chương trình và Ban chủ nhiệm các Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và Đào tạo: 200.000 đồng/tháng/người.

2.1.10- Một số nội dung chi khác có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Ban chủ nhiệm chương trình mục tiêu quốc gia căn cứ vào chế độ, định mức, tiêu chuẩn hiện hành để quyết định mức chi cụ thể; trường hợp chưa có quy định, phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu hướng dẫn.

2.2- Nhiệm vụ chi của địa phương:

2.2.1- Mua sách cho giáo viên (sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên, hướng dẫn nghiệp vụ), mua sách cho học sinh diện chính sách và học sinh thuộc xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (sách giáo khoa, sách bài tập). Mức chi thanh toán theo giá bìa của Nhà xuất bản Giáo dục.

2.2.2- Mua đồ dùng giảng dạy và học tập theo yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới, trên cơ sở Danh mục thiết bị do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2.2.3- Chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy thí điểm và tất cả giáo viên dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới: Mức chi theo quy định của chế độ chi tiêu hội nghị, tập huấn, công tác phí hiện hành.

2.2.4- Chi bồi dưỡng giáo viên dạy mẫu, giáo viên dạy thí điểm; Chi phụ cấp cho Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và các thành viên ban chỉ đạo các cấp tại địa phương, bao gồm:

- Chi bồi dưỡng giáo viên dạy mẫu: 10.000 đồng/tiết dạy mẫu.

- Chi bồi dưỡng giáo viên dạy thí điểm: 5.000 đồng/tiết dạy thí điểm.

- Chi phụ cấp trách nhiệm cho Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và các thành viên Ban chỉ đạo các cấp thực hiện thí điểm tối đa 150.000 đồng/người/tháng.

3- Dự án đào tạo cán bộ tin học và đưa tin học vào nhà trường, đẩy mạnh dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân:

3.1- Đào tạo cán bộ tin học:

- Chi chuẩn hoá, cập nhật chương trình cho các chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trong đó ưu tiên ngành công nghệ phần mềm.

- Chi cho các lớp bồi dưỡng tập trung đội ngũ giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng và đội ngũ giáo viên dạy tin học trong các trường phổ thông. Mức chi áp dụng theo Thông tư số 105/2001/TT-BTC ngày 27/12/2001 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước.

- Chi hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất: Mua sắm trang thiết bị, phần mềm, tài liệu để phục vụ đào tạo công nghệ thông tin.

3.2- Đưa tin học vào nhà trường:

- Chi hỗ trợ kết nối Internet cho các trường trung học phổ thông.

- Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phòng học đa phương tiện.

- Mua phần mềm, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập trong trường phổ thông.

3.3- Chi hỗ trợ nhiệm vụ đẩy mạnh dạy ngoại ngữ:

- Chi cho việc tăng cường dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông, các trường đào tạo nghề và trong các trường đại học, cao đẳng.

- Chi mua phần mềm tin học để giảng dạy, học tập ngoại ngữ.

- Tập huấn cho giáo viên sử dụng phần mềm tin học, ứng dụng vào giảng dạy, học tập ngoại ngữ. Mức chi áp dụng theo Thông tư số 105/2001/TT-BTC ngày 27/12/2001 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước.

4- Dự án đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất các trường sư phạm:

- Chi bồi dưỡng chuẩn hoá, bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng theo chu kỳ cho giáo viên các trường, khoa sư phạm dưới các hình thức thích hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các ngành, bậc học. Mức chi áp dụng theo Thông tư số 105/2001/TT-BTC ngày 27/12/2001 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước.

- Sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới nhà học, phòng thí nghiệm, thư viện, nhà hiệu bộ, ký túc xá sinh viên, nhà ăn, nhà tập đa năng của các trường, khoa sư phạm.

- Mua sắm máy móc thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, đồ dùng dạy học

phục vụ trực tiếp cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của giáo viên và học sinh các trường, khoa sư phạm.

5- Dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc ít người và vùng có nhiều khó khăn:

- Chi hỗ trợ cho việc sửa chữa, cải tạo, chống xuống cấp, xây dựng mới nhà học, ký túc xá, nhà ăn, nhà hiệu bộ, nhà tập đa năng để hoàn thiện quy hoạch trường học, đáp ứng được quy mô học sinh dân tộc nội trú đối với các trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú trung ương, tỉnh, huyện.

- Củng cố và xây dựng hệ thống trường bán trú cụm xã, xã và các lớp ghép ở bản, làng, phum, sóc để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ.

- Chi hỗ trợ mua sắm máy móc thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, sách giáo khoa, sách báo thư viện... phục vụ trực tiếp cho giảng dạy, học tập và sinh hoạt của giáo viên và học sinh. Ưu tiên mua sắm đồ dùng dạy học, thiết bị thực hành để tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề cho học sinh các trường dân tộc nội trú.

- Hỗ trợ học phẩm tối thiểu (không bao gồm sách giáo khoa): giấy viết, bút, thước kẻ... cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh các địa phương thuộc miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

6- Dự án tăng cường cơ sở vật chất các trường học, các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; xây dựng một số trường đại học, trung học chuyên nghiệp trọng điểm:

Kinh phí dự án này được sử dụng để đầu tư cho các ngành học, bậc học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp với các nội dung chi sau đây:

- Cải tạo, chống xuống cấp và nâng cấp phòng học; Xây dựng thêm phòng học mới để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh.

- Chi hỗ trợ mua sắm đồ chơi, bàn ghế, máy móc thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, thực hành, thư viện, máy vi tính... xây dựng nhà ăn, nhà tập, nhà thí nghiệm, thư viện, nhà học đặc thù, công trình vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước, sân chơi, bãi tập...

- Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để xây dựng một số trường đại học, trung học chuyên nghiệp trọng điểm, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.

B- Công tác quản lý tài chính:

Việc quản lý, lập dự toán, cấp phát, quyết toán kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và đào tạo đến năm 2005 thực hiện theo quy trình, nội dung, thời gian, biểu mẫu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, văn bản hướng dẫn Luật và các quy định hiện hành.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Những quy định trước đây trái với nội dung quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

 

KT/BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG
 


 
Đặng Huỳnh Mai

KT/BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG



 
Nguyễn Công Nghiệp

 

 

Nơi nhận:
- VPQH
- VP Chủ tịch nước
- VPCP
- TANDTC, Viện KSNDTC
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP
- Công báo
- Lưu: Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT.
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW
- Sở GD&ĐT
- Sở TC-VG
- KBNN

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 81/2003/TTLT-BTC-BGD&ĐT hướng dẫn nội dung, mức chi và quản lý kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2005 do Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng ban hành

  • Số hiệu: 81/2003/TTLT-BTC-BGD&ĐT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 14/08/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính
  • Người ký: Đặng Huỳnh Mai, Nguyễn Công Nghiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản