Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30-LB/TT

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 1990

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 30-LB/TT NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VỐN SỰ NGHIỆP ĐẦU TƯ CHO GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Liên Bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 07/TT-LB ngày 27-2-1990 hướng dẫn định mức chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục phổ thông năm 1990. Để đảm bảo định mức chi đã quy định và sử dụng vốn sự nghiệp có hiệu quả, Liên bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo quy định việc quản lý vốn sự nghiệp đầu tư cho ngành giáo dục phổ thông như sau:

I. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Hàng năm liên ngành Tài chính - Giáo dục và Đào tạo phối hợp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục phổ thông và các mục tiêu xã hội tập trung của ngành giáo dục. Trên cơ sở đó, Liên bộ cùng bàn bạc, thống nhất hướng dẫn mức chi phù hợp với khả năng Ngân sách Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phổ thông từng bước phát triển tốt và thực hiện được các mục tiêu xã hội tập trung của ngành.

2. Kế hoạch ngân sách giáo dục phổ thông hàng năm giao cho các địa phương bao gồm:

- Chi cho sự nghiệp giáo dục mầm non, cấp I, cấp II và cấp III phổ thông, bổ túc văn hoá.

- Các mục tiêu xã hội của ngành giáo dục được ghi vào kế hoạch Nhà nước hàng năm như phổ cập cấp I, chống nạn mù chữ, chống xuống cấp, trợ cấp giáo dục miền núi...

3. Trên cơ sở các chỉ tiêu kế hoạch ngân sách được Quốc hội phê chuẩn và được Hội đồng Bộ trưởng giao chỉ tiêu thu chi ngân sách cho các địa phương. Liên Sở Tài chính - Giáo dục tính tổng mức thu và chi ngân sách giáo dục của địa phương trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố duyệt.

4. Để có căn cứ điều hành ngân sách hàng quý, Liên Sở Tài chính - Giáo dục cần bàn bạc thống nhất định mức chi ngân sách giáo dục, phương thức quản lý ngân sách giáo dục trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố duyệt.

Trong những năm trước mắt, các Sở Giáo dục tiếp tục quản lý chi cho các trường trực thuộc Sở Giáo dục, quản lý kinh phí xoá nạn mù chữ, chi hỗ trợ sự nghiệp phát triển giáo dục miền núi, trang bị sách giáo khoa cho các thư viện, thiết bị đồ dùng dạy học và bồi dưỡng giáo viên hàng năm.

Phòng giáo dục quận, huyện, thị xã quản lý kinh phí thường xuyên cho các trường phổ thông được tỉnh hoặc thành phố phân cấp.

II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đầu quý IV hàng năm, Liên Sở Tài chính - Giáo dục có trách nhiệm phối hợp để xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách sự nghiệp giáo dục phổ thông năm tới và các khoản chi thực hiện mục tiêu xã hội của ngành giáo dục ở địa phương (nếu có).

- Kế hoạch thu: phản ánh các nguồn thu bổ sung, ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục phổ thông như: học phí, thu đóng góp xây dựng và sửa chữa trường sở, thu từ các nguồn viện trợ dưới mọi hình thức và các nguồn khác theo chế độ quy định.

- Kế hoạch chi: phản ánh các nội dung chi cho sự nghiệp giáo dục phổ thông theo các nhóm chi cho các mục tiêu xã hội tập trung của các ngành từ các nguồn vốn: Vốn sự nghiệp (do ngân sách cấp) học phí và từ các nguồn vốn khác (riêng vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng dẫn riêng).

Trên cơ sở thu chi đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch thu chi toàn ngành để phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách giáo dục phổ thông trình Hội đồng Bộ trưởng trước khi Quốc hội phê duyệt.

2. Trên cơ sở ngân sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục được Quốc hội phê chuẩn và Hội đồng Bộ trưởng giao chỉ tiêu ngân sách cho các địa phương; Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Tài chính hướng dẫn định mức chi và phương thức quản lý ngân sách giáo dục phổ thông để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Căn cứ vào hướng dẫn của Liên Bộ, Liên Sở Tài chính - Giáo dục trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đặc khu) ban hành các định mức chi phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng cấp học và thông báo ngân sách giáo dục phổ thông cho cấp quận, huyện; hướng dẫn và kiểm tra các quận, huyện sử dụng kinh phí dùng để thực hiện các mục tiêu xã hội tại địa phương.

3. Trong tình hình ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, việc điều hành ngân sách và việc cấp phát kinh phí cho sự nghiệp giáo dục cần ưu tiên trước hết là cấp đủ và kịp thời tiền lương và các khoản phụ cấp hàng tháng cho giáo viên, cán bộ, nhân viên các trường học; đồng thời Liên Sở Giáo dục và Tài chính cần kết hợp chặt chẽ để bố trí hợp lý, đáp ứng kinh phí cho các khoản chi khác, trong đó cần dành tối thiểu từ 6% đến 19% tổng ngân sách chi sự nghiệp giáo dục phổ thông (mầm non, phổ thông cấp I, II, III và bổ túc văn hoá) hàng năm để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa và các thiết bị cho thư viện trường nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học cho nhà trường.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở Giáo dục có trách nhiệm phối hợp với ngành Tài chính kiểm tra việc quản lý ngân sách sự nghiệp giáo dục của các địa phương nhằm đảm bảo cho ngân sách nhà nước dành cho sự nghiệp giáo dục sử dụng có hiệu quả.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký; những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị các địa phương phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

Trần Hồng Quân

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 30-LB/TT năm 1990 hướng dẫn việc quản lý vốn sự nghiệp đầu tư cho giáo dục phổ thông do Bộ Tài chính-Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 30-LB/TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 26/07/1990
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng, Trần Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản