Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH-TỔNG CỤC THỂ THAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1590/TT-LN | Hà Nội , ngày 23 tháng 11 năm 1996 |
Để đáp ứng yêu cầu giáo dục nhân cách, trí tuệ, thể chất của toàn dân từ trẻ thơ, thanh thiếu niên đến lớp người cao tuổi, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, đào tạo hệ thống vận động viên có thành tích cao để sánh kịp các nước trong khu vực và quốc tế;
Căn cứ Điều 16, Điều 17, Điều 18 và Điều 63 Luật đất đai ngày 14/7/1993;
Căn cứ Chỉ thị số 133/TTg ngày 7/3/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành thể dục, thể thao;
Căn cứ Chỉ thị số 274/TTg ngày 27/4/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch và sử dụng đất đai phục vụ sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao;
Liên ngành Tổng cục Địa chính - Tổng cục Thể dục, thể thao hướng dẫn việc lập quy hoạch, xét duyệt và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cho sự nghiệp thể dục, thể thao; về việc quản lý, sử dụng đất đai phục vụ sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao như sau:
1. Quy hoạch sử dụng đất cho sự nghiệp thể dục, thể thao trước hết phải đảm bảo cho người dân ở mọi độ tuổi có nơi tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; đồng thời phải đảm bảo bố trí đủ diện tích để xây dựng các công trình thể thao thuộc các môn thể thao trọng điểm.
2. Đất đai cho sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao phải được quy hoạch thành một hệ thống thống nhất, có khả năng hỗ trợ nhau trong luyện tập, thi đấu và phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng vùng và cả nước.
3. Quy hoạch sử dụng đất cho sự nghiệp thể dục, thể thao phải trên quan điểm sử dụng đất tiết kiệm, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất trồng lúa có năng suất cao vào việc xây dựng các công trình thể thao.
4. Diện tích đất đai đang sử dụng vào mục đích thể dục, thể thao và đất đai được quy hoạch cho thể dục, thể thao phải được quản lý chặt chẽ, không được tự ý sử dụng vào mục đích khác.
I. VỀ VIỆC PHÂN CẤP CÁC CÔNG TRÌNH THỂ THAO:
Các công trình thể thao được phân cấp như sau:
1. Công trình thể thao cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là công trình thể thao cấp xã). Đối tượng phục vụ là học sinh phổ thông và các hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá của xã, các cụm dân cư.
2. Công trình thể thao cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là công trình thể thao cấp huyện). Đối tượng phục vụ là các vận động viên, học sinh các trường phổ thông, nơi tổ chức thi đấu thể dục, thể thao và các hoạt động văn hoá, xã hội khác.
3. Công trình thể thao cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là công trình thể thao cấp tỉnh). Đối tượng phục vụ là các vận động viên, nơi luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao và các hoạt động văn hoá, xã hội khác.
4. Công trình thể thao cấp vùng đồng thời là công trình thể thao cấp tỉnh nhưng được mở rộng và có chất lượng cao hơn. Đối tượng phục vụ là các vận động viên chuyên nghiệp, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá, xã hội khác. Ngoài ra còn hỗ trợ việc tổ chức thi đấu ở cấp quốc gia và quốc tế.
5. Công trình thể thao cấp quốc gia.
6. Công trình thể thao của các ngành và các trường đại học, trung học chuyên nghiệp.
II. VỀ VIỆC QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN THỂ DỤC, THỂ THAO.
Nội dung quy hoạch sử dụng đất phục vụ sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao bao gồm:
1. Lựa chọn địa điểm xây dựng các công trình thể thao.
Địa điểm xây dựng các công trình thể thao phải đảm bảo được điều kiện sau đây:
a) Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước;
b) Có cơ sở hạ tầng thuận lợi (giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước, thoát nước...);
c) Xa bệnh viên và những nơi cần yên tĩnh, không bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường;
d) Phải là nơi thuận tiện cho các đối tượng đến luyện tập, thi đấu và tham gia các hoạt động văn hoá, xã hội khác. 2. Bố trí đất đai cho các công trình thể thao.
a) Việc quy định các hạng mục công trình thể thao ở mỗi cấp nói tại mục I, phần II của Thông tư này theo "Quy định kỹ thuật quy hoạch công trình thể thao" của Tổng cục Thể dục, thể thao.
b) Việc bố trí đất đai cho các công trình thể thao cấp xã trên cơ sở quỹ đất hiện có của địa phương, nhưng phải đảm bảo tối thiểu có một sân thể thao cơ bản để luyện tập, thi đấu.
c) Việc bố trí đất đai cho các công trình thể thao từ cấp huyện trở lên và của các ngành, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phải dựa trên cơ sở từng dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Phân công trách nhiệm về quy hoạch sử dụng đất phục vụ sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao.
3.1. Tổng cục Thể dục, thể thao có trách nhiệm:
a) Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan lập quy hoạch sử dụng đất cho các công trình thể thao cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia. b) Tổ chức thẩm định quy hoạch sử dụng đất cho các công trình thể thao cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3.2. Tổng cục Địa chính có trách nhiệm tổ chức việc thẩm định quy hoạch sử dụng đất đối với các công trình thể thao cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3.3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp dưới lập quy hoạch sử dụng đất phục vụ sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao.
b) Phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cho các công trình thể thao cấp huyện.
III. VỀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT CỦA CÁC CÔNG TRÌNH THỂ THAO.
1. Việc quản lý, sử dụng đất của các công trình thể thao được quy định như sau:
a) Công trình thể thao thuộc các trường học thì giao cho trường đó quản lý, sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với các công trình thể thao do Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã.
b) Công trình thể thao cấp huyện do Phòng Thể dục, thể thao cấp huyện quản lý và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc sử dụng công trình thể thao cấp huyện được thực hiện theo quy định tại điểm 2 mục I Phần thứ hai của Thông tư này.
c) Công trình thể thao cấp tỉnh và cấp vùng do Sở Thể dục, thể thao quản lý và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quy chế hoạt động và sử dụng các công trình này do Tổng cục Thể dục, Thể thao quy định.
1.4. Công trình thể thao cấp quốc gia do tổ chức được Tổng cục Thể dục, thể thao giao cho quản lý. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho tổ chức được quản lý công trình đó. Quy chế hoạt động và sử dụng các công trình này do Tổng cục Thể dục, thể thao quy định.
2. Việc thay đổi mục đích, vị trí, diện tích đất xây dựng các công trình thể thao quy định như sau:
a) Cấp nào có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất vào mục đích thể dục, thể thao thì có quyền bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất vào mục đích thể dục, thể thao đó.
b) Việc thay đổi vị trí, diện tích đất đã có công trình thể thao để sử dụng vào mục đích khác phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và phải bố trí diện tích đất thích hợp để xây dựng công trình thể thao mới.
3. Việc quản lý đất đai đã được quy hoạch để xây dựng các công trình thể thao theo quy định sau đây:
a) Uỷ ban nhân dân các cấp phải điều tra nắm chắc về hiện trạng sử dụng đất đai đã được quy hoạch cho sự nghiệp thể dục, thể thao cả về số lượng, chất lượng các công trình, tài sản có trên đất để làm cơ sở cho việc đền bù thiệt hại khi triển khai xây dựng công trình thể thao.
b) Đối với đất đai đã được Nhà nước giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng theo hiện trạng; không được xây dựng mới hoặc nâng cấp thành các công trình kiên cố, hoặc trồng mới các loại cây lâu năm gây ảnh hử đến việc thực hiện quy hoạch.
3.3. Đối với đất đai Nhà nước chưa giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng thì UBND các cấp căn cứ vào thời gian thực hiện quy hoạch, cho các tổ chức, cá nhân tạm mượn đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc cho thuê đất có thời hạn.
IV. GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA CÁC CÔNG TRÌNH THỂ THAO.
1. Những công trình thể thao bị lấn chiếm phải thu hồi cho thể dục, thể thao. Trường hợp không thu hồi được thì căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để bố trí địa điểm khác thay thế.
2. Các trường học hiện tại không có điều kiện mở rộng diện tích đất thì phải từng bước sắp xếp lại, bố trí xây nhà cao tầng để dành đất làm sân thể thao, chỗ vui chơi học sinh. Phấn đấu để các trường đều có sân bãi cho học sinh luyện tập ngay từ bậc tiểu học.
3. Các công trình thể thao không còn sử dụng thì phải trả lại cho chính quyền địa phương để đưa vào sử dụng theo quy định của Luật đất đai.
4. Đối với các tổ chức đang sử dụng các công trình thể thao, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người đứng đầu các tổ chức đó lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng dẫn của Tổng cục Địa chính.
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Địa chính, Sở Thể dục, thể thao, Uỷ ban nhân dân cấp dưới, các tổ chức sử dụng đất vào mục đích thể dục, thể thao phải thực hiện đầy đủ các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Cơ quan thể dục, thể thao, cơ quan Địa chính các cấp có trách nhiệm:
a) Giúp Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch sử dụng đất cho sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao.
b) Hướng dẫn các tổ chức và cá nhân thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dành cho sự nghiệp thể dục, thể thao đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Kiến nghị việc bổ sung và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao.
d) Hướng dẫn các tổ chức lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
đ) Tổ chức thanh tra đất đai thuộc các công trình thể thao và kiến nghị biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các địa phương cần phản ánh kịp thời với Tổng cục Địa chính, Tổng cục Thể dục, thể thao để xem xét giải quyết.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày ký.
Bùi Xuân Sơn (Đã ký) | Lê Bửu (Đã ký) |
Thông tư liên tịch 1590/TT-LN năm 1996 hướng dẫn quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai phục vụ sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao do Tổng cục địa chính - Tổng cục thể dục thể thao ban hành
- Số hiệu: 1590/TT-LN
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 23/11/1996
- Nơi ban hành: Tổng cục Địa chính, Tổng cục Thể thao
- Người ký: Bùi Xuân Sơn, Lê Bửu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra