Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ CÔNG AN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2007/TTLT-BCA-BTC-BKH&ĐT

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2007 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 25/2006/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 03 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN VẬT CHẤT HẬU CẦN ĐỐI VỚI SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ ĐANG PHỤC VỤ TRONG LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN

Thực hiện Nghị định số 25/2006/NĐ-CP ngày 10/03/2006 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 25/2006/NĐ-CP); Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn ăn, tiêu chuẩn trang phục của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, nguồn ngân sách và tiến độ thực hiện một số tiêu chuẩn vật chất hậu cần như sau:

I. TIÊU CHUẨN ĂN CỦA SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN

 1- Tiêu chuẩn ăn cơ bản của hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân tại Khoản 1 Điều 4 Chương II của Nghị định số 25/2006/NĐ-CP được đảm bảo bằng định lượng cụ thể như bảng dưới đây:

I

MẶT HÀNG

ĐƠN VỊ TÍNH

ĐỊNH MỨC

1

Gạo tẻ

Gam/người/ngày

700

2

Thịt xô lọc

110

3

Thịt lợn nạc

50

4

Thịt gia cầm

30

5

Dầu mỡ ăn

15

6

Cá tươi

100

7

Trứng gia cầm

25

8

Đậu phụ

80

9

Vừng, lạc

15

10

Nước mắm

ml/người/ngày

30

11

Muối Iốt

Gam/người/ngày

20

12

Mì chính

1

13

Rau xanh

400

14

Chất đốt (Than cám A)

700

15

Tiền gia vị

%

5 (so với tiền ăn)

II

NHIỆT LƯỢNG

Kcal

3.200

1

Tổng số P

Gam

119,6

2

Tổng số L

64,5

3

Tổng số G

536,6

4

Tỉ lệ nhiệt lượng các chất dinh dưỡng P/L/G

%

14,9/18,1/67,0

2- Tiêu chuẩn ăn của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đảm nhiệm công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm hoặc nặng nhọc nguy hiểm; khi tham gia huấn luyện, chiến đấu, ứng trực sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, phòng, chống lụt bão, tai nạn, thương tích và tìm kiếm cứu nạn, một số nhiệm vụ khác, cụ thể như sau:

- Mức I: mức ăn bằng 3,5 lần so với tiêu chuẩn ăn cơ bản. Áp dụng cho trinh sát hình sự ở các đội trọng án (đặc nhiệm); cảnh sát đặc nhiệm.

- Mức II: mức ăn bằng 2,4 lần so với tiêu chuẩn ăn cơ bản. Áp dụng cho trinh sát hình sự (trừ các đối tượng ở Mức I); cảnh sát cơ động mạnh; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ chữa cháy; trinh sát ngoại tuyến; trinh sát bảo vệ chính trị, công an phụ trách xã, tình báo hoạt động ở các huyện vùng cao, hải đảo; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đội nhạc lễ; cảnh sát phản ứng nhanh (cảnh sát 113); huấn luyện viên, giáo viên vũ thuật - đặc nhiệm; giáo viên giảng dạy môn chữa cháy trong những ngày hướng dẫn thực hành chữa cháy ngoài thao trường, học viên các trường Công an nhân dân trong những ngày luyện tập môn vũ thuật, đặc nhiệm, thực hành chữa cháy ngoài thao trường.

- Mức III: mức ăn bằng 1,3 lần so với tiêu chuẩn ăn cơ bản. Áp dụng cho cảnh sát cơ động (trừ đối tượng ở mức II); huấn luyện viên nuôi, dạy và sử dụng chó nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đội danh dự; công an phụ trách xã ở các huyện trung du, miền núi; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ làm nhiệm vụ vũ trang tuần tra, canh gác, bảo vệ mục tiêu.

Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong thời gian tham gia chiến đấu, diễn tập, phòng, chống lụt bão, tai nạn, thương tích và tìm kiếm cứu nạn được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ăn mức I; trong thời gian tham gia huấn luyện vũ thuật, ứng trực sẵn sàng chiến đấu được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ăn mức II.

Quá trình thực hiện Bộ trưởng Bộ Công an có thể bổ sung, điều chỉnh đối tượng áp dụng tiêu chuẩn ăn cho một số nhiệm vụ khác để phù hợp với tính chất công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

II. TIÊU CHUẨN TRANG PHỤC SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN

1- Đảm bảo trang bị đủ trang phục sử dụng thường xuyên và trang phục dùng chung cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an phù hợp với từng lực lượng, từng đối tượng, từng vùng miền với niên hạn sử dụng phù hợp cho từng lực lượng.

2- Đảm bảo trang bị đủ trang phục đặc thù nghiệp vụ phù hợp với công tác, chiến đấu, đào tạo, huấn luyện và chuyên môn của từng lực lượng gồm: Trang phục hóa trang nghiệp vụ, trang phục dùng cho chuyển đổi lực lượng, trang phục tăng thêm, trang phục nghi lễ, trang phục chiến đấu, trang phục phục vụ đào tạo huấn luyện, trang phục cho chiến sỹ nghĩa vụ, trang phục phục vụ công tác chuyên môn, trang phục bảo hộ lao động, trang phục phòng chống HIV, trang phục chữa cháy, mũ bảo hiểm, nhà bạt, giường bạt, tăng, võng liền màn và một số trang phục đặc thù khác. Tiêu chuẩn và niên hạn sử dụng do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

III. NGUỒN KINH PHÍ THUỘC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC TIÊU CHUẨN VẬT CHẤT HẬU CẦN

Căn cứ quy định tại Nghị định số 25/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất nhu cầu và tiến độ đảm bảo Ngân sách thực hiện Nghị định số 25/2006/NĐ-CP như sau:

1- Ngân sách chi thường xuyên:

a- Trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 bổ sung đủ ngân sách để bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

- Tiêu chuẩn ăn của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân.

- Tiêu chuẩn trang phục sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân gồm: trang phục thường xuyên và trang phục dùng chung; trang phục hóa trang nghiệp vụ; trang phục tăng thêm; trang phục chiến đấu; trang phục nghi lễ; trang phục trang bị theo đặc thù thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, đào tạo, huấn luyện và phục vụ công tác chuyên môn; tiêu chuẩn trang phục nghiệp vụ y tế.

- Tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hóa chất.

- Tiêu chuẩn tạp chi vệ sinh.

- Tiêu chuẩn trang bị dụng cụ y tế: dụng cụ vật tư tiêu hao, sửa chữa bảo trì bảo dưỡng, tiêu chuẩn đồ vải nghiệp vụ.

b- Trong 2 năm từ 2008 - 2009 bổ sung, bố trí đủ ngân sách để đảm bảo các định mức sau:

- Định mức sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

- Định mức sử dụng điện năng cho sinh hoạt, làm việc và các nhiệm vụ khác.

c- Trong 3 năm từ 2008 - 2010 bổ sung, bố trí đủ ngân sách để đảm bảo tiêu chuẩn  trang bị dụng cụ y tế thay thế hàng năm.

d- Trong 4 năm từ 2008 - 2011 bổ sung, bố trí đủ ngân sách để đảm bảo tiêu chuẩn  trang bị nhà ăn, nhà bếp và dụng cụ cấp dưỡng.

e- Trong 5 năm từ năm 2008 đến 2012 bổ sung, bố trí đủ ngân sách để đảm bảo định mức tiêu chuẩn doanh cụ.

2- Ngân sách chi đầu tư phát triển:

a- Trong 3 năm từ năm 2008 đến 2010 bổ sung, bố trí đủ ngân sách để đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

- Tiêu chuẩn trang bị hệ thống máy phát điện cho các đơn vị đóng quân trên các địa bàn chưa có nguồn điện lưới quốc gia.

- Tiêu chuẩn máy móc, thiết bị để khai thác xử lý các nguồn nước trên địa bàn chưa có nguồn nước sạch.

b- Trong 7 năm từ năm 2008 đến 2014 bổ sung, bố trí đủ ngân sách để đảm bảo tiêu chuẩn trang bị lần đầu cho các bệnh viện và các cơ sở y tế công an.

c- Trong 8 năm từ năm 2008 đến 2015 bổ sung, bố trí ngân sách để xây dựng đủ diện tích nhà làm việc, công trình sinh hoạt công cộng, các công trình phụ trợ khác theo tiêu chuẩn định mức và có thể kéo dài thêm một số năm (từ 2 - 3  năm) tùy thuộc khả năng đảm bảo của ngân sách Nhà nước. Thực hiện đầu tư tập trung, ưu tiên cho công an cấp cơ sở, đơn vị trực tiếp chiến đấu.

Căn cứ tiêu chuẩn định mức và tiến độ thực hiện, khả năng cân đối ngân sách hàng năm của Nhà nước, Bộ Công an lập dự toán ngân sách Nhà nước gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Riêng đối với các tiêu chuẩn, định mức quy định bằng định lượng, hiện vật được quy đổi thành tiền tại thời điểm hiện tại, khi giá các mặt hàng tại thị trường biến động thì Bộ Công an điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo Nhà nước bổ sung ngân sách kịp thời.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Các quy định trước đây trái với quy định của Thông tư này đều bãi bỏ.

2- Những tiêu chuẩn, định mức không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo Nghị định số 25/2006/NĐ-CP.

3- Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Công an để thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
THỨ TRƯỞNG




Cao Viết Sinh

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Tá

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
TRUNG TƯỚNG




Đặng Văn Hiếu

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính Phủ (để b/c);
- Ủy ban QPAN của Quốc Hội;
- Văn phòng Quốc Hội;
- Văn phòng Chủ Tịch nước;
- Văn phòng Chính Phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ, website BTC;
- Các đơn vị trực thuộc BCA, BTC, BKH&ĐT;
- Lưu văn thư  Bộ CA, Bộ TC, Bộ KH&ĐT.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 15/2007/TTLT-BCA-BTC-BKH&ĐT hướng dẫn Nghị định 25/2006/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng công an nhân dân do Bộ Công An - Bộ Tài Chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 15/2007/TTLT-BCA-BTC-BKH&ĐT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/09/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Tá, Cao Viết Sinh, Đặng Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 714
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản