Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ Y TẾ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 07/2003/TTLT-BTC-BNV-BYT

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2003

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NỘI VỤ - BỘ Y TẾ SỐ 07/2003/TTLT-BTC-BNV-BYT NGÀY 15 THÁNG 01 NĂM 2003 VỀ HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI ĐIỂM 2 PHẦN I THÔNG TƯ SỐ 150/LB-TT NGÀY 16/4/1996 CỦA LIÊN BỘ BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CHÍNH PHỦ - TÀI CHÍNH - Y TẾ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 794/TTG NGÀY 5-12-1995 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGÀNH Y TẾ

Căn cứ Bộ luật lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động ngày 2 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
Căn cứ Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu;
Căn cứ Quyết định 794/TTg ngày 5 tháng 12 năm 1995 cuả Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức ngành y tế;
Liên Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ - Bộ Y tế hướng dẫn chế độ phụ cấp thường trực 24/24 giờ và chế độ làm thêm giờ đối với công chức, viên chức ngành Y tế như sau:

I- CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THƯỜNG TRỰC VÀ LÀM THÊM GIỜ

1- Phụ cấp thường trực áp dụng đối với công chức, viên chức làm nhiệm vụ trực chuyên môn y tế ngoài giờ tiêu chuẩn, còn gọi là trực 24/24 giờ (sau khi hoàn thành giờ tiêu chuẩn một ngày làm việc, phải trực 16 giờ tiếp theo ngoài giờ tiêu chuẩn), cụ thể như sau:

a) Mức phụ cấp 7.000 đồng cho ca trực được áp dụng đối với:

- Công chức, viên chức chuyên môn y tế làm viêc ở các Bệnh viện, viện có giường bệnh hạng 1, các bệnh viên lao, phong, tâm thần.

- Công chức, viên chức chuyên môn y tế làm ở các khoa: ngoại, sản, nhi, lây nhiễm, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, hồi sức cấp cứu (kể cả bộ phận hồi sức cấp cứu ở các khoa khác) tại bệnh viện, viện có giường còn lại và trung tâm y tế quận, huyện.

- Công chức, viên chức chuyên môn y tế làm ở nhà hộ sinh thuộc khu vực Nhà nước quản lý.

- Công chức, viên chức chuyên môn y tế phải trực chống dịch tại các cơ sở y tế thuộc Nhà nước quản lý trong thời gian có dịch.

b) Mức phụ cấp 5.000 đồng cho ca trực được áp dụng đối với công chức, viên chức chuyên môn y tế làm ở các đơn vị ngoài quy định nêu ở điểm 2.1 trên của các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, quận, viện có giường bệnh, viện điều dưỡng được Nhà nước giao chỉ tiêu, các phòng khám đa khoa khu vực.

c) Mức phụ cấp 3.000 đồng cho ca trực được áp dụng cho đối tượng chuyên môn y tế làm ở các trạm y tế cơ sở.

2- Công chức, viên chức chuyên môn y tế làm nhiệm vụ trực 24/24 giờ được bố trí nghỉ bù một ngày ngay sau phiên trực và vẫn được trả nguyên tiền lương của ngày nghỉ bù trong tiền lương hàng tháng.

3- Công chức, viên chức chuyên môn y tế ngoài ngày trực 24/24 giờ nêu tại điểm 1 trên đây, nếu có làm thêm giờ thì được trả lương theo quy định tại mục 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động số 35/2002/QH10 ngày 2 tháng 4 năm 2002 của Quốc hội, cụ thể như sau:

3.1- Người lao động làm thêm giờ được trả lương theo tiền lương của công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%.

b) Vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%.

c) Vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%.

d) Nếu người lao động được nghỉ bù những giờ làm thêm, thì người sử dụng lao động chỉ phải trả phần chênh lệch so với tiền lương của công việc đang làm của ngày làm việc bình thường.

e) Người lao động làm việc vào ban đêm tính từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc 21 giờ đến 5 giờ, tuỳ theo vùng khí hậu do Chính phủ quy định thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương của công việc đang làm vào ban ngày.

3.2- Cách tính trả lương làm thêm giờ như sau:

Tiền lương làm thêm giờ

 

=

Tiền lương cấp bậc hoặc chức vụ tháng (kể cả các khoản phụ cấp lương (nếu có)

 

x

150% hoặc 200% hoặc 300%

 

x

Số giờ làm thêm

Số giờ tiêu chuẩn quy định trong tháng

 

3.3- Nếu làm thêm giờ vào ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ sáng thì được trả thêm ít nhất bằng 30% của tiền lương làm việc vào ban ngày. Cách tính phụ cấp làm đêm như sau:

Phụ cấp làm đêm

=

Tiền lương cấp bậc hoặc chức vụ tháng (kể cả phụ cấp chức vụ)

x

30%

x

Số giờ làm đêm

Số giờ tiêu chuẩn quy định
trong tháng

 

3.4- Thời giờ làm thêm của người lao động thực hiện theo quy định tại điểm 2 Điều 1 Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

II- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Đối với cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện cơ chế quản lý tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ.

Căn cứ vào các quy định hiện hành về chuyên môn và nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị (bao gồm nguồn do ngân sách Nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp); thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh chủ động xây dựng quy chế chi trả chế độ phụ cấp trực, tiêu chuẩn, định mức ca trực, mức phụ cấp trực cao hơn mức quy định tại điểm 1 mục I của Thông tư này phù hợp với từng bộ phận trong đơn vị; đảm bảo chi trả kịp thời chế độ phụ cấp thường trực cho người lao động theo đúng đối tượng trong phạm vi nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị mình sau khi thống nhất với tổ chức công đoàn và công khai trong đơn vị.

2- Đối với cơ sở khám chữa bệnh chưa đủ điều kiện triển khai thực hiện Nghị định 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ (các cơ sở khám chữa bệnh không có nguồn thu sự nghiệp; các trạm y tế xã, phường, thị trấn);

Căn cứ phạm vi nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị mình, các đơn vị sắp xếp bố trí ca trực 24/24 giờ cho hợp lý, có hiệu quả và giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định tại điểm 1 mục I của Thông tư này.

3- Nguồn kinh phí chi trả chế độ nêu trên thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh căn cứ vào nguồn tài chính hoạt động thường xuyên chi trả chế độ phụ cấp trực và chế độ làm thêm giờ cho người lao động theo đúng quy định.

Riêng đối với những khoản nợ phụ cấp trực năm 2001, năm 2002, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát, bố trí nguồn kinh phí chi trả cho người lao động. Trường hợp thực sự khó khăn, không có khả năng bố trí nguồn chi trả, các Bộ, địa phương có văn bản gửi Liên bộ xem xét, giải quyết.

4- Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2003 và thay thế điểm 2 Phần I Thông tư số 150/TT-LB ngày 16 tháng 4 năm 1996 của Liên Bộ Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Y tế hướng dẫn thi hành Quyết định số 794/TTg ngày 5 tháng 12 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức ngành Y tế.

5- Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ để xem xét, giải quyết.

 

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)

Trần Thị Trung Chiến

(Đã ký)

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 07/2003/TTLT-BTC-BNV-BYT sửa đổi điểm 2 phần I TT 150 hướng dẫn QĐ 794/TTg quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức ngành Y tế do Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 07/2003/TTLT-BTC-BNV-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 15/01/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế
  • Người ký: Đỗ Quang Trung, Nguyễn Sinh Hùng, Trần Thị Trung Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản