Hệ thống pháp luật

BỘ LÂM NGHIỆP-BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-TT/LB

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1977 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LAO ĐỘNG ĐỂ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 272-CP CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Thi hành quyết định số 272-CP ngày 03-10-1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành chính sách đối với hợp tác xã mở rộng diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng vùng kinh tế mới, thực hiện định canh, định cư, Bộ Lao động, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn một số vấn đề về lao động như sau.

I. XÂY DỰNG QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH ĐIỀU CHỈNH LAO ĐỘNG XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI

Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Chính phủ, động viên, phân bổ, sử dụng mọi nguồn lao động chưa có việc, thiếu việc nhằm bảo đảm nhiệm vụ kế hoạch khai hoang mở rộng diện tích nông, lâm nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới, định canh, định cư, một vấn đề cơ bản và cấp bách là phải xây dựng quy hoạch lao động ở từng địa phương, đặc biệt chú trọng vai trò cấp huyện trong việc cân đối lao động, phân bổ tổ chức lao động gắn liền với tổ chức lại sản xuất. Quy hoạch lao động của huyện phải xác định rõ yêu cầu lao động để bảo đảm sản xuất, xây dựng và các mặt khác của huyện trong những năm tới; xác định khả năng lao động sẽ phát triển có tính đến tốc độ tăng dân số và lao động một cách hợp lý; tính toán cân đối nhu cầu và khả năng xác định mức lao động thừa, thiếu trên địa bàn từng huyện, đề ra kế hoạch điều bớt lao động đi hoặc tiếp nhận lao động đến.

Tính dựa vào quy hoạch lao động của các huyện và căn cứ vào quy hoạch kinh tế chung của địa phương mà tổng hợp, tính toán cân đối, yêu cầu và khả năng lao động, đề ra chủ trương, kế hoạch đưa bớt lao động đi hoặc trực tiếp nhận lao động đến cho phù hợp. Sau đây là một số vấn đề cụ thể trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch lao động:

1. Xác định địa bàn chuyển lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Ở đồng bằng các tỉnh phía Bắc (bao gồm cả vùng đồng bằng của các tỉnh khu 4 cũ, trung du) địa bàn chuyển bớt lao động đi là những huyện, những hợp tác xã có diện tích canh tác bình quân thấp (dưới 3 sào Bắc bộ) không có điều kiện phát triển ngành nghề, thừa lao động.

Căn cứ vào quy định chung này, mỗi địa phương tùy tình hình cụ thể mà xác định địa bàn cho thích hợp.

Việc tính toán nhu cầu lao động để bảo đảm sản xuất và xây dựng tại chỗ phải căn cứ vào phương hướng sản xuất và định mức lao động hợp lý đối với từng cây, con, ngành, nghề. Ngoài việc xem xét diện tích canh tác bình quân đầu người, còn cần chú ý đến phương hướng sản xuất, điều kiện sản xuất để tính toán cân đối lao động. Nếu hai hợp tác xã có diện tích canh tác như nhau, nhưng điều kiện sản xuất khác nhau, yêu cầu phát triển ngành nghề khác nhau thì nhu cầu lao động cần thiết cho phân công tại chỗ khác nhau. Những hợp tác xã tuy có ngành nghề, nhưng khi cân đối vẫn thừa lao động thì cần rút bớt lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới. Cân đối lao động cho phát triển ngành nghề cần căn cứ vào kế hoạch và chú ý đến những ngành nghề có điều kiện tương đối ổn định lâu dài để phân bố lao động hợp lý.

Những huyện đồng bằng mở rộng cơ giới hóa trong nông nghiệp cần sử dụng tốt số lao động dôi ra trong quá trình tổ chức lại sản xuất, phân công lại lao động trên địa bàn huyện, đồng thời phải chủ động thực hiện kế hoạch điều lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Ở các thành phố, thị xã phía Bắc (như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…) những nơi đông dân, nhiều lao động, trên cơ sở cân đối lao động và giải quyết việc làm tại chỗ, cũng cần điều chỉnh lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Ở các tỉnh, thành phố phía Nam, địa bàn đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới là các thành phố, thị xã, thị trấn đông dân, nhiều người có khả năng lao động nhưng chưa có việc làm. Cần nắm chắc số lượng, chất lượng và tình hình lao động trong các quận, phường, phân loại lao động để bố trí phân công lao động tại chỗ và điều lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.

2. Xác định địa bàn tiếp nhận lao động đến xây dựng vùng kinh tế mới

Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của vùng kinh tế mới đã được xét duyệt để tính toán nhu cầu lao động. Cân đối với khả năng lao động tại chỗ để xác định nhu cầu lao động phải tiếp nhận thêm cho kế hoạch dài hạn và từng năm. Dựa vào đó, cấp tỉnh tổng hợp cân  đối chung, xác định chỉ tiêu xin tiếp nhận thêm lao động để đề xuất với trung ương và tỉnh kết nghĩa xây dựng kế hoạch chung cho phù hợp với thực tế.

3. Cơ cấu lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới

- Lực lượng lao động được điều đến các vùng kinh tế mới cần căn cứ vào phương hướng kinh tế của từng vùng để bố trí cơ cấu lao động phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế bao gồm lao động trực tiếp sản xuất, lao động xây dựng cơ bản, lao động làm dịch vụ, có nam, có nữ, có cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật.

Lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới theo hình thức hợp tác xã cần có cơ cấu hợp lý để bảo đảm thực hiện phương hướng sản xuất của từng vùng và từng loại hình  hợp tác xã, từng ngành nghề khác nhau (như hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã lâm nghiệp hay hợp tác xã lâm, nông nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp…) cố gắng bảo đảm cho cả nơi lao động đi và nơi tiếp nhận lao động đến đều có tỷ lệ lao động trong dân số hợp lý (tỷ lệ lao động nam, nữ, lao động trẻ khỏe) để vừa bảo đảm đưa lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới vừa bảo đảm thâm canh phát triển sản xuất của địa phương. Phải lựa chọn đưa đi xây dựng vùng kinh tế mới những người có khả năng lao động sản xuất được. Không đưa đi những gia đình quá đông nhân khẩu nhưng ít lao động, những người ốm yếu, tàn tật, mất sức không có khả năng lao động sản xuất. Ở các thành phố, thị xã phía Nam, việc đưa lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới cũng thực hiện theo hướng chung đó.

- Lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới theo hình thức lập nông, lâm trường thì tùy theo yêu cầu của từng ngành nghề đề ra tiêu chuẩn tuyển dụng thích hợp theo chế độ hiện hành.

Bố trí cơ cấu lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới theo hình thức hợp tác xã và hình thức quốc doanh cần chú ý tạo cho các cơ sở sản xuất mới có điều kiện hình thành cơ cấu xã hội hợp lý, nhất là tạo cho chị em phụ nữ có điều kiện xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái được tốt. Những hộ có cả hai vợ chồng có đủ tiêu chuẩn thì nên tuyển dụng cả.

Trong một vùng kinh tế mới có cả nông, lâm trường và hợp tác xã, khi bố trí kế hoạch đưa lao động đi cần phân vùng hợp lý để điều lao động cho cơ sở quốc doanh và hợp tác xã được tập trung theo từng vùng, từng huyện để tạo điều kiện thuận tiện cho việc lập khu dân cư mới.

4. Quan hệ giữa nơi di dân và nơi nhận dân đến.

Quy định của Hội đồng Chính phủ kèm theo quyết định số 272-CP đã xác định cụ thể trách nhiệm các tỉnh, thành phố trong đó quy định rõ trách nhiệm, tỉnh có dân đi và tỉnh đón dân đến. Căn cứ quy định đó giữa hai tỉnh (đưa dân đi, đón dân đến) cần bàn bạc, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của mỗi bên và phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc cho người lao động trong quá trình thực hiện. 

II. TỔ CHỨC LAO ĐỘNG ĐI XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI

Lực lượng lao động đi xây dựng các vùng kinh tế mới được tổ chức theo hình thức hợp tác xã (hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã nông, lâm nghiệp hay lâm, nông nghiệp v.v… ) hoặc theo hình thức quốc doanh (nông trường , lâm trường) không làm riêng  lẻ.

1. Tổ chức lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới theo hình thức hợp tác xã.

a) Tổ chức lao động đi trước chuẩn bị cơ sở.

Việc lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới thời gian đầu chỉ đưa những lao động trẻ, khỏe, có tinh thần hăng hái lấy ở những gia đình có nhiều lao động, đến cơ sở mới để chuẩn bị trước.Người lao động đi trước cần được tổ chức thành khung hợp tác xã, để có điều kiện nhận đất, nhận rừng, nhận vốn để tiến hành sản xuất ở cơ sở mới.

Các tỉnh phía Bắc đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới cần tổ chức bộ khung hợp tác xã ngay trước khi đi. Quy mô của bộ khung hợp tác xã tùy theo yêu cầu cần thiết của sản xuất, xây dựng theo quy hoạch để bố trí cho phù hợp. Số lượng của bộ khung đưa đi nên lấy gọn ở một hợp tác xã hoặc 2, 3 hợp tác xã gần nhau gồm có ban quản trị, đội trưởng, đội phó. Nhiệm vụ của bộ khung hợp tác xã là : nhận khu vực dân cư, khu vực sản xuất thuộc phạm vi hợp tác xã mình phụ trách; tiếp nhận những cơ sở ban đầu đã được xây dựng do địa phương bàn giao cho; làm tiếp một số công trình xây dựng cơ bản cần thiết còn thiếu; nhận vốn để tiến hành sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch đã định. Những nơi đưa lao động đi xen ghép vào hợp tác xã đã có thì cần tổ chức thành những đội, tổ lao động, khi đến vùng kinh tế mới thì nhập vào hợp tác xã đó và tổ chức phân công lại lao động hợp lý để tiến hành sâu xuất. Các thành phố, thị xã phía Nam khi chuyển lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới cần dựa vào phường, quận để lựa chọn cốt cán và lao động, tổ chức thành khung các đội, tổ sản xuất tập thể, chuẩn bị điều kiện tiến lên xây dựng hợp tác xã.

Cần hướng dẫn ngay từ đầu cho các bộ phận khung hợp tác xã đội, tổ sản xuất tập thể về công tác tổ chức, quản lý lao động. Chú ý tổ chức các đội, tổ sản xuất theo hướng đi dần vào chuyên môn hóa, thực hiện phân công lao động hợp lý; tiến hành xây dựng mức lao động tạm thời để đưa vào thực hiện rồi qua thực tế điều chỉnh bổ sung; có chế độ khoán việc, ghi chép theo dõi công điểm rành mạch, công khai bảo đảm cho việc phân phối công bằng hợp lý; xây dựng nội quy lao động về đề cao kỷ luật lao động; thực hiện công tác bảo hộ lao động trong sản xuất, khai hoang, xây dựng cơ bản ở các vùng kinh tế mới…

b) Tổ chức lao động đi hỗ trợ xây dựng vùng kinh tế mới

- Những tỉnh, huyện đưa dân đi và nhận dân đến ở gần nhau (kể cả một tỉnh) thì nơi đưa dân đi tổ chức những đội lao động có tính chất tạm thời nhất là lúc nông nhàn để hỗ trợ các hợp tác xã mới làm một số công việc; làm nhà, làm trường học, trạm xá…lực lượng lao động này cần tổ chức chặt chẽ, phân công địa bàn và giao nhiệm vụ cụ thể, định rõ khối lượng công việc và thời gian để làm việc gì thì tập trung dứt điểm việc đó.

- Những tỉnh, huyện đưa dân đi và nhận dân đến ở xa nhau thì các tỉnh đón dân phải tổ chức lao động của địa phương để xây dựng cơ sở ban đầu cho vùng kinh tế mới.

Tỉnh đưa dân đi có trách nhiệm lấy những lao động biết ngành xây dựng cơ bản đưa đến kết hợp với tỉnh đón dân để làm việc này. Lao động của tỉnh đưa dân đi được tổ chức thành những đội thi công xây dựng cơ bản. Số lượng lao động, thời hạn hoạt động, trách nhiệm về chỉ đạo, quản lý lực lượng lao động này, do hai tỉnh, huyện kết nghĩa bàn bạc quyết định. Có thể tổ chức lực lượng lao động này thành những công trường để tập trung xây dựng nhanh gọn, dứt điểm. Ngoài ra, nếu xét cần thiết và có điều kiện, thì huy động lao động của địa phương cùng làm.

2. Tổ chức lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới theo hình thức quốc doanh.

a) Tổ chức tuyển dụng nhanh, gọn, tập trung

Tuyển lao động cho yêu cầu tổ chức các nông trường, lâm trường ở vùng kinh tế mới cần vận dụng tiêu chuẩn, chính sách, thủ tục cho phù hợp, bảo đảm tuyển được tốt và nhanh, gọn, hết sức tránh phiền hà nhân dân.

Việc tuyển dụng lao động phải căn cứ vào thông tư số 7-LĐ/TT ngày 2-4-1977 về tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước các tỉnh, thành phía Nam và thông tư số 14-LĐ/TT ngày 21-06-1977 hướng dẫn việc tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân viên chức trong tình hình mới của Bộ Lao động. Sau khi đã có quy hoạch, kế hoạch lao động, xác định địa bàn những nông trường, lâm trường phải xây dựng mới hoặc mở rộng thêm và chỉ tiêu lao động được tuyển dụng, các tỉnh được giao nhiệm vụ cung cấp lao động phải dựa chắc vào cấp huyện và các hợp tác xã để bảo đảm việc tuyển dụng đúng theo yêu cầu về số lượng, chất lượng, đúng chế độ chính sách. Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm chỉ đạo các xã, hợp tác xã tuyển đủ số lượng, chất lượng lao động theo kế hoạch được giao. Việc phân bổ chỉ tiêu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho các huyện nên theo hướng từng huyện hay vài ba huyện cùng cấp lao động để lập từng nông trường, lâm trường ở vùng kinh tế mới.

Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, việc triển khai tuyển lao động cần tiến hành đồng bộ. Cơ quan lao động phải chủ động kết hợp với cơ quan công an, y tế, lương thực, thương nghiệp để giải quyết tại chỗ những thủ tục về tuyển dụng, đăng ký hộ khẩu, lương thực, khám sức khỏe cho thật nhanh gọn. Cơ quan chủ quản tuyển dụng lao động có nhiệm vụ tiếp nhận và quyết định tuyển dụng chính thức ngay tại huyện và tổ chức đưa lao động đến vùng kinh tế mới. Những nơi nhận lao động đến cũng phải giải quyết thật khẩn trương thủ tục, chế độ… theo tinh thần đó để sớm đưa lao động vào sản xuất và ổn định đời sống.

b) Đối với những người trong gia đình công nhân đi hoặc đi theo đến vùng kinh tế mới.

Khi nông trường, lâm trường đã tương đối ổn định, công nhân viên được đón gia đình đi theo và được bố trí ở theo khu vực dân cư của nông, lâm trường.

Nông trường, lâm trường có trách nhiệm mở thêm công việc làm để tận dụng lao động của các gia đình công nhân, viên chức bằng các hình thức như hợp đồng lao động lâu dài, có thời hạn hay làm gia công để góp phần tạo thêm của cải vật chất và có thu nhập, bảo đảm đời sống. Những người không có điều kiện làm hợp đồng, làm gia công thì hướng dẫn tổ chức làm ngành nghề thủ công, dịch vụ, phục vụ yêu cầu của vùng kinh tế mới.

c) Đối với nhân dân ở xen kẽ hoặc mới định canh, định cư trong khu vực xây dựng nông trường, lâm trường.

Ở những khu vực đã quy hoạch để xây dựng nông trường, lâm trường có nhân dân ở xen kẽ từ trước hoặc mới định canh, định cư thì tùy tình hình cụ thể mà giải quyết theo hướng vận động họ thành lập hợp tác xã kết hợp với tổ chức lại khu sản xuất, khu vực dân cư, hoặc làm gia công, hợp đồng cho nông trường, lâm trường. Những người có đủ điều kiện thì tuyển dụng vào làm công nhân. Những người trong gia đình họ giải quyết theo quy định đã nói ở điểm b đối với những người trong gia đình công nhân đi theo.

III. MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CỤ THỂ

Căn cứ vào quy định của Hội đồng Chính phủ ban hành theo quyết định số 272-CP và những chế độ chính sách hiện hành, liên bộ hướng dẫn một số vấn đề cụ thể như sau:

1. Đối với lao động trong khung hợp tác xã đi trước chuẩn bị đón gia đình vào xây dựng vùng kinh tế mới.

Lao động được cử đi trước chuẩn bị cơ sở cho hợp tác xã ở vùng kinh tế mới được hưởng các chế độ theo điều lệ hợp tác xã và thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động. Chế độ trả công lao động áp dụng theo hình thức khoán hoặc trả công nhật và sau mỗi vụ sản xuất tiến hành phân phối. Trong thời kỳ đầu chưa có thu hoạch, hợp tác xã được Nhà nước cho vay vốn để sản xuất trong đó có phần dùng để trả công lao động. Những công trình xây dựng cơ bản Nhà nước đầu tư vốn thì hợp tác xã dùng số tiền đó để chi phí sản xuất và phân phối cho công lao động theo như chế độ Nhà nước hướng dẫn.

Các cán bộ hợp tác xã như chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán trưởng…ngoài việc được hưởng các quyền lợi như xã viên, còn được hưởng công lao động về trách nhiệm quản lý theo như chế độ hiện hành.

Căn cứ điều lệ hợp tác xã và các chế độ chính sách hiện hành, Ủy ban nhân dân hai tỉnh đưa dân đi và đón dân đến cần bàn bạc cụ thể để hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện cho phù hợp với tình hình vùng kinh tế mới; chú ý hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã trong những trường hợp xảy ra chết, tan nạn lao động.

2. Đối với lực lượng lao động đi hỗ trợ, xây dựng vùng kinh tế mới.

Lực lương lao động được tổ chức đi làm nhiệm vụ hỗ trợ các hợp tác xã đi xây dựng vùng kinh tế mới, chủ yếu là đi ngắn ngày trong lúc nông nhàn. Do đó, từng hợp tác xã có nhiệm vụ tổ chức lao động và giải quyết chế độ cho người đi hỗ trợ theo sự hướng dẫn, giúp đỡ của Ủy ban nhân dân từng địa phương.

3. Đối với lao động trong các đội thi công xây dựng cơ bản

Các đội thi công xây dựng cơ bản là đơn vị hạch toán kinh tế, do Nhà nước đầu tư vốn và làm theo chế độ hợp đồng.

Các chế độ về tiền công và phụ cấp, tiền thuốc và bồi dưỡng khi ốm đau, chi cho ánh sáng, nước, sinh hoạt, giường nằm, tiền tàu xe, tiền ăn khi đi đường, tiền thưởng, bảo hộ lao động, đãi ngộ khi bị tai nạn lao động được vận dụng theo các điều 1, 2, 3 và 4 mục III trong thông tư số 2-LĐ/TT ngày 16-01-1975 của Bộ Lao động hướng dẫn thi hành thông tư số 184-CP ngày 18-07-1974 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ hợp đồng lao động. Hai tỉnh kết nghĩa cần bàn bạc với nhau vận dụng cụ thể cho phù hợp với vùng kinh tế mới; phân công trách nhiệm rõ ràng quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; trang bị công cụ lao động để bảo đảm sức khỏe và tăng năng suất lao động.

4. Đối với người lao động được tuyển vào nông, lâm trường ở vùng kinh tế mới, và người trong gia đình đi theo.

Người lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới và người ở xen kẽ, định canh định cư trong khu vực nông, lâm trường, được tuyển vào làm công nhân nông trường, lâm trường…được hưởng mọi quyền lợi theo chế độ hiện hành đối với công nhân, viên chức Nhà nước. Bố, mẹ, hoặc con của công nhân được phép đem theo ở trong khu vực dân cư của nông, lâm trường… được hưởng các chế độ hiện hành như các gia đình công nhân, viên chức.

Xã viên hợp tác xã trẻ, ưu tú và học sinh là con em nông dân tập thể, công nhân viên chức, nông, lâm trường nếu có đủ tiêu chuẩn được ưu tiên tuyển dụng vào làm công nhân nông trường, lâm trường họăc được lựa chọn đi đào tạo tại các trường chuyên nghiệp, trường dạy nghề, để về công tác ở vùng kinh tế mới theo chính sách hiện hành.

5. Nghĩa vụ dân công

Quyết định số 272-CP quy định cho người lao động đến vùng kinh tế mới, trong thời gian 3 năm đầu được miễn nghĩa vụ đi dân công xa nhưng vẫn làm nghĩa vụ dân công ở xã. Theo tinh thần đó, trong 3 năm đầu tính từ ngày người lao động đến vùng kinh tế mới, chính quyền địa phương không huy động họ đi làm nghĩa vụ công dân trên các công trường của tỉnh, của huyện. Nhưng đối với các công việc xây dựng cơ bản, xây dựng các công trình phúc lợi công công trong xã, thì những lao động đến xây dựng vùng kinh tế mới cũng có nghĩa vụ đóng góp công lao động như những người lao động khác trong xã đó.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN LAO ĐỘNG VÀ NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP CÁC CẤP TRONG VIỆC THỰC HIỆN THÔNG TƯ

Ở trung ương

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ đã được Chính phủ quy định và sự phân công trách nhiệm giữa các ngành trong quản lý kinh tế, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo thực hiện toàn diện việc điều chỉnh lao động xây dựng vùng kinh tế mới, thực hiện định canh, định cư. Hai bộ có nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch lao động, tổng hợp của các địa phương để trình Chính phủ xét duyệt; hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc tổ chức đưa lao động đi, tiếp nhận lao động đến xây dựng vùng kinh tế mới; chỉ đạo thực hiện đúng đắn các chế độ lao động tiền lương; chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý lao động đối với các cơ sở quốc doanh và hợp tác xã mới được xây dựng trên vùng kinh tế mới.

Bộ Lao động là cơ quan tổng hợp về quản lý lao động và tiền lương, trên cơ sở chức năng của mình, có trách nhiệm tham gia với Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp và các ngành có trách nhiệm khác trong việc xác định địa bàn đưa lao động đi, nhận lao động đến; nghiên cứu những chế độ, chính sách đối với người lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới; thông qua việc nghiên cứu, kiểm tra, nắm tình hình lao động, chỉ đạo trọng điểm mà đề xuất với cơ quan nông nghiệp, lâm nghiệp, những biện pháp nhằm tổ chứ quản lý tốt lao động, và thu hút ngày càng nhiều lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Ở các địa phương

Các tỉnh, thành phố các trách nhiệm trực tiếp trong việc vận động nhân dân đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Ban kinh tế mới, Ty lâm nghiệp, Ban định canh, định cư có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân chỉ đạo thực hiện điều chỉnh lao động, tổ chức quản lý lao động và các chế độ, chính sách đối với lao động xây dựng vùng kinh tế mới, thực hiện định canh định cư. Các cơ quan lao động địa phương phải trên cơ sở nắm chắc tình hình lao động, đi sâu vào trọng điểm, mà tham gia vào việc xác định địa bàn cần đưa lao động đi, tiếp nhận lao động đến cho sát với thực tế địa phương; hướng dẫn và đôn đốc kiểm tra việc thi hành những chế độ, chính sách đối với người lao động và tuyển dụng lao động cho vùng kinh tế mới; đề xuất với Ủy ban nhân dân, với cơ quan kinh tế mới, lâm nghiệp địa phương những biện pháp để đưa công tác tổ chức, quản lý lao động ở vùng kinh tế mới đi mau vào nề nếp.

Trong quá trình thực hiện, các Sở, Ty lao động, các Ban kinh tế mới, các Ty lâm nghiệp, tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên báo cáo cho liên Bộ và kịp thời đề xuất những vấn đề cần được nghiên cứu bổ sung.

Thông tư này thay thế thông tư liên Bộ Lao động – Nông nghiệp – Lâm nghiệp số 22-TT/LB ngày 24-6-1975 và thông tư liên Bộ Lao động – Nông nghiệp – Tài chính số 12-TT/LB ngày 10-8-1976.

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG
 


 
Lê Chân Phương

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG
 


 
Trần Quốc Mạnh

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ LÂM NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG
 


 
Trần Văn Quế

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 20-TT/LB năm 1977 hướng dẫn vấn đề về lao động để thực hiện quyết định 272-CP do Bộ Lao động -Bộ Nông nghiệp - Bộ Lâm nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 20-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 09/12/1977
  • Nơi ban hành: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Lao động, Bộ Nông nghiệp
  • Người ký: Lê Chân Phương, Trần Quốc Mạnh, Trần Văn Quế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 25
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản