Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG-TỔNG CỤC ĐỊA CHẤT | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 965-DC-VP | Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 1961 |
Ngày 11-03-1961 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/CP về việc quản lý và bảo vệ tài nguyên dưới đất, mục đích của thông tư này nhằm giải thích và hướng dẫn việc thi hành Nghị định nói trên.
I. MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA CỦA VIỆC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 36- CP NGÀY 11-03-1961:
Như trong điều 1 của Nghị định số 36/CP đã nêu rõ, mục đích của việc ban hành nghị này nhằm tăng cường việc bảo vệ tài nguyên, quản lý việc khai thác hầm mỏ, ngăn ngừa tình trạng hao phí tài nguyên.
Tài nguyên khoáng sản của nước ta rất phong phú nhưng cũng có hạn. Hiện nay việc sử dụng tài nguyên cũng như việc khai thác còn nhiều chổ chưa đúng nguyên tắc kỹ thuật bảo vệ tài nguyên, gây tình trạng lãng phí tài nguyên khá lớn. Việc ban hành Nghị định số 36/CP ngoài mục đích tăng cường việc bảo vệ tài nguyên, ngăn ngừa tình trạng lãng phí tài nguyên, còn có ý nghĩa hợp lý hóa việc sử dụng tài nguyên khoáng sản, chấn chỉnh việc khai thác đúng kỹ thuật, đúng nguyên tắc bảo vệ tài nguyên.
II. PHẠM VI THI HÀNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 36-CP NGÀY 11-03-1961
Điều 1 của Nghị định số 36/CP đã quy định rõ “việc khai thác hầm mỏ trên toàn cõi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Địa chất và Bộ Công nghiệp nặng”.
Điều 3 và 4 của Nghị định số 36-CP cũng nêu rõ tất cả các cơ quan, xí nghiệp muốn khai thác mỏ hay đang khai thác mỏ phải xin phép khai thác và chịu sự quản lý về mặt kỹ thuật của Tổng cục Địa chất và Bộ Công nghiệp nặng.
Theo tinh thần Nghị định số 36/CP , phạm vi thi hành Nghị định số 36/CP này quy định như sau:
1. Tất cả các mỏ đang khai thác, chưa khai thác, các mỏ đã thăm dò hay chưa thăm dò đều thuộc phạm vi thi hành Nghị định này.
2. Tất cả các xí nghiệp, cơ quan, đơn vị bộ đội đang khai thác hay muốn xin khai thác đều phải chấp hành theo đúng thể lệ và thủ tục Nghị định số 36/CP và thông tư này.
3. Riêng đối với các xí nghiệp mỏ trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng sẽ có án văn quy định sau.
4. Nghị định số 36/CP áp dụng cho tất cả các loại khoáng sản trữ.
a) Nguyên liệu dùng để xây dựng như:
- Đất sét để nung gạch, ngói.
- Đất làm cấp phối rải đường.
- Đá vôi, sa thạch, nham thạch suối để rải đường.
- Đá vôi làm vôi xây nhà.
- Đá vôi, đá ong để xây nhà.
- Cát đen, cát vàng để xây nhà.
Nhưng nguyên liệu xây dựng do Ủy ban hành chính địa phương quản lý và trực tiếp cho phép khai thác. Sau khi cho phép khai thác Ủy ban hành chính địa phương sẽ báo cho Tổng cục Địa chất và Bộ Công nghiệp biết để theo dõi và giúp đỡ nếu cần.
Trường hợp nếu trong địa điểm có nguyên liệu xây dựng có những khoáng sản khác (dù đang khai hay chưa khai), trước khi cho phép khai thác Ủy ban hành chính địa phương phải xin ý kiến của Tổng cục Địa chất và Bộ Công nghiệp nặng.
b) Những khoáng sản đặc biệt như lim loại phóng xạ nguyên tử và các nhiên liệu lỏng (dầu hỏa) và nhiên liệu khí (khí thắp), những khoáng sản kim loại đặc biệt và những nhiên liệu lỏng và khí thắp sẽ do Hội đồng Chính phủ quyết định việc thăm dò và khai thác.
III. THỦ TỤC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỒ 36-CP NGÀY 11-03-1961:
1. Về việc xin phép và cho phép khai thác mỏ:
a) Đối với mỏ chưa khai thác:
- Tất cả các xí nghiệp, cơ quan, đơn vị bộ đội… muốn xin khai thác mỏ phải làm đơn xin khai thác mỏ. Đơn phải làm thành 2 bản và gửi về Tổng cục địa chất xét duyệt. Trong đơn phải ghi rõ:
- Vị trí địa điểm xin khai mỏ: thôn, xã, huyện, tỉnh, nếu được, ghi rõ tọa độ ví trí địa dư.
- Chất khoáng sản định khai và sản lượng dự định khai thác hàng năm, (tối thiểu, tối đa).
- Chương trình khai thác ngắn hạn và dài hạn (nếu có).
- Khả năng khai thác: khả năng kinh tế (vốn, tài chính…) khả năng kỹ thuật (cán bộ, công nhân chuyên nghiệp, thiết bị…).
Kèm theo đơn xin khai thác phải có trích lục bản đồ tỷ lệ 1/25.000 (hoặc 1/100.000).
Sau khi nhận được đơn xin khai Tổng cục Địa chất sẽ trao đổi với Bộ Công nghiệp nặng và có ý kiến quyết định hoặc cho phép hoặc không cho phép. Thời gian được phép khai thác sẽ do Bộ Công nghiệp nặng và Tổng cục Địa chất quy định sau.
Trường hợp nếu tự động khai thác mà không xin phép, Bộ Công nghiệp nặng và Tổng cục Địa chất có quyền nhận xét, phê bình và sau đó nếu không có sự chỉnh lý cần thiết thì có quyền đề nghị Chính phủ đình chỉ và nếu cần, thi hành kỷ luật.
b) Đối với mỏ đang khai:
- Tất cả các xí nghiệp, cơ quan, đơn vị bộ đội… đang khai thác mỏ phải làm báo cáo về tình hình khai thác mỏ hiện nay và làm đơn xin tiếp tục khai thác. Báo cáo và đơn phải làm thành 2 bản gửi Tổng cục Địa chất và Bộ Công nghiệp nặng. Báo cáo phải ghi rõ:
- Vị trí vùng mỏ đang khai thác: thôn, xã, huyện, tỉnh. Nếu được, ghi cả tọa độ vị trí địa dư.
- Các chất khoáng sản đã khai và tổng sản lượng khai thác hàng năm và đã khai từ trước đến nay.
- Phương pháp khai thác thủ công, cơ khí, lộ thiên, hầm lò,… và kèm theo một bản đồ khai thác.
- Chương trình dự định khai thác và phương pháp khai thác định áp dụng. Khó khăn và thuận lợi trong vấn đề khai thác. Yêu cầu và đề nghị nếu có.
- Sau khi nhận được báo cáo và đơn xin tiếp tục khai thác, Bộ Công nghiệp nặng và Tổng cục Địa chất sẽ có ý kiến quyết định về việc tiếp tục khai thác.
c) Đối với các mỏ không khai thác nữa:
- Những mỏ được khai, nay vì một lý do nào đó không khai thác thì sẽ thuộc tài sản của Nhà nước; xí nghiệp, cơ quan, đơn vị bộ đội… đang khai thác mỏ đó không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, bán lại mỏ đó cho một xí nghiệp, cơ quan hay đơn vị bộ đội… khác.
2. Về việc kiểm tra khai thác và đình chỉ khai thác:
Ba tháng một lần các xí nghiệp, cơ quan, đơn vị bộ đội… khai thác mỏ phải gửi báo cáo có kèm theo bản đồ về tình hình khai thác mỏ về Bộ Công nghiệp nặng và Tổng cục Địa chất để theo dõi và giúp đỡ chuyên môn, nếu cần. Thường xuyên, Bộ Công nghiệp nặng và Tổng cục Địa chất sẽ bố trí cả cán bộ xuống các cơ sở để kiểm tra và nhận xét về tình hình khai thác theo nguyên tắc bảo vệ tài nguyên. Những ý kiến nhận xét phải ghi thành văn bản gửi cho xí nghiệp, cơ quan, đơn vị bộ đội… khai thác và phải được thi hành nghiêm chỉnh. Trường hợp những nhận xét không thi hành không có lý do chính đáng hoặc nhận thấy việc khai thác cố tình không theo đúng kỹ thuật, gây lãng phí lớn về tài nguyên khoáng sản, Bộ Công nghiệp nặng và Tổng cục Địa chất có quyền đề nghị Chính phủ ra lệnh đình chỉ khai thác một khu hoặc toàn bộ công trường khai thác tùy theo tình hình phạm lỗi nhẹ hay nặng.
Ngoài ra nếu có sự vi phạm nghiêm trọng về việc bảo vệ tài nguyên cũng như về kỹ thuật khai thác, đơn vị vi phạm có thể bị thi hành kỷ luật hay truy tố trước pháp luật.
3. Điều khoản thi hành:
Nghị định số 36/CP và thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Riêng đối với những mỏ đang khai thác, ba tháng sau khi nhận được thông tư này, các xí nghiệp, cơ quan, đơn vị bộ đội… phải chấp hành theo đúng thủ tục nói trên.
Trường hợp những mỏ đang khai thác nhưng không chịu báo cáo và xin tiếp tục khai thác cũng như nói chung không theo đúng tinh thần Nghị định số 36/CP và thông tư này, Bộ Công nghiệp nặng và Tổng cục Địa chất có quyền nhận xét và phê bình.
Nếu sau đó vẫn không có sự chỉnh lý cần thiết thì Bộ Công nghiệp nặng và Tổng cục Địa chất có quyền đề nghị Chính phủ ra lệnh đình chỉ một hoặc toàn bộ công trường khai thác.
K.T. BỘ TRƯỞNG | Q. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Thông tư 965-DC-VP năm 1961 hướng dẫn thi hành Nghị định 36-CP về việc quản lý và bảo vệ tài nguyên dưới đất do Bộ công nghiệp nặng và Tổng cục địa chất ban hành
- Số hiệu: 965-DC-VP
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 01/11/1961
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp nặng, Tổng cục Địa chất
- Người ký: Nguyễn Chấn, Lê Văn Đức
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 46
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra