Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81-TC/CĐKT | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1995 |
Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Quyết định số 1141. TC/QĐ/CĐKT ngày 1 tháng 11 năm 1995 ban hành hệ thống chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp từ ngày 1 tháng 1 năm 1996. Để việc triển khai hệ thống kế toán mới được thuận lợi, Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp chuyển sổ từ hệ thống tài khoản kế toán đang áp dụng sang hệ thống tài khoản kế toán ban hành theo Quyết định số 1141 - TC/QĐ/CĐKT ngày 1/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:
1. Khi các doanh nghiệp triển khai thực hiện chế độ kế toán, thì phải chuyển số dư từ tài khoản kế toán đang áp dụng sang tài khoản kế toán mới (kể cả đối với những doanh nghiệp đã thực hiện thí điểm chế độ kế toán ban hành theo Quyết định số 1205 - TC/CĐKT ngày 14 tháng 12 năm 1994 của Bộ Tài chính).
2. Tất cả các số liệu kế toán trước và sau khi chuyển sổ phải đầy đủ, chính xác, đảm bảo khớp đúng giữa giá trị và hiện vật, giữa số liệu kế toán tổng hợp và số liệu kế toán chi tiết, giữa sổ kế toán và báo cáo kế toán.
3. Trước khi chuyển sổ kế toán, các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải đối chiếu, xác định chính xác và giải quyết các khoản phải thu, nợ phải trả, kiểm kê tài sản vật tư hàng hóa, đảm bảo số liệu đầu kỳ chuyển sang hệ thống kế toán mới rõ ràng, minh bạch.
4. Căn cứ vào đặc điểm tổ chức, tính chất và nội dung hoạt động kinh doanh, căn cứ vào nội dung hệ thống tài khoản kế toán mới, từng đơn vị nghiên cứu vận dụng các tài khoản một cách phù hợp. Trường hợp thấy cần thiết phải bổ sung thêm tài khoản cấp 1 (loại 3 số) phải được Bộ Tài chính chấp thuận.
II: TRÌNH TỰ CÁC VIỆC PHẢI LÀM KHI CHUYỂN SỔ:
1. Trước khi chuyển sổ kế toán, các doanh nghiệp phải tiến hành kiểm kê tài sản, vật tư, hàng hoá... đối chiếu số liệu giữa sổ kế toán và hiện vật, đối chiếu xác minh công nợ, khoá sổ kế toán các tài khoản, lên bảng cân đối tài khoản, lập bảng tổng kết tài sản theo chế độ kế toán cũ.
2. Tổ chức việc tập huấn cho tất cả cán bộ, nhân viên kế toán... nắm được nội dung và biết cách vận dụng về phương pháp và trình tự ghi chép của chế độ kế toán mới, cũng như phương pháp chuyển số dư của các tài khoản từ sổ kế toán cũ sang sổ kế toán mới.
3. Chuẩn bị đầy đủ các chứng từ, sổ kế toán phù hợp với hệ thống tài khoản kế toán mới.
4. Tính toán số dư các tài khoản kế toán mới trên cơ sở số dư của các tài khoản kế toán đang áp dụng (xem phụ lục).
Khi tính toán số dư để ghi vào các tài khoản kế toán mới cần chú ý các trường hợp:
- Số dư của một tài khoản cũ liên quan đến số dư của nhiều tài khoản mới, thì phải phân tích số dư của các tài khoản cũ để ghi vào số dư của tài khoản mới theo nội dung phù hợp.
- Số dư của một tài khoản mới liên quan số dư của nhiều tài khoản cũ thì phải phân tích và tiến hành cộng số dư của các tài khoản cũ hoặc chi tiết các TK cũ để ghi vào số dư của một tài khoản mới.
- Những tài khoản mới phản ánh các hoạt động kinh tế mới phát sinh mà chưa có quy định hướng dẫn trong hệ thống tài khoản cũ thì phải căn cứ vào nội dung của tài khoản mới để xác định số dư từ tài khoản cũ mà đơn vị đã sử dụng để hạch toán các hoạt động đó.
5. Sau khi tính được số dư của các tài khoản mới phải lập bảng cân đối số dư tài khoản và lập bảng cân đối kế toán ở thời điểm đầu kỳ khi áp dụng chế độ kế toán mới.
6. Căn cứ vào số dư mới tính được của các tài khoản kế toán mới, kế toán ghi vào số dư đầu kỳ của các sổ kế toán mới cho từng tài khoản.
7. Kiểm tra, soát xét và đối chiếu lại toàn bộ số liệu mới đã ghi trên sổ kế toán và báo cáo kế toán, đảm bảo khớp đúng giữa các sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết, giữa sổ kế toán và báo cáo kế toán, giữa giá trị và hiện vật...
Để các đơn vị tính toán số dư và chuyển số dư được chính xác và thuận lợi, dưới đây là phần phụ lục (đính kèm) hướng dẫn chuyển số dư từ tài khoản cũ sang tài khoản mới.
Trong quá trình thực hiện chuyển sổ, nếu có gì vướng mắc, khó khăn đề nghị các ngành, các cấp, các doanh nghiệp phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn thêm.
Vũ Mộng Giao (Đã Ký) |
HƯỚNG DẪN CHUYỂN SỐ DƯ TỪ TÀI KHOẢN CŨ SANG TÀI KHOẢN MỚI
1. Tài khoản 111 - Tiền mặt.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 50 (Tiền mặt), sau khi trừ đi gía trị tín phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu hiện có chưa thanh toán, kết quả được ghi vào số dư đầu kỳ bên Nợ của tài khoản 111 (Tiền mặt).
- TK 1111 - Tiền Việt nam.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 501 (tiền VN) để ghi vào bên Nợ TK:
1111 - Tiền Việt nam.
- TK 1112 - Ngoại tệ
Căn cứ vào số dư Nợ TK 503 (ngoại tệ) để ghi vào bên Nợ TK:
1112 - Ngoại tệ
-TK 1113 - Vàng bạc, kim khí quý, đá quý.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 502 (tín phiếu vàng bạc) trừ đi phần tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu, cổ phiếu, kết quả được ghi vào số dư đầu kỳ bên Nợ TK: 1113 - Vàng bạc, kim khí quý, đá quý.
2. Tài khoản: 112 - Tiền gửi ngân hàng.
Lấy số dư Nợ TK: 51 (Tiền gửi ngân hàng) trừ đi phần ký quỹ được phản ánh trên tài khoản 51, kết quả tìm được phản ánh vào bên Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng.
- TK 1121 - Tiền Việt nam.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 511, TK 513 sau khi trừ đi số tiền ký quỹ đã phản ánh ở TK 511, kết quả tìm được ghi vào bên Nợ TK 1121
- TK 1122 - Ngoại tệ
Căn cứ vào số dư Nợ TK: 512 (ngoại tệ) để ghi vào bên Nợ TK 1122 - Ngoại tệ.
- TK 1123 - Vàng bạc, kim khí quý, đá quý.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 51 - chi tiết phần vàng bạc, đá quý gửi ở ngân hàng để ghi vào bên Nợ TK: 1123 - Vàng, bạc, kim khí quý, đá quý.
3. Tài khoản 113 - Tiền đang chuyển.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 52 (tiền đang chuyển) để ghi vào bên Nợ TK 113.
- TK 1131 - Tiền Việt nam
Căn cứ vào số dư Nợ TK 52 - chi tiết phần tiền Việt nam đang chuyển để ghi vào bên Nợ TK 1131.
- TK 1132 - Ngoại tệ
Căn cứ vào số dư Nợ TK 52 - Chi tiết phần tiền ngoại tệ đang chuyển để ghi vào bên Nợ TK 1132.
4. Tài khoản 121 - Đầu tư chứng khoán ngắn hạn.
Căn cứ số dư Nợ TK 502 (tín phiếu, vàng bạc) chi tiết phần dư Nợ, tín phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu ngắn hạn để ghi vào bên Nợ TK 121.
5. Tài khoản 128 - Đầu tư ngắn hạn khác.
6. Tài khoản 129 - Dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn.
7. Tài khoản 131 - Phải thu của khách hàng
Căn cứ vào số dư TK 61 (Thanh toán với người mua) để ghi vào số dư TK 131 - phải thu của khách hàng.
8. Tài khoản 136 - Phải thu nội bộ.
TK 1361 - Vốn kinh doanh ở các đơn vị trực thuộc.
TK 1361 chỉ áp dụng đối với đơn vị kinh doanh cấp trên, mà bên dưới có các đơn vị trực thuộc.
Căn cứ vào số dư Có TK 80 (Nguồn vốn cố định) và số dư Có TK 81 (Nguồn vốn lưu động) và số dư Có TK 82 (Nguồn vốn XDCB) - phần chi tiết số trích khấu hao tài sản cố định ở các đơn vị trực thuộc, kế toán đơn vị kinh doanh cấp trên ghi vào số dư bên Nợ TK 1361 - Vốn kinh doanh ở các đơn vị trực thuộc.
- TK 1368 - Phải thu nội bộ khác.
Căn cứ vào số dư nợ chi tiết TK 63 (Thanh toán nội bộ) số tiền còn phải thu ở các đơn vị nội bộ để ghi vào bên Nợ TK 1368.
9. Tài khoản 138 - Phải thu khác.
Số dư từ tài khoản cũ được ghi vào bên Nợ TK 138 (Phải thu khác) được căn cứ vào số dư của các tài khoản sau:
- Căn cứ vào số dư Nợ TK 662 (Thanh toán thu nhập liên doanh) để ghi vào bên Nợ tài khoản 1388.
- Căn cứ vào số dư Nợ TK 671 (Tài sản thiếu) và số dư Nợ chi tiết TK 622 để ghi vào bên Nợ TK 1381.
10. Tài khoản 139 - Dự phòng phải thu khó đòi.
11. Tài khoản 141 - Tạm ứng
Căn cứ vào số dư tài khoản 621 (Tạm ứng) để ghi vào số dư Tài khoản 141.
12. Tài khoản 142 - Chi phí trả trước.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 361 - "Chi phí chờ phân bổ" để ghi vào bên Nợ Tài khoản 1421.
+ Căn cứ vào số dư Nợ TK 34 (Chi phí lưu thông) để ghi vào bên Nợ TK 1422 (Chi phí chờ kết chuyển).
13. Tài khoản 144 - Thế chấp, ký cược, ký quỹ ngắn hạn.
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 51 - Chi tiết phần ký quỹ ngắn hạn cộng (+) với số dư phần tài sản thế chấp, ký cược được phản ánh trên tài khoản 622 để ghi vào bên Nợ TK 144.
14. Tài khoản 151 - Hàng mua đang đi trên đường.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 20 (Mua hàng) để ghi vào bên Nợ TK 151.
15. Tài khoản 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Căn cứ vào số dư Nợ TK 21 (Nguyên liệu vật liệu) để ghi vào bên Nợ Tài khoản 152.
16. Tài khoản 153 - Công cụ, dụng cụ
Căn cứ vào số đư Nợ TK 22 (Công cụ lao động nhỏ) để ghi vào bên Nợ TK 153.
17. Tài khoản 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 30 (SXKD chính) (+) cộng với số dư Nợ TK 31 (SXKD phụ) (+)cộng với số dư Nợ TK 37 (Thiệt hại trong SX) để ghi vào bên Nợ TK 154.
18. Tài khoản 155 - Thành phẩm
Căn cứ vào số dư Nợ TK 24 (Thành phẩm), đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì căn cứ vào số dư Nợ TK 241 (Sản phẩm) để ghi vào bên Nợ TK 155 - Thành phẩm.
19. Tài khoản 156 - Hàng hoá.
- Căn cứ vào số dư Nợ TK 23 (Hàng hóa), đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì căn cứ vào số dư Nợ TK 242 (Hàng hoá) để ghi vào bên Nợ TK 156 - Hàng hoá (1561).
- Căn cứ vào số dư Nợ TK 34 (Chi phí lưu thông) phần chi phí mua hàng (đối với đơn vị thương nghiệp) để ghi vào bên Nợ TK 156 (1562).
20. Tài khoản 157 - Hàng gửi đi bán
Căn cứ v ào số dư Nợ TK 25 (Hàng gửi đi bán) để ghi vào bên Nợ TK 157.
21. Tài khoản 159 - Dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
22. Tài khoản 161 - Chi sự nghiệp
Căn cứ vào số dư Nợ TK 38 (Chi bằng nguồn kinh phí) để ghi vào bên Nợ TK 161.
- TK 1611 - Chi sự nghiệp năm trước.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 381 (Chi năm trước) để ghi vào bên Nợ TK 1611
- TK 1612 - Chi sự nghiệp năm nay
Căn cứ vào số dư Nợ TK 382 (Chi năm nay) để ghi vào bên Nợ TK 1612.
23. Tài khoản 211 - TSCĐ hữu hình.
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 10 (TSCĐ) phần TSCĐ hữu hình để ghi vào bên Nợ TK 211
- TK 2111 - Đất
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 10 - Phần giá trị đất đai, để ghi vào bên Nợ TK 2111.
- TK 2112 - Nhà cửa, vật kiến trúc
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 10 - Phần nhà cửa, vật kiến trúc, để ghi vào bên Nợ tài khoản 2112.
- TK 2113 - Máy móc, thiết bị
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 10 - Phần máy móc, thiết bị để ghi vào bên Nợ TK 2113.
- TK 2114 - Phương tiện vận tải, truyền dẫn.
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 10 - Phần phương tiện vận tải, truyền dẫn để ghi vào bên Nợ TK 2114.
- TK 2115 - Thiết bị, dụng cụ quản lý.
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 10 - Phần thiết bị, dụng cụ quản lý để ghi vào bên Nợ TK 2115.
- TK 2116 - Cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm.
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 10 - Phần cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm để ghi vào bên Nợ TK 2116.
- TK 2118 - TSCĐ khác
Căn cứ vào số dư Nợ TK 10 - Phần TSCĐ hữu hình khác còn lại để ghi vào bên Nợ TK 2118.
24. TSCĐ thuê tài chính - TK 212
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 10 hoặc TK 01 (TSCĐ thuê ngoài) phần TSCĐ thuê tài chính để ghi vào bên Nợ TK 212
25. Tài khoản 213 - TSCĐ vô hình
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 10 - Phần TSCĐ vô hình để ghi vào bên Nợ TK 213.
- TK 2131 - Quyền sử dụng đất
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 10 - Phần giá trị quyền sử dụng đất để ghi vào bên Nợ TK 2131.
- TK 2132 - Chi phí thành lập, chuẩn bị sản xuất.
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 10 - Phần chi phí thành lập, chuẩn bị sản xuất để ghi vào bên Nợ TK 2132.
- TK 2133 - Bằng phát minh sáng chế
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 10 - Phần chi phí phát minh sáng chế để ghi vào bên Nợ TK 2133.
- TK 2134 - Chi phí nghiên cứu phát triển
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 10 - Phần chi phí nghiên cứu phát triển để ghi vào bên Nợ TK 2134.
- TK 2135 - Chi phí về lợi thế thương mại.
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 10 - Phần chi phí về lợi thế thương mại để ghi vào bên Nợ TK 2135.
- TK 2138 - TSCĐ vô hình khác
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 10 - Phần TSCĐ hữu hình khác còn lại để ghi vào bên Nợ TK 2138.
26. Tài khoản 214 - Hao mòn TSCĐ
Căn cứ vào số dư có TK 11 để ghi vào bên có TK 214.
- TK 2141 - Hao mòn TSCĐ hữu hình
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 11 - Phần hao mòn TSCĐ hữu hình để ghi vào bên Có TK 2141.
- TK 2142 - Hao mòn TSCĐ đi thuê
Căn cứ vào phần TSCĐ đi thuê được phản ánh ở số dư bên có TK 11 để ghi vào bên có TK 2142.
- TK 2143 - Hao mòn TSCĐ vô hình
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 11- Phần hao mòn TSCĐ vô hình để ghi vào bên có TK 2143.
27. Tài khoản 221 - Đầu tư chứng khoán dài hạn.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 502 - Chi tiết phần cổ phiếu và tín phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu.... dài hạn để ghi vào bên Nợ TK 221.
28. Tài khoản 222 - Góp vốn liên doanh.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 661 (vốn liên doanh) để ghi vào bên Nợ TK 222
29. Tài khoản 228 - Đầu tư dài hạn khác
Căn cứ vào số dư TK 622 - Chi tiết phần đầu tư dài hạn khác, để ghi vào bên Nợ TK 228
30. Tài khoản 229 - Dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn
31. Tài khoản 241 - XDCB dở dang.
Căn cứ vào số dư Nợ TK 35 (Chi phí đầu tư XDCB) và số dư Nợ TK 31 - Phần chi phí sửa chữa lớn TSCĐ để ghi vào bên Nợ TK 241.
+ TK 2411 - Mua sắm TSCĐ
Căn cứ vào số dư Nợ TK 35 (Chi phí đầu tư XDCB) - Phần mua sắm TSCĐ để ghi vào bên Nợ TK 2411.
+ TK 2412 - XDCB
Căn cứ vào số dư Nợ TK 35 (Chi phí đầu tư XDCB) - Chi tiết phần XDCB để ghi vào bên Nợ TK 2412.
+ TK 2413 - Sửa chữa lớn TSCĐ
Căn cứ vào số dư Nợ TK 31 (SXKD phụ) chi tiết phần chi phí sửa chữa lớn TSCĐ để ghi vào bên Nợ TK 2413.
32. Tài khoản 244 - Ký quỹ, ký cược dài hạn
Căn cứ vào số dư Nợ TK 51, TK 622 chi tiết phần ký quỹ, ký cược dài hạn để ghi vào bên Nợ TK 244.
33. Tài khoản 311 - Vay ngắn hạn
Căn cứ vào số dư TK 90 (Vay ngắn hạn ngân hàng) và số dư TK 92 (Vay đối tượng khác), chi tiết phần vay ngắn hạn, để ghi vào số dư TK 311.
34. Tài khoản 315 - Nợ dài hạn đến hạn trả
Căn cứ vào số dư TK 91 (Vay dài hạn ngân hàng) và TK 92 (vay đối tượng khác), chi tiết phần Nợ dài hạn đến hạn trả, để ghi vào số dư TK 315.
35. Tài khoản 331 - Phải trả cho người bán.
Căn cứ vào số dư TK 60 (Thanh toán với người bán) để ghi vào số dư tài khoản 331.
36. Tài khoản 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
Căn cứ vào số dư của TK 64 (Thanh toán với Ngân sách) để ghi vào TK 333.
- TK 3331 - Thuế doanh thu (hoặc thuế VAT)
Căn cứ vào số dư TK 641 (Thuế doanh thu và tiêu thụ đặc biệt)
- Phần chi tiết thuế doanh thu, để ghi vào TK 3331
- TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt
Căn cứ vào số dư TK 641 - Phần chi tiết thuế tiêu thụ đặc biệt, để ghi vào TK 3332.
- TK 3333 - Thuế xuất nhập khẩu.
Căn cứ vào số dư TK 646 (Thuế khác) - Phần chi tiết thuế xuất nhập khẩu, để ghi vào tài khoản 3333.
- TK 3334 - Thuế lợi tức
Căn cứ vào số dư TK 642 (Thuế lợi tức) để ghi vào TK 3334.
-TK 3335 - Thu trên vốn
Căn cứ vào số dư TK 643 (Thu trên vốn) để ghi vào TK 3335
- TK 3336 - Thuế tài nguyên
Căn cứ vào số dư tài khoản 646 (Thuế khác) - Phần chi tiết thuế tài nguyên, để ghi vào TK 3336.
- TK 3337 - Thuế nhà đất, tiền thuê đất
Căn cứ vào số dư TK 644 (Thuế nhà đất) để ghi vào TK 3337
- TK 3338 - Các loại thuế khác
Căn cứ vào số dư TK 645 (Thuế thu nhập) và số dư TK 646 (thuế khác) sau khi trừ đi thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên, được ghi vào TK 3338.
- TK 3339 - Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác.
Căn cứ vào số dư TK 647 (khấu hao cơ bản) số dư TK 648 (trợ giá) và số dư TK 649 (Thanh toán khác) để ghi vào TK 3339.
37. Tài khoản 334 - Phải trả công nhân viên.
Căn cứ vào số dư TK 69 (Thanh toán với công nhân viên) để ghi vào TK 334.
38. Tài khoản 335 - Chi phí phải trả
Căn cứ vào số dư TK 362 (Chi phí trích trước) để ghi vào TK 335.
39. Tài khoản 336 - Phải trả nội bộ
Căn cứ vào số dư TK 63 (Thanh toán nội bộ) - Chi tiết số tiền còn phải trả cho từng đơn vị nội bộ, để ghi vào bên có TK 336.
40. Tài khoản 338 - Phải trả, phải nộp khác.
Căn cứ vào số dư TK 672 (Tài sản thừa), số dư TK 68 và TK 622 (Phải trả khác) để ghi vào TK 338.
- Căn cứ vào số dư có TK 672 (Tài sản thừa) để ghi vào số dư có TK 3381.
- TK 3382 - Kinh phí công đoàn
Căn cứ vào số dư TK 682 (Kinh phí công đoàn) để ghi vào TK 3382.
- TK 3383 - Bảo hiểm xã hội
Căn cứ vào số dư TK 681 (BHXH) để ghi vào TK 3383.
- TK 3384 - Bảo hiểm y tế
Căn cứ vào số dư TK 683(Bảo hiểm y tế) để ghi vào TK 3384.
- TK 3388 - Phải trả, phải nộp khác
Căn cứ vào số dư có chi tiết TK 622 (Phải thu, phải trả khác) để ghi vào TK 3388.
41. Tài khoản 341 - Vay dài hạn
- Căn cứ vào số dư có TK 91 (Vay dài hạn ngân hàng) sau khi trừ đi phần vay dài hạn đến hạn trả, kết quả tìm được ghi vào TK 341.
- Căn cứ vào số dư chi tiết TK 92 (Vay đối tượng khác) sau khi trừ đi phần vay ngắn hạn và vay dài hạn đến hạn trả, kết quả tìm được ghi vào TK 341.
42. Tài khoản 342 - Nợ dài hạn
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 60 (Thanh toán với người bán) và số dư chi tiết TK 622 (Phải thu, phải trả) - Chi tiết phần Nợ dài hạn còn phải trả, để ghi vào TK 342.
43. Tài khoản 344 - Nhận ký quỹ, ký cược dài hạn.
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 622 (Phải thu, phải trả) chi tiết phần nhận ký quỹ, ký cược, dài hạn để ghi vào TK 344.
44. Tài khoản 411 - Nguồn vốn kinh doanh
- Căn cứ vào số dư có TK 80 (Nguồn vốn cố định) và số dư Có TK 81 (nguồn vốn lưu động) để ghi vào TK 411.
- Căn cứ vào số dư TK 82 (Nguồn vốn XDCB) chi tiết phần nguồn vốn trích khấu hao TSCĐ để ghi vào TK 411.
- Đối với đơn vị kinh doanh cấp trên (Tổng công ty...) còn phải căn cứ vào số dư TK 80, TK 81, và số dư TK 82 chi tiết phần nguồn vốn khấu hao ở các đơn vị trực thuộc để ghi vào TK 411.
45. Tài khoản 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản
Căn cứ vào số dư TK 652 (chỉ số giá) để ghi vào số dư TK 412
46. Tài khoản 413 - Chênh lệch tỷ giá
Căn cứ vào số dư TK 651 (Chênh lệch tỷ giá ngoại tệ) để ghi vào số dư TK 413
47. Tài khoản 414 - Quỹ phát triển kinh doanh.
Căn cứ vào số dư TK 831 (Quỹ dự phòng tài chính) để ghi vào TK 414
48. Tài khoản 415 - Quỹ dự trữ
- Căn cứ vào số dư có TK 832 (Quỹ dự phòng tài chính) để ghi vào TK 415
49. TK 421 - Lãi chưa phân phối
- Căn cứ vào số dư có TK 70 (Thu nhập) trừ (-) đi số dư Nợ TK 71 (phân phối thu nhập) nếu kết quả tìm được là số dương thì ghi vào bên có TK 421, nếu kết quả tìm được là một số âm thì ghi vào bên Nợ 421.
- Hoặc lấy số dư Nợ TK 70 (Thu nhập) cộng (+) với số dư Nợ TK 71, kết quả tìm được ghi vào bên Nợ TK 421.
+ TK 4211 - Lãi năm trước.
Lấy số dư có TK 70 (Thu nhập) chi tiết năm trước, trừ (-) đi số dư Nợ TK 71 (Phân phối thu nhập) chi tiết năm trước, kết quả tìm được nếu là số dương thì ghi vào bên Có TK 4211, nếu là số âm thì ghi vào bên Nợ TK 4211.
Hoặc lấy số dư Nợ TK 70 chi tiết năm trước và số dư Nợ TK 71 chi tiết năm trước để ghi vào bên Nợ TK 4211.
+ TK 4212 - Lãi năm nay.
Lấy số dư có TK 70 (Thu nhập) chi tiết năm nay, trừ đi dư nợ TK 71 (Phân phối thu nhập) chi tiết năm nay, kết quả tìm được nếu là số dương thì ghi vào bên có TK 4212, nếu là số âm thì ghi vào bên Nợ TK 4212.
Hoặc lấy số dư Nợ TK 70, chi tiết năm nay cộng với số dư Nợ TK 71 - Chi tiết năm nay, để ghi vào bên Nợ TK 4212.
50. Tài khoản 431 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Căn cứ vào số dư TK 833 (Quỹ khen thưởng) và số dư TK 834 (quỹ phúc lợi) để ghi vào TK 431
- TK 4311 - Quỹ khen thưởng
Căn cứ vào số dư TK 833 (Quỹ khen thưởng) để ghi vào TK 4311
- TK 4312 - Quỹ phúc lợi
Căn cứ vào số dư TK 834 (Quỹ phúc lợi) để ghi vào TK 4312.
51. Tài khoản 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB
Lấy số dư TK 82 (Nguồn vốn XDCB) trừ (-) đi số trích khấu hao TSCĐ, kết quả tìm được ghi vào bên có TK 441.
52. Tài khoản 451: Quỹ quản lý của cấp trên.
53. Tài khoản 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp
Căn cứ vào số dư TK 84 (nguồn kinh phí) để ghi vào TK 461
- TK 4611 nguồn kinh phí sự nghiệp năm trước
Căn cứ vào số dư có TK 84 - chi tiết phần nguồn kinh phí năm trước chưa chi hết hoặc chưa được quyết toán để ghi vào TK 4611
- TK 4612 Nguồn kinh phí sự nghiệp năm nay
Căn cứ vào số dư có TK 84 - Chi tiết nguồn kinh phí năm nay chưa chi hết hoặc chưa quyết toán để ghi vào bên có TK 4612.
54. Các tài khoản loại 5,6,7,8,9 vì không có số dư cuối kỳ, nên không phải chuyển số dư từ tài khoản cũ sang tài khoản mới thuộc loại 5,6,7,8,9.
HƯỚNG DẪN CHUYỂN SỐ DƯ TỪ TÀI KHOẢN CŨ SANG TÀI KHOẢN MỚI
Đối với những đơn vị SXKD đã áp dụng thử nghiệm chế độ kế toán ban hành theo quyết định số 1205 TC/ CĐKT ngày 14 tháng 12 năm 1994 thì chuyển số dư những tài khoản đang áp dụng thử nghiệm sang tài khoản kế toán mới những tài khoản có thay đổi số hiệu, có thay đổi kết cấu, nội dung hạch toán.
1. Tài khoản 111 - Tiền mặt
2. Tài khoản 112 - Tiền gửi Ngân hàng
3. Tài khoản 113 - Tiền đang chuyển
4. Tài khoản 121 - Đầu tư chứng khoán ngắn hạn
5. Tài khoản 128 - Đầu tư ngắn hạn khác
6. Tài khoản 129 - Dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn
7. Tài khoản 131 - Phải thu của khách hàng
Chuyển số dư TK 131 được căn cứ như sau:
- Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 131 - phần chi tiết phải thu của người mua để ghi vào bên Nợ TK 131 mới.
- Đối với số dư Nợ chi tiết TK 131 phần phải thu của người bán (ứng trước tiền hàng, hoặc trả thừa cho người bán) thì được chuyển vào bên Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Căn cứ vào số dư có chi tiết TK 321 (Phải trả cho người cung cấp) về số tiền của người mua trả trước hoặc thả thừa để ghi vào số dư có chi tiết của TK 131
8. Tài khoản 138 phải thu nội bộ.
- TK 1361 vốn kinh doanh ở các đơn vị trực thuộc
Căn cứ vào số dư có TK 411 (Nguồn vốn kinh doanh) ở các đơn vị trực thuộc, kế toán đơn vị cấp trên ghi vào bên Nợ TK 1361
- TK 1368 Phải thu nội bộ khác
Căn cứ vào số dư Nợ TK 133 (Phải thu nội bộ) để ghi vào bên Nợ TK 1368
9. Tài khoản 138 Phải thu khác
- TK 1381 Tài sản thiếu chờ xử lý
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 138 (Phải thu khác) chi tiết phần tài sản thiếu chờ xử lý để ghi vào TK 1381.
- TK 1388 - Phải thu khác
Lấy số dư Nợ TK 138 trừ (-) đi phần tài sản thiếu chờ xử lý, kết quả tìm được ghi vào bên Nợ TK 1388
10. Tài khoản 139 - Dự phòng phải thu khó đòi
11. Tài khoản 141 - Tạm ứng
12. Tài khoản 142 - Chi phí trả trước
- TK 1421 - Chi phí trả trước
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 142 sau khi trừ đi phần số dư chi phí quản lý doanh nghiệp. Chi phí bán hàng đang được phản ánh trên số dư của TK 142, kết quả tìm được ghi vào bên nợ TK 1421
- TK 1422 - Chi phí chờ kết chuyển
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 142 phần chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng, để ghi vào bên Nợ TK 1422
13. Tài khoản 144 - Thế chấp, ký cược, ký quỹ ngắn hạn
Căn cứ vào số dư Nợ TK 134 (Thế chấp, ký cược, ký quỹ) để ghi vào bên Nợ TK 144.
14. Tài khoản 151 - Hàng mua đang đi trên đường
Căn cứ vào số dư TK 157 (Hàng mua đang đi trên đường) để ghi vào TK 151.
15. Tài khoản 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Căn cứ vào số dư Nợ TK 151 (nguyên liệu, vật liệu chính) và số dư Nợ TK 152 (Vật liệu phụ và vật liệu khác) để ghi vào bên Nợ TK 152
16. Tài khoản 153 - Công cụ, dụng cụ
17. Tài khoản 154 - Chi phí SXKD dở dang
Căn cứ vào số dư Nợ TK 154 (Sản phẩm dở dang) để ghi vào bên Nợ TK 154 (Chi phí SXKD dở dang).
18. Tài khoản 155 - Thành phẩm
19. Tài khoản 156 - Hàng hoá
- TK 1561 - Giá mua hàng hoá
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 156 - phần giá mua hàng hoá để ghi vào bên Nợ TK 1561
TK 1562 - Chi phí thu mua hàng hoá
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 156 - phần chi phí thu mua, để ghi vào bên Nợ TK 1562
20. Tài khoản 157 - Hàng gửi đi bán
Căn cứ vào số dư Nợ TK 158 (hàng gửi đi bán) để ghi vào TK 157
21. Tài khoản 159 - Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
22. Tài khoản 161 - Chi sự nghiệp
23. Tài khoản 211- TSCĐ hữu hình
Lấy số dư Nợ TK 211 trừ (-) đi phần giá trị quyền sử dụng đất, kết quả tìm được ghi vào TK 211
24. Tài khoản 212 - TSCĐ thuê tài chính
Căn cứ vào số dư TK: 212 (TSCĐ đi thuê dài hạn) để ghi vào bên Nợ TK 212 (TSCĐ thuê tài chính)
25. Tài khoản 213 - TSCĐ vô hình
Căn cứ vào số dư Nợ TK 213, cộng với phần giá trị quyền sử dụng đất đã phản ánh trên số dư ở TK 211, kết quả tìm được ghi vào bên Nợ TK 213
26. Tài khoản 214 - Hao mòn TSCĐ
27. Tài khoản 221 - Đầu tư chứng khoán dài hạn
Căn cứ vào số dư TK 222 (Đầu tư chứng khoán dài hạn) để ghi vào TK 221
- TK 2211 - cổ phiếu
Căn cứ vào số dư TK 222 (Đầu tư chứng khoán dài hạn) phần chi tiết cổ phiếu để ghi vào TK 2211
- TK 2212 - Trái phiếu
Căn cứ vào số dư TK 222 - phần chi tiết trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu, công trái để ghi vào bên Nợ TK 2212
28. Tài khoản 222 - góp vốn liên doanh
Căn cứ vào số dư Nợ TK 221 (Góp vốn liên doanh) để ghi vào bên Nợ TK 222.
29. Tài khoản 228 - Đầu tư dài hạn khác
30. Tài khoản 229 - Dự phòng giảm gía đầu tư dài hạn
31. Tài khoản 241 - Xây dựng cơ bản dở dang
Căn cứ vào số dư TK 231 (XDCB dở dang) để ghi vào bên Nợ TK 241
- TK 2411 - Mua sắm TSCĐ
Căn cứ vào số dư TK 231 (XDCB dở dang) chi tiết phần mua sắm TSCĐ phải qua lắp đặt, để ghi vàp bên Nợ TK 2411
- TK 2412 - Xây dựng cơ bản
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 231 (XDCB dở dang) chi tiết phần xây dựng cơ bản, để ghi vào TK 2412
- TK 2413 - Sửa chữa lớn TSCĐ
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 231 (XDCB dở dang) chi tiết phần sửa chữa lớn TSCĐ, để ghi vào bên Nợ TK 2413
32. Tài khoản 244 - Ký quỹ, ký cược dài hạn
Căn cứ vào số dư Nợ TK 241 (ký quỹ, ký cược dài hạn) để ghi vào bên Nợ TK 244
33. Tài khoản 311 -Vay ngắn hạn
34. Tài khoản 315 - Nợ dài hạn đến hạn trả
35. Tài khoản 331 - Phải trả cho người bán.
- Lấy số dư có chi tiết TK 321 (Phải trả cho người cung cấp) trừ (-) đi phần chi tiết phải trả cho người mua đã ứng trước tiền hàng hoặc trả thừa, kết quả tìm được ghi vào TK 331.
Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 131 (Phải thu của khách hàng) phần chi tiết số tiền trả trước hoặc trả thừa cho người bán, để ghi vào bên Nợ TK 331
36. Tài khoản 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước
Căn cứ vào số dư TK 323 (Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước) để ghi vào TK 333
TK 3331 - Thuế doanh thu (hoặc thuế VAT)
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 3231 (Thuế doanh thu và tiêu thụ đặc biệt) phần chi tiết thuế doanh thu để ghi vào TK 3331.
- TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt
Căn cứ vào số dư TK 3231 (Thuế doanh thu và tiêu thụ đặc biệt) phần chi tiết thuế tiêu thụ đặc biệt, để ghi vào số dư TK 3332.
- TK 3333 - Thuế xuất nhập khẩu
Căn cứ vào số dư TK 3233 (Thuế xuất nhập khẩu) để ghi vào số dư TK 3333
- TK 3334 - Thuế lợi tức
Căn cứ số dư TK 3232 (Thuế lợi tức) để ghi vào số dư TK 3334
- TK 3335 - Thu trên vốn
Căn cứ vào số dư TK: 3234 (Thu trên vốn) để ghi vào TK 3335
- TK 3336 - Thuế tài nguyên
- TK 3337 - Thuế nhà đất, tiền thuê đất
Căn cứ vào số dư TK 3238 (Các loại thuế khác) phần chi tiết thuế nhà đất, tiền thuê đất để ghi vào tài khoản 3337
- TK 3338 - Các loại thuế khác:
Căn cứ vào số dư TK 3238 (Các loại thuế khác) trừ (-) đi phần thuế tài nguyên, thuế nhà đất, kết quả tìm được, ghi vào tài khoản 3338
- TK 3339 - Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác
Căn cứ vào số dư TK 3239 (Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác) để ghi vào TK 3339.
37. Tài khoản 334 - Phải trả công nhân viên
Căn cứ vào số dư TK 324 (phải trả công nhân viên) để ghi vào TK 334
38. Tài khoản 335 - Chi phí phải trả
Căn cứ vào số dư TK 325 (Chi phí phải trả) để ghi vào TK 335.
39. Tài khoản 336 - Phải trả nội bộ
Căn cứ vào số dư TK 326 (Phải trả nội bộ) để ghi vào TK 336
40. Tài khoản 338 - Phải trả, phải nộp khác.
Căn cứ vào số dư TK 328 (Phải trả và phải nộp khác) để ghi vào TK 338
- TK 3381 - Tài sản thừa chờ giải quyết
Căn cứ vào số dư chi tiết TK 3288 (Phải trả khác) phần chi tiết: Tài sản thừa chờ giải quyết, để ghi vào bên có TK 3381
- TK 3382- Kinh phí công đoàn
Căn cứ vào số dư TK 3281 (Kinh phí công đoàn) để ghi vào TK 3382
- TK 3383 - Bảo hiểm xã hội
- Căn cứ vào số dư có TK 3282 (Bảo hiểm xã hội) để ghi vào số dư bên có TK 3383
- Căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 138 (Phải thu khác) chi tiết phần bảo hiểm xã hội, để ghi vào bên Nợ TK 3383
- TK 3384 - Bảo hiểm y tế
- Căn cứ vào số dư bên có TK 3283 (Bảo hiểm y tế) để ghi vào bên có TK 3384
- Căn cứ vào số dư bên Nợ chi tiết TK 138 (Phải thu khác) phần chi tiết Bảo hiểm y tế, để ghi vào số dư bên Nợ TK 3384
- TK 3388 - Phải trả, phải nộp khác
Căn cứ vào số dư bên có TK 3288 (Phải trả khác) để ghi vào số dư bên có TK 3388
41. Tài khoản 341 - vay dài hạn
Căn cứ vào số dư TK 331 (Vay dài hạn) để ghi vào số dư TK 341
42. Tài khoản 342 - Nợ dài hạn
Căn cứ vào số dư Có TK 332 (Nợ dài hạn) để ghi vào bên có TK 342.
43. Tài khoản 344 - Nhận ký quỹ, ký cược dài hạn
Căn cứ vào số dư có TK 333 (Nhận ký quỹ, ký cược dài hạn) để ghi vào bên có TK 344
44. Tài khoản 411 - Nguồn vốn kinh doanh
- Căn cứ vào số dư có TK: 411 (Vốn kinh doanh) để ghi vào số dư bên có TK 411
- Đối với đơn vị kinh doanh cấp trên còn căn cứ vào số dư có TK 411 (Vốn kinh doanh) ở đơn vị cấp dưới, để ghi vào số dư bên có TK 411
45. Tài khoản 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản
46. Tài khoản 413 - Chêng lệch tỷ giá
Căn cứ vào số dư TK 422 (Chênh lệch tỷ giá) để ghi vào số dư TK 413
47. Tài khoản 414 - Quỹ phát triển kinh doanh
Căn cứ vào số dư TK 413 (Quỹ phát triển kinh doanh) để ghi vào TK 414
48. Tài khoản 415 - Quỹ dự trữ
Căn cứ vào số dư TK 414 ( Qui dự trữ ) để ghi vào số dư TK 415
49. Tài khoản 421 - Lãi chưa phân phối
50. Tài khoản 431 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi
51. Tài khoản 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB
52. Tài khoản 451 - Quỹ quản lý của cấp trên
53. Tài khoản 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp
54. Các tài khoản loại 5,6,7,8,9 không phải chuyển số dư (vì những tài khoản này không có số dư cuối kỳ).
Thông tư 81-TC/CĐKT-1995 hướng dẫn chuyển sổ khi áp dụng hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp do Bộ tài chính ban hành
- Số hiệu: 81-TC/CĐKT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 10/11/1995
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Vũ Mộng Giao
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra