Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG

----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2016/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2016

THÔNG TƯ

VỀ QUẢN LÝ, CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC ĐẤT BỊ Ô NHIỄM TỒN LƯU

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết điểm a, điểm b, khoản 3 Điều 107 Luật Bảo vệ môi trường; khoản 3, khoản 4 Điều 13 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP), bao gồm:

1. Tiêu chí phân loại khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.

2. Hướng dẫn thực hiện hoạt động cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.

3. Kiểm tra, xác nhận hoàn thành việc cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Chất gây ô nhiễm tồn lưu là các chất hóa học có tính chất bền vững trong môi trường tự nhiên được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này có hàm lượng vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Nguồn ô nhiễm tồn lưu là nơi phát sinh hoặc nơi chứa một hoặc nhiều chất gây ô nhiễm tồn lưu có khả năng lan truyền ra môi trường xung quanh.

3. Khả năng lan truyền ô nhiễm là khả năng chất gây ô nhiễm tồn lưu có thể phát tán ra môi trường.

4. Đối tượng bị tác động là đối tượng bị ảnh hưởng bởi khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu bao gồm: con người, môi trường và hệ sinh thái.

5. Khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu (sau đây gọi tắt là khu vực bị ô nhiễm) là khu vực được phát hiện có một hoặc nhiều chất gây ô nhiễm tồn lưu vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, ảnh hưởng xấu đến con người, môi trường và hệ sinh thái.

6. Bản đồ khu vực bị ô nhiễm là bản đồ thể hiện phạm vi, mức độ ô nhiễm, đường lan truyền của từng chất gây ô nhiễm tồn lưu và các đối tượng bị tác động.

7. Kiểm soát khu vực bị ô nhiễm là việc áp dụng các biện pháp, giải pháp kỹ thuật có tính chất lâu dài nhằm kiểm soát, ngăn chặn các tác động của nguồn ô nhiễm tồn lưu đến đối tượng bị tác động.

8. Phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm (sau đây gọi tắt là phương án xử lý ô nhiễm) là các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để giảm thiểu hoặc loại trừ các chất gây ô nhiễm tồn lưu trong môi trường và cải thiện chất lượng môi trường khu vực bị ô nhiễm.

Chương II

PHÂN LOẠI, CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC ĐẤT BỊ Ô NHIỄM TỒN LƯU

Mục 1. PHÂN LOẠI KHU VỰC ĐẤT BỊ Ô NHIỄM TỒN LƯU

Điều 4. Nguyên tắc và tiêu chí phân loại khu vực bị ô nhiễm

1. Các khu vực bị ô nhiễm được phân loại theo mức độ rủi ro dựa trên các tiêu chí: nguồn ô nhiễm tồn lưu, khả năng lan truyền ô nhiễm và đối tượng bị tác động.

2. Các tiêu chí được đánh giá thông qua điểm trọng số. Phương pháp xác định điểm trọng số được quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Việc xác định mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm căn cứ vào tổng điểm trọng số của các tiêu chí.

Điều 5. Phân loại khu vực bị ô nhiễm

Khu vực bị ô nhiễm được phân loại theo 03 (ba) mức độ rủi ro:

1. Mức độ rủi ro thấp là khu vực có tổng điểm trọng số của các tiêu chí dưới 40 điểm.

2. Mức độ rủi ro trung bình là khu vực có tổng điểm trọng số của các tiêu chí từ 40 điểm đến 60 điểm.

3. Mức độ rủi ro cao là khu vực có tổng điểm trọng số của các tiêu chí trên 60 điểm.

Mục 2. ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ KHU VỰC ĐẤT BỊ Ô NHIỄM TỒN LƯU

Điều 6. Điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực có khả năng bị ô nhiễm

1. Việc điều tra, đánh giá sơ bộ nhằm xác định khu vực có hoặc không có chất gây ô nhiễm tồn lưu có hàm lượng vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Việc điều tra, đánh giá sơ bộ bao gồm các nội dung:

a) Tổng hợp, rà soát các tài liệu liên quan đến khu vực có khả năng bị ô nhiễm;

b) Khảo sát hiện trường khu vực có khả năng bị ô nhiễm;

c) Tiến hành lấy mẫu, phân tích mẫu để xác định chất ô nhiễm tồn lưu, nguồn ô nhiễm tồn lưu và sơ bộ đánh giá mức độ ô nhiễm;

d) Lập báo cáo kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ.

3. Quy trình điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực có khả năng bị ô nhiễm được quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực có khả năng bị ô nhiễm thuộc địa bàn quản lý. Căn cứ kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ, tiến hành các hoạt động sau:

a) Trường hợp không phát hiện chất ô nhiễm tồn lưu có hàm lượng vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì tiến hành công bố thông tin khu vực không bị ô nhiễm tồn lưu;

b) Trường hợp phát hiện chất gây ô nhiễm tồn lưu có hàm lượng vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết theo quy định tại Điều 7 Thông tư này;

c) Trường hợp khu vực bị ô nhiễm thuộc địa bàn 02 (hai) tỉnh, thành phố trở lên (sau đây gọi tắt là liên tỉnh) thì báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Kinh phí thực hiện điều tra, đánh giá sơ bộ được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường.

Điều 7. Điều tra, đánh giá chi tiết khu vực bị ô nhiễm

1. Việc điều tra, đánh giá chi tiết khu vực bị ô nhiễm nhằm xác định rõ các chất ô nhiễm tồn lưu; nguồn ô nhiễm tồn lưu; mức độ, quy mô, phạm vi ô nhiễm; khả năng lan truyền; các đối tượng bị tác động và trách nhiệm cải tạo và phục hồi môi trường.

2. Việc điều tra, đánh giá chi tiết bao gồm các nội dung:

a) Lập kế hoạch chi tiết khảo sát thực tế hiện trường;

b) Điều tra, khảo sát, lấy mẫu chi tiết tại hiện trường; thực hiện phân tích, đánh giá xác định chất gây ô nhiễm tồn lưu, mức độ ô nhiễm, quy mô, phạm vi ô nhiễm và đường lan truyền ô nhiễm;

c) Xây dựng bản đồ khu vực bị ô nhiễm (chất gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, phạm vi ô nhiễm, đường lan truyền ô nhiễm);

d) Lập báo cáo kết quả điều tra, đánh giá chi tiết khu vực bị ô nhiễm.

3. Quy trình điều tra, đánh giá chi tiết khu vực bị ô nhiễm được quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Kết quả điều tra, đánh giá chi tiết là căn cứ để xác định trách nhiệm cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm.

5. Kết quả điều tra, đánh giá chi tiết là cơ sở để phân loại mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

6. Kinh phí thực hiện điều tra, đánh giá chi tiết được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường.

Mục 3. QUẢN LÝ, CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG; KIỂM TRA, XÁC NHẬN HOÀN THÀNH CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC ĐẤT BỊ Ô NHIỄM TỒN LƯU

Điều 8. Nguyên tắc quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm

1. Đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro thấp, tiến hành lập dự án cải tạo và phục hồi môi trường theo phương án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm (sau đây gọi là dự án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm) quy định tại Điều 9 Thông tư này.

2. Đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro trung bình và mức độ rủi ro cao, tiến hành lập dự án xử lý ô nhiễm theo phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường (sau đây gọi là phương án xử lý ô nhiễm) quy định tại Điều 10 Thông tư này.

3. Ưu tiên thực hiện xử lý ô nhiễm đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro cao.

4. Ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện môi trường, chi phí xử lý thấp.

5. Việc lập phương án xử lý ô nhiễm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 9. Kiểm soát khu vực bị ô nhiễm

1. Nội dung kiểm soát khu vực bị ô nhiễm bao gồm:

a) Thông báo công khai, cảnh báo và duy trì cảnh báo khu vực bị ô nhiễm;

b) Khoanh vùng, cô lập, cách ly nhằm ngăn ngừa các chất gây ô nhiễm lan truyền ra môi trường xung quanh;

c) Truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân liên quan, cộng đồng sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm;

d) Theo dõi, quan trắc định kỳ chất lượng môi trường tại khu vực bị ô nhiễm và môi trường xung quanh; công bố thông tin về chất lượng môi trường.

2. Trách nhiệm lập, phê duyệt và triển khai dự án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm:

a) Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm lập, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt dự án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm liên tỉnh và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh có khu vực bị ô nhiễm liên quan tổ chức thực hiện dự án;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm thuộc địa bàn quản lý.

3. Kinh phí lập, phê duyệt và triển khai dự án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường.

Điều 10. Lập phương án xử lý ô nhiễm

1. Trách nhiệm lập phương án xử lý ô nhiễm:

a) Tổng cục Môi trường lập phương án xử lý ô nhiễm đối với khu vực bị ô nhiễm liên tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập phương án xử lý ô nhiễm đối với khu vực bị ô nhiễm thuộc địa bàn quản lý quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt;

c) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất khu vực bị ô nhiễm theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP lập phương án xử lý ô nhiễm trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt.

2. Nội dung chính của phương án xử lý ô nhiễm bao gồm:

a) Thông tin chung về khu vực bị ô nhiễm;

b) Kết quả điều tra và đánh giá mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm;

c) Lựa chọn phương thức xử lý tại chỗ hoặc vận chuyển đến địa điểm xử lý theo quy định;

d) Biện pháp kỹ thuật, công nghệ giảm thiểu hoặc loại bỏ các chất gây ô nhiễm tồn lưu tại khu vực bị ô nhiễm;

đ) Giám sát, kiểm soát trong và sau xử lý;

e) Lộ trình và kế hoạch thực hiện phương án xử lý ô nhiễm.

Nội dung chi tiết của phương án xử lý ô nhiễm được quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tổ chức, cá nhân phải lập lại phương án xử lý ô nhiễm trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi quy hoạch sử dụng đất tại thời điểm triển khai thực hiện phương án xử lý ô nhiễm;

b) Thay đổi quy mô, phương thức, biện pháp kỹ thuật và công nghệ xử lý so với phương án xử lý ô nhiễm đã được phê duyệt.

4. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị tác động và phải có sự đồng thuận của cộng đồng dân cư bị tác động về phương án xử lý ô nhiễm.

5. Kinh phí lập phương án xử lý ô nhiễm của các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường. Kinh phí lập phương án xử lý ô nhiễm của trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do tổ chức, cá nhân tự chi trả.

Điều 11. Thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này nộp hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

2. Hồ sơ đề nghị thẩm định:

a) Văn bản đề nghị thẩm định theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 07 (bảy) báo cáo phương án xử lý ô nhiễm theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Biên bản tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư bị tác động.

3. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này thành lập Hội đồng thẩm định phương án xử lý ô nhiễm. Thời gian thẩm định không quá 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

4. Nội dung thẩm định bao gồm: tính chính xác của kết quả điều tra, khoanh vùng, xác định phạm vi và mức độ ô nhiễm; tính phù hợp của phương thức, kỹ thuật, công nghệ giảm thiểu hoặc loại bỏ các chất gây ô nhiễm tồn lưu tại khu vực bị ô nhiễm được lựa chọn.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, hoàn thiện phương án xử lý ô nhiễm theo thông báo kết quả của Hội đồng thẩm định và gửi lại cho cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt.

6. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do.

7. Kinh phí thẩm định phương án xử lý ô nhiễm được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường của cơ quan thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm.

Điều 12. Hoạt động của Hội đồng thẩm định phương án xử lý ô nhiễm

1. Hội đồng thẩm định được thành lập để thẩm định cho từng phương án xử lý ô nhiễm.

2. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt về kết quả thẩm định.

3. Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc thảo luận công khai.

4. Kết quả thẩm định được thể hiện theo 01 (một) trong 03 (ba) trường hợp sau đây:

a) Thông qua: khi tất cả thành viên Hội đồng thẩm định có phiếu đánh giá nhất trí thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung;

b) Thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên Hội đồng có phiếu đánh giá đồng ý thông qua hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền có phiếu đánh giá đồng ý thông qua hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung;

c) Không thông qua: khi có trên 1/3 (một phần ba) số thành viên Hội đồng có phiếu đánh giá không thông qua hoặc Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền có phiếu đánh giá không đồng ý thông qua.

5. Điều kiện họp Hội đồng thẩm định:

a) Có sự tham gia (có mặt tại cuộc họp hoặc tham gia họp trực tuyến) tối thiểu từ 2/3 (hai phần ba) trở lên số lượng thành viên Hội đồng thẩm định theo quyết định thành lập. Hội đồng thẩm định không đủ kiều kiện họp khi không có mặt của Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (trường hợp được ủy quyền khi Chủ tịch Hội đồng vắng mặt).

b) Có sự tham gia của đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân hoặc người được ủy quyền.

6. Trách nhiệm của Ủy viên Hội đồng:

a) Nghiên cứu phương án xử lý ô nhiễm và các hồ sơ, tài liệu liên quan do cơ quan tổ chức thẩm định cung cấp;

b) Tham gia các cuộc họp của Hội đồng thẩm định, các hoạt động điều tra, khảo sát được tổ chức trong quá trình thẩm định (nếu có);

c) Viết bản nhận xét gửi cơ quan thẩm định trước cuộc họp chính thức của Hội đồng thẩm định ít nhất 01 (một) ngày làm việc; trình bày bản nhận xét tại cuộc họp chính thức của Hội đồng thẩm định;

d) Ghi phiếu đánh giá;

đ) Quản lý các tài liệu được cung cấp theo quy định của pháp luật và nộp lại các tài liệu này khi có yêu cầu của cơ quan thẩm định sau khi hoàn thành nhiệm vụ;

e) Chịu trách nhiệm trước cơ quan thẩm định, phê duyệt và trước pháp luật về những nhận xét, đánh giá đưa ra và những nội dung công việc được phân công trong quá trình thẩm định.

7. Quyền hạn của Ủy viên Hội đồng:

a) Đề nghị cơ quan thẩm định cung cấp các tài liệu liên quan đến hồ sơ đề nghị thẩm định để nghiên cứu, đánh giá;

b) Đề xuất với cơ quan thẩm định tổ chức các cuộc họp, hội nghị chuyên đề và các hoạt động khác để phục vụ trực tiếp việc thẩm định;

c) Được tham dự các cuộc họp của Hội đồng thẩm định và các hoạt động khác để phục vụ việc thẩm định;

d) Trao đổi trực tiếp với tổ chức, cá nhân tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định; được bảo lưu ý kiến trong trường hợp có ý kiến khác với kết luận của Hội đồng thẩm định;

đ) Được hưởng thù lao theo quy định hiện hành khi thực hiện nhiệm vụ; được thanh toán các khoản chi phí đi lại, ăn, ở và các chi phí khác theo quy định của pháp luật khi tham gia các hoạt động của Hội đồng thẩm định.

8. Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm, quyền hạn quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này và có các trách nhiệm và quyền hạn sau:

a) Điều hành các cuộc họp của Hội đồng thẩm định;

b) Xử lý các ý kiến được nêu trong các cuộc họp của Hội đồng thẩm định và kết luận các cuộc họp của hội đồng thẩm định;

c) Ký biên bản cuộc họp và chịu trách nhiệm trước cơ quan thẩm định, phê duyệt về các kết luận đưa ra trong cuộc họp theo trách nhiệm và quyền hạn được giao;

d) Phó Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm và quyền hạn quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này và có trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng trong trường hợp được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền.

Điều 13. Thực hiện phương án xử lý ô nhiễm

1. Phương án xử lý ô nhiễm đã được phê duyệt là căn cứ để lập và thực hiện dự án xử lý ô nhiễm khu vực bị ô nhiễm theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này có trách nhiệm huy động, tìm kiếm nguồn vốn và lựa chọn tổ chức có đủ năng lực lập và thực hiện dự án xử lý ô nhiễm khu vực bị ô nhiễm theo phương án xử lý ô nhiễm đã được phê duyệt.

Điều 14. Kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường

1. Trách nhiệm kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường đối với khu vực bị ô nhiễm thuộc địa bàn quản lý;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường đối với khu vực bị ô nhiễm liên tỉnh.

2. Sau khi hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường, tổ chức, cá nhân được giao thực hiện dự án xử lý ô nhiễm có trách nhiệm lấy mẫu hoặc hợp đồng với 03 đơn vị có chức năng lấy mẫu và phân tích mẫu có đủ năng lực, đối chiếu với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và phương án xử lý ô nhiễm đã được phê duyệt; tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị tác động; lập hồ sơ đề nghị cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường.

3. Hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường gồm:

a) 01 (một) văn bản đề nghị xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm theo mẫu tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 03 (ba) báo cáo hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Biên bản tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư về việc hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm.

4. Nội dung, trình tự kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường:

a) Xem xét nội dung báo cáo hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm theo quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Lựa chọn đơn vị đủ năng lực có chức năng lấy và phân tích mẫu theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá thực tế (thành phần có đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường).

5. Cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này tiến hành các nội dung kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường quy định tại khoản 4 Điều này để xem xét ban hành quyết định phê duyệt hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm theo mẫu tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp cần thiết có thể thành lập Hội đồng tư vấn xem xét việc xác nhận, hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường.

6. Kinh phí kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường.

Chương III

TRÁCH NHIỆM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Trách nhiệm của Tổng cục Môi trường

1. Tổng hợp, lập và công bố danh mục các khu vực bị ô nhiễm; lập hồ sơ và xây dựng, cập nhật và vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu các khu vực bị ô nhiễm trên phạm vi cả nước.

2. Xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật cải tạo và phục hồi môi trường đối với từng loại hình khu vực bị ô nhiễm.

Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Điều tra, đánh giá, tổng hợp, lập và công bố danh mục các khu vực bị ô nhiễm trên địa bàn quản lý; lập hồ sơ các khu vực bị ô nhiễm trên địa bàn quản lý.

2. Cập nhật thông tin về các khu vực bị ô nhiễm vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu các khu vực bị ô nhiễm của Tổng cục Môi trường.

3. Báo cáo kết quả cải tạo và phục hồi khu vực bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 3 hàng năm.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2016.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Tổng kiểm toán nhà nước;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ;
- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo; Website Chính phủ: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật:
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Lưu: VT, TCMT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Tuấn Nhân

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC VÀ MỨC ĐỘ NGUY HẠI CỦA CÁC CHẤT GÂY Ô NHIỄM TỒN LƯU
(Ban hành kèm theo Thông tư s30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

TT

Tên chất ô nhiễm/hóa chất

Phân loại nguy hại

TT

n chất ô nhiễm/hóa chất

Phân loại nguy hại

I

Kim loại nặng

14

Pretilachlor

TB

1

Asen (As)

C

15

Simazine

TB

2

Cadimi (Cd)

C

16

Trichlorfon

C

3

Chì (Pb)

C

17

Captan

C

4

Crom (Cr)

TB

18

Captafol

TB

5

Đồng (Cu)

T

19

Chlordimeform

TB

6

Kẽm (Zn)

T

20

Isobenzen

C

II

Hóa chất bảo vệ thực vật

21

Isodrin

C

1

Paration

C

22

Methamidophos

C

2

Benthiocarb

TB

23

Monocrotophos

C

3

Cypermethrin

C

24

Methyl Parathion

C

4

Cartap

TB

25

SodiumPentachlorophenate monohydrate

C

5

Dalapon

C

26

Parathion Ethyl

C

6

Diazinon

TB

27

Pentachlorophenol

C

7

Dimethoate

C

28

Phosphamidon

C

8

Fenobucarb

TB

29

Polychlorocamphene

C

9

Fenoxaprop - ethyl

TB

III

Hợp chất hữu cơ khó phân hủy thuộc nhóm POP

10

Fenvalerate

TB

1

Hóa chất BVTV POP

C

11

Isoprothiolane

TB

2

PCB

C

12

Metolachlor

TB

3

Dioxin

C

13

MPCA

C

4

Furan

C

C - Mức nguy hại cao

TB - Mức nguy hại trung bình

T - Mức nguy hại thấp

PHỤ LỤC 2

HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ KHU VỰC CÓ KHẢ NĂNG BỊ Ô NHIỄM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Việc điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực có khả năng bị ô nhiễm (sau đây gọi tắt là khu vực) được tiến hành theo các bước sau:

1. Rà soát các tài liệu liên quan đến khu vực

a) Nguồn thông tin

- Chủ sở hữu, người sử dụng khu vực trong quá khứ và hiện tại;

- Trên mạng internet, báo chí và các phương tiện truyền thông khác;

- Văn bản lưu trữ;

- Các báo cáo liên quan tới khu vực.

b) Các thông tin thu thập

- Thông tin chung:

+ Thông tin về vị trí khu vực như: địa chỉ; vị trí địa lý; độ cao so với mực nước biển; ranh giới...;

+ Thông tin về điều kiện địa hình, địa chất và thủy văn;

+ Thông tin về điều kiện khí hậu;

+ Thông tin liên quan đến sử dụng đất tại khu vực;

- Tổng quan chung về hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã và đang diễn ra tại khu vực;

- Thông tin liên quan tới lịch sử sử dụng khu vực:

+ Thông tin về chủ sở hữu khu vực;

+ Thời gian hoạt động;

- Bản đồ khu vực (địa hình, hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vvv...);

- Thông tin về những vị trí có khả năng là nguồn ô nhiễm (vị trí từng đổ thải, lưu chứa, chôn chất gây ô nhiễm, v.v...).

2. Khảo sát sơ bộ hiện trường khu vực

a) Phỏng vấn các bên liên quan đến khu vực: để thu thập thông tin về khu vực và kiểm chứng kết quả rà soát tài liệu. Đối tượng cần phỏng vấn là chủ sở hữu, quản lý khu vực; người đã từng làm việc tại khu vực; người dân sống xung quanh; những người nghiên cứu lâu năm về khu vực.

b) Khảo sát nhanh tại hiện trường khu vực bao gồm các bước sau:

- Phỏng vấn các bên liên quan tại hiện trường để kiểm chứng và bổ sung những thông tin đã thu thập từ việc rà soát tài liệu;

- Xác định sơ bộ các nguồn có khả năng gây ô nhiễm;

- Xác định sơ bộ các đường lan truyền ô nhiễm: không khí, nước chảy tràn trên bề mặt, nước mặt, nước ngầm, tiếp xúc vật lý với chất gây ô nhiễm và tích lũy trong hệ sinh thái, trong chuỗi thức ăn và con người;

- Xác định sơ bộ đối tượng bị tác động: con người, động vật (gia súc, gia cầm), cá và các loài thủy sinh, thực vật - hệ sinh thái.

c) Lập báo cáo hình ảnh về khu vực.

d) Minh họa thông tin liên quan đã điều tra được vào sơ đồ khu vực.

3. Lấy mẫu đại diện, phân tích để xác định chất gây ô nhiễm, nguồn ô nhiễm và sơ bộ đánh giá mức độ ô nhiễm

- Lấy mẫu đại diện tại ít nhất 5 (năm) vị trí khác nhau để phân tích, xác định hàm lượng các chất gây ô nhiễm tồn lưu thuộc danh mục tại Phụ lục 1 Thông tư này để xác định những chất gây ô nhiễm tồn lưu chính. Việc lấy mẫu phân tích theo quy định hiện hành;

- Căn cứ vào tình hình thực tế, lựa chọn các thông số ô nhiễm đặc trưng của khu vực để phân tích.

4. Lập báo cáo điều tra, đánh giá sơ bộ

Báo cáo điều tra, đánh giá sơ bộ cần bao gồm các nội dung sau:

a) Giới thiệu chung

- Lý do và mục đích thực hiện đánh giá sơ bộ;

- Phương pháp tiến hành, tiến độ và hiện trạng thực hiện đánh giá sơ bộ khu vực.

b) Kết quả đánh giá

- Thông tin cơ bản của khu vực;

- Hiện trạng sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực;

- Kết quả phân tích, xác định chất gây ô nhiễm, nguồn ô nhiễm và sơ bộ đánh giá mức độ ô nhiễm;

- Sơ đồ khu vực: thể hiện được vị trí các nguồn gây ô nhiễm, đường lan truyền ô nhiễm và đối tượng bị tác động.

c) Kết luận và Kiến nghị

d) Tài liệu tham khảo

đ) Các phụ lục

- Phụ lục 1. Bản đồ khu vực;

- Phụ lục 2. Báo cáo hình ảnh;

- Câu hỏi phỏng vấn;

- Danh sách người được phỏng vấn;

- Các tài liệu khác có liên quan.

PHỤ LỤC 3

HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ CHI TIẾT KHU VỰC ĐẤT BỊ Ô NHIỄM TỒN LƯU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Việc Điều tra, đánh giá chi tiết được thực hiện theo các bước sau:

1. Lập kế hoạch khảo sát chi tiết hiện trường:

Từ các kết quả khảo sát sơ bộ, đánh giá các thông tin còn thiếu từ quá trình điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực có khả năng bị ô nhiễm, tiến hành lập kế hoạch khảo sát chi tiết hiện trường.

Việc lập kế hoạch khảo sát chi tiết hiện trường bao gồm:

a) Kế hoạch thu thập các thông tin còn thiếu cần bổ sung;

b) Kế hoạch lấy mẫu và phân tích các chất gây ô nhiễm tồn lưu tại khu vực khảo sát để xác định thông tin chi tiết hơn về loại hình, phạm vi và mức độ ô nhiễm;

c) Phân công khảo sát: nhân lực, thời gian khảo sát, các trang thiết bị cần sử dụng, các bên cần phối hợp thực hiện.

2. Điều tra, khảo sát chi tiết tại hiện trường

a) Thu thập bổ sung thông tin:

Việc thu thập này sẽ được thực hiện thông qua phỏng vấn, thu thập các tài liệu bổ sung từ các cơ quan liên quan, tổng hợp tài liệu, các bảng hỏi, thống kê...

b) Khảo sát chi tiết các vị trí nguồn và đường lan truyền ô nhiễm tại khu vực

- Căn cứ vào kế hoạch khảo sát hiện trường, thực hiện các hoạt động quan sát, kiểm kê, đo đạc, khoan khảo sát và lấy mẫu tại các vị trí có khả năng là nguồn và đường lan truyền tại khu vực nhằm xác định cụ thể kích thước và mức độ ô nhiễm của các vị trí này. Số lượng mẫu lấy để phân tích tại mỗi vị trí theo quy định hiện hành;

- Trong một số trường hợp đặc biệt tại hiện trường cần có những thay đổi so với kế hoạch ban đầu, tham khảo ý kiến chuyên gia và điều chỉnh kế hoạch khảo sát cho phù hợp với từng điều kiện thực tế. Ghi chép lại lý do thay đổi và các điều chỉnh trong báo cáo điều tra;

- Dựa vào kết quả khảo sát tại hiện trường, kết quả phân tích các mẫu tại phòng thí nghiệm và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường liên quan tiến hành xác định cụ thể phạm vi và mức độ của các nguồn, đường lan truyền và đối tượng bị tác động tại khu vực;

- Xác định các nguyên nhân gây ô nhiễm (ví dụ: do tự nhiên hoặc do hoạt động của con người; có chủ ý hoặc do sự cố môi trường v.v...).

3. Xây dựng bản đồ khu vực bị ô nhiễm

Sau khi xác định được đầy đủ các thông tin về khu vực bị ô nhiễm qua kết quả điều tra, đánh giá chi tiết, tiến hành xây dựng bản đồ khu vực bị ô nhiễm. Bản đồ khu vực bị ô nhiễm phải thể hiện đầy đủ toàn bộ các nguồn ô nhiễm, đường lan truyền ô nhiễm và đối tượng bị tác động.

Xây dựng bản đồ khu vực bị ô nhiễm:

a) Xác định tỉ lệ của bản đồ dựa trên kích thước thật của khu vực, một bản đồ hiện trạng ô nhiễm thường có tỉ lệ lớn; đối với những khu vực cần thiết phải mô tả chi tiết hơn các đối tượng có trong khu vực, nhưng tỉ lệ bản đồ đã lựa chọn không cho phép thực hiện việc này, xây dựng các bản đồ chi tiết cho các đối tượng này ở tỉ lệ lớn hơn và chú thích trong bản đồ khu vực.

b) Xây dựng ít nhất một mặt cắt khu vực để minh họa theo chiều sâu các đối tượng chính có trong khu vực, các nguồn và đường lan truyền ô nhiễm;

c) Mô tả chính xác trong bản đồ và mặt cắt tất cả các nguồn ô nhiễm, đường lan truyền (kích thước, mức độ và loại chất ô nhiễm) và đối tượng bị tác động (con người, động thực vật, hệ sinh thái) đã được xác định qua quá trình điều tra, khảo sát;

d) Ghi chú bằng dấu hỏi đối với cho những kết quả khảo sát còn nghi vấn và cần điều tra thêm;

đ) Ghi rõ thông tin về đợt khảo sát (tên cá nhân, tổ chức thực hiện khảo sát, ngày khảo sát) ở dưới góc phải của bản đồ;

e) Chú giải bản đồ và chú thích các biểu tượng đã sử dụng.

4. Lập báo cáo điều tra, đánh giá chi tiết

Báo cáo điều tra, đánh giá chi tiết ngoài các nội dung đã được thể hiện trong báo cáo điều tra, đánh giá sơ bộ cần thể hiện thêm các nội dung sau:

a) Thông tin chung: bao gồm thông tin cơ bản về địa điểm (vị trí địa lý, chủ sở hữu, loại hình sử dụng đất và nước, các thông tin cơ bản về thổ nhưỡng, địa hình, địa chất, thủy văn và khí hậu v.v...);

b) Kế hoạch điều tra, đánh giá: bao gồm cụ thể các hoạt động dự kiến để thu thập các thông tin bổ sung và điều tra, khảo sát thực địa tại hiện trường;

c) Kết quả điều tra, đánh giá thực địa tại hiện trường:

- Các công việc đã thực hiện tại hiện trường;

- Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm tại khu vực:

+ Vị trí, kích thước, nồng độ các chất ô nhiễm của các nguồn và đường lan truyền ô nhiễm;

+ Nhận định cụ thể về các đối tượng bị tác động, bao gồm cả mức độ và tần suất tác động;

+ So sánh kết quả phân tích mẫu với quy chuẩn kỹ thuật môi trường liên quan;

+ Bản đồ khu vực bị ô nhiễm.

d) Kết luận và kiến nghị

đ) Phụ lục

Bao gồm ít nhất các tài liệu sau:

- Bản đồ vị trí khu vực ô nhiễm và/hoặc ảnh vệ tinh của khu vực;

- Sơ đồ lấy mẫu;

- Kết quả phân tích;

- Kết quả khảo sát các yếu tố môi trường (ví dụ: phẫu diện các lỗ khoan lấy mẫu đất, các giếng quan trắc nước dưới đất v.v...);

- Báo cáo hình ảnh;

- Các tài liệu kỹ thuật liên quan khác.

PHỤ LỤC 4

PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐIỂM TRỌNG SỐ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

1. Xác định mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm

a) Cách xác định mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm dựa vào tổng điểm trọng số của 3 tiêu chí: nguồn ô nhiễm tồn lưu (có điểm trọng số là N), khả năng lan truyền của nguồn ô nhiễm (có điểm trọng số L) và đối tượng bị tác động (có điểm trọng số là T).

b) Tổng điểm trọng số của khu vực bị ô nhiễm (ký hiệu là K) không quá 100 điểm. K được tính bằng công thức sau:

K = N + L + T

c) Trong quá trình xác định mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm, nếu các tiêu chí có từ 03 (ba) chỉ tiêu thành phần trở lên “không có thông tin” thì sẽ được coi là “không đánh giá được”. Trong trường hợp này, cần điều tra, đánh giá, thu thập thêm các chỉ tiêu thành phần “không có thông tin” để tiến hành phân loại mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm.

2. Cách xác định điểm trọng số của tiêu chí về nguồn ô nhiễm tồn lưu

a) Tiêu chí về nguồn ô nhiễm tồn lưu bao gồm các chỉ tiêu thành phần sau:

- Chỉ tiêu về tính chất nguy hại của các chất ô nhiễm tồn lưu có điểm trọng số là N1;

- Chỉ tiêu về mức độ vượt quy chuẩn của chất ô nhiễm tồn lưu có mặt tại khu vực môi trường bị ô nhiễm có điểm trọng số là N2;

- Chỉ tiêu về các chất gây ô nhiễm đặc biệt có điểm trọng số là N3;

- Chỉ tiêu về số thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn của các chất gây ô nhiễm tồn lưu có mặt trong khu vực có điểm trọng số là N4;

- Chỉ tiêu về khối lượng hay diện tích khu vực môi trường ô nhiễm có điểm trọng số là N5.

b) Điểm trọng số tiêu chí về nguồn ô nhiễm được xác định bằng tổng điểm của các chỉ tiêu thành phần. Cụ thể:

N = N1 + N2 + N3 + N4 + N5

3. Cách xác định điểm trọng số của tiêu chí về khả năng lan truyền

a) Tiêu chí về khả năng lan truyền bao gồm các chỉ tiêu thành phần sau:

- Chỉ tiêu về độ dốc của khu vực bị ô nhiễm có điểm trọng số là L1;

- Chỉ tiêu về khoảng cách từ khu vực đến nguồn nước có điểm trọng số là L2;

- Chỉ tiêu về che phủ tại khu vực bị ô nhiễm có điểm trọng số là L3;

- Chỉ tiêu về cỡ hạt của đất khu vực bị ô nhiễm có điểm trọng số là L4.

b) Điểm trọng số tiêu chí về khả năng lan truyền của nguồn ô nhiễm tồn lưu được xác định bằng tổng điểm của các chỉ tiêu thành phần. Cụ thể:

L = L1 + L2 + L3 + L4

4. Cách xác điểm trọng số của tiêu chí về đối tượng bị tác động

a) Tiêu chí về đối tượng bị tác động bao gồm các chỉ tiêu thành phần sau:

- Chỉ tiêu về tác động đến sức khỏe cộng đồng có điểm trọng số là T1;

- Chỉ tiêu về mật độ dân cư có điểm trọng số là T2;

- Chỉ tiêu về tác động đến các nguồn sinh sống của cộng đồng địa phương có điểm trọng số là T3;

- Chỉ tiêu về tác động đến hệ sinh thái tự nhiên có điểm trọng số là T4.

b) Điểm trọng số tiêu chí về đối tượng bị tác động được xác định bằng tổng điểm của các chỉ tiêu thành phần. Cụ thể:

T = T1 + T2 + T3 + T4

BẢNG ĐIỂM TRỌNG SỐ CÁC TIÊU CHÍ CỦA KHU VỰC ĐẤT BỊ Ô NHIỄM TỒN LƯU

Tiêu chí

Chỉ tiêu thành phần

Trọng số

I. Tiêu chí về nguồn ô nhiễm tồn lưu (tối đa 50 điểm)

1. Chỉ tiêu về tính chất nguy hại của các chất gây ô nhiễm tồn lưu (ký hiệu là N1) (mức độ nguy hại xem trong Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này)

Mức nguy hại cao (C)

14 điểm

Mức nguy hại trung bình (TB)

8 điểm

Mức nguy hại thấp (T)

2 điểm

2. Chỉ tiêu về mức độ vượt quy chuẩn của chất gây ô nhiễm tồn lưu tại khu vực bị ô nhiễm môi trường (ký hiệu là N2)

Vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 100 lần trở lên

12 điểm

Vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 đến 100 lần

8 điểm

Vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1 đến 10 lần

4 điểm

3. Chỉ tiêu về các chất ô nhiễm đặc biệt (ký hiệu là N3)

Có mặt chất ô nhiễm thuộc danh mục các chất hữu cơ khó phân hủy

6 điểm

Có mặt chất ô nhiễm là Thủy ngân, Asen, Cadimi, Chì, Xianua

4 điểm

4. Chỉ tiêu về số thông số ô nhiễm tồn lưu vượt quy chuẩn hiện hành (ký hiệu là N4)

Số thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5 trở lên

8 điểm

Số thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 2 đến 4

5 điểm

Số thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật là 1

2 điểm

5. Chỉ tiêu về diện tích khu vực bị ô nhiễm (ký hiệu là N5)

Diện tích khu vực bị ô nhiễm là 10 ha trở lên

10 điểm

Diện tích khu vực bị ô nhiễm từ 02 đến 10 ha

4 điểm

Diện tích khu vực bị ô nhiễm nhỏ hơn 2 ha

2 điểm

II. Tiêu chí về khả năng lan truyền (tối đa 25 điểm)

1. Chỉ tiêu về độ dốc của khu vực ô nhiễm (ký hiệu là L1)

Độ dốc lớn hơn 50%

6 điểm

Độ dốc từ 5% đến 50%

3 điểm

Độ dốc nhỏ hơn 5%

0 điểm

2. Chỉ tiêu về khoảng cách đến nguồn nước (ký hiệu là L2)

Khoảng cách gần nhất từ khu vực bị ô nhiễm đến nguồn nước mặt nhỏ hơn 100m hoặc đến mực nước ngầm nhỏ hơn 5m

8 điểm

Khoảng cách gần nhất từ khu vực bị ô nhiễm đến nguồn nước mặt trong vòng 100-500m, hoặc đến mực nước ngầm nhỏ hơn 20m

4 điểm

Khoảng cách gần nhất từ khu vực bị ô nhiễm đến nguồn nước mặt lớn hơn 500m, hoặc đến mực nước ngầm lớn hơn 20m

2 điểm

3. Chỉ tiêu về che phủ tại khu vực bị ô nhiễm (ký hiệu là L3)

Khu vực bị ô nhiễm không được che phủ bởi thực vật

6 điểm

Khu vực bị ô nhiễm được che phủ bởi thực vật dưới 50%

4 điểm

Khu vực bị ô nhiễm được che phủ bởi thực vật dưới 10%

2 điểm

Khu vực bị ô nhiễm được bê tông hóa bề mặt

0 điểm

4. Chỉ tiêu về cỡ hạt của đất tại khu vực bị ô nhiễm (ký hiệu là L4)

Đất bề mặt (20 cm) là đất sỏi

5 điểm

Đất bề mặt (20 cm) là đất cát

4 điểm

Đất bề mặt (20 cm) là đất mùn

2 điểm

Đất bề mặt (20 cm) là đất sét

0 điểm

III. Tiêu chí về đối tượng bị tác động (tối đa 25 điểm)

1. Chỉ tiêu về tác động đến sức khỏe cộng đồng (ký hiệu là T1)

30% số người trong ít nhất 100 người được hỏi sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm với phạm vi trong 1000m khẳng định sức khỏe của họ bị tác động bởi khu vực bị ô nhiễm.

8 điểm

20% số người trong ít nhất 100 người được hỏi sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm với phạm vi trong 1000m khẳng định sức khỏe của họ bị tác động bởi khu vực bị ô nhiễm.

5 điểm

10% số người trong ít nhất 100 người được hỏi sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm với phạm vi trong 1000m khẳng định sức khỏe của họ bị tác động bởi khu vực bị ô nhiễm.

2 điểm

2. Chỉ tiêu về mật độ dân cư (ký hiệu là T2)

Có hơn 500 người sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm với phạm vi trong bán kính 1000m

5 điểm

Có từ 50 đến 500 người sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm với phạm vi trong bán kính 1000m

3 điểm

Có từ 5 đến 50 người sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm với phạm vi trong bán kính 1000m

1 điểm

3. Chỉ tiêu về tác động đến các nguồn sinh sống của cộng đồng địa phương (ký hiệu là T3)

Nhiều hơn 20% cộng đồng dân trong khu vực hoặc trong phạm vi cách 1000m sử dụng nguồn nước và/hoặc đất tại khu vực bị ô nhiễm để sinh sống và canh tác

6 điểm

Ít hơn 20% cộng đồng dân trong khu vực hoặc trong phạm vi cách khu vực 1000m sử dụng nguồn nước và/hoặc đất tại khu vực bị ô nhiễm để sinh sống và canh tác

3 điểm

4. Chỉ tiêu về tác động đến hệ sinh thái tự nhiên (ký hiệu là T4)

Có dấu hiệu chắc chắn bất kỳ một hệ sinh thái bị tác động xấu

6 điểm

Nghi ngờ hệ sinh thái trong khu vực bị ảnh hưởng

3 điểm

Hệ sinh thái không bị ảnh hưởng

0 điểm

Không có thông tin

3 điểm

PHỤ LỤC 5

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ, CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

…(1)…
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …….
V/v đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường “…(2)...”

(Địa danh), ngày …. tháng …. năm …..

Kính gửi: ...(3)...

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu,

...(1)... đã tiến hành điều tra và lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường (gọi tắt là phương án xử lý ô nhiễm) ...(2)... trên địa bàn .... thuộc tỉnh. Xin gửi quý .. .(3)... hồ sơ phương án xử lý ô nhiễm bao gồm:

- 07 (bảy) báo cáo phương án xử lý ô nhiễm;

- 01 Biên bản tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư hoặc các đối tượng bị tác động (bản gốc).

Chúng tôi xin bảo đảm về độ trung thực của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên. Nếu có gì sai phạm chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kính đề nghị ...(3)... thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm....(2)..../.

(1)…
(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên tổ chức, cá nhân thực hiện phương án xử lý ô nhiễm; (2) Tên đầy đủ của phương án xử lý ô nhiễm; (3) Tên cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt;

PHỤ LỤC 6

MẪU CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ, CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

CHƯƠNG I. THÔNG TIN CHUNG:

1. Căn cứ thực hiện:

Liệt kê các văn bản pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường làm căn cứ để thực hiện dự án.

2. Thông tin chung:

2.1. Giới thiệu về phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường (Nêu tên phương án, địa điểm thực hiện...)

2.2. Giới thiệu về các bên liên quan chính:

Các bên liên quan chính bao gồm: chủ đầu tư, cơ quan chủ quản, đơn vị thực hiện, đơn vị phối hợp, cơ quan tư vấn, đơn vị hưởng lợi v.v... Đối với mỗi bên liên quan, cần trình bày những thông tin về tên, người đại diện/liên hệ chính, địa chỉ, số điện thoại, email.

CHƯƠNG II. HIỆN TRẠNG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM

Chương này trình bày những kết quả điều tra, đánh giá về phạm vi và mức độ ô nhiễm của khu vực. Các báo cáo điều tra, đánh giá sơ bộ và chi tiết về khu vực đã thực hiện cần được đính kèm. Những thông tin chính cần được nêu tại chương này bao gồm:

1. Thông tin nền về địa phương

Liệt kê những thông tin cơ bản về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương bao gồm:

1.1. Điều kiện tự nhiên

Nêu tóm tắt các nội dung sau: các đặc điểm địa hình, địa chất và thủy văn; thông tin về tính chất đất tại khu vực ô nhiễm (tính chất lý, hóa, các đặc trưng, hình thái và phẫu diện các loại đất chính của địa phương); các đặc điểm về khí hậu/thời tiết; các đặc điểm về thủy văn của địa phương, trong đó đặc biệt là những thông tin về tầng nước ngầm và các đặc trưng dòng chảy bề mặt chính.

1.2. Điều kiện kinh tế xã hội

Nêu tóm tắt các nội dung sau: dân số địa phương, đặc biệt là số hộ dân và số người sống xung quanh khu vực ô nhiễm; hiện trạng sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất của địa phương, các điều kiện sinh hoạt, vệ sinh nói chung và sức khỏe của nhân dân, có đề cập đến những ảnh hưởng đến sức khỏe do khu vực bị ô nhiễm gây ra;

2. Thông tin về khu vực bị ô nhiễm

2.1. Vị trí khu vực: Địa chỉ, vị trí địa lý, tọa độ địa lý, độ cao so với mực nước biển, ranh giới của khu vực bị ô nhiễm, chủ sở hữu hiện tại và người liên hệ chính.

2.2. Lịch sử hoạt động khu vực: Thời gian bắt đầu hoạt động, thời gian đóng cửa; Các hoạt động tại khu vực; Những vấn đề/ý kiến phàn nàn hoặc khiếu nại được ghi nhận liên quan đến hoạt động của khu vực.

2.3. Hiện trạng sử dụng đất tại khu vực: Nêu rõ hiện trạng sử dụng đất của khu vực và vùng xung quanh khu vực; Quy hoạch sử dụng đất của khu vực và vùng xung quanh khu vực theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

2.4. Bản đồ và ảnh: Bản đồ phác thảo của khu vực; hình ảnh (tổng hợp hình ảnh toàn cảnh, ảnh thể hiện ranh giới khu vực, ảnh của các đối tượng ô nhiễm chính,...).

3. Phạm vi và mức độ ô nhiễm

3.1. Các đợt điều tra, khảo sát đã thực hiện:

Liệt kê các đợt khảo sát đã thực hiện, trình bày trong bảng sau:

a) Kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ (báo cáo kết quả chi tiết được hướng dẫn tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Kết quả điều tra, đánh giá chi tiết (báo cáo kết quả chi tiết được hướng dẫn tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Khảo sát, đánh giá bổ sung nhằm khoanh vùng chính xác khu vực ô nhiễm có mức độ rủi ro cao.

3.2. Kết quả khoanh vùng phạm vi ô nhiễm: Cần nêu được các nguồn ô nhiễm có trong khu vực; phạm vi của khu vực bị ô nhiễm và phạm vi của các nguồn ô nhiễm có trong khu vực (phạm vi cần được thể hiện cả về diện tích lẫn chiều sâu).

3.3. Kết quả quan trắc và phân tích môi trường

Nêu rõ thuyết minh phương pháp luận lấy mẫu gồm: sơ đồ và vị trí lấy mẫu, phương pháp lấy mẫu, thời gian lấy mẫu, số lần lấy mẫu, loại mẫu, độ sâu lấy mẫu, chỉ tiêu phân tích. Trong phần này, phải kèm theo các hình vẽ, sơ đồ về vị trí lấy mẫu.

Diễn giải các kết quả phân tích (đất, trầm tích đáy, nước mặt và nước ngầm). Có thể diễn giải theo bảng biểu, so sánh với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành.

3.4. Bản đồ khu vực bị ô nhiễm

Bản đồ khu vực bị ô nhiễm mô tả đầy đủ hiện trạng ô nhiễm của khu vực, trong đó mô tả chi tiết các nguồn gây ô nhiễm tồn lưu, đường lan truyền ô nhiễm và đối tượng bị tác động. Bản đồ khu vực bị ô nhiễm trước hết là sơ đồ mặt bằng khu vực và sơ đồ lát cắt dọc địa hình.

3.5. Kết quả phân loại mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm: mô tả được việc áp dụng phương pháp phân loại mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm theo 3 mức độ: rủi ro cao, rủi ro trung bình và rủi ro thấp.

Hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

3.6. Đánh giá tác động của khu vực bị ô nhiễm dựa trên 3 yếu tố: ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái và khả năng lan truyền ô nhiễm.

CHƯƠNG III. LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ

1. Các biện pháp kỹ thuật

Đối với từng đối tượng tồn tại trong khu vực bị ô nhiễm, đưa ra các biện pháp kỹ thuật để cải tạo và phục hồi môi trường khác nhau. Các biện pháp kỹ thuật có thể được chia ra thành các giai đoạn như sau:

a) Các biện pháp bảo vệ đối tượng bị tác động trước khi xử lý:

- Thông báo cho các đối tượng bị tác động, các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng về tình trạng của khu vực;

- Ngăn ngừa tiếp xúc với chất ô nhiễm bằng cách lập rào chắn cách ly khu vực và niêm phong và đóng cửa khu nhà bị ô nhiễm;

- Hạn chế hoặc cấm sử dụng đất và nước ngầm, hoặc di dời tạm thời các đối tượng bị tác động ra khỏi khu vực ô nhiễm;

- Di dời các đối tượng bị tác động ra khỏi khu vực ô nhiễm.

b) Các biện pháp xử lý nguồn ô nhiễm và ngăn chặn lan truyền:

- Xử lý tại chỗ hoặc bốc xúc, vận chuyển đi xử lý các nguồn ô nhiễm;

- Bao vây, cô lập lâu dài các nguồn ô nhiễm và các khu vực ô nhiễm xung quanh;

- Bơm và xử lý nước ngầm (nếu có);

- Tiến hành các biện pháp cách ly các khu vực đất/trầm tích đáy bị ô nhiễm còn lại, hoặc triển khai các biện pháp xử lý/cải tạo các khu vực này;

- Thiết lập các màng ngăn thẩm thấu để ngăn ngừa chất ô nhiễm lan truyền thông qua nước ngầm.

c) Các biện pháp kiểm soát khu vực bị ô nhiễm sau khi xử lý:

- Thông báo công khai, cảnh báo và duy trì cảnh báo khu vực bị ô nhiễm.

- Khoanh vùng, cô lập, cách ly nhằm ngăn ngừa các tác động của khu vực bị ô nhiễm và chất gây ô nhiễm lan truyền ra môi trường xung quanh;

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân liên quan, cộng đồng sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm để chủ động phòng tránh các tác động do ô nhiễm môi trường gây ra;

- Theo dõi, quan trắc định kỳ chất lượng môi trường xung quanh và công bố thông tin.

2. Bảng so sánh các biện pháp kỹ thuật

Lập bảng so sánh các biện pháp kỹ thuật để xây dựng, lựa chọn phương án tối ưu cho việc cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm. Việc xác định các biện pháp kỹ thuật có thể dựa vào các tiêu chí sau:

a) Mức độ giảm thiểu rủi ro mà biện pháp kỹ thuật có thể đạt được;

b) Mức độ tin cậy của công nghệ và/hoặc biện pháp đề xuất (Những tác động gây ra cho đất, nước ngầm và không khí trong và sau khi thực hiện phương án; hiệu suất xử lý v.v...);

c) Chi phí thực hiện biện pháp kỹ thuật;

d) Thời gian thực hiện;

đ) Tính khả thi về mặt kỹ thuật, và tính khả thi của công nghệ xử lý được đề xuất khi triển khai;

e) Các tác động khác của biện pháp nếu được thực hiện.

Trên cơ sở các phân tích các tiêu chí nêu trên, lựa chọn các biện pháp kỹ thuật tối ưu của từng mức độ ưu tiên xử lý khu vực bị ô nhiễm để tổng hợp, lựa chọn phương án xử lý ô nhiễm tối ưu nhất (có thể lựa chọn một hay kết hợp nhiều biện pháp tùy thuộc đối tượng bị tác động và mức độ ô nhiễm).

CHƯƠNG IV. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ ĐƯỢC LỰA CHỌN

1. Nội dung và kế hoạch xử lý:

1.1. Nội dung

Phần này sẽ tập trung nêu chi tiết các hạng mục công việc sẽ thực hiện, với các khối lượng công việc được định lượng một cách cụ thể và chi tiết, về cơ bản, phần nội dung sẽ phụ thuộc vào từng dự án cụ thể, tuy nhiên có thể tóm tắt tổng quát như sau:

a) Ngăn ngừa, xử lý hoặc loại bỏ các nguồn ô nhiễm;

b) Ngăn chặn các đường lan truyền ô nhiễm;

c) Bảo vệ các đối tượng bị tác động.

1.2. Kế hoạch xử lý

Đối với từng hạng mục công trình hoặc các biện pháp để cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm, lập kế hoạch xử lý bao gồm các nội dung sau:

- Thời gian, tiến độ thực hiện các hạng mục công trình hoặc các biện pháp kỹ thuật;

- Liệt kê khối lượng công việc cần phải làm cho từng hạng mục công trình, hoặc các biện pháp kỹ thuật;

- Liệt kê các thiết bị và nhân công để thực hiện;

- Phân công đơn vị, nhân sự để quản lý, giám sát triển khai từng hạng mục công trình.

2. Các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường

Xác định những tác động tiêu cực đến môi trường gây ra trong suốt quá trình thực hiện phương án từ giai đoạn giải phóng mặt bằng đến giai đoạn giám sát, quản lý sau xử lý (nêu những tác động tiêu cực đến môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước,...).

Các biện pháp bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thực hiện phương án (nêu những biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước,...).

CHƯƠNG V. GIÁM SÁT, KIỂM SOÁT TRONG VÀ SAU XỬ LÝ

1. Giám sát trong quá trình xử lý

Nêu kế hoạch và cách thức giám sát chất lượng kỹ thuật của công tác xử lý, cải tạo phục hồi môi trường trong quá trình thực hiện phương án.

Căn cứ vào từng nội dung dự án cụ thể xác định các tác động môi trường, xác định các rủi ro an toàn lao động và đề xuất các biện pháp giảm thiểu.

2. Kiểm soát sau xử lý

Trong trường hợp chưa thể loại bỏ hết những tác động đến sức khỏe và môi trường do tác động của các chất gây ô nhiễm tồn lưu; những công trình xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đã xây dựng cần quản lý và duy trì để đảm bảo các rủi ro được kiểm soát. Các nội dung cụ thể bao gồm:

a) Duy trì cảnh báo khu vực bị ô nhiễm;

b) Truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân liên quan, cộng đồng sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm;

c) Duy tu, bảo dưỡng các công trình xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường;

d) Theo dõi, quan trắc định kỳ chất lượng môi trường tại khu vực bị ô nhiễm và môi trường xung quanh; công bố thông tin về chất lượng môi trường.

PHỤ LỤC

Hình ảnh về khu vực bị ô nhiễm: Cần đưa ra đầy đủ hình ảnh, bản đồ và sơ đồ chi tiết về khu vực bị ô nhiễm bao gồm nguồn ô nhiễm tồn lưu, các đối tượng bị tác động và môi trường xung quanh.

PHỤ LỤC 7

MẪU QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ, CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

…(1)…
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……./QĐ-……

(Địa danh), ngày tháng năm

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường “…(2)…”

…(3)…

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu;

Căn cứ ...(4)...quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của ...(1)...;

Xét nội dung phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường (gọi tắt là phương án xử lý ô nhiễm) “...(2)...” đã được chỉnh sửa, bổ sung kèm theo văn bản giải trình số...ngày...tháng ...năm...của...(5)…;

Theo đề nghị của ...(6)...,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nội dung phương án xử lý ô nhiễm “...(2)...” của ...(5)... (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) với các nội dung cụ thể sau:

a) Giải pháp xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường

b) Các hạng mục công trình xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường

Điều 2. ...(5)... có trách nhiệm xây dựng dự án xử lý ô nhiễm và thực hiện cải tạo và phục hồi môi trường theo những nội dung trong phương án xử lý ô nhiễm và những yêu cầu bắt buộc sau đây:

1………………

2………………

Điều 3. ...(7)... có trách nhiệm phê duyệt dự án xử lý ô nhiễm ...(2)... trên cơ sở phương án xử lý ô nhiễm ...(2)... và những yêu cầu bắt buộc tại Điều 2 Quyết định này.

Điều 4. ...(5)... phải tuân thủ nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường, chế độ thông tin, báo cáo về việc thực hiện nội dung phương án xử lý ô nhiễm đã được phê duyệt theo các yêu cầu của Quyết định này.

Điều 5. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những thay đổi về nội dung phương án xử lý ô nhiễm được phê duyệt, ...(5)... phải có văn bản báo cáo ...(1)... và chỉ được thực hiện những thay đổi đó sau khi có văn bản chấp thuận của …(1)…

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

Nơi nhận:
- Tổ chức, cá nhân;
-
- Lưu…

…(3)…
(Ký, ghi rõ họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan thẩm định, phê duyệt;

(2) Tên đầy đủ của phương án xử lý ô nhiễm;

(3) Thủ trưởng cơ quan thẩm định, phê duyệt;

(4) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm;

(5) Tên tổ chức, cá nhân trình thẩm định phương án xử lý ô nhiễm;

(6) Tên cơ quan được giao chủ trì tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm;

(7) Tên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc tổ chức, cá nhân.

PHỤ LỤC 8

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN HOÀN THÀNH CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

…(1)…
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …
V/v đề nghị xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường “..(2)…”

(Địa danh), ngày … tháng … năm …

Kính gửi: ...(3)...

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu;

Căn cứ Quyết định số …….. của …..(3)….. về việc phê duyệt phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường (gọi tắt là phương án xử lý ô nhiễm) …(2)…;

...(1)... đã tiến hành dự án cải tạo và phục hồi môi trường đối với ...(2)... trên địa bàn .... thuộc tỉnh.

Xin gửi quý cơ quan hồ sơ báo cáo hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường gồm:

- 03 (ba) báo cáo hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường;

- 01 Biên bản tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư đối với việc hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường (bản gốc).

Chúng tôi xin bảo đảm về độ trung thực của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên. Nếu có gì sai phạm chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

...(1)... đề nghị ...(3)... phê duyệt hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường cho ... (2)... nêu trên.

………(1)…..…
(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên tổ chức, cá nhân; (2) Tên đầy đủ của phương án xử lý ô nhiễm; (3) Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm;

PHỤ LỤC 9

MẪU BÁO CÁO HOÀN THÀNH CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

I. Thông tin chung

1.1. Giới thiệu về phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường

- Mục đích của việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường;

- Vị trí của khu vực bị ô nhiễm;

- Mức độ ô nhiễm môi trường (trong đất, nước ngầm).

1.2. Giới thiệu về các bên liên quan chính:

Các bên liên quan chính bao gồm: chủ đầu tư, cơ quan chủ quản, đơn vị thực hiện, đơn vị phối hợp, cơ quan tư vấn, đơn vị hưởng lợi v.v...

Đối với mỗi bên liên quan, cần trình bày những thông tin sau:

- Tên;

- Người đại diện/liên hệ chính;

- Địa chỉ;

- Số điện thoại; Email.

1.3. Thông tin chung liên quan đến khu vực:

- Địa chỉ;

- Kích thước;

- Tọa độ GPS;

- Chủ sở hữu khu vực bị ô nhiễm;

- Bản đồ khu vực;

- Hiện trạng sử dụng của khu vực và kế hoạch sử dụng trong tương lai.

II. Nội dung phương án xử lý ô nhiễm đã phê duyệt:

- Trình bày tổng thể nội dung phương án xử lý ô nhiễm đã được phê duyệt;

- Trình bày các hạng mục, công trình xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đã phê duyệt;

- Trình bày mục tiêu tổng quát và chất lượng đạt được của các hạng mục, công trình xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường theo phương án xử lý ô nhiễm đã được phê duyệt.

III. Các hạng mục xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đã hoàn thành

- Mô tả chi tiết các nội dung xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đã hoàn thành theo phương án xử lý ô nhiễm đã được phê duyệt;

- Khối lượng công việc thực hiện các nội dung xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đã hoàn thành;

- Khối lượng các công trình xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường phát sinh (không có trong kế hoạch) để thực hiện công tác xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đã đề ra;

- Công tác quản lý và giám sát môi trường để thực hiện công tác xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đã đề ra;

- Lập bảng khối lượng công việc đã hoàn thành:

STT

Các công trình, hạng mục theo phương án xử lý đã phê duyệt

Các công trình, hạng mục đã hoàn thành

Khối lượng công việc

Kinh phí

Thời gian hoàn thành

Ghi chú

1

2

IV. Kết quả giám sát chất lượng môi trường

- Trình bày chuỗi số liệu về hiện trạng môi trường tại khu vực theo báo cáo giám sát môi trường hàng năm mà tổ chức, cá nhân đã cam kết trong phương án xử lý ô nhiễm;

- Đánh giá kết quả chất lượng môi trường từ bắt đầu triển khai đến khi kết thúc công tác xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường.

V. Đánh giá, đề xuất và kiến nghị

- Đánh giá kết quả đạt được;

- Đề xuất và kiến nghị.

VI. Phụ lục

- Kết quả phân tích và dữ liệu lấy mẫu trước khi xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường;

- Kết quả phân tích và dữ liệu lấy mẫu đánh giá chất lượng môi trường sau khi xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường của 03 đơn vị có chức năng lấy và phân tích mẫu theo quy định của pháp luật;

- Kết quả giám sát môi trường;

- Bản đồ khu vực bị ô nhiễm đã được xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường với các lát cắt:

+ Thành phần khu vực bị ô nhiễm;

+ Tình hình chất lượng đất và nước ngầm;

+ Hiện trạng chất lượng đất và nước ngầm khu vực còn lại.

PHỤ LỤC 10

MẪU QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT HOÀN THÀNH CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

…(1)…
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …./QĐ-…

Hà Nội, ngày …. tháng …. năm …..

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường “...(2)...”

...(3)...

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2014;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu;

Căn cứ ...(4)...quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của ...(1)...;

Xét nội dung báo cáo hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường “...(2)…” và Biên bản kiểm tra, đánh giá thực tế ngày...tháng ...năm…;

Theo đề nghị của ...(6)…,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. ...(5)... đã hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường và yêu cầu của Quyết định số ... của ... (3) ... về việc phê duyệt phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường (gọi tắt là phương án xử lý ô nhiễm) “…(2)…”

Điều 2. Tổ chức, cá nhân (hoặc cơ quan tiếp quản các công trình) có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu bắt buộc sau đây:

1. Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung kiểm soát sau xử lý nêu trong phương án xử lý ô nhiễm và các yêu cầu của quyết định phê duyệt.

2. Chủ động xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố và các tình huống bất lợi xảy ra gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và các cơ quan liên quan khác để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Nơi nhận:
- Tổ chức, cá nhân;
- Lưu…

…(7)…
(Ký, ghi rõ họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan thẩm định, phê duyệt hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường;

(2) Tên đầy đủ của khu vực bị ô nhiễm;

(3) Thủ trưởng cơ quan có thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm;

(4) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thẩm định, phê duyệt hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường;

(5) Tên tổ chức, cá nhân trình báo cáo hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường;

(6) Tên cơ quan được giao chủ trì tổ chức thẩm định, phê duyệt hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường;

(7) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan đã cấp quyết định phê duyệt hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 30/2016/TT-BTNMT về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 30/2016/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/10/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Võ Tuấn Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1181 đến số 1182
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản