Hệ thống pháp luật

UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 217-KHKT/TT

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 1975

THÔNG TƯ

UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC SỐ 217-KHKT/TT. NGÀY 8 THÁNG 3 NĂM 1975 HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ CÔNG TÁC TIÊU CHUẨN HOÁ Ở XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP

Ngày 30 tháng 12 năm 1974 Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 290-CP ban hành Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá ở xí nghiệp công nghiệp.
Căn cứ theo Điều 2 của quyết định, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ra Thông tư này giải thích và hướng dẫn các ngành, các cấp thi hành bản điều lệ đó.

I- MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG BẢN ĐIỀU LỆ

Tiêu chuẩn hoá là một trong những nội dung và biện pháp quan trọng để Nhà nước quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật thúc đẩy sản xuất phát triển. Đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, chuyển nền sản xuất nhỏ lạc hậu, phân tán trở thành nền sản xuất lớn hiện đại, tiêu chuẩn hoá là yếu tố không thể thiếu được để hợp lý hoá tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguyên vật liệu, đảm bảo an toàn kỹ thuật và an toàn lao động.

Nhận rõ vai trò quan trọng đó của tiêu chuẩn hoá, ngày 24 tháng 8 năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp kèm theo Nghị định số 123/CP. Đó là bản điều lệ áp dụng chung cho tất cả các ngành, các cấp từ trung ương tới cơ sở, trong đó có đề cập tới việc xây dựng ban hành tiêu chuẩn xí nghiệp (Điều 24, Chương III) trách nhiệm trong việc áp dụng tiêu chuẩn của xí nghiệp (Điều 27, Chương IV), tổ chức chuyên trách tiêu chuẩn hoá ở xí nghiệp (Điều 35, Chương V). Tuy nhiên, từ đó đến nay nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn chưa coi trọng công tác tiêu chuẩn hoá, chưa nơi nào thực hiện đúng những điều Nhà nước đã quy định về tiêu chuẩn hoá trong cơ sở của mình. Nhiều tiêu chuẩn Nhà nước, tiêu chuẩn ngành đã ban hành không được chấp hành nghiêm chỉnh. Nhiều sản phẩm đã sản xuất hàng loạt vẫn chưa có tiêu chuẩn quy định rõ về quy cách và chất lượng. Nhiều xí nghiệp chưa có tổ chức và cán bộ chuyên trách để giúp lãnh đạo quản lý tập trung và thống nhất công tác tiêu chuẩn hoá trong xí nghiệp. Đó là những thiếu sót nhược điểm cần được khắc phục, đáp ứng đòi hỏi của yêu cầu tăng cường quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật theo tinh thần nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 22 và các chỉ thị, quyết định của Chính phủ gần đây, nhất là Quyết định số 159-TTg ngày 7-7-1973 về quản lý chất lượng sản phẩm.

Bản điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá ở xí nghiệp công nghiệp này nhằm cụ thể hoá bản điều lệ chung nói trên về nội dung công tác tiêu chuẩn hoá cần được tiến hành trong các xí nghiệp công nghiệp hiện nay.

Như nói ở Điều 28 Chương VII, điều lệ này chỉ áp dụng cho các xí nghiệp công nghiệp. Các loại xí nghiệp khác, trong khi chưa có điều lệ của Nhà nước quy định, có thể căn cứ vào điều lệ này xác định nội dung, yêu cầu, phương pháp và biện pháp cụ thể thích hợp để thực hiện trong đơn vị mình. Các viện nghiên cứu thiết kế trường đại học và trường kỹ thuật có thể vận dụng điều lệ này để xác định nhiệm vụ tiêu chuẩn hoá trong phần áp dụng tiêu chuẩn cấp trên và xây dựng các tiêu chuẩn nộibộ, còn phần trách nhiệm tham gia nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn hoá của các cơ quan này - sẽ có quy định riêng của nhà nước và hướng dẫn của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

II- MỤC ĐÍCH, NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG TIÊU CHUẨN HOÁ TRONG XÍ NGHIỆP

1- Mục đích cơ bản của tiêu chuẩn hoá trong xí nghiệp công nghiệp là thông qua việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn (gồm cả hệ thống tiêu chuẩn cấp trên và tiêu chuẩn xí nghiệp) mà ổn định sản xuất, phát huy hiệu quả tốt nhất về các mặt. Tuỳ theo đặc điểm và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của mình, mỗi xí nghiệp sẽ hướng tiêu chuẩn hoá phát huy tác dụng vào những mục tiêu và yêu cầu cụ thể trong từng thời kỳ nhất định. Nhưng nói chung, trong giai đoạn hiện nay, các xí nghiệp cần hướng dẫn tiêu chuẩn hoá vào phục vụ cho việc chọn lựa phương án sản phẩm, quy hoạch và kế hoạch hoá phát triển sản xuất; định mức trình độ chất lượng để phấn đấu ổn định và từng bước nâng cao hơn; thiết kế tạo ra sản phẩm mới có kết cấu và chất lượng hợp lý hoá; định mức, cung ứng và sử dụng vật tư hợp lý, tiết kiệm; đảm bảo an toàn kỹ thuật và an toàn lao động trong sản xuất.

2- Trong một xí nghiệp, nội dung công tác tiêu chuẩn hoá bao giờ cũng bao gồm hai phần liên quan, gắn bó mật thiét với nhau: áp dụng các tiêu chuẩn cấp trên (Nhà nước, ngành, địa phương) và xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn xí nghiệp. Tuỳ theo trình độ sản xuất, yêu cầu quản lý của Nhà nước, ngành địa phương và của bản thân xí nghiệp, số tiêu chuẩn đã ban hành so với số sản phẩm xí nghiệp đang và sẽ sản xuất.. mà xí nghiệp ấn định nhiệm vụ cụ thể thể hiện cho hai phần của nội dung tiêu chuẩn hoá trong xí nghiệp mình. Theo kinh nghiệm ở một số xí nghiệp, công tác tiêu chuẩn hoá nên bắt đầu trong xí nghiệp bằng việc tổ chức nghiên cứu, phổ biến áp dụng các tiêu chuẩn cấp trên đã ban hành, phát hiện và tìm biện pháp giải quyết những khó khăn trở ngại để sản phẩm sản xuất ra nhanh chóng đạt được những tiêu chuẩn đề ra, trên cơ sở đó mở rộng dần. Đồng thời, các xí nghiệp cũng cần tổ chức xây dựng một số tiêu chuẩn xí nghiệp nhằm trước hết vào việc cụ thể hoá tiêu chuẩn xí nghiệp cho những thành phẩm xuất xưởng trong diện Nhà nước trực tiếp quản lý nhưng chưa có tiêu chuẩn cấp trên khống chế.

3- Trong ba đối tượng xây dựng tiêu chuẩn xí nghiệp, các xí nghiệp cần lấy sản phẩm là thành phẩn xuất xưởng làm đối tượng chính trong những năm sắp tới. Các tiêu chuẩn cho đối tượng này là cơ sở để thực hiện các quan hệ về kế hoạch và hợp đồng giữa xí nghiệp với Nhà nước và các cơ quan, cơ sở khác. Trong nội bộ xí nghiệp dần dần chọn xây dựng tiêu chuẩn cho những đối tượng khác (nói ở điều 3 chương I), trước hết cần tập trung xây dựng tiêu chuẩn cho những bán thành phần của toàn xí nghiệp, nhưng là thành phần của từng phân xưởng hoặc bộ phận trong xí nghiệp làm cơ sở để tăng cường quản lý sản xuất trong nội bộ xí nghiệp một cách tích cực và chủ động.

4- Về loại tiêu chuẩn xí nghiệp thì được phân định nôị dung giống như các tiêu chuẩn cấp trên theo quy định ở Điều 3 Chương I điều lệ chung và điểm 2 chương I Thông tư số 149/KHH/TT ngày 15-9-1963 hướng dẫn thi hành điều lệ chung của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

Với xí nghiệp, ở đây có quy định thêm loại tiêu chuẩn về sử dụng và sửa chữa. Nội dung quy định trong tiêu chuẩn này là các yêu cầu, các mức, các điều kiện trong việc sử dụng sản phẩm (có thể là nguyên vật liệu, bán thành phẩm hay sản phẩm mua ngoài về để sản xuất và lắp ráp, có thể là sản phẩm hoàn chỉnh đang sử dụng); là các yêu cầu, mức về tính năng kỹ thuật hay giá trị sử dụng của sản phẩm sau khi sửa chữa, phục hồi.

III- LẬP KẾ HOẠCH TIÊU CHUẨN HOÁ TRONG XÍ NGHIỆP

Nội dung bản kế hoạch tiêu chuẩn hoá trong xí nghiệp cần theo đúng như nói ở Điều 6 chương II Về vấn đề này, các xí nghiệp cần chú ý các điểm sau:

1- Kế hoạch tiêu chuẩn hoá là một bộ phận cấu thành của kế hoạch sản xuất của xí nghiệp. Vì vậy giám đốc xí nghiệp cần chỉ đạo xây dựng, xét duyệt, tổ chức thực hiện và kiểm tra đánh giá cùng với các mặt của kế hoạch sản xuất.

2- Phòng hay ban kế hoạch phải được giao trách nhiệm cùng với bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách tiêu chuẩn hoá giúp giám đốc trong việc hướng dẫn xây dựng, tổng hợp và đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này. Ngoài ra giám đốc xí nghiệp cần quy định rõ nhiệm vụ của các bộ phận liên quan khác trong việc lập kế hoạch tiêu chuẩn hoá này đặc biệt là phần tham gia xây dựng tiêu chuẩn.

3- Để kế hoạch tiêu chuẩn hoá xí nghiệp có giá trị thực tiễn cần chú ý cân đối những phần kế hoạch và công việc trực tiếp liên quan với tiêu chuẩn hoá như: thiết kế, hệ thống hoá các tài liệu kỹ thuật, công nghệ, trang thiết bị, kiểm dịch và sửa chữa các dụng cụ đo lường, cung ứng vật tư kỹ thuật; kiểm tra, phân tích đánh giá và xử lý về chất lượng sản phẩm... Cố gắng từng bước thống nhất các mặt đo lường, tiêu chuẩn hoá, kiểm tra trong kế hoạch chung về tiến bộ kỹ thuật và chất lượng sản phẩm.

IV- VỀ XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN TRONG XÍ NGHIỆP

1- Xí nghiệp có trách nhiệm tham gia xây dựng tiêu chuẩn cấp trên (Nhà nước, ngành, địa phương) theo kế hoạch do Bộ, Tổng cục hay Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố giao cho và tự xây dựng các tiêu chuẩn cấp xí nghiệp theo kế hạch của bản thân xí nghiệp. Tất cả các bộ phận và cán bộ trong xí nghiệp có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn theo khả năng và sự phân công của giám đốc xí nghiệp. Tuy nhiên để tiêu chuẩn được xây dựng nhanh và đảm bảo nội dung học thuật đúng đắn, chính xác. Giám đốc xí nghiệp cần căn cứ vào yêu cầu và nội dung từng tiêu chuẩn mà giao cho những tập thể hoặc cá nhân cán bộ có đủ trình độ và năng lực chủ trì, biên soạn, sau đó bổ sung hoàn chỉnh như nói ở Điều 11, 12 chương III của điều lệ. Nói chung những tiêu chuẩn là thành phẩm xuất xưởng và quy trình công nghệ thì giao cho các phân xưởng hoặc bộ phận sản xuất; những tiêu chuẩn là phương pháp phân tích, đo lường, kiểm tra nên giao cho bộ phận và cán bộ kiểm tra (0TK), đo lường chủ trì biên soạn.

2- Hết sức phòng ngừa đừng để tiêu chuẩn xí nghiệp có nội dung trái với tiêu chuẩn cấp trên (như lấy các thông số, kích thước ngoài hệ thống, thống nhất đã quy định trong tiêu chuẩn Nhà nước; định mức chất lượng thấp hơn mức tối thiểu Nhà nước hay ngành khống chế...). Cũng cần chú ý xem xét bổ sung, điều chỉnh đảm bảo sự ăn khớp, giữa các điều quy định trong một tiêu chuẩn xí nghiệp và giữa các tiêu chuẩn xí nghiệp có liênquan với nhau.

3- Đối với những tiêu chuẩn do cấp trên giao xí nghiệp chủ trì biên soạn hoặc tham gia ý kiến, thì bản dự thảo tiêu chuẩn hoặc bản góp ý kiến đó nhất thiếtt phải do Giám đốc hoặc Phó giám đốc kỹ thuật ký gửi lên cấp trên. Những tiêu chuẩn xí nghiêp quy định cho thành phẩm xuất xưởng nhất thiết phải được cơ quan quản lý cấp trên (Vụ kỹ thuật và các cục hoặc công ty hoặc liên hợp xí nghiệp - với Bộ và Tổng cục, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật và cục hoặc ty chủ quản - với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) nhất trí thì giám đốc xí nghiệp công nghiệp mới ban hành. Trường hợp không nhất trí thì nên xin ý kiến của Bộ trưởng, Tổng cục Trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố. Phán đấu từ nay tới năm 1980 đối với những thành phẩm xuất xường là hàng hoá trao đổi, sử dụng ngoài phạm vi xí nghiệp thì nên ban hành tiêu chuẩn cấp Nhà nước hoặc cấp ngành, cấp địa phương.

V- ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN TRONG XÍ NGHIỆP

1. Áp dụng tiêu chuẩn (Nhà nước, ngành, địa phương và tiêu chuản của bản thân xí nghiệp) là một trong hai nội dung chính cuả công tác tiêu chuẩn hoá trong xí nghiệp, đồng thời là một trong những biện pháp quan trọng nhất để xí nghiệp quản lý sản xuất một cách tích cực và chủ động.

Cũng như xây dựng tiêu chuẩn, tất cả các bộ phận và cán bộ trong xí nghiệp đều có trách nhiệm và nghãi vụ thực hiện tiêu chuẩn trong những phần liên quan theo sự chỉ đạo và phân công chung của giám đốc. Một sản phẩm của xí nghiệp sản xuất ra chỉ đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn khi nào ở tất cả các khâu có liên quan (thiết kế, công nghệ, vật tư, đo lường, kiểm tra...) được chuẩn bị và tiến hành đồng bộ với nhau theo các yêu cầu tiêu chuẩn quy định. Do dó, việc áp dụng tiêu chuẩn cũng chỉ đạt kết quả và giữ vững, phát huy được kết quả nếu giám đốc xí nghiệp thấy rõ vấn đề và thực sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện bằng kế hoạch cụ thể, phân công phân nhiệm rõ ràng, biện pháp thiết thực và kiên quyết về tư tưởng, tổ chức, kinh tế - kỹ thuật, kiểm tra đánh giá và uốn nắm kịp thời các sai sót.

2- Nội dung cần chuẩn bị để áp dụng tiêu chuẩn như ở Điều 15 chương IV, trong đó các xí nghiệp cần chú ý thêm các điểm sau đây:

Phổ biến nội dung tiêu chuẩn, chỉ rõ từng bộ phận, cá nhân những phần phải thực hiện trong phạm vi trách nhiệm của mình. Sưu tầm (mua hoặc in, đánh máy) cung cấp đủ các bản tiêu chuẩn Nhà nước do Viện tiêu chuẩn trực thuộc Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cung cấp. Tiêu chuẩn ngành do các Vụ kỹ thuật cung cấp. Tiêu chuẩn địa phương do các ban khoa học kỹ thuật hoặc ty chủ quản cung cấp. Bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách tiêu chuẩn hoá phải giúp giám đốc xí nghiệp chủ động liên hệ với các cơ quan trên sưu tầm các tiêu chuẩn đó.

Nên bắt đầu vận dụng tiêu chuẩn bằng việc hệ thống hoá các tài liệu kỹ thuật trước hết là các tài liệu thiết kế; các quy trình công nghệ và phương pháp đo lường, kiểm tra. Căn cứ theo yêu cầu của tiêu chuẩn mà điều chỉnh, bổ sung những chỗ không phù hợp trong tài liệu cũ và đưa hệ thống chỉ tiêu tiêu chuẩn vào trong các tài liệu mới. Tuy hệ thống hoá tài liệu kỹ thuật là vấn đề phức tạp, phải làm từng bước, nhưng phải kiên quyết làm một cách có kế hoạch và khẩn trương, vì bất cứ một sự sai sót nào trong tài liệu thiết kế, quy trình, phương pháp... đều gây ra tai hại có hệ thống và kéo dài cho cả quá trình sản xuất sau đó. Theo kinh nghiệm nhiều nơi cho thấy việc áp dụng tiêu chuẩn phần quan trọng còn phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất có ổn định trong một thời gian nhất định không và việc cung ứng vật tư có đủ khối lượng và đúng quy cách không. Đó là những điểm đề nghị các xí nghiệp đặc biệt lưu ý giải quyết.

Tiêu chuẩn là luật pháp. Đã sản xuất thì phải có tiêu chuẩn và theo đúng tiêu chuẩn. Đó là nguyên tắc, là cơ sở luật pháp của tiêu chuẩn. Nhưng giá trị thực tế của tính luật pháp của tiêu chuẩn được thể hiện thông qua nội dung kinh tế của tiêu chuẩn. Vì vậy, các xí nghiệp cần chú ý giải quyết đúng đắn một số quan hệ sau đây:

- Phải tích cực và chủ động chuẩn bị sản xuất và sản xuất theo đúng tiêu chuẩn. Nếu vì lý do chính đáng mà chưa thể áp dụng được tiêu chuẩn cấp trên (toàn bộ hay từng phần) thì phải báo cáo, xin phép ngoại lệ với cơ quan ban hành tiêu chuẩn như quy định ở Điều 28 chương IV Điều lệ chung về tiêu chuẩn hoá của Nhà nước. Riêng với tiêu chuẩn xí nghiệp, trước khi quyết định sửa đổi, giám đốc xí nghiệp cần xem xét, cân nhắc cẩn thận, không nên thay đổi quá nhiều ảnh hưởng tới tính ổn định của sản xuất.

- Phải ký hợp đồng bán sản phẩm cho khách hàng theo đúng tiêu chuẩn quy định. Trong hợp đồng có thể có những điểm bổ sung ngoài tiêu chuẩn nhưng không được trái với nội dung quy định trong tiêu chuẩn. Trường hợp riêng như sản phẩm xuất khẩu... nếu khách hàng yêu cầu, xét thấy có lợi ích chung cho nền kinh tế thỉ có thể ký khác tiêu chuẩn nhưng phải báo cáo và được phép ngoaị lệ của cơ quan ban hành tiêu chuẩn như nói trên.

- Chất lượng là một trong những chỉ tiêu pháp lệnh về kế hoạch sản xuất. Tiêu chuẩn là một trong những cơ sở để cân đối kế hoạch vể chủng loại và chất lượng. Do đó, như Điều 19 chương IV quy định, những sản phẩm sản xuất ra không theo đúng tiêu chuẩn đều không được tính vào khối lượng hoàn thành kế hoạch. Đây là một trong những biện pháp đảm bảo tính luật pháp nghiêm túc của tiêu chuẩn, bảo đảm cho chỉ tiêu chất lượng trong kế hoạch sản xuất có hiệu lực thật sự. Với những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn có thể cho phép đưa ra sử dụng hoặc tái chế hoặc huỷ bỏ tuỳ theo thực trạng cuả nó theo quy định xử lý riêng của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền. Giám đốc xí nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật pháp về việc vi phạm tiêu chuẩn.

VI- TỔ CHỨC QUẢN LÝ TIÊU CHUẨN HOÁ CỦA XÍ NGHIỆP

1- Trong điều lệ này Chính phủ khẳng định các xí nghiệp đều phải thành lập bộ phận chuyên trách quản lý tiêu chuẩn hoá đặt trực tiếp dới sự chỉ đạo của Phó giám đốc kỹ thuật và chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ của các cơ quan tiêu chuẩn hoá cấp trên. Theo tinh thần đó, đề nghị các xí nghiệp nhanh chóng chọn lựa một số cán bộ có kiến thức nhất định về khoa học kỹ thuật, đã qua công tác thực tiễn một thời gian, hình thành bộ phận này càng sớm, càng tốt. Tuỳ số lượng cán bộ, khối lượng và tính chất công việc mà thành lập phòng, ban hay tổ quản lý tiêu chuẩn hoá... với những xí nghiệp số mặt hàng ít và đơn giản, tạm thời có thể giao cho từ 1 đến 2 cán bộ chuyên trách cũng được.

2- Căn cứ theo Điều 22 và 23 Chương V giám đốc xí nghiệp nên quy định bằng văn bản nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách tiêu chuẩn hoá; tạo điều kiện để cho những cán bộ này nhanh chóng nắm được việc, phát huy tác dụng. Danh sách cán bộ này cần gửi về Vụ kỹ thuật Bộ, Tổng cục hoặc ban khoa học kỹ thuật ty chủ quản để các cơ quan quản lý cấp trên này tổ chức bồi dưỡng, đào tạo và hướng dẫn thường xuyên về nghiệp vụ. Số cán bộ này các xí nghiệp cũng nên bố trí ổn định, không điều động hoặc giao kiêm những việc khác vừa ảnh hưởng đến tư tưởng vừa không có điều kiện hoàn thành tốt được nhiệm vụ.

3- Trong năm 1975 và một số năm tới, bộ phận quản lý tỉnh, tiêu chuẩn hoá cần tập trung giúp giám đốc xí nghiệp lập kế hoạch tiêu chuẩn hoá và theo dõi đôn đốc thực hiện kế hạch đó vơí yêu cầu có đủ tiêu chuẩn cho các thành phẩm xuất xường; tổ chức phổ biến đầy đủ các tiêu chuẩn đó trong xí nghiệp, hướng các hoạt động trong xí nghiệp lấy tiêu chuẩn làm mục tiêu phấn đấu về trình độ kỹ thuật và chất lượng sản phẩm; kiên quyết không để sản xuất ra sản phẩm không và không đạt tiêu chuẩn, chất lượng kém, giá trị sử dụng thấp.

VII- NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC MẮT

Để điều lệ này sớm được phổ biến và thực hiện nghiêm chỉnh, đề nghị các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các xí nghiệp xúc tiến ngay những việc sau đây:

1-Kịp thời phổ biến bản điều lệ và Thông tư hướng dẫn này đến tận từng cơ sở sản xuất, kinh doanh, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước chịu trách nhiệm phổ biến hướng dẫn cho các Bộ, Tổng cục, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có liên quan; cho Uỷ ban hành chính và các ban Khoa học và kỹ thuật, các sở, ty quản lý sản xuất chính của các tỉnh, thành phố; cho cấp lãnh đạo và cán bộ chuyên trách tiêu chuẩn hoá tại các xí nghiệp thí điểm quản lý chất lượng của Nhà nước. Các cơ quan, xí nghiệp thuộc ngành, địa phương còn lại do các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố tổ chức phổ biến cho các bộ phận và cán bộ trong xí nghiệp.

2- Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ thị cho giám đốc các xí nghiệp thành lập ngay bộ phận chuyên trách quản lý tiêu chuẩn hoá như nói ở mục VI trên; báo cáo danh sách gửi về Vụ kỹ thuật hay ban Khoa học và kỹ thuật và ty chủ quản để mở lớp tập huấn về nghiệp vụ.

3- Xúc tiến lập kế hoạch tiêu chuẩn hoá của xí nghiệp 2 năm 1975 - 1976 theo nội dung và yêu cầu nói ở Chương II của điều lệ và nói ở mục III của điểm 3 mục VI trong Thông tư hướng dãn này. Vụ kỹ thuật các Bộ, Tổng cục và ban Khoa học và kỹ thuật ty chủ quản các tỉnh, thành phố hướng dẫn và giúp đỡ các xí nghiệp lập kế hoạch này.

4- Riêng các xí nghiệp có sản phẩm thuộc diện chỉ đạo thí điểm quản lý chất lượng sản phẩm của Nhà nước cần phối hợp với vụ kỹ thuật Bộ, Tổng cục và Viện tiêu chuẩn Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước xúc tiến việc phổ biến điều lệ và xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn hoá trong xí nghiệp ngay trong 6 tháng đầu năm này.

Trên đây là một số điểm giải thích và hướng dẫn để các xí nghiệp tổ chức thực hiện Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá ở xí nghiệp công nghiệp của Hội đồng Chính phủ.

Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố nên có những hướng dẫn chi tiết, nhất là phần nhiệm vụ và tổ chức cho các xí nghiệp do mình trực tiếp quản lý.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp những khó khăn, vướng mắc gì hoặc có những đề nghị bổ sung sửa đổi gì đề nghị các xí nghiệp kịp thời trao đổi với ViệnTiêu chuẩn Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

Lê Khắc

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 217-KHKT/TT-1975 hướng dẫn thi hành Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá ở Xí nghiệp công nghiệp do Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 217-KHKT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/03/1975
  • Nơi ban hành: Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước
  • Người ký: Lê Khắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản