Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 206/2009/TT-BTC | Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2009 |
HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN GIAO DỊCH MUA BÁN LẠI TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
- Căn cứ Luật Kế toán ngày 17/06/2003;
- Căn cứ Nghị định số 129/2004/NĐ- CP ngày 31/05/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong hoạt động kinh doanh;
- Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ, như sau:
Thông tư này áp dụng cho kế toán giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ quy định tại Quyết định số 46/2008/QĐ-BTC ngày 01/7/2008 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản lý giao dịch trái phiếu Chính phủ tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội).
Điều 2. Nguyên tắc kế toán giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Kế toán giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ cần thực hiện các nguyên tắc sau:
2.1. Chấp hành đúng các quy định về hình thức giao dịch, thời hạn giao dịch và thu nhập từ trái phiếu Chính phủ trong giao dịch mua bán lại được quy định tại các cơ chế tài chính hiện hành về giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
2.2. Bên mua trái phiếu theo hợp đồng mua bán lại không được ghi nhận là khoản doanh thu khi nhận khoản coupon trái phiếu của bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn của giao dịch mua bán lại mà ghi nhận là khoản phải trả, phải nộp khác.
Điều 3. Bổ sung Tài khoản 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ vào phần thứ nhất – Danh mục Hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp và Thông tư số 95/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty chứng khoán (Phụ lục số 01).
3.1. Tài khoản 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Tài khoản này dùng để phản ánh các giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ phát sinh trong kỳ.
Tài khoản này chỉ ghi nhận giá trị của hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ, không ghi nhận khoản coupon mà bên mua nhận hộ bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng.
3.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Bên Nợ:
- Giá trị trái phiếu Chính phủ mua lại của bên bán khi hết hạn hợp đồng;
- Giá trị trái phiếu khi mua của bên mua khi hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ có hiệu lực;
- Phân bổ số chênh lệch giữa giá bán lại với giá mua trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ đối với bên mua.
Bên Có:
- Giá trị trái phiếu Chính phủ khi bán theo hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ của bên mua khi hết hạn hợp đồng;
- Giá trị trái phiếu khi bán của bên bán khi hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ có hiệu lực;
- Phân bổ số chênh lệch giữa giá bán và giá mua lại trái phiếu Chính phủ của hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ đối với bên bán.
Số dư bên Nợ:
Giá trị trái phiếu Chính phủ của bên mua khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại.
Số dư bên Có:
Giá trị trái phiếu Chính phủ của bên bán khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại.
3.3. Phương pháp hạch toán kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu:
3.3.1. Kế toán đối với bên bán trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại (Repo).
a. Khi hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ có hiệu lực, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Số tiền theo giá bán)
Có TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
b. Định kỳ, bên bán phân bổ số chênh lệch giữa giá bán và giá mua lại trái phiếu Chính phủ của hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ vào chi phí, ghi:
Nợ TK 631 – Chi phí hoạt động kinh doanh (Đối với các công ty chứng khoán), hoặc
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Đối với các công ty khác công ty chứng khoán)
Có TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu chính phủ.
(Thời gian phân bổ phù hợp với thời gian của hợp đồng)
c. Khi kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ, công ty nhận lại chứng khoán và thanh toán tiền ghi trong hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ, ghi:
Nợ TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Có các TK 111, 112 (theo giá mua lại ghi trong hợp đồng).
d. Khi bên mua thanh toán cho bên bán số coupon mà bên mua nhận hộ bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng, bên bán ghi:
Nợ các TK 111,112,138
Có TK 511 – Doanh thu (Đối với các công ty chứng khoán) (Số coupon của trái phiếu) hoặc;
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (Đối với các công ty khác công ty chứng khoán) (Số coupon của trái phiếu).
3.3.2. Kế toán đối với bên mua trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại (Repo).
a. Khi hợp đồng có hiệu lực, căn cứ vào chứng từ xuất tiền và các chứng từ khác, ghi:
Nợ TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Có các TK 111, 112 (Số tiền phải trả theo giá mua).
b. Định kỳ, bên mua phân bổ số chênh lệch giữa giá bán lại với giá mua trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ vào doanh thu, ghi:
Nợ TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Có TK 511 – Doanh thu (Đối với các công ty chứng khoán) hoặc;
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (Đối với các công ty khác công ty chứng khoán) .
(Thời gian phân bổ phù hợp với thời gian của hợp đồng).
c. Khi nhận được coupon của trái phiếu của bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3388) .
d. Khi kết thúc thời hạn của hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ, Công ty trả lại chứng khoán và nhận tiền theo giá hợp đồng, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
Đồng thời thực hiện các thủ tục thanh toán lại số coupon của trái phiếu của bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng mà bên mua nhận hộ, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác
Có các TK 111,112,...
Điều 4. Bổ sung một số chỉ tiêu vào Phần thứ hai - Hệ thống báo cáo tài chính ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp và Thông tư số 95/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty chứng khoán (Phụ lục số 02).
4.1. Bổ sung chỉ tiêu “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ” – Mã số 157 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh giá trị trái phiếu Chính phủ của bên mua khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ” là số dư Nợ của Tài khoản 171 – “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ” ” trên Sổ kế toán Tài khoản 171.
4.2. Bổ sung chỉ tiêu “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ” – Mã số 327 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh giá trị trái phiếu Chính phủ của bên bán khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ” là số dư Có của Tài khoản 171 – “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ” trên Sổ kế toán Tài khoản 171.
Điều 5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 6. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán, Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Thông tư 22/2017/TT-BTC quy định mua lại trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 136/QĐ-VSD năm 2017 về quy chế hoạt động thanh toán giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam
- 3Thông tư 30/2019/TT-BTC hướng dẫn đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán giao dịch công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành và trái phiếu chính quyền địa phương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Luật Kế toán 2003
- 2Nghị định 129/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh
- 3Quyết định 46/2008/QĐ-BTC về Quy chế Quản lý giao dịch trái phiếu Chính phủ tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Nghị định 118/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
- 5Thông tư 22/2017/TT-BTC quy định mua lại trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 6Quyết định 136/QĐ-VSD năm 2017 về quy chế hoạt động thanh toán giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam
- 7Thông tư 30/2019/TT-BTC hướng dẫn đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán giao dịch công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành và trái phiếu chính quyền địa phương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 206/2009/TT-BTC hướng dẫn kế toán giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 206/2009/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 27/10/2009
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trần Xuân Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 521 đến số 522
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra