Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 12-TC/NLTL | Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 1973 |
Để phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp theo tinh thần nghị quyết Hội nghị trung ương lần thứ 19, Bộ Tài chính và Ủy ban Nông nghiệp trung ương đã tổ chức nghiên cứu việc thi hành chế độ quản lý tài chính hợp tác xã (1a)ở một số hợp tác xã thuộc các tỉnh Nam Hà, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phú và Hải Phòng. Qua đợt nghiên cứu này đã rút ra tình hình như sau:
Tại những hợp tác xã quy mô nông thôn, sản xuất kinh doanh chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và các nghề khác chưa phát triển mạnh thì chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán hợp tác xã hiện hành về căn bản là thích hợp, đáp ứng được yêu cầu quản lý trong hợp tác xã.
Tại những hợp tác xã quy mô xã, sản xuất kinh doanh phát triển tương đối mạnh, chăn nuôi đã trở thành ngành chính, ngành nghề khác đã phát triển với quy mô khá lớn thì có một số yêu cầu mới về quản lý cần được giải quyết.
Ở những hợp tác xã này, số chi phí sản xuất và số thu nhập về trồng trọt không còn chiếm tỷ lệ cao như trước. Trái lại số chi phí và số thu nhập về chăn nuôi và ngành nghề khác đã tăng lên nhiều và chiếm tỷ lệ ngày càng quan trọng trong tổng số chi phí và tổng số thu nhập của hợp tác xã.
Tình hình sản xuất, kinh doanh trong hợp tác xã đã từng bước mở rộng, nhưng việc tổ chức hạch toán và tính hiệu quả kinh tế từng ngành sản xuất thì lại chưa được đặt ra. Hợp tác xã không xem xét và không phân tích được từng yếu tố chi phí sản xuất, nên không có biện pháp thúc đẩy tiết kiệm, không có cơ sở để phân tích hiệu quả kinh tế của từng loại cây trồng, từng loại con gia súc của từng đội hoặc từng ngành sản xuất để động viên khuyến khích những đơn vị quản lý tốt, hoặc kiểm điểm, phê phán những đơn vị làm kém.
Từ tình hình trên, vấn đề đặt ra là phải hướng dẫn hợp tác xã tổ chức hạch toán chi tiết, cụ thể để phản ánh đúng thực tế hoạt động của từng khâu sản xuất kinh doanh của từng ngành nghề, từng loại cây trồng và từng loại con gia súc, bảo đảm phục vụ thâm canh, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo điều kiện để tính hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng đội hoặc từng ngành sản xuất và giá thành của từng loại sản phẩm của từng đội sản xuất.
Trong thời gian gần đây, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Nông nghiệp trung ương, Tổng cục Thống kê có ban hành một số chế độ như chế độ lập kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài chính thống nhất, chế độ quyết toán năm. Những chế độ này đều có liên quan mật thiết đến chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán của hợp tác xã, nên cần hướng dẫn hợp tác xã cách vận dụng chế độ quản lý tài chính hiện hành cho khớp với các chế độ khác.
Sản xuất kinh doanh của hợp tác xã đã phát triển, công tác quản lý tài chính ngày càng phong phú và phức tạp nhưng tổ chức bộ máy tài chính kế toán của hợp tác xã chưa được kiện toàn về số lượng cũng như về trình độ năng lực công tác. Mặt khác việc chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra hợp tác xã thực hiện chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán cũng chưa chặt chẽ, thường xuyên vì chưa có sự phân công rành mạch giữa các ngành, các cấp.
Vì vậy cần xác định rõ hơn trách nhiệm tổ chức bộ máy và cách làm việc của bộ phận quản lý tài chính, kế toán trong hợp tác xã, đồng thời kiện toàn cơ quan chuyên trách việc này ở các cấp, nhất là cấp huyện để bảo đảm việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên các hợp tác xã trong việc tổ chức thực hiện đầy đủ những chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán đã quy định.
Sau khi thảo luận nhất trí với Ủy ban Nông nghiệp trung ương và Ngân hàng Nhà nước. Bộ giải thích và hướng dẫn thêm cách thi hành chế độ quản lý tài chính hợp tác xã về một số điểm cụ thể để các ngành các cấp có trách nhiệm chỉ đạo hợp tác xã thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất kinh doanh đang đi lên.
Điều 2, chế độ quản lý tài chính hợp tác xã đã quy định: “… quản lý tài chính hợp tác xã phải quán triệt nguyên tắc… quản lý thống nhất, có kế hoạch và theo chế độ hạch toán kinh tế…”
Và điều 4 của chế độ còn quy định: “… kế hoạch thu chi tài chính phải tính toán chặt chẽ các khoản chi phí sản xuất; sau mỗi kỳ thu hoạch, hợp tác xã phải xác định đúng đắn các khoản chi phí sản xuất để bù đắp đầy đủ số hao phí vật chất đã bỏ ra cho các ngành sản xuất …”
Hiện nay, một số hợp tác xã đã tổ chức sản xuất kinh doanh nhiều ngành nghề như trồng trọt (lúa, màu và cây công nghiệp); chăn nuôi (lợn, trâu, bò, gà, vịt); nghề khác (gạch, ngói, vôi, vận chuyển ...); ngoài ra còn có đội xây dựng cơ bản, đội cơ khí. Trong mỗi ngành có nhiều đội sản xuất. Trong mỗi đội sản xuất lại có tổ chức sản xuất một số loại sản phẩm khác nhau. Đội trồng lúa hoặc đội trồng cây công nghiệp đều có trồng thêm mầu. Đội nuôi lợn, có sản xuất ra rau cho lợn ăn, … Để sau mỗi vụ thu hoạch có thể đánh giá, phân tích đúng hiệu quả kinh tế từng loại cây trồng, từng loại con gia súc của mỗi đội hoặc mỗi ngành sản xuất, hợp tác xã phải tổ chức hạch toán cụ thể phần chi phí sản xuất của từng loại cây trồng, từng loại con gia súc đã thực hiện ở từng đội sản xuất, cũng như phải hạch toán cụ thể phần chi phí sản xuất thực hiện ở hợp tác xã đem phân bổ cho từng đội hoặc từng ngành sản xuất, chi phí sản xuất của mỗi đội hoặc ngành sản xuất phải thể hiện toàn bộ phí tổn sản xuất trực tiếp, gián tiếp và bao gồm cả phần hao phí vật chất và hao phí lao động. Hao phí lao động trong hợp tác xã chưa tính được bằng tiền còn tính bằng ngày công, nhưng cũng phải hạch toán đầy đủ số lao động sống đã bỏ ra để tiến hành sản xuất trong các ngành nghề, từ đó tính được số chi phí bằng tiền và hao phí lao động để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc hoặc tạo ra một đơn vị sản phẩm của mỗi đội hoặc ngành sản xuất.
Việc tổ chức hạch toán chi phí sản xuất trong hợp tác xã bao gồm:
Ngành trồng trọt, gồm có:
- Hạch toán chi phí sản xuất từng vụ của từng loại cây trồng trong từng đội trồng lúa, đội trồng màu hoặc đội trồng cây công nghiệp. Nếu trong các đội ấy có trồng xen kẽ loại cây nào thì cũng hạch toán chi phí sản xuất riêng loại cây ấy. Từ đó, hợp tác xã có cơ sở so sánh số chi phí sản xuất đã bỏ ra với số sản phẩm đã thu được của từng loại cây trồng trong mỗi đội, biết được hao phí lao động vật hóa và lao động sống của một đơn vị sản phẩm, biết được hiệu quả sản xuất, kinh doanh của từng loại cây trồng trong mỗi đội;
- Hạch toán tổng số chi phí của mỗi đội đã sử dụng, so sánh với giá trị tổng sản phẩm của các loại cây trồng mà đội đã thu được, để biết hiệu quả sản xuất kinh doanh của toàn đội;
- Hạch toán chi phí sản xuất của các đội trồng trọt đã bỏ ra, so sánh với giá trị tổng số sản phẩm của các đội trồng trọt đã thu được để biết hiệu quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành trồng trọt.
Ngành chăn nuôi gồm có: hạch toán chi phí sản xuất của đội nuôi lợn, đội nuôi trâu bò, đội hoặc tổ nuôi gia cầm, đội nuôi cá, tổng hợp toàn ngành chăn nuôi.
Ngành nghề khác gồm có: đội làm gạch ngói, đội nung vôi, đội vận chuyển, v.v… tổng hợp toàn ngành nghề khác.
Ngành xây dựng cơ bản gồm có: từng đội xây dựng, từng công trình xây dựng cơ bản.
Ngành cơ khí gồm có: đội máy cày, tổ xay sát, nghiền thức ăn gia súc, tổ rèn…
Trong mỗi đội cùa ngành chăn nuôi, ngành nghề khác, ngành xây dựng cơ bản, hoặc ngành cơ khí, nếu có tổ chức sản xuất xen kẽ thêm một số loại sản phẩm nào khác thì cũng phải tổ chức hạch toán riêng và cụ thể từng loại sản phẩm xen kẽ ấy giống như tổ chức hạch toán của ngành trồng trọt.
Về nội dung cụ thể các khoản chi phí sản xuất từng ngành, xin xem bảng phụ lục kèm theo thông tư này. (*)
Tổ chức hạch toán chi phí sản xuất như trên, sau mỗi vụ sản xuất, hợp tác xã có thể xác định chính xác phần chi phí sản xuất đã thực hiện ở từng đội sản xuất đối chiếu với sản phẩm do đội làm ra, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của từng đội; phân tích từng yếu tố chi phí sản xuất. Khi phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh của toàn ngành, hợp tác xã tổng hợp số chi phí sản xuất đã thực hiện ở các đội và phần chi phí thực hiện ở hợp tác xã phân bổ cho ngành, từ đó hợp tác xã có cơ sở để phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng ngành sản xuất.
II. MỘT SỐ ĐIỂM TRONG CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CẦN VẬN DỤNG CHO KHỚP VỚI CÁC CHẾ ĐỘ KHÁC.
1. Việc thực hiện kế hoạch thu chi tài chính: Điều 6 của chế độ quản lý tài chính hợp tác xã đã quy định những nguyên tắc lập kế hoạch thu chi tài chính: bảo đảm việc xây dựng kế hoạch thu chi tài chính tiến hành cùng một lúc và ăn khớp với việc tính toán kế hoạch sản xuất, lao động, kỹ thuật, vật tư … của hợp tác xã. Nhưng thực tế trong mấy năm qua, việc lập kế hoạch của hợp tác xã có gặp khó khăn. Kế hoạch sản xuất kỹ thuật, tài chính của hợp tác xã không được xây dựng cùng một lúc, và trong hệ thống biểu mẫu kế hoạch có một số điểm trùng lắp và không thống nhất.
Để chấn chỉnh tình hình ấy, Bộ Tài chính và các ngành có liên quan đã nhất trí với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nghiên cứu và xây dựng hệ thống biểu mẫu kế hoạch của hợp tác xã gồm có các biểu mẫu kế hoạch sản xuất, lao động, tài chính, vật tư, kỹ thuật thành một hệ thống thống nhất do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ban hành ngày 14-5-1971.
Để bảo đảm việc xây dựng các kế hoạch trong hợp tác xã có chất lượng, bộ phân tài chính kế toán trong hợp tác xã phải phối hợp chặt chẽ với các bộ phận sản xuất lao động, vật tư, kỹ thuật trong hợp tác xã để thực hiện đúng toàn bộ hệ thống kế hoạch thống nhất do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã ban hành, thông qua kế hoạch tài chính mà kiểm tra chất lượng kế hoạch, sản xuất, kỹ thuật, phát hiện các khả năng tiềm tàng, làm cho kế hoạch sản xuất của hợp tác xã vừa tích cực, vừa vững chắc.
2. Điều chỉnh kế hoạch thu hoạch tài chính, điều 7 của chế độ có quy định: “Nếu gặp trường hợp đột xuất ảnh hưởng đến chỉ tiêu kế hoạch, ban quản trị phải kịp thời điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với tình hình mới”.
Hiện nay, quy mô sản xuất kinh doanh của hợp tác xã đã phát triển, điều chỉnh bất kỳ một phần nào trong hệ thống kế hoạch của hợp tác xã cũng có ảnh hưởng đến việc đầu tư vốn chi phí sản xuất hoặc vốn xây dựng cơ bản, có liên quan đến nguyên tắc quản lý dân chủ trong hợp tác xã, và ảnh hưởng đến thu nhập của hợp tác xã và xã viên.
Vì vậy, khi có tình hình đột xuất xảy ra, có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, lao động và tài chính như thay đổi loại cây trồng, thay đổi diện tích gieo trồng, thay đổi nội dung sử dụng các quỹ tích lũy, công ích, vốn sản xuất… thì tập thể ban quản trị phải thảo luận, cân nhắc kỹ, nếu thấy cần điều chỉnh kế hoạch thì ban quản trị phải có dự kiến điều chỉnh đồng bộ cho kế hoạch sản xuất, lao động, vật tư và tài chính và tổ chức họp với đại biểu các đội sản xuất để thông qua kế hoạch điều chỉnh, sau đó ban quản trị phải báo cáo kế hoạch điều chỉnh với kỳ họp đại hội xã viên gần nhất.
Trường hợp đột xuất gây ra do nắng hạn, mưa úng hoặc do thiên tai mất mùa và các trường hợp tương tự khác… thì Ban quản trị thảo luận tập thể, quyết định bổ sung khoản chi phí sản xuất kịp thời, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nhưng sau đó, Ban quản trị phải báo cáo việc chi bổ sung ấy với kỳ họp đại hội xã viên gần nhất.
3. Thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế, thực hiện kế hoạch sản xuất, lao động, vật tư, tài chính trong hợp tác xã có liên quan đến các cơ quan kinh tế của Nhà nước và các hợp tác xã bạn. Sau khi các kế hoạch của hợp tác xã đã được đại hội xã viên thông qua, ngoài những điểm đã quy định trong chế độ về tổ chức thực hiện kế hoạch thu chi tài chính, Ban quản trị còn có nhiệm vụ tổ chức ký hợp đồng với các cơ quan kinh tế của Nhà nước và các hợp tác xã bạn.
Hợp tác xã cần ký các loại hợp đồng như:
- Mua nguyên, nhiên liệu: phân đạm, lân, vôi, giống lúa, lợn, các giống khác; vật liệu cho nghề khác, cho xây dựng cơ bản; lương thực, thực phẩm cho chăn nuôi…
- Thuê các loại máy cơ khí phục vụ cho công việc sản xuất hợp tác xã: máy kéo máy bơm, thủy lợi tưới tiêu, thuyền xe vận chuyển…
- Bán nông sản cho các cơ quan thu mua.
Thực hiện chế độ hợp đồng 2 chiều: nội dung hợp đồng phải ghi rõ số lượng, chất lượng, địa điểm và thời gian giao nhận, thời gian hoàn thành, cách thức thanh toán v.v… phải có sự bàn bạc dân chủ, bình đẳng, quá trình thực hiện hợp đồng, nếu vì lý do khách quan không thực hiện được thì hai bên bàn bạc với nhau để giải quyết kịp thời, hai bên đều phải tôn trọng hợp đồng và nghiêm chỉnh thực hiện, bên nào vi phạm hợp đồng đã ký cũng phải chịu sự xử lý của hội đồng trọng tài cấp huyện.
4. Quyết toán năm kế hoạch của hợp tác xã, điều 8 của chế độ nói về nguyên tắc thu, chi tài chính trong hợp tác xã có quy định:
“Hợp tác xã không được ghi vào quyết toán những khoản thu chưa thực hiện và những khoản chi phí chưa có thu nhập. Trường hợp đặc biệt, những hợp tác xã chuyên trồng những loại cây mà sau ngày 31 tháng 12 mới có thu hoạch thì có thể ghi vào quyết toán năm kế hoạch những khoản thu chắc chắn thực hiện được trong vòng tháng 1 năm sau. Những khoản thu chi sẽ thực hiện từ ngày 1 tháng 2 trở đi phải chuyển hết cho năm sau”.
Thực hiện quy định trên, trong mấy năm qua, nhiều hợp tác xã dự thu không chính xác, số dự thu thường cao hơn hoặc thấp hơn thực tế. Do đó khoản dự thu, một số hợp tác xã phải tạm sử dụng vốn sản xuất hoặc vốn tích lũy tương đương với số dự thu đế phân phối. Nhưng đến khi thu hoạch thực tế nếu không đạt mức sản phẩm đã dự kiến thì không đủ tiền để trả lại vốn sản xuất hoặc quỹ tích lũy, đưa đến tình trạng chia mất vốn sản xuất hoặc quỹ tích lũy.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian quyết toán năm sản xuất của hợp tác xã từ nay về sau vẫn lấy ngày 31 tháng 12, nhưng chỉ được ghi những khoản thu thực hiện trước ngày 31 tháng 12 vào quyết toán năm kế hoạch. Những khoản thu sẽ thực hiện từ ngày 1 tháng 1 năm sau đều chuyển hết cho năm sau. Bản quyết toán của hợp tác xã từ nay về sau không có khoản dự thu nữa. Những khoản chi phí sản xuất cho cây trồng và con gia súc sẽ thu hoạch từ ngày 1 tháng 1 trở đi thì hợp tác xã phải hạch toán rõ trên cơ sở chứng từ cụ thể cho năm sau, hợp tác xã không được ước tính số chi phí sản xuất để chuyển cho năm sau nữa.
Trong năm đầu những khoản thu sẽ thu trong tháng một năm sau quá nhiều nếu không tính thu vào năm trước, có ảnh hưởng đến giá trị ngày công. Trường hợp này, đại hội xã viên quyết định trích một phần quỹ dự trữ hoặc có kế hoạch vay tín dụng ngắn hạn để chia cho ngày công, bảo đảm giá trị ngày công của năm kế hoạch không thấp quá so với những năm thu hoạch bình thường. Số quỹ dự trữ đã trích này hoặc số tiền vay tín dụng ngắn hạn phải được bù đắp lại đầy đủ khi phân phối vụ chiêm năm sau.
1. Về tổ chức bộ máy kế toán tài chính điều 30 của chế độ có quy định: “Bộ máy kế toán tài chính của hợp tác xã gồm có kế toán trưởng, nhân viên kế toán (nếu cần) thủ quỹ, thủ kho, kế toán đội hoặc tổ sản xuất”.
Hiện nay, đã có những hợp tác xã tổ chức sản xuất kinh doanh nhiều ngành nghề, chăn nuôi từng bước trở thành ngành chính, một số nghề khác đã mở rộng. Vì vậy bộ máy kế toán tài chính những hợp tác xã loại này phải được kiện toàn để đủ năng lực thực hiện đầy đủ chế độ hạch toán kinh tế trong hợp tác xã. Bộ máy kế toán tài chính của hợp tác xã cần có: kế toán trưởng và một số kế toán viên chuyên trách một số công việc trong công tác kế toán, để bảo đảm vừa có người chỉ đạo tổ chức, hướng dẫn, tổng hợp, vừa có người chuyên trách để ghi chép ở từng ngành sản xuất. Kế toán trưởng và kế toán viên đều phải được đào tạo, bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ. Kế toán trưởng phải có năng lực, đạo đức như đã quy định trong chế độ và cần được bồi dưỡng thêm để có đủ năng lực hướng dẫn các ngành mới phát triển tổ chức hạch toán và phân tích hoạt động kinh tế của từng ngành sản xuất cũng như của toàn hợp tác xã. Kế toán viên phải biết giữ sổ sách, ghi chép đúng chế độ, cung cấp số liệu tham gia phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh, phản ánh kịp thời của ngành sản xuất do mình phụ trách
Về trách nhiệm của kế toán trưởng điều 32 của chế độ có quy định: “Kế toán trưởng phải kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc, chế độ và kỷ luật tài chính kế toán trong hợp tác xã, gặp trường hợp ban quản trị hợp tác xã quyết định các khoản thu, chi không đúng chế độ, kế toán trưởng có quyền yêu cầu chấp hành đúng; nếu ý kiến đó không được chấp nhận thì kế toán trưởng vừa chấp hành quyết định của ban quản trị, vừa báo cáo kịp thời với ban kiểm soát hợp tác xã hoặc với Ủy ban hành chính xã”
Để phù hợp với chương III Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước vừa được sửa đổi nay sửa lại đoạn quy định trên như sau:
Kế toán trưởng phải kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc, chế độ và kỷ luật tài chính, kế toán trong hợp tác xã. Gặp trường hợp Ban quản trị hợp tác xã quyết định các khoản thu, chi không đúng chế độ, kế toán trưởng có quyền yêu cầu chấp hành đúng, nếu ý kiến đó không được chấp nhận thì kế toán trưởng yêu cầu ban quản trị ra lệnh bằng văn bản; khi ban quản trị đã ra lệnh bằng văn bản rồi thì kế toán trưởng vừa chấp hành quyết định của ban quản trị, vừa có nhiệm vụ báo cáo với ban kiểm soát hợp tác xã và Ủy ban hành chính xã.
2. Kiểm tra tài chính – kế toán trong hợp tác xã.
Điều 23 của chế độ có quy định:
“ Việc kiêm tra tài chính – kế toán trong hợp tác xã do hợp tác xã tự làm là chính, ngoài ra Ủy ban hành chánh các cấp thông qua các bộ môn chuyên trách của mình, có thể trực tiếp kiểm tra tài chính kế toán của hợp tác xã nhằm giúp hợp tác xã cải tiến và tăng cường công tác quản lý tài chính, kế toán”. Về điểm này Bộ hướng dẫn thêm như sau:
Sản xuất của hợp tác xã ngày càng mở rộng, hoạt động tài chính trong hợp tác xã ngày phát triển, cán bộ kiểm soát của hợp tác xã thường thay đổi luôn; mặt khác, số cán bộ này lại không thành thạo về nghiệp vụ kiểm tra tài chính kế toán. Vì vậy ban quản lý hợp tác xã trong Ủy ban nông nghiệp huyện có trách nhiệm hướng dẫn ban kiểm soát hợp tác xã thường xuyên kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý tài chính, chế độ kế toán hợp tác xã của ban quản trị, của bộ phận tài chính kế toán hợp tác xã. Đồng thời ban quản lý hợp tác xã trong Ủy ban nông nghiệp huyện có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra nắm tình hình nhu cầu thu, chi hàng tháng của hợp tác xã, kịp thời uốn nắn những hiện tượng lệch lạc và kiểm tra các bản báo cáo quyết toán thu, chi từng vụ và cả năm của hợp tác xã.
Sau mỗi lần kiểm tra, nếu có những kết luận của đoàn kiểm tra được đại hội hoặc đại hội xã viên đồng ý thì ban quản trị và bộ phận tài chính kế toán của hợp tác xã phải thực hiện đầy đủ những kiến nghị đã đề ra. Biên bản kiểm tra và những ý kến của xã viên về biên bản ấy phải viết thành 2 bản để lưu lại hợp tác xã 1 bản và gửi lên ban quản lý hợp tác xã của cấp huyện 1 bản
3. Về trách nhiệm hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tài chính hợp tác xã
Căn cứ vào điều 35 chế độ quản lý tài chính hợp tác xã và nghị quyết số 101-CP ngày 3-7-1968 của Hội đồng Chính phủ về nguyên tắc quản lý tài chính trong hợp tác xã, Ủy ban hành chánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu vực Vĩnh Linh có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nông nghiệp cấp mình tổ chức bộ máy chuyên trách công tác tài chính, kế toán hợp tác xã ở các cấp tỉnh, thành, huyện với số lượng cán bộ cần thiết để hướng dẫn thường xuyên việc thực hiện chế độ quản lý tài chính hợp tác xã cho phù hợp với trình độ phát triển kinh tế nông nghiệp và đặc điểm của địa phương.
Ủy ban hành chính các cấp căn cứ vào những nội dung hướng dẫn, giải thích trong thông tư này để chỉ đạo để chỉ đạo thực hiện chế độ quản lý tài chính hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất kinh doanh của từng loại hợp tác xã.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Nghị quyết số 101-CP về nguyên tắc quản lý tài chính hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 416-TC/QĐ năm 1968 ban hành chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định liên bộ 292-LB/QĐ năm 1973 ban hành chế độ tạm thời về chứng từ, sổ hạch toán thống nhất, chế độ tạm thời về báo cáo thống kê - kế toán thống nhất, áp dụng cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và Ủy ban Hành chính xã của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành- Bộ trưởng Bộ Tài Chính- Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp- Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- 4Luật Hợp tác xã 2003
- 1Nghị quyết số 101-CP về nguyên tắc quản lý tài chính hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 416-TC/QĐ năm 1968 ban hành chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định liên bộ 292-LB/QĐ năm 1973 ban hành chế độ tạm thời về chứng từ, sổ hạch toán thống nhất, chế độ tạm thời về báo cáo thống kê - kế toán thống nhất, áp dụng cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và Ủy ban Hành chính xã của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành- Bộ trưởng Bộ Tài Chính- Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp- Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- 4Luật Hợp tác xã 2003
Thông tư 12-TC/NLTL-1973 giải thích, hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 12-TC/NLTL
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 28/08/1973
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Hoàng Văn Diệm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 17
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra