Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 109/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 1998

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 109/1998/TT-BTC NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ VIỆC GIẢM THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Căn cứ Nghị định số 97/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Thông tư số 98 TC/TCT ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 97/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ;
Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi quy định về trường hợp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nêu tại điểm 1.d phần IV Thông tư số 98 TC/TCT ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính như sau:

"d- Cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có quy mô sản xuất nhỏ đã thành lập trước đây nay đang tiếp tục sản xuất, nếu gặp khó khăn, nộp đủ thuế tiêu thụ đặc biệt theo luật định mà bị lỗ được xét giảm thuế đặc biệt.

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt được xét giảm tương ứng với số lỗ nhưng không vượt quá 50% tổng số thuế phải nộp theo luật.

Thời gian xét giảm thuế được xác định theo từng năm, tính theo năm dương lịch.

Về quy mô sản xuất nhỏ:

- Cơ sở sản xuất bia có quy mô nhỏ là cơ sở có công suất dưới 10 triệu lít/năm.

- Cơ sở sản xuất mặt hàng thuốc lá có quy mô nhỏ là cơ sở có công suất dưới 10 triệu bao/năm.

- Đối với cơ sở sản xuất rượu, Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo từng trường hợp cụ thể.

Các cơ sở được xét giảm thuế phải là cơ sở thực hiện đầy đủ chế độ sổ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo chế độ quy định và hạch toán rõ ràng kết quả sản xuất, kinh doanh và số thuế phải nộp theo Luật.

Cơ sở thuộc đối tượng giảm thuế phải lập các hồ sơ sau:

- Công văn đề nghị giảm thuế của cơ sở, trong đó nêu rõ nguyên nhân lỗ vốn, công suất thiết bị và sản lượng sản xuất thực tế, kèm theo:

+ Luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư cơ sở sản xuất, biên bản nghiệm thu công trình đưa vào sản xuất.

+ Báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh có chi tiết về: sản lượng, giá bán, doanh thu, các yếu tố chi phí sản xuất, giá thành, số thuế phải nộp theo luật và số tiền lỗ vốn.

+ Báo cáo quyết toán tài chính, quyết toán thuế của năm xin giảm thuế.

Hồ sơ giảm thuế của cơ sở lập xong gửi tới cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở. Trong thời gian 10 ngày làm việc, cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, xác định kết quả sản xuất, kinh doanh của cơ sở, báo cáo Cục Thuế tỉnh (thành phố). Trong thời gian 05 ngày làm việc, Cục thuế tỉnh (thành phố) có công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét, giải quyết gửi kèm hồ sơ của cơ sở về Bộ Tài chính (Tổng cục thuế).

Trong cùng một thời gian, cơ sở sản xuất chỉ được xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt theo một trong ba trường hợp nêu tại điểm b, c và d nêu trên."

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và áp dụng đối với việc giải quyết giảm thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh từ năm 1997. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu xem xét, hướng dẫn bổ sung kịp thời.

Phạm Văn Trọng

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 109/1998/TT-BTC sửa đổi quy định về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ tài chính ban hành

  • Số hiệu: 109/1998/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/07/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 34
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản