Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 100-TC/TCT

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 1993

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 100-TC/TCT NGÀY 3 THÁNG 12 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THU, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG LỆ PHÍ ĐẶT VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG THƯỜNG TRÚ CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Thi hành Điều 9, bản Quy chế đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện thường trú các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ban hành theo Nghị định số 382/HĐBT ngày 05/01/1990 của Hội đồng Bộ trưởng) Liên Bộ Tài chính, Thương mại và Du lịch đã có Thông tư số 62 TT/LB ngày 08/11/1991 về việc thu lệ phí đặt và hoạt động của Văn phòng thường trú các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam (dưới đây gọi là lệ phí đặt Văn phòng đại diện các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam).

Qua thời gian thực hiện và căn cứ Quyết định số 276/CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí, Bộ Tài chính hướng dẫn thu, quản lý, sử dụng lệ phí đặt văn phòng đại diện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC THU

1. Đối tượng thu.

Mọi tổ chức kinh tế, cá nhân nước ngoài khi được Bộ Thương mại cấp giấy phép đặt Văn phòng đại điện hoặc chi nhánh đại diện của Văn phòng gốc tại Việt Nam đều phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

2. Mức thu.

Lệ phí đặt Văn phòng đại diện thu bằng đôla Mỹ, mức thu một lần cấp giấy phép cụ thể như sau:

- Lệ phí cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện 5.000 USD.

- Lệ phí cấp giấy phép đặt chi nhánh của văn phòng đại diện gốc tại Việt Nam 4.000 USD.

Các trường hợp cấp giấy phép gia hạn thêm thời gian hoạt động cũng phải nộp lệ phí theo mức trên.

II. THỦ TỤC NỘP VÀ PHÂN PHỐI SỬ DỤNG NGUỒN THU

1. Thủ tục nộp.

Lệ phí đặt văn phòng đại diện các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam là khoản thu của ngân sách nhà nước do Bộ Thương mại đảm nhiệm thu và thu trước khi cấp giấy phép cho các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp cấp giấy phép mà không thu đủ lệ phí theo quy định thì sẽ bị truy thu số lệ phí nộp thiếu và bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế quy định tại Nghị định số 01/CP ngày 18 tháng 10 năm 1992 của Chính phủ.

Trường hợp đối tượng tổ chức kinh tế, cá nhân người nước ngoài nộp tiền mặt thì cơ quan thu phải sử dụng biên lai thu tiền do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành và nhận tại Cục Thuế địa phương nơi đơn vị thu đóng trụ sở. Đơn vị thu phí chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng biên lai theo đúng chế độ do Bộ Tài chính quy định.

Trường hợp tổ chức kinh tế, cá nhân người nước ngoài nộp tiền qua ngân hàng thì Bộ Thương mại căn cứ vào chứng từ báo có của Ngân hàng để làm căn cứ cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện và chi nhánh.

2. Sử dụng nguồn thu.

a. Bộ Thương mại được tạm trích để lại 10% (mười phần trăm) số lệ phí thu được để chi cho các nội dung sau:

- Bù đắp chi phí phục vụ công tác thu lệ phí và thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép (nếu những khoản chi này chưa được tính trong kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho Bộ Thương mại).

- Chi phí đối ngoại cho công việc cấp giấy phép.

- In tờ khai và giấy phép.

- Chi thưởng cho những người trực tiếp liên quan đến công tác thu và cấp giấy phép. Nhưng mức thưởng tối đa mỗi năm không quá 3 tháng lương cơ bản.

Ngoài số ngoại tệ được để lại cho Bộ Thương mại cân đối sử dụng về chi ngoại tệ theo kế hoạch tài chính được duyệt, số còn lại Bộ Thương mại không cần sử dụng phải bán cho Ngân hàng Ngoại thương, cuối năm quyết toán riêng khoản kinh phí này nếu không sử dụng hết phải nộp ngân sách nhà nước.

b. Số tiền còn lại sau khi tạm trích để lại theo tỷ lệ trên định kỳ hàng tháng Bộ Thương mại phải nộp vào tài khoản ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước tại Ngân hàng Ngoại thương Trung ương số TK là 212.210.371.000 chậm nhất ngày 5 tháng sau phải nộp hết số phải nộp của tháng trước.

Cục Thuế các tỉnh và thành phố có trách nhiệm kiểm tra tình hình thu nộp và đôn đốc đơn vị thu lệ phí nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước số phải nộp theo chế độ quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1994 thay thế Thông tư số 62 TT/LB ngày 8/11/1991 của Liên Bộ Tài chính - Thương mại và du lịch (nay là Bộ Thương mại).

Phan Văn Dĩnh

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 100-TC/TCT năm 1993 hướng dẫn thu, quản lý, sử dụng lệ phí đặt và hoạt động của văn phòng thường trú các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam do Bộ tài chính ban hành

  • Số hiệu: 100-TC/TCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/12/1993
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phan Văn Dĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản