Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2011/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2011

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA THÔNG TƯ SỐ 08/2009/TT-BKHCN NGÀY 08 THÁNG 4 NĂM 2009 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HƯỚNG DẪN VỀ YÊU CẦU, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN ngày 08/4/2009 hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.1.3 khoản 1 Mục II như sau:

“1.1.3. Luôn có ít nhất 05 chuyên gia đánh giá thuộc biên chế chính thức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn) của tổ chức và đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có trình độ tốt nghiệp Đại học trở lên và chuyên môn phù hợp với lĩnh vực đăng ký chứng nhận;

b) Có năng lực đánh giá đáp ứng quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 19011:2003 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 19011:2002 - Hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý chất lượng và/ hoặc hệ thống quản lý môi trường;

c) Được đào tạo về chứng nhận hệ thống quản lý (đối với tổ chức chứng nhận hệ thống); được đào tạo về chứng nhận sản phẩm (đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm)”.

2. Sửa đổi, bổ sung các điểm 1.2.1, 1.2.3 và 1.3 khoản 1 Mục II như sau:

“1.2.1. Tổ chức chứng nhận đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Mục II, lập 01 bộ hồ sơ đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận và gửi về cơ quan đầu mối được quy định tại điểm 1.3 khoản 1 Mục III Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN ngày 08/4/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp (sau đây viết tắt là Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN).

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đầu mối quy định tại điểm 1.3 khoản 1 Mục III Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN, các tài liệu quy định tại các điểm 1.2.2.2, 1.2.2.3, 1.2.2.4 khoản 1 Mục II chưa được chứng thực thì phải có bản chính để đối chiếu. Trường hợp hồ sơ được gửi qua bưu điện, tổ chức chứng nhận phải nộp bản sao có chứng thực các tài liệu quy định tại các điểm 1.2.2.2, 1.2.2.3, 1.2.2.4 khoản 1 Mục II.

1.2.3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại điểm 1.2.2 khoản 1 Mục này, cơ quan đầu mối quy định tại điểm 1.3 khoản 1 Mục III Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN tiến hành xem xét hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục III Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN cho tổ chức chứng nhận.

Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu, cần thiết phải đánh giá thực tế, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành thẩm xét hồ sơ, cử chuyên gia hoặc thành lập đoàn đánh giá để tổ chức đánh giá thực tế tại tổ chức chứng nhận. Chi phí phục vụ hoạt động đánh giá của chuyên gia hoặc đoàn đánh giá do tổ chức chứng nhận đảm bảo.

Căn cứ hồ sơ đăng ký, Biên bản đánh giá thực tế và kết quả thực hiện hành động khắc phục đạt yêu cầu, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục III Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN cho tổ chức chứng nhận.

Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận, cơ quan đầu mối phải thông báo lý do từ chối bằng văn bản cho tổ chức chứng nhận đã nộp hồ sơ đăng ký.

1.3. Tổ chức chứng nhận đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận khi có nhu cầu thay đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động đã đăng ký phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung theo quy định tại các điểm 1.2.2.3, 1.2.2.4 và 1.2.2.6 khoản 1 Mục II. Giấy đề nghị thay đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động được quy định tại Phụ lục IV Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN”.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm 2.2.1, 2.2.3 và 2.2.4 khoản 2 Mục II như sau:

“2.2.1. Tổ chức thử nghiệm đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Mục II, lập 01 bộ hồ sơ đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm và gửi về cơ quan đầu mối được quy định tại điểm 1.3 khoản 1 Mục III Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN.

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đầu mối quy định tại điểm 1.3 khoản 1 Mục III Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN, các tài liệu quy định tại các điểm 2.2.2.2, 2.2.2.3, 2.2.2.4 khoản 2 Mục II chưa được chứng thực thì phải có bản chính để đối chiếu. Trường hợp hồ sơ được gửi qua bưu điện, tổ chức chứng nhận phải nộp bản sao có chứng thực các tài liệu quy định tại các điểm 2.2.2.2, 2.2.2.3, 2.2.2.4 khoản 2 Mục II.

2.2.3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại điểm 2.2.2 khoản 2 Mục II, cơ quan đầu mối quy định tại điểm 1.3 khoản 1 Mục III Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN tiến hành xem xét hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo mẫu quy định tại Phụ lục III Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN cho tổ chức thử nghiệm.

Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu, cần thiết phải đánh giá thực tế, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành thẩm xét hồ sơ, cử chuyên gia hoặc thành lập đoàn đánh giá để tổ chức đánh giá thực tế tại tổ chức thử nghiệm. Chi phí phục vụ hoạt động đánh giá của chuyên gia hoặc đoàn đánh giá do tổ chức thử nghiệm bảo đảm.

Căn cứ hồ sơ đăng ký, Biên bản đánh giá thực tế và kết quả thực hiện hành động khắc phục đạt yêu cầu, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo mẫu quy định tại Phụ lục III Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN cho tổ chức thử nghiệm.

Trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận, cơ quan đầu mối phải thông báo lý do từ chối bằng văn bản cho tổ chức thử nghiệm đã nộp hồ sơ đăng ký.

2.2.4. Tổ chức thử nghiệm đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm khi có nhu cầu thay đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động đã đăng ký phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung theo quy định tại các điểm 2.2.2.3, 2.2.2.4 và 2.2.2.6 khoản 2 Mục II. Giấy đề nghị thay đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động được quy định tại Phụ lục IV Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN”.

4. Sửa đổi, bổ sung điểm 2.4 khoản 2 Mục III như sau:

“2.4. Định kỳ hằng năm, đột xuất khi có yêu cầu, các cơ quan đầu mối có trách nhiệm tổng hợp tình hình, kết quả hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động, báo cáo Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và thông báo về Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để phối hợp quản lý”.

5. Sửa đổi, bổ sung điểm 3.2 khoản 3 Mục III như sau:

“3.2. Định kỳ hằng năm, đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục V Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN về kết quả hoạt động đánh giá sự phù hợp đã đăng ký, riêng đối với tổ chức chứng nhận, báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục VI Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN về kết quả hoạt động chứng nhận; đồng thời thông báo về Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Điều 2. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

Điều 3.

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2011.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia được viện dẫn trong Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN và Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng CP (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - VPCP;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu: VT, TĐC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Quân

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10/2011/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư 08/2009/TT-BKHCN hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 10/2011/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Nguyễn Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 529 đến số 530
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản