- 1Quyết định 91-TTg năm 1992 về Quy định về quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 04/TM-ĐT năm 1993 hướng dẫn Quy định quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị bằng nguồn vốn ngân sách kèm theo Quyết định 91/TTg năm 1992 do Bộ Thương mại ban hành
BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04-TM/XNK | Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 1994 |
Ngày 28 tháng 2 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 78-TTg về điều hành công tác xuất - nhập khẩu năm 1994. Ngày 17 tháng 3 năm 1994, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1319-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về danh mục các mặt hàng xuất, nhập khẩu theo kế hoạch định hướng.
Sau khi thống nhất ý kiến với Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại đã ra văn bản công bố Danh mục số 1: Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (Quyết định số 238-TM/XNK ngày 24-3-1994). Nay Bộ Thương mại hướng dẫn thi hành việc quản lý Nhà nước đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu theo các Danh mục còn lại như sau:
CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ KINH DOANH HÀNG HOÁ XUẤT,NHẬP KHẨU THEO TỪNG DANH MỤC
A. DANH MỤC MẶT HÀNG XUẤT KHẨU QUẢN LÝ BẰNG HẠN NGẠCH
(Danh mục số 2)
Tinh thần chung là giảm bớt tối thiểu mặt hàng xuất, nhập khẩu phải quản lý bằng hạn ngạch. Chỉ áp dụng đối với các mặt hàng mà Việt Nam có cam kết theo Hiệp định thương mại với nước ngoài. Cụ thể là chỉ có 2 mặt hàng xuất khẩu:
- Hàng may, hàng dệt xuất sang EU, Canada và Nauy,
- Sắn lát xuất sang EU.
1. Cơ chế quản lý và kinh doanh như sau: Hàng may, hàng dệt xuất vào EU, Canada và Nauy thi hành theo Thông báo liên Bộ Thương mại - Công nghiệp nhẹ số 8-TBLB ngày 3-12-1993. Sắn lát xuất sang EU thi hành theo Văn bản số 6236-KTTH ngày 4-12-1993 của Văn phòng Chính phủ.
2. Hàng may, hàng dệt nếu xuất sang các thị trường ngoài EU, Canada và Nauy thì được tự do không cần hạn ngạch (kể cả hàng dệt, may xuất sang Nauy ngoài danh mục hạn ngạch), sắn lát nếu xuất sang các thị trường ngoài EU cũng tự do, không cần hạn ngạch.
B. DANH MỤC CÁC MẶT HÀNG XUẤT, NHẬP KHẨU THEO KẾ HOẠCH ĐỊNH HƯỚNG
(Danh mục số 3)
Xuất khẩu:
1. Dầu thô,
2. Gạo,
3. Sản phẩm làm bằng gỗ, song.
Nhập khẩu:
1. Xăng dầu (trừ dầu nhờn),
2. Phân bón: UREA, DAP,
3. Thép,
4. Xi măng đen,
5. Vật liệu nổ,
6. Sợi (loại trong nước chưa sản xuất được hoặc đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu),
7. Vải (loại trong nước chưa sản xuất được hoặc đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu),
8. Bao đay,
9. Giấy (loại trong nước chưa sản xuất được hoặc đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu),
10. Nguyên liệu, phụ liệu sản xuất thuốc lá điếu,
11. Đường ăn,
12. Sữa,
13. Hàng điện tử dân dụng và linh kiện để lắp ráp,
14. Xe hai bánh gắn máy và linh kiện để lắp ráp,
15. Ô-tô dưới 12 chỗ ngồi và linh kiện để lắp ráp.
Cơ chế quản lý và kinh doanh như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Năm nhóm mặt hàng: Xuất có dầu thô, gạo; nhập có xăng dầu (trừ dầu nhờn), phân bón (Urea, DAP), thép, vật liệu nổ là loại hàng có quan hệ đến các cân đối lớn của nền kinh tế, nên được Nhà nước quản lý bằng cách chỉ định một số doanh nghiệp có năng lực đảm nhận kinh doanh. Các doanh nghiệp này được gọi là đầu mối.
Doanh nghiệp đầu mối là doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ngành hàng, có thị trường ngoài nước, có bạn hàng, có năng lực và kinh nghiệm kinh doanh xuất, nhập khẩu, do Bộ Thương mại cùng Bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan chủ quản (cấp Bộ, tỉnh) chọn lựa. Các đầu mối được Nhà nước giao kinh doanh số lượng khoảng từ 50% đến 70% tổng mức do Thủ tướng quyết định trong năm (trừ dầu thô có quy chế riêng).
Để tránh độc quyền do việc tập trung vào các đầu mối, đồng thời để tôn trọng quyền kinh doanh, các doanh nghiệp khác có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ngành hàng và có khả năng kinh doanh với các điều kiện thương mại như các doanh nghiệp đầu mối, được kinh doanh khoảng từ 30% đến 50% còn lại.
Các tỷ lệ này được hiểu là kế hoạch định hướng, không coi là hạn ngạch hoặc chỉ tiêu cố định, mà được điều chỉnh tuỳ thuộc vào khả năng thực thi của các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp đầu mối có khả năng bạn hàng, có điều kiện thương mại tốt, được kinh doanh vượt số 50% - 70% dành cho các đầu mối. Ngược lại, các doanh nghiệp khác, nếu có bạn hàng và điều kiện thương mại tốt, sau khi đã thực hiện hết phần số lượng định hướng của mình, được kinh doanh thêm vào phần giành cho các doanh nghiệp đầu mối, nếu còn. Trường hợp các loại doanh nghiệp thực hiện hết (hoặc chưa hết) số lượng do Thủ tướng Chính phủ duyệt từ đầu năm, nhưng thị trường còn có nhu cầu (hoặc đã dư thừa), Bộ Thương mại sẽ cùng Bộ quản lý ngành và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ tăng (hoặc giảm) kế hoạch định hướng.
2. Doanh nghiệp có đủ các điều kiện sau đây sẽ được xem xét giao số lượng nhập khẩu các nhóm, mặt hàng thuộc danh mục kế hoạch định hướng:
- Có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ngành hàng.
- Trong năm 1993 đã trực tiếp (tức là không uỷ thác doanh nghiệp khác) nhập khẩu hết số lượng được Bộ Thương mại giao.
- Có hồ sơ (theo hướng dẫn dưới đây) gửi tới Bộ Thương mại trong thời gian quy định.
Nếu doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh và tự thấy có đủ điều kiện nêu trên thì gửi hồ sơ về Bộ thương mại, gồm:
- Công văn nêu yêu cầu nhập khẩu cho thời kỳ từ ngày 1 tháng 4 năm 1994 đến ngày 31 tháng 3 năm 1995.
- Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu (bản photocopy).
3. Bộ Thương mại sẽ có 2 đợt giao số lượng cho các doanh nghiệp nhập khẩu: Đợt 1 vào tháng 4, đợt 2 vào tháng 9 năm 1994. Cả 2 đợt giao không vượt quá tổng mức Thủ tướng Chính phủ quyết định cho năm 1994.
Bộ Thương mại không yêu cầu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải trực tiếp đến Bộ Thương mại để xin duyệt số lượng nhập khẩu mà chỉ cần gửi hồ sơ về Bộ để giải quyết.
4. Trong quá trình giám sát việc thực hiện nhập khẩu của các doanh nghiệp, Bộ Thương mại có quyền điều chỉnh số lượng từ doanh nghiệp không có khả năng thực hiện sang cho doanh nghiệp có nhu cầu và có điều kiện nhập khẩu.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
- Đối với hàng xuất khẩu:
1. Dầu thô: Đầu mối xuất khẩu duy nhất là Petechim, thực hiện việc xuất khẩu theo quy định riêng.
2. Gạo: Thực hiện việc xuất khẩu theo quy định riêng.
3. Sản phẩm làm bằng gỗ, song: Thi hành theo Văn bản số 624-CP ngày 29-12-1993 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của 2 Bộ Lâm nghiệp, Thương mại (Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sản phẩm làm bằng gỗ, song được coi là hàng hoá thuộc danh mục quản lý bằng kế hoạch định hướng, không xếp vào danh mục quản lý bằng hạn ngạch như nói trong Văn bản số 624-CP ngày 29-12-1993).
- Đối với hàng nhập:
1. Xăng dầu (trừ dầu nhờn): Năm 1994 tiếp tục chỉ định 5 đầu mối trước nay đã làm là Petrolimex, Petechim, Saigon petro, Kerogazimex, Airimex (Airimex được tiếp tục làm đầu mối chuyên nhập khẩu nhiên liệu ngành hàng không cho đến khi nào Tổng cục Hàng không chỉ định doanh nghiệp thay thế có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu). Các đầu mối này trực tiếp ký hợp đồng nhập khẩu 100% số lượng định hướng, bao gồm phần 70% số lượng định hướng dành cho bản thân đầu mối và phần 30% số lượng định hướng dành cho các doanh nghiệp không phải là đầu mối uỷ thác nhập khẩu.
Các doanh nghiệp không phải là đầu mối nếu muốn nhập khẩu xăng dầu phải xin phép Bộ Thương mại khi có đủ các điều kiện sau:
- Có chức năng kinh doanh xăng dầu (ghi trong quyết định thành lập).
- Có phương tiện vận chuyển chuyên dụng.
- Có hệ thống bồn, bể chứa.
- Có hệ thống cân đong, bơm rót chính xác.
- Có hệ thống cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn ít nhất là một tỉnh hoặc một thành phố trực thuộc Trung ương.
- Có các phương tiện và thiết bị phòng cháy, phòng nổ, chữa cháy... đảm bảo an toàn.
- Có đội ngũ cán bộ am hiểu kỹ thuật kinh doanh xăng dầu.
Khi được chấp thuận, doanh nghiệp được chọn bất kỳ đầu mối nào trong 5 đầu mối trên để uỷ thác nhập khẩu.
Số lượng đã giao cho 5 đầu mối tại Văn bản số 11376-TM/KH ngày 11-12-1993 chỉ là kế hoạch định hướng.
Về tái xuất: Số lượng kế hoạch định hướng nhập xăng dầu năm 1994 không bao gồm số lượng tái xuất. Chỉ các doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu mới được tái xuất xăng dầu. Bộ Thương mại xem xét và quyết định số lượng xăng dầu tái xuất căn cứ theo hợp đồng xuất khẩu ký với khách hàng nước ngoài.
2. Phân bón (Urea, DAP): Cơ chế, thực hiện nhập khẩu như sau:
- Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm chỉ đạo. Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Trung ương (Vegecam) trực tiếp nhập khẩu 60% số lượng định hướng, đảm bảo nhu cầu phân bón kịp thời vụ. Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm sẽ chỉ định thêm doanh nghiệp làm đầu mối cùng Vegecam nhập khẩu phần 60% này.
Phần 40% còn lại, doanh nghiệp nào có khả năng tự lo vốn để nhập khẩu, đảm bảo nhập khẩu đúng chủng loại, đúng mùa vụ và vùng có yêu cầu, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh thì được kinh doanh.
3. Thép:
Giao Tổng công ty kim khí (Vinametal) trực tiếp nhập khẩu khoảng 50% kế hoạch định hướng. 50% còn lại, doanh nghiệp nào ký được hợp đồng ngoại thương đạt điều kiện Thương mại có lợi hơn thì được kinh doanh.
Thép chuyên dụng (để làm đường ray, làm cầu, làm bao bì đồ hộp, làm ống dẫn nước, làm nhíp, làm lò so, thép chế tạo, thép xây dựng những công trình đặc biệt...) các doanh nghiệp được kinh doanh với số lượng tương ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
4. Xi măng đen:
- Đối với Clinker: Chỉ giao việc nhập khẩu Clinker cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Số lượng cụ thể cho từng doanh nghiệp do Bộ Xây dựng đề nghị.
- Đối với xi măng đen: Doanh nghiệp nào ký được hợp đồng ngoại thương đạt điều kiện Thương mại có lợi hơn thì kinh doanh.
5. Vật liệu nổ: Đầu mối duy nhất nhập khẩu là Coalimex (Bộ năng lượng), thực hiện việc nhập khẩu theo quy định riêng.
6. Sợi: Các doanh nghiệp được nhập khẩu theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh các loại sợi trong nước chưa sản xuất được. Cụ thể là:
- Sợi tổng hợp, sợi nhân tạo.
- Sợi len lông cừu.
Doanh nghiệp nào muốn nhập khẩu các loại sợi dưới đây, gửi trước yêu cầu về Bộ Thương mại:
- Sợi bông chất lượng trung bình, đường dưới 50% của thống kê Uster thế giới năm 1989.
- Sợi pha chất lượng trung bình, đường dưới 25% của thống kê Uster thế giới năm 1989.
Việc nhập khẩu các loại sợi mà trong nước đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu phải được Bộ Công nghiệp nhẹ đồng ý trước về chủng loại và số lượng.
7. Vải: Doanh nghiệp được nhập khẩu theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh các loại vải trong nước chưa sản xuất được. Cụ thể là:
- Tissus len pha len,
- Vải tổng hợp từ microfiber, acétat...
- Vải sợi bông cao cấp có chỉ số sợi Nm 102 trở lên.
- Vải sợi pha cao cấp có chỉ số sợi Nm 102 trở lên,
- Vải chuyên dùng.
Việc nhập khẩu các loại vải trong nước đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu phải được Bộ Công nghiệp nhẹ đồng ý trước về chủng loại và số lượng.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có xí nghiệp may hàng xuất khẩu được nhập khẩu vải theo các định mức ghi trong hợp đồng xuất khẩu. Kèm theo đơn xin nhập khẩu vải phải có hợp đồng xuất khẩu sản phẩm may.
8. Bao đay: Trước mắt tạm thời chưa nhập khẩu, trừ trường hợp các doanh nghiệp sản xuất bao đay không đáp ứng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, sẽ được xem xét từng hợp đồng.
9. Giấy: Doanh nghiệp được nhập khẩu theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh các loại giấy trong nước chưa sản xuất được. Cụ thể là:
- Giấy bao gói cinment.
- Các loại giấy in, carton có gia công bề mặt (giấy couché, giấy trang phấn, giấy duplex).
- Các loại giấy mỏng (dưới 50 gram/mét vuông) trong nước có khả năng sản xuất nhưng chất lượng chưa cao.
Riêng giấy in báo ưu tiên giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp có cơ sở in.
10. Nguyên phụ liệu sản xuất thuốc lá điếu: Các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thuốc lá điếu được giao số lượng nhập khẩu phù hợp với công suất thiết bị.
Các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ngành hàng cũng có thể được giao số lượng nhập khẩu để cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu trên cơ sở hợp đồng kinh tế.
11. Đường ăn:
- Đường thô, giao số lượng nhập khẩu cho các cơ sở tinh luyện đường thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Số lượng cụ thể cho từng cơ sở do Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm đề nghị. Cơ sở tinh luyện có quyền uỷ thác nhập khẩu nếu như chưa có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc tự thấy uỷ thác nhập khẩu có lợi hơn so với trực tiếp nhập khẩu.
- Đường kính, giao số lượng nhập khẩu cho những doanh nghiệp có khả năng đảm bảo nhập đúng số lượng, đúng thời gian, về đúng cảng chỉ định.
12. Sữa: Trước mắt chưa nhập các loại sữa đặc có đường. Các doanh nghiệp được nhập khẩu sữa bột nguyên liệu (để sản xuất sữa đặc có đường và sữa bột) hoặc những loại sữa bột cao cấp.
13. Xe hai bánh gắn máy và linh kiện CKD để lắp ráp:
a) Đối với loại linh kiện để lắp ráp: Giao việc nhập khẩu cho các đối tượng sau đây:
- Các doanh nghiệp Việt Nam có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ngành hàng, có cơ sở lắp ráp được cơ quan ký quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập xác nhận quyền sở hữu cơ sở lắp ráp và được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường) cấp giấy chứng nhận cơ sở có đủ điều kiện lắp ráp.
- Các doanh nghiệp có cơ sở lắp ráp đủ điều kiện trên nhưng chưa có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu nếu cần nhập linh kiện CKD để lắp ráp thì Bộ Thương mại xem xét giải quyết từng trường hợp.
- Các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được nhập khẩu tối đa bằng số lượng mà doanh nghiệp được phép bán tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp thành lập theo Luật Đầu tư) có hợp đồng xuất khẩu xe 2 bánh gắn máy và đảm bảo thực hiện được hợp đồng ấy, được nhập số lượng linh kiện tương ứng với hợp đồng xuất khẩu thành phẩm.
Các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu cần gửi về Bộ Thương mại hồ sơ như sau:
+ Đối với doanh nghiệp Việt Nam, gồm:
- Giấy xác nhận quyền sở hữu cơ sở lắp ráp do cơ quan ký quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cấp.
- Giấy chứng nhận cơ sở có đủ điều kiện lắp ráp do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) cấp.
- Quyết định thành lập cơ sở lắp ráp.
- Luận chứng kinh tế kỹ thuật.
+ Đối với doanh nghiệp thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, gồm:
- Giấy phép đầu tư.
- Kế hoạch tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài.
b) Đối với loại nguyên chiếc mới: Giao việc nhập khẩu cho các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ngành hàng với số lượng hợp lý.
14. Ô-tô dưới 12 chỗ ngồi và linh kiện để lắp ráp; hàng điện tử dân dụng và linh kiện để lắp ráp: áp dụng nguyên tắc giao số lượng như đối với mặt hàng xe hai bánh gắn máy và linh kiện để lắp ráp.
Riêng đối với linh kiện điện tử, nếu cần thiết phải nhập linh kiện SKD thì phải xin phép Bộ Thương mại trước.
C. DANH MỤC CÁC MẶT HÀNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO HƯỚNG DẪN CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH
(Danh mục số 4)
Có 11 nhóm mặt hàng do 7 cơ quan quản lý chuyên ngành có ý kiến trước khi Phòng Giấy phép (Bộ Thương mại) cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu:
1. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (đối với nhập khẩu).
- Động vật sống, thực vật tươi sống dùng làm giống.
- Thuốc chữa bệnh cho động vật, thực vật.
2. Bộ y tế (đối với nhập khẩu):
Thuốc và nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh cho người.
3. Bộ Công nghiệp nặng (đối với xuất khẩu):
- Khoáng sản.
- Phế liệu kim loại đen và màu.
4. Bộ Văn hoá - Thông tin (đối với xuất, nhập khẩu):
Sách báo, tranh ảnh và các sản phẩm khác thuộc ngành in, đồ bản.
- Các tác phẩm nghệ thuật.
5. Ngân hàng Nhà nước (đối với xuất, nhập khẩu):
Ngọc trai, đá quý, đá bán quý, kim loại quý, đồ kim hoàn, tiền kim loại.
6. Tổng cục Bưu điện (đối với xuất, nhập khẩu):
- Thiết bị truyền sóng và thu sóng vô tuyến điện.
- Thiết bị rada và các thiết bị điều khiển từ xa bằng sóng cho Hàng hải.
7. Bộ Lâm nghiệp (đối với xuất khẩu): Động vật rừng.
Cơ chế quản lý và kinh doanh như sau:
1. Các doanh nghiệp nào muốn xuất, nhập khẩu hàng thuộc danh mục này, trước tiên phải đưa đơn hàng đến cơ quan quản lý chuyên ngành. Sau khi có ý kiến chấp nhận bằng văn bản của các cơ quan quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp đến Phòng Giấy phép nhận giấy phép xuất, nhập khẩu, không phải qua Bộ Thương mại.
2. Việc nhập khẩu thiết bị toàn bộ, dây chuyền sản xuất bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước được thi hành theo Quyết định số 91-TTg ngày 13-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thực hiện số 4-TM/ĐT ngày 30-7-1993 của Bộ Thương mại.
VIỆC NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ NGOÀI CÁC DANH MỤC NÊU Ở PHẦN THỨ NHẤT
Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: "Những mặt hàng nhập khẩu tốn nhiều ngoại tệ, không trực tiếp phục vụ nhu cầu sản xuất cần được tính toán, điều hành trên cơ sở thực hiện kim ngạch xuất khẩu không để nhập siêu quá lớn" (Văn bản số 1319-KTTH ngày 17-3-1994).
Bộ trưởng Bộ Thương mại uỷ quyền các Trưởng Phòng Giấy phép (thuộc Bộ Thương mại) cấp giấy phép nhập khẩu các mặt hàng không thuộc các danh mục nêu trên theo nguyên tắc:
1. Đối với tư liệu sản xuất: Các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ngành hàng được nhập khẩu theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Đối với các loại hàng tiêu dùng ngoài danh mục 3: Để tiết kiệm ngoại tệ, Nhà nước không khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, rau quả tươi hoặc đã chế biến, rượu, bia, hàng may mặc, mỹ phẩm, đồ gia dụng mà sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu. Trường hợp nhập khẩu để kinh doanh thu ngoại tệ hoặc thực hiện hợp đồng đổi hàng (mà hàng xuất thuộc loại được Nhà nước khuyến khích) thì được Bộ Thương mại xem xét giải quyết.
Đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ngành hàng được nhập khẩu với trị giả tối đa bằng 7 - 10% kim ngạch xuất khẩu đạt được 6 tháng trước đó.
Năm 1994, Bộ Thương mại tiến hành đơn giản hoá thêm một bước thủ tục xuất khẩu như sau:
Các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu ngành hàng khi xuất khẩu các mặt hàng thuộc các danh mục 2, 3, 4 thì áp dụng cơ chế đã trình bày ở phần trên.
Đối với tất cả các mặt hàng còn lại, doanh nghiệp không phải làm giấy phép như trước đây mà chỉ cần làm tờ khai hải quan, gửi Bộ Thương mại 1 bản để theo dõi.
Khi Tổng cục Hải quan hoàn thành chương trình SYNDONIA, tổ chức xong việc trải mạng thông tin, Bộ Thương mại sẽ trình Chính phủ cho tiếp tục đơn giản hoá thủ tục giấy phép xuất, nhập khẩu.
Bộ Thương mại đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể thông báo cho các doanh nghiệp của mình biết để thực hiện đúng các hướng dẫn trong Thông tư này.
Tạ Cả (Đã Ký) |
- 1Quyết định 91-TTg năm 1992 về Quy định về quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 04/TM-ĐT năm 1993 hướng dẫn Quy định quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị bằng nguồn vốn ngân sách kèm theo Quyết định 91/TTg năm 1992 do Bộ Thương mại ban hành
- 3Quyết định 78-TTg điều hành công tác xuất nhập khẩu năm 1994 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 238-TM/XNK năm 1994 về việc ban hành Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 5Công văn số 5821-TM/KH của Bộ thương mại về việc tạm giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 1997
Thông tư 04-TM/XNK hướng dẫn thi hành Quyết định 78-TTg-1994 về việc điều hành công tác xuất - nhập khẩu năm 1994 do Bộ Thương mại ban hành
- Số hiệu: 04-TM/XNK
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 04/04/1994
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại
- Người ký: Tạ Cả
- Ngày công báo: 15/06/1994
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 19/04/1994
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định