Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 25 tháng 2 năm 1982

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 1-LĐ/TT NGÀY 25 THÁNG 2 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16-HĐBT NGÀY 8 THÁNG 2 NĂM 1982 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC TINH GIẢN BIÊN CHẾ HÀNH CHÍNH

Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị quyết số 16-HĐBT ngày 8 tháng 2 năm 1982 về việc tinh giản biên chế hành chính.
Căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ được giao, Bộ Lao động hướng dẫn thực hiện Nghị quyết nói trên về chế độ, chính sách đối với người dôi ra, cho ra ngoài biên chế mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hoặc mất sức lao động dài hạn như sau:

1. Nếu về nông thôn sản xuất nông nghiệp (bao gồm sản xuất trong hợp tác xã nông nghiệp, trong tập đoàn sản xuất và sản xuất cá thể):

- Được hưởng khoản tiền trợ cấp một lần căn cứ vào thời gian đã công tác ở cơ quan, xí nghiệp, cứ mỗi năm làm việc được hưởng khoản tiền trợ cấp bằng một tháng lương và các phụ cấp theo lương kể cả trợ cấp đông con, nếu có.

- Được tiếp tục hưởng chế độ cung cấp lương thực và thực phẩm theo tiêu chuẩn được hưởng như khi làm việc cho đến khi tự giải quyết được lương thực, nhưng không nhận bằng hiện vật mà sẽ được quy trả bằng tiền theo giá chỉ đạo của Nhà nước ở địa phương; được hưởng trợ cấp sinh hoạt phí bằng mức lương và các phụ cấp theo lương (kể cả trợ cấp đông con, nếu có) trong thời gian một năm.

2. Nếu về sản xuất ở các hợp tác xã thủ công nghiệp, dịch vụ, ở các thành phố, thị xã, thị trấn (bao gồm cả sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cá thể, trừ những người làm nghề buôn bán...).

- Được hưởng khoản tiền trợ cấp một lần căn cứ vào thời gian đã công tác ở cơ quan, xí nghiệp, cứ mỗi năm làm việc được hưởng khoản tiền trợ cấp bằng một tháng lương và các phụ cấp theo lương kể cả trợ cấp động con, nếu có.

- Được tiếp tục hưởng chế độ cung cấp lương thực và thực phẩm theo tiêu chuẩn được hưởng như khi làm việc trong một thời gian do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

- Nếu thu nhập về sản xuất tiểu, thủ công nghiệp dịch vụ thấp hơn lương và phụ cấp theo lương (kể cả trợ cấp đông con, nếu có) thì được trợ cấp chênh lệch cho bằng thu nhập cũ, thời gian hưởng trợ cấp chênh lệch không quá một năm.

3. Cách tính thời gian: Thời gian để tính trợ cấp chỉ kể thời gian mà người công nhân, viên chức đã công tác liên tục ở xí nghiệp, cơ quan Nhà nước ta và đoàn thể cách mạng (thoát ly sản xuất gia đình) cho đến ngày thôi việc ở các xí nghiệp, cơ quan. Thời gian công tác trước của người đã thôi việc, sau được tuyển dụng lại thì không tính cộng với thời gian công tác sau để hưởng trợ cấp.

Từ ngày người công nhân việc chức được tuyển dụng cho đến khi thôi việc nếu có những thời gian sau đây cũng được tính:

- Thời gian tập sự sau khi tốt nghiệp ở các trường dạy nghề, sơ, trung học chuyên nghiệp, đại học;

- Thời gian được xí nghiệp, cơ quan cử đi học các lớp bổ túc nghiệp vụ, chính trị, văn hoá ở các trường sơ học, trung học chuyên nghiệp, đại học;

- Thời gian ốm đau, điều trị, điều dưỡng nhưng vẫn ở trong chỉ tiêu biên chế của xí nghiệp, cơ quan và do cơ quan xí nghiệp trả lương;

- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự;

- Thời gian bị địch bắt giam giữ, cầm từ vì nhiệm cụ công tác nhưng vẫn trung thành với cách mạng;

- Thời gian nằm chờ công tác do tổ chức chưa kịp bố trí.

Những thời gian sau đây không được tính:

- Thời gian học nghề tại xí nghiệp theo lối kèm cặp hưởng theo chế độ sinh hoạt phí và không do cơ quan, xí nghiệp cử đI;

- Thời gian làm việc theo lối khoán tự do như khoán gia công, khoán việc mà xí nghiệp, cơ quan không tuyển dụng, không trực tiếp quản lý về mặt nhân sự;

- Thời gian công tác trước rồi bị đứt quãng trong các trường hợp như đã thôi việc (bất cứ thôi việc vì lý do gì), thời gian quân nhân phục viên, hoặc giải ngũ, thương binh về xã tự túc nghỉ được hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động (đối với thương binh ở trại thương binh được tuyển vào xí nghiệp, cơ quan, thì thời gian ở trại không được tính là thời gian công tác, những thời gian phục vụ trong quân đội trước khi ở trại được tính).

Về cách tính ngày tháng lẻ, nếu đã làm việc được từ 1 năm trở lên, thì tính như sau:

- Dưới 1 tháng không tính;

- Từ 1 đến 6 tháng, tính 1/2 năm;

- Từ trên 6 tháng tính một năm.

4. Cách tính tiền lương và phụ cấp:

- Tiền lương để tính trợ cấp dựa trên cơ sở lương cấp bậc hoặc lương chức vụ kể cả các khoản phụ cấp thường xuyên hàng tháng và trợ cấp đông con, nếu có, của tháng trước liền với tháng mà người công nhân, viên chức thôi việc.

- Các khoản phụ cấp thường xuyên theo lương bao gồm phụ cấp khu vực (nếu có), phụ cấp lưu động, phụ cấp công trường, phụ cấp thâm niên đặc biệt, phụ cấp trách nhiệm (phụ cấp tổ trưởng sản xuất, phụ cấp hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông, phụ cấp trách nhiệm lái xe con,...) phụ cấp kỹ thuật.

- Phụ cấp tạm thời theo Quyết định số 219-CP.

Trường hợp cả hai vợ chồng đều là công nhân, viên chức và thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp đông con, nếu một người thôi việc, trợ cấp đông con được chuyển sang cho người còn ở lại công tác, thì trợ cấp thôi việc không được tính khoản trợ cấp đông con nữa.

5. Khi có quyết định cho công nhân, viên chức thôi việc, cơ quan, xí nghiệp thanh toán trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác nếu có, cấp đủ giấy tờ cần thiết trước khi công nhân, viên chức rời khỏi đơn vị. Lý do thôi việc, các khoản trợ cấp được ghi rõ ở quyết định thôi việc.

6. Đối với người được về sản xuất nông nghiệp, được tiếp tục hưởng chế độ lương thực và thực phẩm theo tiêu chuẩn được hưởng như khi làm việc cho đến khi tự giải quyết được lương thực, nghĩa là cho đến khi người đó đã có thu hoạch về lúa, màu..., bảo đảm bằng mức lương thực của người lao động địa phương, hoặc có các khoản thu nhập khác đủ để mua lương thực bảo đảm tiêu chuẩn lương thực của người lao động địa phương, do hợp tác xã và Uỷ ban nhân dân xã xác nhận, nhưng thời gian hưởng nhiều nhất không quá một năm.

7. Đối với người được về sản xuất ở các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở thành phố, thị xã, thị trấn... thì Uỷ ban nhân dân phường và hợp tác xã sẽ xác nhận thu nhập thực tế của họ hàng tháng để làm cơ sở tính trợ cấp chênh lệch hàng tháng.

8. Đối với cả hai đối tượng thôi việc về sản xuất nông nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, cơ quan, xí nghiệp căn cứ số năm mà tính trợ cấp thôi việc và trả khoản trợ cấp này khi công nhân, viên chức rời khỏi đơn vị, khoản trợ cấp một lần này ít nhất cũng được bằng 3 tháng lương và phụ cấp theo lương, tối đa không được quá 15 tháng.

9. Việc trả trợ cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng một tháng lương và phụ cấp theo lương... và phụ cấp chênh lệch giữa một tháng lương và phụ cấp theo lương so với thu nhập thông quan hoạt động ở hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp hay dịch vụ, là một khoản chi về xã hội của Ngân sách Nhà nước và sẽ do phòng Tài chính quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh nơi công nhân, viên chức thôi việc về cư trú, sản xuất phụ trách, theo giấy giới thiệu của cơ quan, xí nghiệp cho thôi việc. Bộ Tài chính sẽ có quy định và hướng dẫn cụ thể.

10. Trường hợp công nhân, viên chức xin thôi việc nhưng cơ quan, xí nghiệp vẫn có yêu cầu sử dụng người ấy thì người đó vẫn phải tiếp tục công tác. Trường hợp cơ quan, xí nghiệp bất đắc dĩ phải cho thôi việc vì người đó cố tình xin thôi việc thì không được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc như nói ở trên.

11. Trong thời gian hai năm kể từ ngày thôi việc, mà có trường hợp được tuyển dụng lại vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước thì công nhân, viên chức đó phải hoàn lại công quỹ số tiền trợ cấp 1 lần, còn khoản trợ cấp sinh hoạt phí hàng tháng (hoặc trợ cấp bù chênh lệch hàng tháng) thì chỉ được hưởng cho đến tháng trước liền với tháng công nhân viên chức trở lại làm việc ở cơ quan, xí nghiệp Nhà nước.

Ví dụ: Đồng chí A thôi việc về nông thôn sản xuất nông nghiệp được hưởng các khoản trợ cấp nói ở Điều 1. Đến tháng thứ 9 kể từ khi thôi việc đồng chí A được tuyển dụng lại vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước. Như vậy, đồng chí A phải hoàn lại công quỹ số tiền được trợ cấp 1 lần. Còn khoản trợ cấp sinh hoạt phí hàng tháng chỉ được hưởng cho đến tháng thứ 8.

Nếu đồng chí A được tuyển dụng lại vào tháng thứ 13 thì phải hoàn lại công quỹ số tiền được trợ cấp 1 lần.

Các phòng tài chính quận, huyện thị xã và thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đặc khu theo dõi, thu hồi hoặc ngừng cấp phát các khoản trợ cấp nói ở trên.

12. Các khoản trợ cấp một lần, trợ cấp sinh hoạt phí hàng tháng và trợ cấp bù chệnh lệch hàng tháng chỉ áp dụng cho các đối tượng ghi trong Nghị quyết số 16 - HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng được ra ngoài biên chế mà không hưởng chế độ về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động.

13. Ngoài các khoản trợ cấp trên, công nhân, viên chức thôi việc được cấp tiền tàu xe, tiền cước phí hành lý, tiền ăn đường cho bản thân và gia đình (nếu có gia đình cùng đi) về nơi cư trú theo chế độ hiện hành. Cước phí di chuyển do cơ quan, xí nghiệp có công nhân, viên chức thôi việc thanh toán.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 8 tháng 2 năm 1982. Các văn bản ban hành trước đây về chế độ trợ cấp cho người thôi việc vi tinh giản biên chế trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, trở ngại, phản ánh kịp thời cho Bộ Lao động để nghiên cứu giải quyết.

Đào Thiện Thi

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01-LĐ/TT-1982 hướng dẫn Nghị quyết 16-HĐBT về việc tinh giảm biên chế hành chính do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 01-LĐ/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/02/1982
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Đào Thiện Thi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản