Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/TB-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 03 năm 1979 |
THÔNG BÁO
KHẨN TRƯƠNG GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC THANH LÝ, THANH TOÁN, QUẢN LÝ GIỮ GÌN TÀI SẢN, PHÂN PHỐI NHÀ CỬA TRONG ĐỢT CẢI TẠO THƯƠNG NGHIỆP TƯ DOANH NĂM 1978
Ủy ban nhân dân thành phố đã có công văn số 357/UB ngày 27-2-1979 hướng dẫn hoàn thành cải tạo các hộ tư sản thương nghiệp còn sót và giải quyết các đơn khiếu nại. Để khẩn trương giải quyết các vấn đề tồn tại trong công tác thanh lý, thanh toán, quản lý giữ gìn tài sản, phân phối nhà cửa trong đợt cải tạo vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các ngành, các cấp có liên quan cần nắm vững những điều sau đây trên lĩnh vực nhà cửa để thanh toán, thanh lý và phân phối (nhà cửa và tư liệu sinh hoạt):
1) Việc xét giải quyết những hộ đang còn khiếu nại về việc xử lý nhà cửa:
Theo tinh thần chỉ đạo đã được thông báo ngày 28-11-1778 (thông báo số 185/TB-UB) không nên xáo trộn lớn, không nên đảo lộn việc đã làm rồi. Nhưng phải thể hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc giải quyết có tình có lý, đến nơi đến chốn những trường hợp nhân dân khiếu nại hoặc được phát hiện bất hợp lý.
- Đối với tiểu thương và các thành phần lao động khác thuộc diện giải quyết không đúng trong đợt cải tạo: khi đã có quyết định giải toả của Uỷ ban nhân dân quận, huyện và thành phố, phải kiên quyết giao trả lại nhà cửa và tài sản, tư liệu sinh hoạt. Những người gây mất mát phải chịu trách nhiệm bồi hoàn cho đương sự.
Nếu họ muốn ở lại thành phố, có tay nghề hoặc có điều kiện chuyển sang sản xuất ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh ở nội hay ngoại thành, thì giúp đỡ và hướng dẫn họ ở lại làm ăn, tài sản thì không động đến.
Nếu họ đi hồi hương lập nghiệp, chính sách của Nhà nước là để họ tự thu xếp lấy (họ được phép bán hay chuyển nhượng tự nguyện, hợp pháp trong nội bộ nhân dân). Trường hợp nhà đã thanh lý, cơ quan quản lý nhà đất có trách nhiệm giúp Uỷ ban quận, huyện hoặc xét trả lại nhà như nói trên hoặc tạo mọi điều kiện giúp đỡ họ trong việc giải quyết bán hay xét trợ cấp thêm để họ có đủ tiền làm nhà ở địa phương mới.
- Đối với trung thương: Theo bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng số 174/QLND-BXD về quản lý nhà ở của tư nhân thương nghiệp chuyển đi sản xuất và công văn bổ sung 675/QLND-BXD ngày 14-10-1978 có yêu cầu phân biệt giải quyết các biệt thự loại 1, 2 của trung thương theo diện thanh lý, thanh toán đối với tư sản thương nghiệp. Nhà loại 3,4 thì thể hiện theo chánh sách đối với nhà ở của tiểu thương và các thành phần lao động khác.
Để tránh xáo trộn, trước mắt chúng ta cần chú trọng việc điều chỉnh giá cả nhà ở của trung thương cao hơn từ 20 đến 30% so với giá cả thanh lý, thanh toán nhà ở của tư sản thương nghiệp. Điều này đã được hướng dẫn cho các địa phương từ khi có công văn số 675/QLND-BXD nhưng không được các địa phương chú trọng vận dụng đúng mức.
Những trung thương thuộc diện được ở lại thành phố, về nguyên tắc họ được ở lại căn nhà cũ. Trừ trường hợp có yêu cầu cần thiết để mở cửa hàng hoặc phục vụ lợi ích công cộng mới trưng dụng một phần hoặc toàn bộ căn nhà của họ. Trong trường hợp này, phải thu xếp đổi chỗ ở khác cho họ được phù hợp chánh sách.
- Đối với tư sản thương nghiệp:
Kiên quyết giải quyết những hộ tư sản thuộc diện chuyển đi sản xuất nơi khác, hoặc bà con của họ còn lại chiếm nhà trái phép (kể cả số chờ xuất cảnh).
Trường hợp họ chưa đi được vì gặp khó khăn thực sự, Ủy ban nhân dân quận, huyện xét tập trung họ đến một khu vực nhà nhất định để tiện theo dõi giúp đỡ họ thi hành sớm quyết định chuyển đi sản xuất, giải phóng số nhà còn bị chiếm ở, phân phối bố trí theo kế hoạch chung, Tránh việc bố trí công nhân ở lẫn lộn với chủ nhà tư sản, dễ xảy ra tranh chấp mất đoàn kết.
Nếu hộ tư sản có con cháu của họ được phép ở lại thành phố sản xuất, học tập, công việc, v.v.. hoặc được xét chiếu cố theo diện gia đình hay cơ sở cách mạng nội thành, trí thức khoa học, kỹ thuật, v.v.. có thể xét cho họ ở lại chỗ cũ (nếu diện tích vừa phải) hoặc sắp xếp chỗ ở mới hợp lý để tiến hành việc phân phối nhà đã thanh lý theo kế hoạch chung. Riênh những hộ đang có cơ sở sản xuất tại chỗ phải đảm bảo sản xuất, bảo vệ và tạo điều kiện phát triển diện tích sản xuất hiện có của thành phố. Không được dùng cơ sở sản xuất hay dịch vụ cần thiết biến thành nhà ở.
Khi xét giải quyết, cần quan tâm đúng mức hiện trạng sinh sống của những người không còn kinh doanh thương nghiệp từ nhiều năm trước hoặc sau giải phóng, loại trừ tài sản của những người không nằm trong hộ đối tượng cải tạo như cha, mẹ, anh, em, vợ hoặc chồng có chế độ sở hữu tài sản riêng hoặc đã ly dị. Phân biệt rõ những người có cửa hàng, có môn bài, cơ doanh với những người buôn bán lẻ trước nhà, bán hàng xén, v.v…
Cần giải quyết triệt để những trường hợp vì cần nhà cửa mà qui ép để lấy nhà bố trí cho cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân ở không đúng chính sách, gây tranh chấp kéo dài.
Trong mọi trường hợp phải có trách nhiệm đầy đủ, không được buộc dân ra đường mà không có biện pháp cụ thể về chỗ ở mới hoặc chỉ phó thác mặc cho cơ quan chủ quản giải quyết, gây nên tình trạng dân kêu ca.
2) Về thanh lý, thanh toán:
Còn nhiều tồn tại: Tổng số người được thanh toán thực tế chỉ mới đạt khoảng 25% (2.712 hộ/ 11.204 hộ) với trị giá 3.750.506 đồng/ 20.806.480 đồng (18%). Trong đó, trừ nợ được 63 hộ trị giá 254.383 đồng.
Do đó, yêu cầu cấp bách đối với tất cả các ngành về thương nghiệp, vật tư, ngân hàng, tài chánh và Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm khẩn trương xúc tiến việc thanh toán tiền đến tận tay quần chúng được cải tạo. tạo điều kiện để sinh dống và có vốn liếng để họ tích cực bắt tay vào lao động sản xuất theo phương hướng của Nhà nước.
Đối với những người đã thanh lý, thanh toán nhưng giá cả không hợp lý hoặc cần điều chỉnh, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải chủ động xem xét, đê xuất để Ủy ban nhân dân thành phố xét giải quyết đúng với chính sách chung.
Song song với việc cố gắng thực hiện công tác thanh lý, thanh toán này trong một thời gian ngắn nhất, các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân quận, huyện cần chú ý:
a) Thu nợ cũ còn thiếu ở Ngân hành và nợ thuế của các chủ hộ tư sản thương nghiệp;
b) Tiến hành xử lý các hộ phạm pháp về kinh tế, hành chính, vượt biên, xuất cảnh hoặc trốn tránh chấp hành chính sách cải tạo (1.780 hộ và có thể hơn nữa với trị giá hàng hoá, vật tư khoảng 4 triệu đồng).
- Giải quyết và xử lý sớm hai công tác này sẽ tạo điều kiện huỷ bỏ những món nợ về tiền thanh toán thường xuyên sinh lãi giả tại ở Ngân hàng.
c) Theo dõi phát hiện, tổ chức thu gom, quản lý và đôn đốc phân phối sử dụng phục vụ đời sống và sản xuất, nhất là khai thác mọi tiềm năng đang còn rải rác phân tán phục vụ tích cực cho sản xuất và đời sống.
Công ty Vật tư tổng hợp có trách nhiệm thu gom toàn bộ xe du lịch và vận tải nhẹ đang còn rải rác ở các nơi để lập kế hoạch sửa chữa, bảo quản, sử dụng thích hợp.
Riêng tư liệu sinh hoạt, ngoài việc sử dụng tại chỗ, cần nghiên cứu đề xuất việc thực hiện hợp đồng hai chiều với nông dân.
d) Kiên quyết xử lý những trường hợp cá nhân, đơn vị xâm phạm tài sản của nhân dân và tài sản xã hội chủ nghĩa theo diện thi hành nghị quyết 228/NQ của Bộ Chính trị, nghị quyết 28 – 29 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố hoặc theo pháp luật Nhà nước, buộc những đơn vị, cá nhân gây thất thoát, mất mát phải chịu trách nhiệm bồi hoàn theo quy định.
Ngoài ra, Ban Thanh lý tài sản cần có kế hoạch tiến hành việc thanh lý, thanh toán các khoản đã trưng thu mua trước đợt cải tạo ngày 23-3-1978;
Những khoản này bao gồm cả những hàng hoá, vật tư, tài sản do các đơn vị trung ương, các tỉnh, thành phố trưng thu mua từ 1975- 1976 và trong đợt đăng ký kinh doanh năm 1977, những hàng hoá, tài sản ở tín - thế chấp (tiệm vàng, tư trang gởi ở Ngân hàng).
3) Về phân phối nhà cửa đã được thanh lý, thanh toán:
Hiện nay, còn hơn 1.500 nhà với diện tích sử dụng khoảng 107.400m2 chưa được phân phối. Số nhà đã được phân phối cũng như chưa phân phối đều còn có nhiều vướng mắc. Các cơ quan quản lý nhà đất cần kết hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện liên quan nhanh chóng giải quyết.
a- Hoàn thành khâu giải phóng nhà đã được thanh lý, thanh toán theo chính sách chung. Trách nhiệm này thuộc về Ủy ban nhân dân các quận huyện. Trong những trường hợp trái với chủ trương, uỷ ban nhân dân quận huyện phải báo cáo để Ủy ban nhân dân thành phố quyết định. Không nên bố trí công nhân, nhân dân lao động hoặc cán bộ, viên chức đến ở những nhà chưa được giải quyết dứt khoát, tránh bớt tranh chấp phức tạp, ảnh hưởng về chính trị.
Trước khi chấm dứt hoạt động, Ban chỉ đạo thanh lý, thanh toán phân phối nhà cửa và tư liệu sinh hoạt đã phát hiện có 805 nhà do chủ hộ tư sản hoặc thân nhân của họ còn ở và 531 nhà do cơ quan, ban, ngành, cán bộ, nhân viên tuỳ tiện chiếm dụng bất hợp pháp (còn có khả năng nhiều hơn). Cần dựa vào quần chúng, tiếp tục kiểm tra phát hiện những trường hợp chiếm cứ tài sản nhân dân và tài sản xã hội chủ nghĩa.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm trực tiếp giải quyết, trừ trường hợp ngoài quy định, cần báo cáo đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố quyết định theo đúng các quy định về thống nhất quản lý phân phối sử dụng nhà của tư sản thương nghiệp.
b- Các cơ quan quản lý nhà có trách nhiệm kiểm tra, sửa chữa lại tiện nghi, điều kiện ăn ở trong các nhà nước khi lên kế hoạch phân phối cho cán bộ công nhân viên chức, cơ quan, đơn vị sử dụng. Khi có quyết định giải toả, trả lại nhà cho chủ hộ, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải thông báo cho ngành quản lý nhà để sắp xếp chỗ ở cho cơ quan, đơn vị hoặc cán bộ, công nhân đã được phân phối sử dụng, đồng thời đảm bảo bàn giao đầy đủ tiện nghi, tài sản trong nhà lại cho chủ, tránh gây mọi khó khăn đối với người đến hoặc người đi;
c- Sau khi tiếp nhận số nhà được bàn giao, Sở quản lý nhà đất có trách nhiệm tiến hành phân phối theo phương thức quy định chung, đặc biệt quan tâm đến diện người chưa có nhà ở hoặc nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh là ôcng nhân trực tiếp sản xuất, nhân viên lao động, nhân viên, giáo viên bậc lương thấp, cán bộ gặp nhiều khó khăn và tích cực phục vụ cho diện sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp địa phương.
Kiên quyết thu hồi nhà đã được phân phối, nhưng cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ, công nhân không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích được cấp. Nhưng tránh xáo trộn không cần thiết diện nhà đã được quyết định phân phối, Uỷ ban nhân dân và các đoàn thể ở phường, xã, quận, huyện có trách nhiệm giúp đỡ các gia đình công nhân, cán bộ được bố trí đến ở các nhà thanh lý, thanh toán, xây dựng đoàn kết, sớm yên tâm trong cuộc sống mới ở địa phương để gây phấn khởi động viên được tinh thần sản xuất và công tác.
Nhận được thông báo này, Ủy ban nhân dân các quận huyện cần chuẩn bị và tiến hành tổng kết toàn bộ công tác thanh lý, thanh toán, quản lý giữ gìn tài sản và phân phối nhà cửa trong thời gian qua ở địa phương mình. Giao nhiệm vụ giải quyết tiếp tục các vấn đề tồn tại cho các cơ quan chức năng trong quận, huyện.
Trong khi giải thể Ban Chỉ đạo thanh lý và phân phối nhà cửa quận, huyện, cần biểu dương khen thưởng đúng mức những đơn vị, cá nhân xuất sắc hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ và giữ lại một cán bộ phụ trách thông thạo công việc thanh lý, thanh toán và phân phối nhà cửa để giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện tiếp tục theo dõi và chỉ đạo thực hiện những vấn đề tồn tại.
Nội dung thông báo cần được phổ biến đến các ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã để nghiên cứu thực hiện nghiêm chỉnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, các ngành, các cấp cần báo cáo kịp thời để Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo đảm bảo nhanh chóng giải quyết các vấn đề tồn tại, hoàn thành tốt công tác cải tạo thương nghiệp tư doanh của thành phố đúng với chủ trương, chính sách của Nhà nước.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Quyết định 5985/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 170/QĐ.UB năm 1990 ban hành quy chế tạm thời về chức năng, nhiệm vụ quản lý về mặt Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế Thương nghiệp do tỉnh An Giang ban hành
Thông báo số 64/TB-UB về khẩn trương giải quyết những vấn đề tồn tại trong công tác thanh lý, thanh toán, quản lý giữ gìn tài sản, phân phối nhà cửa trong đợt cải tạo thương nghiệp tư doanh năm 1978 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 64/TB-UB
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 31/03/1979
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Mai Chí Thọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra