Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 241/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2005 

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỔNG CÔNG TY BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM NGÀY 14 THÁNG 12 NĂM 2005

Ngày 14 tháng 12 năm 2005, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2005 và 5 năm 2001 - 2005, phương hướng, kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 và công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Tham dự có lãnh đạo Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; đại diện các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi nghe lãnh đạo Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam báo cáo, đại diện các cơ quan phát biểu ý kiến, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã kết luật như sau:

1. Về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2005 và 5 năm 2001 - 2005:

Trong năm 2005 và 5 năm 2001 - 2005, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, hoàn thành vược mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt là ngân sách nhà nước, phát triển số thuê bao điện thoại và sử dụng Internet, đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra cho lĩnh vực bưu chính, viễn thông, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Có được những kết quả trên đây là do Tổng công ty đã kế thừa và phát huy sáng tạo, có hiệu quả những thành quả đạt được trong những giai đoạn trước; biết tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, khắc phục yếu kém, nắm bắt nhanh công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa mạng lưới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ.

2. Về nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2006 - 2010:

Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam khẩn trương xây dựng kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó, xác định rõ vai trò là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực để ngành bưu chính, viễn thông Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; vì vậy, Tổng công ty cần tính toán đẩy mạnh đầu tư và nâng cao hơn một số chỉ tiêu về doanh thu, nộp ngân sách nhà nước để đạt mức độ tăng trưởng gấp khoảng 2 lần tăng trưởng GDP cả nước. Chú ý đánh giá đầy đủ những cơ hội và thách thức đặt ra trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu hơn, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, tính đến tốc độ phát triển rất nhanh của lĩnh vực bưu chính, viễn thông trên thế giới.

3. Về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp:

Xây dựng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thành một tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ đạo, và là lực lượng nòng cốt, chủ lực của ngành bưu chính, viễn thông, nắm những khâu then chốt nhất về bưu chính, viễn thông, chiếm thị phần chủ yếu thông qua việc cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng dịch vụ; đa dạng hóa dịch vụ và ngành nghề sản xuất, kinh doanh; đa dạng hóa sở hữu với sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Trước mắt, cần tập trung làm tốt những việc sau:

- Hội đồng quản trị Tập đoàn xây dựng Điều lệ tổ chức, hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (trong đó nêu rõ những vấn đề mới so với quy định của pháp luật hiện hành cần thí điểm), lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Căn nhắc kỹ việc thành lập các Tổng công ty Viễn thông I, II, III để có hiệu quả nhất (xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập này).

- Đẩy mạnh cổ phần hóa các đơn vị thành viên không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn, nhất là các bộ phận doanh nghiệp trực thuộc Bưu điện tỉnh, thành phố.

- Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẩn trương xây dựng phương án có tính nguyên tắc để cổ phần hóa Công ty Thông tin di động (VMS) và Công ty Dịch vụ viễn thông (GPC) một cách có hiệu quả nhất; trong đó: có thể đề xuất những giải pháp đặc thù trong thực hiện cổ phần hóa hai Công ty này) phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức bán đấu giá cổ phần, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược,…), trình Thủ tướng Chính phủ trong Qúy I năm 2006.

4. Về những kiến nghị của Tổng công ty:

a) Về đầu tư xây dựng cơ bản:

- Đối với các dự án đầu tư mở rộng hệ thống thiết bị hiện có nhằm tăng năng lực mạng lưới: cho phép Tổng công ty thực hiện theo các hình thức: đấu thầu hạn chế, chào thầu cạnh tranh hoặc chỉ định thầu trên cơ sở bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, có giá cả hợp lý.

- Đối với các dự án đầu tư chuyên ngành bưu chính, viễn thông chủ yếu là mua sắm, lắp đặt thiết bị trong nội bộ nhà trạm để mở rộng mạng lưới không ảnh hưởng đến quy hoạch xây dựng và không phải xin phép xây dựng thì giao Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định các thiết kế cơ sở.

- Không tăng thêm chủng loại tổng đài đã có trên mạng viễn thông. Cho phép Tổng công ty tổ chức đấu thầu để chọn mua thiết bị mới giữa 3 nhà thầu đang có thiết bị chính trên mạng viễn thông (đối với những địa phương đang có 3 chủng loại thiết bị trên mạng) hoặc chọn mua loại tổng đài có tính năng tốt hơn trong 2 loại hiện có (đối với những địa phương đang có 2 chủng loại thiết bị trên mạng).

- Đồng ý đề nghị của Tổng công ty về phương án quy hoạch lại chủng loại thiết bị của mạng di động tại một số khu vực cần thiết, Tổng công ty chủ động thực hiện theo phương án, bảo đảm đúng quy trình và giá cả hợp lý.

b) Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương giới thiệu địa điểm thay thế cho vị trí lô H7 Trung tâm Chính trị Ba Đình phù hợp và tương xứng với vị trí, vai trò của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và giải quyết các thủ tục cần thiết để sớm xây dựng được trụ sở Tập đoàn và Trung tâm Điều hành viễn thông.

c) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết đề nghị của Tổng công ty về cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận và được tăng tỷ lệ trích vào các quỹ theo hướng có lợi cho người lao động.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, PTTg Nguyễn Tấn Dũng;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động TB&XH, BCVT;
- Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- UBND thành phố Hà Nội;
- Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN;
- VPCP: BTCN, các PCN;
Các Vụ: TH, ĐMDN;
- Lưu: CN (3), VT.25

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM



 
Phạm Viết Muôn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 241/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam ngày 14 tháng 12 năm 2005 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 241/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 30/12/2005
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Viết Muôn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản