Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/2013/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2013

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Đức, ký tại Berlin, Đức ngày 13 tháng 3 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2013.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC VỀ MIỄN THỊ THỰC CHO NGƯỜI MANG HỘ CHIẾU NGOẠI GIAO

Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, sau đây gọi là "các Bên",

Với mong muốn tăng cường quan hệ song phương,

Xét tới tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ hữu nghị hiện nay và nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại tới lãnh thổ của nhau,

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1.

Công dân của một Bên mang hộ chiếu ngoại giao còn giá trị do một Bên của Hiệp định này cấp, không phải là người được bổ nhiệm hoặc cử sang công tác nhiệm kỳ trên lãnh thổ của Bên kia, được nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và xuất cảnh miễn thị thực trên lãnh thổ của Bên kia với thời hạn chín mươi (90) ngày (trong một hoặc nhiều giai đoạn khác nhau) trong vòng sáu (6) tháng, kể từ ngày nhập cảnh (đối với công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày nhập cảnh đầu tiên vào khu vực Schengen). Những người này không được phép thực hiện các hoạt động có thu nhập mà theo quy định pháp luật của các Bên phải có giấy phép lao động.

Điều 2.

1. Hiệp định này không miễn thị thực của Bên tiếp nhận đối với những người mang hộ chiếu ngoại giao được bổ nhiệm làm thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ của Bên đó, cũng như thành viên gia đình họ trước khi nhập cảnh.

2. Sau khi được bổ nhiệm, những người nói trên được miễn thị thực nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và xuất cảnh lãnh thổ của Bên tiếp nhận trong suốt nhiệm kỳ công tác.

3. Hiệp định này không ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ quy định trong Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao ngày 18/4/1961 hoặc Công ước Viên về Quan hệ Lãnh sự 24/4/1963.

Điều 3.

Những người nêu tại Điều 1 và Điều 2 Hiệp định này được nhập cảnh, xuất cảnh lãnh thổ Bên kia qua các cửa khẩu dành cho khách quốc tế.

Điều 4.

Hiệp định này không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của những người nêu tại Điều 1 và Điều 2 nói trên phải tuân thủ pháp luật hiện hành của Bên tiếp nhận.

Điều 5.

Hiệp định này không ảnh hưởng đến quyền của các cơ quan chức năng của mỗi Bên được từ chối nhập cảnh hoặc cấm cư trú đối với những người bị tuyên bố là không được hoan nghênh hoặc không đáp ứng các điều kiện về nhập cảnh và cư trú theo pháp luật quốc gia, pháp luật châu Âu và pháp luật quốc tế.

Điều 6.

1. Vì lý do an ninh quốc gia và trật tự công cộng, mỗi Bên có quyền đình chỉ việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần Hiệp định này.

2. Bên kia phải được thông báo qua đường ngoại giao về việc đình chỉ Hiệp định này chậm nhất 72 giờ trước khi quyết định đình chỉ có hiệu lực.

3. Việc đình chỉ Hiệp định này không ảnh hưởng đến quyền của những người nêu tại Điều 1 và Điều 2 Hiệp định này đang có mặt trên lãnh thổ của các Bên.

Điều 7.

1. Các Bên trao đổi, qua đường ngoại giao mẫu hộ chiếu ngoại giao chậm nhất 30 ngày trước khi Hiệp định này có hiệu lực.

2. Nếu một Bên đưa vào sử dụng loại hộ chiếu ngoại giao mới hoặc sửa đổi loại hộ chiếu ngoại giao hiện hành, thì Bên đó phải cung cấp cho Bên kia qua đường ngoại giao mẫu của loại hộ chiếu này chậm nhất 30 ngày trước ngày loại hộ chiếu mới hoặc các sửa đổi có hiệu lực. Các Bên sẽ áp dụng các tiêu chuẩn đối với hộ chiếu đọc được bằng máy theo khuyến nghị của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

3. Các Bên sẽ thông báo cho nhau về bất kỳ thay đổi nào trong pháp luật quốc gia liên quan đến việc cấp hộ chiếu ngoại giao chậm nhất 30 ngày trước khi quy định mới có hiệu lực.

4. Trong trường hợp hộ chiếu ngoại giao bị mất, bị đánh cắp hoặc bị hủy giá trị, các Bên phải thông báo ngay cho nhau.

5. Các Bên hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ chống làm giả giấy tờ đi lại.

Điều 8.

Các bên có thể thỏa thuận sửa đổi Hiệp định này dưới hình thức Nghị định thư bổ sung hoặc trao đổi công hàm ngoại giao; những văn bản này là một phần không tách rời của Hiệp định này.

Điều 9.

Mọi khác biệt và bất đồng trong việc giải thích các quy định của Hiệp định này được giải quyết thông qua tham vấn hoặc đàm phán giữa các Bên qua đường ngoại giao.

Điều 10.

1. Hiệp định này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày các Bên ký kết thông báo cho nhau về việc đã đáp ứng các điều kiện trong nước để Hiệp định có hiệu lực, và nếu cần thiết về việc đã hoàn tất các thủ tục nội luật. Ngày để tính là ngày nhận được thông báo sau cùng.

2. Hiệp định này duy trì hiệu lực cho tới khi một trong các Bên tuyên bố hủy; Hiệp định hết hiệu lực sau 3 tháng kể từ ngày nhận được thông báo về việc hủy bỏ. Thông báo này không cần nêu các cơ sở pháp lý.

3. Ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tiến hành việc đăng ký Hiệp định này với Ban Thư ký của Liên Hợp Quốc, phù hợp với quy định tại Điều 102 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ được thông báo trong thời gian sớm nhất về việc đăng ký và số đăng ký của Liên hợp quốc, sau khi Ban Thư ký Liên Hợp quốc xác nhận việc đăng ký.

Làm tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức ngày 13 tháng 3 năm 2013 thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Đức và tiếng Anh; tất cả 03 văn bản đều có giá trị. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau giữa văn bản tiếng Việt và tiếng Đức, văn bản tiếng Anh được dùng làm cơ sở đối chiếu.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN




TS Nguyễn Thị Hoàng Anh

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HÒA
LIÊN BANG ĐỨC
BỘ TRƯỞNG QUỐC VỤ
BỘ NGOẠI GIAO



Cornelia Pieper

 

BIÊN BẢN

KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC VỀ MIỄN THỊ THỰC CHO NGƯỜI MANG HỘ CHIẾU NGOẠI GIAO

Nhân dịp ký kết Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hai bên ký kết tuyên bố hoàn thành sớm nhất có thể các thủ tục trong nước để Hiệp định có hiệu lực theo điều 10, khoản 1.

Làm tại Berlin, ngày 13 tháng 3 năm 2013 thành 2 (hai) bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Đức, mỗi văn bản đều có giá trị như nhau.

 

THỪA ỦY QUYỀN
CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN




TS Nguyễn Thị Hoàng Anh

THỪA ỦY QUYỀN
CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA
LIÊN BANG ĐỨC
BỘ TRƯỞNG QUỐC VỤ
BỘ NGOẠI GIAO



Cornelia Pieper

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao giữa Việt Nam và Đức

  • Số hiệu: 51/2013/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 13/03/2013
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Thị Hoàng Anh, Cornelia Pieper
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 785 đến số 786
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản