Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 370/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THÀNH LẬP, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP VÀ THỦ TỤC ĐẦU TƯ

Ngày 10 tháng 9 năm 2014, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp (đăng ký doanh nghiệp) và thủ tục đầu tư. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Tài chính, Công an, Tư pháp và Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, ý kiến của đại diện các Bộ, cơ quan dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

1. Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cải cách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua, đã chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thủ tục đầu tư; đồng thời, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, từng bước xóa bỏ các rào cản đối với môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp và thủ tục đầu tư vẫn còn một số hạn chế: các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh chưa đồng bộ. tạo ra cách hiểu, áp dụng khác nhau; thủ tục hành chính còn phức tạp; quy trình một cửa liên thông thực hiện thủ tục đầu tư chưa thống nhất, thuận lợi; sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết các thủ tục chưa đạt hiệu quả cao; nhận thức về cải cách hành chính, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện thủ tục hành chính còn hạn chế, vẫn còn tình trạng tùy tiện trong thực hiện thủ tục, gây phiền hà, chưa bảo đảm thời gian giải quyết thủ tục theo quy định; thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp và thủ tục đầu tư đã có nhiều cải tiến đáng kể, nhưng còn chậm so với yêu cầu, còn nhiều tiềm năng để cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là thủ tục đầu tư.

2. Với yêu cầu tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh là người dân, doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, thực hiện chủ trương Chính phủ thực hiện chức năng kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, xác định rõ mục tiêu quản lý không phải là giảm vai trò quản lý nhà nước, mà là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bằng việc hoàn thiện thể chế gắn với cải cách hành chính, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 là cải cách thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Để triển khai đồng bộ các yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể sau đây:

a) Về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) theo định hướng đã được Chính phủ thông qua, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng giảm 50% thời gian đăng ký thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp so với thời gian trung bình hiện nay trước ngày 31 tháng 12 năm 2014:

- Rà soát toàn diện, kiên quyết bãi bỏ, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; bảo đảm các thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện; công khai hồ sơ, quy trình nghiệp vụ thực hiện đối với từng thủ tục; giảm bớt thủ tục bắt buộc phải cấp phép, chuyển sang công bố công khai điều kiện để người dân, doanh nghiệp chủ động đáp ứng, tuân thủ điều kiện theo quy định, đồng thời tăng cường trách nhiệm hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước.

- Đa dạng hóa các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục, điều kiện chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi, linh hoạt cho doanh nghiệp tái cơ cấu, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp.

- Hoàn thiện quy trình, thủ tục giải thể doanh nghiệp bảo đảm rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Thống nhất một đầu mối, xây dựng quy trình liên thông trong giải quyết thủ tục giải thể doanh nghiệp, thực hiện đồng thời các thủ tục quyết toán thuế và các thủ tục khác, trong đó xác định rõ trách nhiệm và thời hạn cụ thể của doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục này.

- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý doanh nghiệp trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, đặc biệt đối với doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện; hoàn thiện chế tài đủ sức răn đe, ngăn chặn doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

- Khẩn trương hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, vận hành thông suốt Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, nhân rộng mô hình liên thông điện tử trong việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và các thủ tục hành chính khác; đẩy mạnh chia sẻ, kết nối, trao đổi trực tuyến thông tin về đăng ký thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, xử lý vi phạm của doanh nghiệp; từng bước thống nhất quản lý doanh nghiệp trong các lĩnh vực bằng một mã số doanh nghiệp duy nhất, gắn với triển khai các giải pháp tăng cường sử dụng dịch vụ hành chính công điện tử.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào vận hành hệ thống cấp mã số doanh nghiệp tự động; nghiên cứu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi quy định về thuế môn bài.

Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử.

b) Về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, hoàn thiện Luật đầu tư (sửa đổi) theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định hiện hành theo hướng: quy định rõ các ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan đầu mối giải quyết thủ tục đầu tư có liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều Bộ, ngành, cơ quan liên quan; nguyên tắc liên thông, thực hiện đồng thời các thủ tục đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án đầu tư; thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận địa điểm; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, hồ sơ, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; tăng cường hậu kiểm để bảo đảm quản lý nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định hiện hành về quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ; xây dựng dự án Luật quy hoạch theo hướng xác định cụ thể các loại quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của các quy hoạch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định chưa hợp lý trong quy trình thẩm định dự án đầu tư về: báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; giảm thời gian, đơn giản hóa các thủ tục giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất đối với doanh nghiệp; rút ngắn tối đa thời gian thẩm định thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng; thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy theo hướng quy định rõ các tiêu chí, điều kiện và tăng cường hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành thông tư liên tịch xây dựng quy trình liên thông về thủ tục tiếp cận điện năng để giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình liên thông, thống nhất trong thực hiện thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch, phòng cháy chữa cháy, môi trường, thuế, điều kiện kinh doanh; thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả, thông suốt, thực hiện đồng thời các thủ tục đầu tư; hạn chế thẩm tra lại và thừa nhận kết quả của nhau giữa các cơ quan nhà nước; giảm mạnh thời gian hoàn thành thủ tục một dự án so với hiện nay, thực hiện thống nhất trong cả nước tại thời điểm Luật đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Các Bộ chủ động phối hợp ban hành thông tư, thông tư liên tịch về phối hợp, thẩm định, thẩm tra đồng thời trong việc thực hiện các thủ tục, xử lý dứt điểm các vướng mắc trong phối hợp thực hiện các thủ tục có liên quan, vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

c) Các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung triển khai các nhiệm vụ:

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong đó trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tập trung chỉ đạo ngành, địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về yêu cầu nâng cao nhận thức và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, hướng đến nền hành chính phục vụ, kiến tạo, hỗ trợ, tạo động lực khơi dậy các nguồn lực đầu tư, kinh doanh và hoàn thiện thể chế cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài;

Thường xuyên rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật theo hướng kiên quyết bãi bỏ, cắt giảm những điều kiện, thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, gây khó khăn, chậm trễ, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; chỉ giữ lại những quy định, thủ tục mà Nhà nước nhất thiết phải quản lý để bảo vệ lợi ích quốc gia, cộng đồng; ngăn chặn hiệu quả những hoạt động có thể gây thiệt hại cho đất nước, nền kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn và môi trường sống của người dân. Những quy định và thủ tục tiếp tục thực hiện phải được xem xét, sửa đổi bảo đảm rõ ràng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện cho doanh nghiệp và người dân.

Công bố công khai đến người dân, doanh nghiệp các thủ tục hành chính, thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng, các điều kiện đầu tư, kinh doanh; phát triển quỹ đất có sẵn quy hoạch, hạ tầng phù hợp với nhu cầu cho doanh nghiệp đầu tư; khai thác hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để giảm số doanh nghiệp phải tự thực hiện các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng.

Tăng cường tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định về thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Tập trung chỉ đạo triển khai, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Khẩn trương tổ chức thực hiện cải cách hành chính về đăng ký doanh nghiệp và thủ tục đầu tư gắn với thực hiện đồng bộ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, thuế, hải quan, tiếp cận điện, bảo hiểm xã hội, lao động, công đoàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thủ tục đầu tư; kiên quyết thay thế ngay những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây cản trở, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp và thủ tục đầu tư.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN,
- Trợ lý, Thư ký TTg. các PTTg; các Vụ: ĐMDN, KTTH, KTN, TCCV, V.III, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, PL(3). PC

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Nên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 370/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp và thủ tục đầu tư do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 370/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 18/09/2014
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Nên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản