Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 365/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2019 |
Ngày 01 tháng 10 năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra thực địa Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III, thành phố Hà Nội và hợp về tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị và các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tham dự đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020 đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, với một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn. Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng trong phát triển hạ tầng giao thông. Thành phố đã phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chú trọng lập kế hoạch và triển khai các dự án giao thông trọng điểm bằng nhiều nguồn vốn, từ đó làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân và tạo hình ảnh đẹp của Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, do xu hướng chuyển dịch dân cư, tập trung hóa đô thị ngày càng gia tăng, đang tạo ra những thách thức lớn gây áp lực lên hạ tầng giao thông, nhà ở... dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và sức khỏe người dân; trong khi một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đã bị chậm tiến độ, chưa đáp ứng yêu cầu.
Để khắc phục tình trạng trên, tạo điều kiện phát triển Thủ đô bền vững, thành phố Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, tiếp tục rà soát quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để điều chỉnh đáp ứng các yêu cầu mới, trong đó tập trung phát triển các khu đô thị có hệ thống kết cấu hạ tầng, dịch vụ đồng bộ, hiện đại để thu hút người dân, góp phần giảm áp lực dân số lên khu vực nội đô..đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch theo Luật quy hoạch; đồng thời, kiểm soát tốt dân số; xây dựng nhà ở và hệ thống hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch; tổ chức lại giao thông phù hợp; trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch hóa đầu tư giai đoạn 2020 - 2030, xác định rõ cơ cấu nguồn vốn từng dự án, cơ chế huy động vốn..., chủ động đề xuất thể chế, cơ chế thích hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; tập trung chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng... Đối với các dự án đang thực hiện, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết vướng mắc từng dự án.
1. Đối với các dự án đường sắt đô thị
Theo quy hoạch, trên địa bàn Hà Nội có 08 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 40 tỷ USD. Để giải quyết triệt để ùn tắc giao thông phải có hệ thống giao thông đồng bộ; trong đó hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò quan trọng. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và nợ công đang ở mức cao, nên cần huy động các phương án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, ưu tiên nguồn lực nội địa để đầu tư.
Đối với 04 Dự án đường sắt đô thị đang triển khai đầu tư đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ như sau:
a) Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 3) đoạn Nhổn - ga Hà Nội
Đánh giá cao nỗ lực của Thành phố thúc đẩy tiến độ Dự án trong thời gian qua; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện, phấn đấu hoàn thành Dự án trong năm 2021. Do Dự án phải điều chỉnh; vì vậy, yêu cầu:
- Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, xử lý, trình cấp có thẩm quyền gia hạn, bổ sung hiệp định vay kịp thời và theo đúng quy định pháp luật.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xem xét bố trí vốn năm 2019 và những năm tiếp theo, xử lý kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc bổ sung kế hoạch vốn ODA cho Dự án theo đúng quy định.
- Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn chủ đầu tư một số vấn đề liên quan đến hợp đồng, công tác nghiệm thu bàn giao.
b) Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo
- Về việc điều chỉnh Dự án: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục về điều chỉnh Dự án theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 131/2015/NĐ-CP hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia và các quy định pháp luật có liên quan như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 8126/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 14 tháng 11 năm 2018.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9 để Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại văn bản số 8240/VPCP-CN ngày 12 tháng 9 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ.
c) Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên - Ngọc Hồi
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì họp về kế hoạch thực hiện và trình tự, thủ tục điều chỉnh Dự án (văn bản số 8282/VPCP-QHQT ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ).
d) Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông:
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tích cực thực hiện công tác chuẩn bị tiếp nhận vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, Dự án có nhiều vướng mắc, bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện gây bức xúc trong dư luận. Yêu cầu:
- Tổng thầu khẩn trương thực hiện đúng quy định về hồ sơ thiết kế Dự án được duyệt, cung cấp đầy đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống theo đúng quy định.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản số 8736/VPCP- CN ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ.
- Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư cùng với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tổng thầu, tư vấn tập trung hoàn thiện việc đánh giá chất lượng và thủ tục hoàn thành Dự án theo đúng quy định pháp luật.
- Hội đồng nghiệp thu nhà nước phối hợp với tư vấn sớm đánh giá kết luận nghiệm thu công trình theo đúng quy định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (với vai trò cơ quan tiếp nhận và quản lý khai thác Dự án này) cùng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm việc với chủ đầu tư, tổng thầu, tư vấn rà soát để đẩy nhanh việc chứng nhận an toàn hệ thống và có đủ các điều kiện theo đúng quy định để đưa dự án vào khai thác, bảo đảm sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.
2. Đối với các dự án giao thông trọng điểm khác
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch.
- Đối với các dự án giao thông vành đai 3, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công, thực hiện, hoàn thành các dự án đúng và vượt tiến độ đề ra. Đối với số vốn còn dư của Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III, Bộ Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để đề xuất phương án sử dụng hiệu quả nhất theo đúng quy định pháp luật (có thể xem xét để mở rộng tuyến giao thông vành đai 3 nối tiếp cầu Thăng Long đi sân bay Nội Bài).
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Quyết định 2053/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2055/QĐ-TTg năm 2015 Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 9946/VPCP-KTN năm 2015 thực hiện Dự án về tổ chức hệ thống kiểm soát giao thông đường bộ, xây dựng các trạm Cảnh sát giao thông trên quốc lộ trọng điểm, trạm Cảnh sát giao thông cửa ô các thành phố trực thuộc Trung ương (Dự án 1 thuộc Đề án 334) do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 5261/BNN-TCLN năm 2022 triển khai, hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng tuyến đường giao thông trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái và các địa phương trong vùng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Nghị định 131/2015/NĐ-CP hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia
- 2Quyết định 2053/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 2055/QĐ-TTg năm 2015 Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 9946/VPCP-KTN năm 2015 thực hiện Dự án về tổ chức hệ thống kiểm soát giao thông đường bộ, xây dựng các trạm Cảnh sát giao thông trên quốc lộ trọng điểm, trạm Cảnh sát giao thông cửa ô các thành phố trực thuộc Trung ương (Dự án 1 thuộc Đề án 334) do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Luật Quy hoạch 2017
- 6Công văn 8240/VPCP-CN năm 2019 về phương án thiết kế, thi công ga C9 thuộc Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Công văn 5261/BNN-TCLN năm 2022 triển khai, hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng tuyến đường giao thông trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái và các địa phương trong vùng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Thông báo 365/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 365/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 15/10/2019
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Cao Lục
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra