VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 267/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP VỚI BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP NĂM 2012 VÀ 5 NĂM 2011-2015
Ngày 29 tháng 10 năm 2011, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp năm 2012 và 5 năm 2011-2015. Tham dự cuộc họp có các đồng chí lãnh đạo Bộ, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:
1. Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 2006-2010
a) Ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng GDP bình quân toàn ngành đạt 3,35%/năm, vượt mức so với mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ X đề ra là 3-3,2%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành bình quân là 5,15%/năm so với chỉ tiêu kế hoạch là 4,5%/năm. Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng tăng giá trị, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Một số chỉ tiêu năm 2010 so với năm 2005 đạt được như sau:
Năng suất lúa đạt 53,2 tạ/ha, tăng 4,3 tạ/ha; sản lượng lúa đạt gần 40 triệu tấn, tăng 4,15 triệu tấn; diện tích cây có hạt tăng gần 260 ngàn ha, sản lượng đạt 44,6 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn. Giá trị sản phẩm trồng trọt thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 23,6 triệu đồng/ha lên 54,6 triệu đồng/ha, tăng 2,3 lần. Cây công nghiệp lâu năm phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất, sản lượng; sản lượng cà phê tăng 46,9%, cao su tăng 59,7%, chè tăng trên 44%, điều tăng gần 21%.
Giá trị ngành chăn nuôi tăng 7%/năm, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 19% lên 21,6%; bước đầu hình thành chăn nuôi quy mô trang trại, theo phương thức công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao hiệu quả.
Sản lượng thủy sản tăng 1,66 triệu tấn; cơ cấu ngành thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng sản lượng nuôi trồng, tỷ trọng giá trị nuôi trồng tăng từ 59,2% lên 65,7%, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha diện tích mặt nước tăng từ 42,5 triệu đồng/ha lên 103 triệu đồng/ha, tăng gấp 2,4 lần; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD, tăng 1,658 tỷ USD, một số mặt hàng xuất khẩu đã có thương hiệu và có thị phần khá trên thế giới.
Ngành lâm nghiệp đạt giá trị sản xuất tăng bình quân 3,1%/năm so với chỉ tiêu kế hoạch 2,3%/năm, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, độ che phủ rừng đạt 39,5%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản tăng cao, đạt 2,89 tỷ USD/năm, tăng bình quân 16,1%/năm, đưa gỗ chế biến thành mặt hàng xuất khẩu lớn, có thương hiệu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nghề rừng.
Công nghiệp chế biến được chú trọng, gắn với vùng nguyên liệu, có bước phát triển mạnh cả về quy mô và mức độ hiện đại hóa; giá trị chế biến nông, lâm sản chiếm 28,1% trong cơ cấu giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp cả nước; tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn tăng từ 17% lên 24,3% đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tỷ lệ cơ giới hóa tăng mạnh, tưới tiêu nước đạt 90%, làm đất lúa đạt 75%, cây trồng cạn đạt 70%, tuốt lúa trên 90%, thu hoạch lúa 25%, gieo sạ 25%, xay xát 95%, thi công công trình thủy lợi 100%.
Về công tác quản lý nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành và đang triển khai thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 tại các Tổng cục, Cục; xây dựng kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chiến lược phát triển một số ngành; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Thời kỳ 2006-2010, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tăng nguồn vốn ngân sách đầu tư và có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn. Kết quả lớn nhất của ngành trong thời kỳ này chính là đổi mới tư duy trong nông nghiệp từ Bộ tới các địa phương và người nông dân, đó là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa có thể làm giàu, nông nghiệp còn nhiều tiềm năng và lợi thế để tiếp tục phát triển có hiệu quả.
b) Bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế. Đó là, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm; năng suất, chất lượng hiệu quả một số sản phẩm còn thấp, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chậm đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở nhiều vùng nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng ngày càng lớn; nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đang là vấn đề bức xúc.
2. Kế hoạch phát triển ngành 2011-2015
a) Thực hiện kế hoạch năm 2011: Theo đánh giá sơ bộ, hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành đều đạt khá, góp phần tích cực vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng chung của nền kinh tế. Giá trị sản xuất tăng trên 4%; sản lượng lúa đạt 41,5 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn, sản lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 7 triệu tấn; chăn nuôi tiếp tục phát triển, sản lượng thịt hơi đạt 4,25 triệu tấn, tăng 5,7% và nhờ các biện pháp chỉ đạo quyết liệt những tháng cuối năm, đã góp phần tăng nguồn cung, giảm giá thực phẩm, góp phần làm giảm chỉ số giá chung. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 25 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2010.
b) Năm 2012, bên cạnh mục tiêu, giải pháp đã báo cáo, Bộ cần tập trung chỉ đạo: tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của ngành; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành cho phù hợp với tình hình thực tế; phát huy trí tuệ, tập trung chỉ đạo, bảo đảm xây dựng có chất lượng các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; có giải pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt, bảo đảm thời vụ sản xuất lúa đông xuân 2011-2012, quy hoạch bờ bao chống lũ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ sản xuất, bố trí lại cơ cấu cây vụ đông ở các tỉnh phía Bắc; rà soát các dự án ưu tiên đầu tư để bố trí vốn theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ; xem xét, có cơ chế đối với các dự án có khả năng kêu gọi các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để thu hút vốn. Xem lại chỉ tiêu giá trị xuất khẩu toàn ngành năm 2012 để vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế, vừa là yêu cầu nhiệm vụ của ngành phải nỗ lực phấn đấu và chỉ đạo để thực hiện.
c) Để tiếp tục thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2011-2015, ngoài các giải pháp đã báo cáo, Bộ cần chỉ đạo nghiên cứu, phân tích, đánh giá thêm một số thách thức, tác động, ảnh hưởng đến quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đó là, nền nông nghiệp và kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập sâu vào kinh tế thế giới; kinh tế thế giới đang có khó khăn, phục hồi chưa rõ; các nước có xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, trong khi nước ta đang xuất siêu về sản phẩm nông nghiệp; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đang tác động lớn và trực tiếp tiếp đến nông nghiệp; dịch bệnh gây hại trên gia súc, gia cầm, thủy sản, cây trồng và biến thể của vi rút gây bệnh; nguồn lực, nhất là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các dự án, công trình thiết yếu; xu thế tăng trưởng của ngành giảm trong khi giá cả vật tư, dịch vụ đầu vào tăng, năng xuất lao động thấp.
Để thực hiện mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng từ 2,6%-3%/năm và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành, chuyển đổi cơ cấu đầu tư, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; có giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ một phần từ ngân sách để tạo động lực hấp dẫn thu hút các nhà doanh nghiệp đầu tư, liên kết với hộ nông dân sản suất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng và quyết định để gia tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, do đó từng ngành phải đặt ra các chỉ tiêu, có giải pháp cụ thể, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Tiếp tục thực hiện các dự án đang triển khai để sớm phát huy hiệu quả và lựa chọn các dự án trọng điểm cần ưu tiên đầu tư đối với các dự án giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Trong giai đoạn tới, cần đổi mới tư duy của ngành nông nghiệp theo hướng phát triển làm giàu, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và coi đây là cuộc vận động sâu rộng, mạnh mẽ để người sản xuất và doanh nghiệp cùng tổ chức thực hiện. Chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá năng lực cạnh tranh của từng loại sản phẩm nông nghiệp nước ta so với các nước và khai thác lợi thế so sánh để phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi...) theo quy định của pháp luật, có giải pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về chất lượng.
3. Về một số kiến nghị:
- Đối với các kiến nghị về chính sách đặc thù khuyến khích áp dụng công nghệ cao; khuyến khích đầu tư vào chế biến; áp dụng VietGAP; chăn nuôi có kiểm soát ở các địa phương miền núi, đồng bằng sông Cửu Long; tăng đầu tư cho các chương trình giống, khuyến nông và phát triển nuôi trồng thủy sản; bố trí vốn thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hệ thống thủy lợi nội đồng; vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét xử lý hoặc xây dựng các đề án cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.
- Cơ sở chế biến gỗ đặt gần các khu rừng tự nhiên thuộc diện kinh doanh có điều kiện: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.
- Nguồn vốn hỗ trợ cho việc khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất rừng, chuyển từ vốn đầu tư phát triển sang vốn sự nghiệp kinh tế: Đồng ý đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
- Kinh doanh tín chỉ Carbon từ rừng: Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 2378/VPCP-KTN ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ về chủ trương liên kết phát triển kinh doanh tín chỉ Carbon trên thị trường quốc tế.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Chỉ thị 6771/CT-BNN-KH năm 2014 xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Thông báo 468/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nhiệm vụ cấp bách, khó khăn cần tháo gỡ trong lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 6771/CT-BNN-KH năm 2014 xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Thông báo 468/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nhiệm vụ cấp bách, khó khăn cần tháo gỡ trong lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 267/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp năm 2012 và 5 năm 2011-2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 267/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 04/11/2011
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Văn Trọng Lý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/11/2011
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định