Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2016

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2015, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2016 CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TOÀN QUỐC

Ngày 15 tháng 01 năm 2016, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 của lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì, cùng dự có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo và ý kiến tham luận của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phát biểu chỉ đạo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Năm 2015, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sự chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc đã làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phát hiện, xử lý gần 104 nghìn vụ vi phạm, tăng hơn 11% so với năm 2014, thu nộp ngân sách gần 460 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2014, góp phần tạo chuyển biến tích cực trên lĩnh vực này.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của Bộ Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường cả nước.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp; các loại hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi; gian lận về giá, về đo lường với những thủ đoạn tinh vi vẫn đang diễn ra khá phổ biến.

II. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2016

Cơ bản đồng ý với dự thảo báo cáo của Bộ Công Thương và ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị. Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được chuyển biến tích cực hơn nữa, Bộ Công Thương cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung làm tốt một số công việc sau:

1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; lực lượng Quản lý thị trường phải phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong công tác này trên thị trường nội địa, đảm bảo các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận về giá, về đo lường phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

2. Tham gia hoàn thiện Dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường để nâng cao vị trí pháp lý, làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường; trước mắt, cần củng cố lực lượng theo hướng chuyên sâu, vững về chuyên môn, nghiệp vụ; xác định, phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn kết quả hoạt động của cơ quan, đơn vị với trách nhiệm của người đứng đầu; chú trọng giáo dục về chính trị, tư tưởng; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ để phòng, chống tiêu cực; đảm bảo nội bộ trong sạch, kiên quyết chống việc bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả.

3. Chủ động phối hợp tốt với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Thuế, Hải quan, Thanh tra chuyên ngành, các Hiệp hội ngành nghề để làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc địa bàn, đối tượng, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý, tránh tình trạng kiểm tra tràn lan, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân buôn bán hợp pháp; mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề, đảm bảo triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa.

4. Phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng nhận biết hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng và các mặt nguy hại để người dân không tiếp tay, không vận chuyển, không mua bán, sử dụng các loại hàng này; tiếp tục mở rộng, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không gian lận thương mại.

5. Qua hoạt động thực tiễn, tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, các quy trình nghiệp vụ còn bất cập, sơ hở nhằm nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

6. Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ Công Thương phải phối hợp thường xuyên với Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Bộ, ngành liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình cung cầu hàng hóa để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, ở vùng sâu, vùng xa; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.

III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

1. Về xử lý các hạn chế, bất cập từ thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính: Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ.

2. Về việc thành lập Đội quản lý thị trường cơ động trực thuộc Cục Quản lý thị trường: Yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thu tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Văn bản số 8050/VPCP-V.I ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.

3. Về việc bổ sung thêm biên chế, kinh phí, trang thiết bị, trụ sở làm việc cho lực lượng Quản lý thị trường:

- Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, bố trí kinh phí để mua sắm một số phương tiện, trang thiết bị thiết yếu cho lực lượng Quản lý thị trường một số địa phương, địa bàn trọng điểm.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm củng cố tổ chức, sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc cho lực lượng Quản lý thị trường để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

4. Về bổ sung biên chế cho lực lượng Quản lý thị trường: Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Về hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng và quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong Quý I năm 2016.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Nội vụ, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc VN;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương);
- VP Thường trực BCĐ 389 quốc gia;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: PL, NC, KTTH, TCCV, V.III, TH;
- Lưu: VT, V.I (3). ĐVD.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Kiều Đình Thụ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 21/TB-VPCP năm 2016 ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 của lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 21/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 21/01/2016
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Kiều Đình Thụ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản