Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 196/TB-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 09 năm 1985

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC HUY ĐỘNG KIỀU HỐI

Ngày 21-8-1985, đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Võ Danh, thay mặt Thường trực UBND Thành phố chủ trì cuộc họp triển khai chỉ thị 33/CT-UB về công tác huy động kiều hối của Thành phố. Tham dự cuộc họp có đại diện: Ban Việt kiều thành phố, Tổng Công ty xuất nhập khẩu Thành phố, Chi nhánh Ngân hàng ngoại thương, Hải quan thành phố, Sở Tài chánh, Ủy ban Kế hoạch Thành phố, Trung tâm phát triển xuất khẩu, Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp, Công ty dịch vụ thành phố, Ban Tổ chức chánh quyền, Ban Kinh tế Thành ủy và các quận huyện.

Sau khi nghe Ban Việt kiều thành phố, Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố báo cáo tình hình công tác huy động kiều hối và các đơn vị phát biểu ý kiến, Thường trực UBND Thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau:

I. Để thực hiện công tác huy động kiều hối đòi hỏi phải có quỹ hàng hóa và quỹ tiền mặt khá lớn. Vì vậy, Thường trực UBND Thành phố đã cân nhắc và chủ trương sửa lại việc phân công đơn vị thực hiện công tác huy động kiều hối ở Chỉ thị số 33/CP-UB ngày 17-7-1985 của UBND Thành phố (Mục II trang 4) như sau:

1. Ban Việt kiều thành phố (Công ty dịch vụ Việt kiều) triển khai việc phổ biến đến các hội, chi hội, các công ty Việt kiều để vận động Việt kiều góp tiền góp vốn ngoại tệ và gởi nguyên vật liệu về nước, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

2. Các quận, huyện (Công ty cung ứng hàng xuất khẩu quận huyện) trực tiếp vận động thân nhân Việt kiều trong địa phương nhận gởi ngoại tệ, nguyên vật liệu, máy móc và góp phần đầu tư ở quận huyện trên tinh thần tự nguyện, tự giác.

3. Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố (Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ) với sự phối hợp chặt chẽ cùa Chi nhánh Ngân hàng ngoại thương thành phố là đầu mối giao dịch thống nhất phụ trách việc kinh doanh, quản lý, điều hành, kiểm tra việc huy động và chi trả kiều hối của thành phố gắn với tổ chức vận động ở nước ngoài và các quận huyện. Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố (Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ) được quyền nhập khẩu hàng theo kế hoạch và tổ chức bán hàng thu tiền mặt để phục vụ công tác chi trả kiều hối.

4. Các ngành được UBND Thành phố cho phép huy động kiều hối như: Sở Y tế, một số đơn vị của Sở công nghiệp, Sở Văn hóa và Thông tin, Báo Sài gòn giải phóng, chỉ được quyền tiếp tục huy động kiều hối, theo mục đích và phạm vi đã trình UBND Thành phố, và theo tinh thần của thông báo này.

II. VỀ TỶ GIÁ CHI TRẢ KIỀU HỐI VÀ GIÁ BÁN HÀNG:

- Tỷ giá chi trả kiều hối phải căn cứ vào mức quy định của cấp trên, có vận dụng phù hợp với hoàn cảnh của thành phố được tính toán trên cơ sở tỷ giá hàng xuất khẩu bình quân của thành phố (thời điểm chi trả) có tham khảo tỷ giá đô la và giá cả thị trường bên ngoài. Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố sớm cùng UB Vật giá thành phố nghiên cứu, đề xuất khung tỷ giá chi trả kiều hối để trình Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban quyết định.

- Về bán hàng: Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố cùng UB Vật giá thành phố định nguyên tắc tính toán giá mua bán các nhóm hàng của Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ để Công ty chủ động trong kinh doanh và quản lý chặt chẽ giá bán hàng trên cơ sở thống nhất giá mua bán với các đơn vị thành phố và có tham khảo giá thị trường bên ngoài.

III. VỀ PHÂN CHIA LỢI ÍCH VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG

Kết quả ngoại tệ nguyên liệu, vật tư, máy móc vận động gởi về theo thống kê địa chỉ kiều quyến các quận huyện được hưởng 50% ngoại tệ nhưng phải hoàn trả bằng tiền mặt cho Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ theo tỷ suất và chi phí thực tế mà Công ty đã chi ra.

Các quận huyện (Công ty cung ứng hàng xuất khẩu) tính toán chặt chẽ các nhu cầu nhập khẩu hàng và bàn phương án sản xuất cụ thể để tiến hành ký kết hợp đồng nhập khẩu và bán lại sản phẩm cho Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ. Khi lập các đơn hàng nhập, nhận hàng nhập, các quận huyện phải dựa vào khả năng vận động kiều quyến của quận huyện mình, đảm bảo thu được ngoại tệ không được kèm hàng, độn hàng.

IV. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố (Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ) cùng Ban Việt kiều thành phố có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể các quận huyện triển khai huy động kiều hối theo sự phân công nêu trên.

2. Các quận huyện đã chuẩn bị xong các điều kiện vận động kiều quyến trình UBND Thành phố xem xét chấp thuận cho tiến hành công tác huy động. Các quận huyện cần tăng cường bộ máy ở Công ty cung ứng hàng xuất khẩu quận huyện làm công tác huy động kiều hối, không nên mở ra tổ chức mới. Trong công tác vận động này, Công ty cung ứng hàng xuất khẩu quận huyện phải tiến hành trên tinh thần phục vụ, từng bước củng cố phát triển công tác trong phạm vi, khả năng cho phép: thủ tục đơn giản, nhanh gọn, thái độ hết sức khiêm tốn, nhã nhặn; không được ép buộc thân nhân Việt kiều đóng góp tránh gây dư luận không tốt trong quần chúng.

3. Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố (Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ) cùng với Ban Việt kiều thành phố bàn việc sử dụng các tổ chức, Công ty Việt kiều ở nước ngoài làm đại lý bên ngoài để huy động ngoại tệ của Việt kiều. Cần hợp đồng với các công ty, các nhóm Việt kiều có hoạt đông xuất nhập khẩu để công tác được triển khai thuận lợi.

4. Các quận huyện, các đơn vị được phân công huy động kiều hối phải chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật tỷ giá chi trả, giá bán hàng, tổ chức thực hiện công tác chặt chẽ chịu sự chỉ đạo thống nhất kinh doanh, quản lý của Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố (Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ giúp cho Tổng Công ty chỉ đạo).

5. Các ngành: Công an thành phố, Quản lý thị trường thành phố, Hải quan thành phố và các quận huyện tích cực đấu tranh với các hành vi huy động kiều hối lén lút bí mật ở thị trường bên ngoài. Các đơn vị sớm rà lại các tổ chức này để có biện pháp và đối sách đấu tranh cải tạo một cách kiên quyết và phù hợp.

6. Các đơn vị của Trung ương trong các tỉnh, thành phố bạn đang đóng tại thành phố cũng như các đơn vị thành phố chưa được Thường trực UBND Thành phố cho phép huy động kiều hối không được tiến hành công tác này tại thành phố.

7. Thường kỳ, hàng tuần, tháng, các đơn vị được phân công huy động kiều hối báo cáo tình hình công tác cho Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố (Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ) để tổng hợp báo cáo kịp thời cho Thường trực UBND Thành phố và các ngành chức năng. Trường hợp các đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác cần báo cáo ngay cơ quan chủ quản và Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố để giải quyết, nếu còn tồn tại chưa giải quyết được thì báo cáo Thường trực UBND Thành phố để có ý kiến chỉ đạo.

Thường trực UBND Thành phố xin thông báo các ý kiến chỉ đạo nói trên để các đơn vị có liên quan của thành phố và quận huyện tổ chức thực hiện công tác huy động kiều hối.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Võ Danh

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 196/TB-UB về việc triển khai công tác huy động kiều hối do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 196/TB-UB
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 24/09/1985
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Võ Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/09/1985
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản